Bộ trưởng nội vụ Phạm Thị Thanh Trà:

“Chủ động hướng dẫn,
đôn đốc triển khai
bảo đảm tiến độ,
hiệu quả”

Với vai trò là Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, Bộ Nội vụ đã tích cực tham mưu cho Chính phủ, phối hợp với các bộ, cơ quan Trung ương và chủ động đôn đốc các địa phương khẩn trương hoàn thiện Đề án “Sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025”. Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã dành cho Báo Nhân Dân hằng tháng cuộc trao đổi chung quanh vấn đề này.

Xin Bộ trưởng cho biết kế hoạch tổng thể của Bộ Nội vụ để triển khai đồng bộ Kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Chính phủ về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã?

Với chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, Bộ Nội vụ đã thành lập Tổ công tác của Bộ để thường trực thực hiện các nhiệm vụ về sắp xếp ĐVHC và giúp việc cho các thành viên Ban Chỉ đạo. Về kế hoạch tổng thể trong giai đoạn 2023-2025, Bộ sẽ tập trung vào 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm theo lộ trình.

Năm 2023, tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, quy định của pháp luật và công tác quy hoạch liên quan đến sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã; đôn đốc, hướng dẫn các tỉnh, thành phố tiến hành xây dựng Phương án tổng thể sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã của từng địa phương theo quy định của pháp luật. Nội dung này đã hoàn thành theo tiến độ, yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Năm 2024, tập trung cho công tác hướng dẫn, thẩm định Đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã của từng địa phương và chỉ đạo tổ chức khảo sát, đôn đốc, kiểm tra; kịp thời nắm bắt, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc để giải quyết hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội các Đề án và Nghị quyết về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã của từng địa phương (phấn đấu hoàn thành việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội các hồ sơ Đề án trước tháng 10/2024).

Ngay sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về sắp xếp ĐVHC của các địa phương, UBND các tỉnh, thành phố ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch thi hành, khẩn trương sắp xếp và kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC), viên chức, người lao động tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở ĐVHC cấp huyện, cấp xã sau sắp xếp; thực hiện chuyển đổi con dấu, các loại giấy tờ liên quan của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp do thay đổi địa giới, tên gọi của ĐVHC sau sắp xếp và tiến hành giải quyết chế độ, chính sách cho CBCC, viên chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư; sắp xếp lại, xử lý trụ sở, tài sản công...

Năm 2025, các tỉnh, thành phố sẽ tổ chức đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030 (trong đó có những ĐVHC hình thành sau sắp xếp giai đoạn 2023-2025). Trong năm này, các địa phương tiếp tục rà soát, tổ chức thực hiện Kế hoạch thi hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhất là giải quyết những vấn đề trọng tâm sau sắp xếp.

Cuối năm 2025, Bộ Nội vụ sẽ tham mưu Chính phủ tổ chức sơ kết việc thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025, làm cơ sở để tiếp tục thực hiện trong giai đoạn 2026-2030.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Hòa Khê (Thanh Khê, Đà Nẵng) tổ chức hội nghị lấy ý kiến phương án tên gọi của phường sau khi điều chỉnh địa giới hành chính.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Hòa Khê (Thanh Khê, Đà Nẵng) tổ chức hội nghị lấy ý kiến phương án tên gọi của phường sau khi điều chỉnh địa giới hành chính.

Theo Kết luận số 48/KL-TW của Bộ Chính trị, việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 còn một số hạn chế. Bộ Nội vụ có những giải pháp căn cơ nào để khắc phục trong thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025?

Việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 đã đạt được thành quả đáng ghi nhận và cơ bản đáp ứng các mục tiêu, yêu cầu mà Nghị quyết của Đảng đề ra. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện còn một số khó khăn, vướng mắc và hạn chế. Số lượng CBCC dôi dư sau sắp xếp lớn gây khó khăn cho các địa phương trong việc bố trí, sắp xếp cán bộ và thực hiện chính sách tinh giản biên chế; việc thực hiện các chính sách đặc thù đối với ĐVHC mới sau khi sắp xếp chưa kịp thời; xử lý trụ sở công dôi dư sau sắp xếp còn kéo dài; chất lượng đô thị ở một số ĐVHC đô thị được hình thành trên cơ sở sáp nhập với ĐVHC nông thôn chưa được bảo đảm... Do đó, trong quá trình xây dựng các văn bản quy định về sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2023-2030 và các văn bản pháp luật liên quan, Bộ Nội vụ phối hợp các bộ, cơ quan trung ương tham mưu đề xuất các quy định cụ thể nhằm khắc phục các hạn chế, vướng mắc, khó khăn nêu trên.

Trước hết tham mưu quy định 1 chương riêng (Chương III) trong Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kiện toàn tổ chức bộ máy và áp dụng chế độ chính sách đặc thù của ĐVHC hình thành sau sắp xếp. Trong đó, quy định rõ chế độ, chính sách đối với CBCC, viên chức, người lao động khi thực hiện sắp xếp ĐVHC; bên cạnh đó, trên cơ sở cân đối ngân sách của địa phương, HĐND cấp tỉnh có thể ban hành chính sách hỗ trợ đối với CBCC, viên chức, người lao động dôi dư của cơ quan, tổ chức do sắp xếp ĐVHC trên địa bàn. Sau sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã, các chế độ, chính sách đặc thù đối với người dân, CBCC, người lao động trên địa bàn tiếp tục được thực hiện ổn định như trước thời điểm thực hiện sắp xếp, hoặc tuỳ trường hợp được áp dụng theo nguyên tắc hưởng chế độ cao nhất cho đến khi cấp có thẩm quyền ban hành quyết định mới. UBND cấp tỉnh có trách nhiệm rà soát, công nhận theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền quyết định, công nhận việc hưởng các chế độ, chính sách đặc thù đối với ĐVHC trong thời hạn 3 năm sau sắp xếp. Ngân sách phân bổ cho ĐVHC hình thành sau sắp xếp được tính trên cơ sở cộng gộp định suất của các ĐVHC, của thôn, tổ dân phố trước khi thực hiện sắp xếp, trường hợp điều chỉnh một phần thì HĐND quyết định tỷ lệ phân bổ cụ thể; quy định cụ thể việc trình tự, thủ tục thực hiện rà soát, công nhận ĐVHC cấp xã khu vực III, khu vực II, khu vực I; thôn, tổ dân phố đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xã/huyện đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; vùng an toàn khu, xã an toàn khu, huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo, ĐVHC thuộc khu vực biên giới, miền núi, vùng cao, xã đảo; huyện, xã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động.

Để thực hiện sắp xếp và giải quyết tốt hơn số lượng CBCC, viên chức dôi dư do sắp xếp ĐVHC, Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành: Nghị định số 29/2023/NĐ-CP ngày 3/6/2023 về tinh giản biên chế, trong đó quy định cụ thể một số chính sách áp dụng đối với CBCC, viên chức cấp huyện, cấp xã tại các ĐVHC thực hiện sắp xếp nhằm khuyến khích đối tượng này thực hiện tinh giản biên chế, giải quyết số lượng dôi dư; Nghị định số 33/2023/NĐ-CP ngày 10/8/2023 quy định về CBCC cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, trong đó có quy định số lượng công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được tăng thêm so với mức quy định khi có tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số lớn.

Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 quy định ĐVHC đô thị hình thành sau sắp xếp phải đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng đô thị (về cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế-xã hội, loại đô thị, trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị), hạn chế tình trạng sắp xếp, sáp nhập ĐVHC nông thôn vào ĐVHC đô thị không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện của đô thị như giai đoạn 2019-2021.

Trong quá trình xây dựng Đề án sắp xếp ĐVHC thì UBND cấp tỉnh và các Bộ, cơ quan trung ương có đơn vị trực thuộc trên địa bàn phải đồng thời lập danh sách và dự kiến phương án sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công thuộc phạm vi quản lý; trong thời hạn 3 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đối với từng ĐVHC có hiệu lực thi hành phải hoàn thành việc sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công của cơ quan, đơn vị tại ĐVHC thực hiện sắp xếp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua các Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của các tỉnh Nam Định, Sóc Trăng và Tuyên Quang. Ảnh: Duy Linh

Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua các Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của các tỉnh Nam Định, Sóc Trăng và Tuyên Quang. Ảnh: Duy Linh

Trong quá trình thực hiện, Bộ Nội vụ đã giải đáp những kiến nghị, vướng mắc từ cơ sở về cơ chế chính sách, đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn như thế nào?

Thực hiện nhiệm vụ được phân công, Bộ Nội vụ đã chủ động nắm bắt thông tin, tình hình, kết quả thực hiện sắp xếp ĐVHC thông qua báo cáo bằng văn bản của các địa phương; tổng hợp từ kết quả các đoàn kiểm tra, khảo sát tại địa phương do Thành viên Ban Chỉ đạo chủ trì thực hiện và qua dư luận, các kênh thông tin đại chúng. Ngay sau khi nhận được phản ánh về khó khăn, vướng mắc, Bộ Nội vụ đã có văn bản gửi các bộ, cơ quan trung ương có liên quan đề nghị các đơn vị này kịp thời giải đáp các kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của địa phương liên quan đến ngành, lĩnh vực.

Đối với các vấn đề vượt thẩm quyền của Chính phủ, Bộ Nội vụ đã báo cáo Chính phủ và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, giải quyết theo thẩm quyền một số vướng mắc, khó khăn khi thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có 2 kết luận cụ thể tại Văn bản số 3691/TBKL-TTKQH ngày 23/5/2024 và Văn bản số 4097/TB-TTKQH ngày 26/7/2024 của Tổng Thư ký Quốc hội.

Bên cạnh đó, các bộ, cơ quan ngang Bộ đã tham mưu, trình Chính phủ các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn. Cụ thể, Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công (thay thế Nghị định số 167/2017/NĐ-CP và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP) để trình Chính phủ, trong đó có quy định về xử lý trụ sở công dôi dư sau sắp xếp ĐVHC. Bộ Xây dựng đang phối hợp Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan tham mưu, trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết quy định một số nội dung liên quan đến các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị, tiêu chuẩn của ĐVHC và phân loại ĐVHC. Đồng thời, các bộ, cơ quan trung ương trong phạm vi thẩm quyền đã và đang chủ động hướng dẫn các địa phương thực hiện các quy trình, thủ tục và nội dung có liên quan, bảo đảm tiến độ và hiệu quả của công tác sắp xếp ĐVHC theo yêu cầu của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Tổ chức thực hiện :
Ban Nhân Dân hằng tháng
Nội dung :
Tùng Duy-Huệ Anh-Tuấn Anh-Phùng Nguyên
Trình bày mỹ thuật :
Duy Thanh
Ảnh :
Duy Linh, nguồn internet