TĂNG CƯỜNG HỢP TÁC VÀ KẾT NỐI KHU VỰC
Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Lương Cường dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Cộng hòa Chile, thăm chính thức Cộng hòa Peru và tham dự Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm 2024 tại thủ đô Lima của Peru, theo lời mời của Tổng thống Cộng hòa Chile Gabriel Boric Font và Tổng thống Cộng hòa Peru Dina Ercilia Boluarte Zegarra.
Chuyến công tác nước ngoài đầu tiên của Chủ tịch nước Lương Cường trên cương vị mới là chuyến thăm cấp cao nhất của Lãnh đạo Việt Nam đến khu vực Nam Mỹ trong năm 2024. Đây là chuyến thăm đầu tiên của Nguyên thủ Việt Nam đến Chile trong vòng 15 năm qua, cũng là chuyến thăm chính thức Peru đầu tiên của Chủ tịch nước Việt Nam.
CỦNG CỐ QUAN HỆ VỚI CÁC ĐỐI TÁC MỸ LATIN
Việt Nam và Chile thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 25/3/1971. Trên chặng đường hơn 50 năm, hợp tác đạt nhiều kết quả tích cực, đặc biệt sau khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện vào tháng 5/2007.
Hai bên duy trì thường xuyên hoạt động trao đổi đoàn. Hai nước cùng tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); phối hợp tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương, trong đó có APEC và Diễn đàn Đông Á-Mỹ Latin (FEALAC)…
Hai bên duy trì thường xuyên và hiệu quả các cơ chế hợp tác, nổi bật là Tham khảo chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao và Hội đồng Thương mại Tự do Việt Nam-Chile.
Là nước đầu tiên ở khu vực Mỹ Latin ký Hiệp định thương mại tự do song phương (FTA) với Việt Nam (năm 2014), Chile hiện là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latin và Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Chile tại ASEAN.
Nếu như năm 2013, trước khi FTA có hiệu lực, kim ngạch thương mại song phương chỉ đạt hơn 500 triệu USD thì tới năm 2022 đã vượt qua dấu mốc 2 tỷ USD, tăng gấp bốn lần. Hiện Chile là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam sang Mỹ Latin sau Mexico, Brasil và Argentina.
Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Chile, chủ yếu là hàng tiêu dùng như điện thoại các loại và linh kiện; hàng dệt may, giày dép; túi xách, vali, mũ, ô dù; gạo; xi măng; … Các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu từ Chile, chủ yếu là các nguyên liệu phục vụ sản xuất như đồng, gỗ thông, bột giấy, bột cá làm thức ăn gia súc, rượu vang...
Chuyến thăm chính thức Cộng hòa Chile và Cộng hòa Peru của Chủ tịch nước Lương Cường sẽ tạo những xung lực mới mạnh mẽ để đưa quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Chile và quan hệ hợp tác nhiều mặt Việt Nam-Peru bước vào giai đoạn phát triển mới năng động, thực chất, hiệu quả đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của nhân dân mỗi nước.
Ngày 14/11/2024 đánh dấu tròn 30 năm Việt Nam và Peru thiết lập quan hệ ngoại giao. Quan hệ hai nước tiếp tục đà phát triển tích cực, lãnh đạo hai nước thường xuyên tiếp xúc, trao đổi nhân dịp tham dự các hội nghị quốc tế.
Hai nước duy trì các cơ chế hợp tác song phương, như Tham khảo chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao (phiên gần nhất diễn ra vào tháng 10/2024) và Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Peru về các vấn đề kinh tế và hợp tác kỹ thuật.
Hai nước cũng đã ký kết nhiều Hiệp định và Thỏa thuận hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế-thương mại, nông nghiệp, thủy sản, khoa học-công nghệ. Hiệp định miễn thị thực đối với người mang hộ chiếu ngoại giao và công vụ, MOU hợp tác trong khuôn khổ APEC, Thỏa thuận hợp tác giữa hai Phòng Thương mại và Công nghiệp...
Việt Nam và Peru có nhiều cơ hội nâng cao kim ngạch thương mại khi đều là thành viên của CPTPP, với nhiều cam kết ưu đãi trong rất nhiều lĩnh vực, ngành hàng khác nhau. Đồng thời, hai bên duy trì sự phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại Liên hợp quốc và các diễn đàn đa phương.
Hiện Peru là nước có đầu tư của Việt Nam lớn nhất ở Mỹ Latin, đồng thời là đối tác thương mại lớn thứ sáu của Việt Nam tại khu vực, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Peru trong ASEAN.
Việt Nam hiện có hai dự án đầu tư quan trọng tại Peru trong các lĩnh vực viễn thông (Tập đoàn Viễn thông quân đội-Viettel) và dầu khí (Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam-PVN) với số vốn hơn 1 tỉ USD.
Về thương mại, trao đổi song phương đã phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua. Kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng nhanh, gần 80% từ mức hơn 350 triệu USD của năm 2016 lên mức 600 triệu USD vào năm 2022; năm 2023 đạt hơn 480 triệu USD và trong 9 tháng từ đầu năm 2024 đạt gần 300 triệu USD.
APEC: TRAO QUYỀN - BAO TRÙM - TĂNG TRƯỞNG
Kể từ khi thành lập năm 1989, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) đã đạt nhiều thành tựu nổi bật và thực chất trên các trụ cột hợp tác. Sau 35 năm hình thành và phát triển, APEC ngày càng khẳng định vai trò đi đầu và sứ mệnh thúc đẩy xu thế tự do hóa kinh tế, thương mại và đầu tư trong khu vực và trên thế giới.
Hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận, tự nguyện và không ràng buộc, APEC tập hợp được sự tham gia của các nền kinh tế hàng đầu thế giới và nhiều nền kinh tế phát triển năng động khác. Đến nay, 21 kinh tế thành viên của Diễn đàn, bao gồm 9 thành viên Nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20), đại diện khoảng 38% dân số thế giới, đóng góp hơn 60% GDP và gần 50% thương mại toàn cầu.
Ba trụ cột hợp tác chính của APEC, gồm tự do hóa thương mại và đầu tư; thuận lợi hóa kinh doanh; hợp tác kinh tế-kỹ thuật, nâng cao năng lực, phát triển bình đẳng và bền vững. Đây chính là cơ sở để các nhà Lãnh đạo APEC thông qua Tầm nhìn APEC đến năm 2040 về xây dựng khu vực châu Á-Thái Bình Dương rộng mở, năng động, tự cường và hòa bình, vì sự thịnh vượng của tất cả người dân và các thế hệ tương lai.
Việt Nam trở thành thành viên chính thức của APEC năm 1998, cùng năm với Peru, chủ nhà APEC năm nay. Trong 26 năm tham gia APEC, Việt Nam đã đóng góp tích cực, chủ động, góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác, liên kết kinh tế khu vực.
Nổi bật là việc Việt Nam là một trong số ít thành viên đã hai lần đảm nhiệm thành công vai trò chủ nhà APEC, vào các năm 2006 và 2017. Đồng thời là một trong những thành viên tích cực nhất trong đề xuất các sáng kiến và dự án, với hơn 150 dự án trên nhiều lĩnh vực.
Việt Nam đã có nhiều đóng góp trong công tác điều hành hoạt động của APEC thông qua đảm nhiệm vị trí Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC (năm 2005-2006), Chủ tịch và Phó Chủ tịch tại nhiều Ủy ban và nhiều Nhóm công tác chủ chốt. Việt Nam hiện là Trưởng nhóm xây dựng Chương trình nghị sự APEC về cải cách cơ cấu giai đoạn 2026-2030, chủ trì xây dựng Báo cáo Chính sách Kinh tế APEC 2025.
Trong năm 2024, Việt Nam tích cực đóng góp cho tiến trình hợp tác APEC, triển khai nhiều sáng kiến, dự án về cải cách cơ cấu, tài chính, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực, du lịch, nông nghiệp, ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng trưởng bền vững và bao trùm.
Tuần lễ cấp cao APEC diễn ra từ ngày 9-16/11 tại thủ đô Lima, Peru. Lần thứ ba là chủ nhà APEC, sau các năm 2008 và 2016, Peru đã chọn “Trao quyền. Bao trùm. Tăng trưởng.” là chủ đề cho Năm APEC 2024.
“Trao quyền” là nâng cao năng lực và tạo cơ hội cho mọi thành phần xã hội tham gia vào các hoạt động kinh tế-xã hội. “Bao trùm” là mọi người dân đều được tham gia và hưởng lợi từ quá trình đối mới, chuyển đổi số và tăng trưởng kinh tế. Cuối cùng, các hoạt động kinh tế, thương mại, đầu tư cũng như hợp tác APEC đều hướng đến “Tăng trưởng”, để APEC tiếp tục là đầu tàu và động lực tăng trưởng của khu vực và thế giới.
Chủ nhà Peru nhấn mạnh thông điệp APEC sẽ viết tiếp câu chuyện về sự hòa nhập, bền vững và khả năng phục hồi, trong đó, chú trọng khía cạnh xã hội của tăng trưởng và phát triển kinh tế, đặc biệt là trao quyền cho những người dễ bị tổn thương nhất, khai thác các cơ hội của kỷ nguyên kỹ thuật số và tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế.
35 năm qua, APEC duy trì vai trò là cơ chế hợp tác và liên kết kinh tế hàng đầu, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Các nội dung thảo luận chính của Hội nghị cấp cao năm nay xoay quanh các chủ đề ưu tiên là thương mại và đầu tư để tăng trưởng bao trùm và kết nối; sáng tạo và số hóa để thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế chính thức và kinh tế toàn cầu; tăng trưởng bền vững để phát triển tự cường.
Việc Việt Nam và Peru đều là thành viên APEC và CPTPP mở ra nhiều cơ hội cho việc thúc đẩy hợp tác và liên kết giữa ASEAN với các nước Mỹ Latin… giúp tăng cường hiểu biết và hợp tác giữa hai khu vực, đặc biệt là với Peru, một quốc gia vốn có nhiều điểm tương đồng về phát triển kinh tế, địa lý đa dạng, văn hoá phong phú, và nỗ lực cam kết phát triển bền vững.
Chuyến công tác của Chủ tịch nước Lương Cường và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Tuần lễ cấp cao APEC năm 2024 thể hiện sự tham gia tích cực, chủ động, có trách nhiệm của Việt Nam tại APEC, hướng đến đảm nhiệm cương vị chủ nhà APEC năm 2027.
Đồng thời, chuyến thăm chính thức Cộng hòa Chile và Cộng hòa Peru của Chủ tịch nước Lương Cường sẽ tạo những xung lực mới mạnh mẽ, góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và hai nước, qua đó củng cố quan hệ của Việt Nam với khu vực Mỹ Latin.
>>> ĐỌC THÊM: Tri thức chuyên sâu APEC
Ngày xuất bản: 8/11/2024
Tổ chức thực hiện: CHU HỒNG THẮNG - PHẠM TRƯỜNG SƠN
Nội dung: NINH SƠN - VŨ PHONG
Trình bày: NHÃ NAM