PHÁT BIỂU CỦA CHỦ TỊCH NƯỚC VÕ VĂN THƯỞNG TẠI LỄ KỶ NIỆM NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN, ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Sáng 13/11, nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã có bài phát biểu khi đến thăm, gặp mặt thầy cô giáo, sinh viên Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Báo Nhân Dân trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.

Thưa quý Cô giáo, Thầy giáo

Thưa quý vị đại biểu, các bạn sinh viên thân mến

Hôm nay tôi rất vui mừng và xúc động về thăm Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trong những ngày cả nước đang hướng đến một sự kiện rất quan trọng và ý nghĩa - Kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam (20/11). Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và với tình cảm của một cựu sinh viên tôi xin gửi lời chào trân trọng, lời thăm hỏi chân thành và lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến quý cô giáo, thầy giáo và các bạn sinh viên

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng với các thầy cô giáo. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng với các thầy cô giáo. (Ảnh: TTXVN)

Thưa các cô giáo, thầy giáo, các đại biểu và các bạn sinh viên

Dân tộc ta có truyền thống, tôn sư trọng đạo, quý trọng hiền tài, coi trọng trí thức. Các bậc tiền nhân thường nói: “Muốn sang thì bắc cầu Kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”, “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, “Phi trí bất hưng”. Những nhận thức sâu sắc và quý báu ấy đề cao giá trị đạo đức làm người, nuôi dưỡng tinh thần hiếu học, coi trọng giáo dục của nhân dân ta, góp phần hun đúc nên trí tuệ Việt Nam, đạo đức Việt Nam, văn hóa và con người Việt Nam. Truyền thống đó được các thế hệ người Việt Nam gìn giữ, trao truyền và bồi đắp cho đến hôm nay. Ngày 20/11, Ngày Nhà giáo Việt Nam là dịp để xã hội bày tỏ lòng biết ơn, tri ân các thầy cô, những người có vai trò quan trọng trong sự nghiệp trồng người.

Kính thưa quý Cô giáo, Thầy giáo, các đại biểu và các em sinh viên

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh - nơi quy tụ nhiều nhà khoa học, cô giáo, thầy giáo giỏi, nổi tiếng trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Cách đây hơn 30 năm, dưới mái trường này chúng tôi đã được học tập với những cô giáo, thầy giáo đầy nhiệt huyết, luôn quan tâm đến sự tiến bộ của sinh viên. Kiến thức sâu rộng và nhân cách mẫu mực của các cô giáo, thầy giáo chính là tấm gương sáng, động viên chúng tôi bước vào cuộc sống với nhiều hoài bão trong hành trình phụng sự xã hội, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những thành công có được của lớp sinh viên ngày ấy trong đó có cá nhân tôi, có phần từ công lao dạy bảo của các thầy cô.

Đến nay, Trường Khoa học xã hội và nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh đã định vị được sứ mệnh, tầm nhìn, tạo dựng được vị thế là Trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học nhân văn chất lượng cao, lớn nhất khu vực phía nam của đất nước và quan trọng ở khu vực Đông Nam Á.

Với hơn 65 năm xây dựng và trưởng thành, đội ngũ của Nhà trường luôn được bổ sung, phát triển về số lượng và năng lực, trình độ, chuyên môn cao, có bề dày kinh nghiệm trong nghiên cứu, giảng dạy, nhiều giáo sư, tiến sĩ đạt nhiều danh hiệu khoa học, giáo dục cao quý ở trong và ngoài nước, được sinh viên và xã hội tin yêu, kính trọng.

Mỗi dịp trở lại Trường, tôi đều xúc động, phấn khởi và tự hào trước những thành tựu mà các thế hệ thầy cô nối tiếp nhau đã dày công vun đắp.

Đến nay, Trường Khoa học xã hội và nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh đã định vị được sứ mệnh, tầm nhìn, tạo dựng được vị thế là Trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học nhân văn chất lượng cao, lớn nhất khu vực phía nam của đất nước và quan trọng ở khu vực Đông Nam Á. Trường đã thu hút và đào tạo nhiều thế hệ sinh viên tài năng. Nhiều cựu sinh viên của nhà trường nay đã thành danh trong nhiều lĩnh vực và có đóng góp lớn cho xã hội, cho đất nước. Phần lớn sinh viên là những người ưu tú, có hoài bão cống hiến, năng động, sáng tạo.

Đến nay, Trường đã đào tạo cho xã hội hơn 75.000 cử nhân khoa học, hơn 6.000 thạc sĩ và trên 600 tiến sĩ. Trường thu hút đông sinh viên nước ngoài đến học tập, tham gia tích cực vào tiến trình hội nhập quốc tế trong nghiên cứu và đào tạo với 13 chương trình đào tạo bậc đại học liên quan đến các quốc gia, hợp tác với 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Trong giảng dạy, nghiên cứu và phụng sự xã hội, Nhà trường đã có nhiều bước đột phá để đưa khoa học xã hội và nhân văn vào thực tiễn. Nhiều công trình nghiên cứu của Trường được đón nhận và đánh giá cao, cung cấp cơ sở khoa học cho việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh của địa phương, vùng và đất nước. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, công tác sinh viên và văn hóa đại học được chú trọng triển khai thực hiện bằng nhiều nội dung, hình thức phong phú. Nhà trường luôn nằm trong nhóm đầu các trường có phong trào thanh niên, sinh viên xuất sắc của Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng với các thầy cô giáo. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng với các thầy cô giáo. (Ảnh: TTXVN)

Đạt được kết quả này là sự nỗ lực của tập thể giáo chức và sinh viên nhà trường luôn tâm huyết, tận lực với nghề, với tầm nhìn và sứ mệnh của Trường, tạo nền tảng vững chắc góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục-đào tạo của đất nước.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, và với niềm tự hào riêng của một cựu sinh viên, tôi xin nhiệt liệt biểu dương và đánh giá cao những thành tựu mà nhà trường đã đạt được trong thời gian qua.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tặng quà cho các sinh viên tiêu biểu. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tặng quà cho các sinh viên tiêu biểu. (Ảnh: TTXVN)

Thưa quý Cô giáo, Thầy giáo, các vị đại biểu và các bạn sinh viên!

Trong giai đoạn hiện nay, đất nước ta đang nỗ lực hiện thực hóa khát vọng phồn vinh, hạnh phúc, phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Khát vọng và tầm nhìn ấy chỉ có thể thành hiện thực bền vững khi có nền tảng khoa học và giáo dục chất lượng. Trong đó, khoa học xã hội và nhân văn đóng vai trò quan trọng, bởi đó là khoa học về con người, nghiên cứu những vấn đề liên quan đến con người, giúp cho con người trở nên ưu tú hơn, đóng góp tốt nhất cho sự phát triển, để xã hội ngày càng tốt đẹp.

Con người luôn nằm ở trung tâm của mọi chính sách và hoạch định tương lai. Sức mạnh của một dân tộc không phải nằm ở tài nguyên trong lòng đất, lòng biển mà là ở nguồn nhân lực chất lượng cao, có trí tuệ, tri thức và phẩm giá. Bác Hồ từng nhấn mạnh: “Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc”. Quan điểm nhất quán và xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta luôn coi “giáo dục và đào tạo cùng khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước”. Trí thức và nguồn nhân lực chất lượng cao là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nhiệm vụ của giáo dục đại học không chỉ là truyền thụ tri thức, tạo ra tri thức mới phục vụ sự tiến bộ, phồn vinh và hạnh phúc của xã hội, mà còn có nhiệm vụ chuẩn bị cho con người - nguồn nhân lực của xã hội có đủ phẩm chất và năng lực hành động, sáng tạo và thích ứng trong một thế giới không ngừng biến động, phức tạp, khó lường. Trường đại học là nơi phát hiện năng lực, bồi dưỡng các giá trị, tạo nền tảng để cá nhân được phát triển toàn diện, phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo. Từ đây cung cấp cho xã hội những công dân có trách nhiệm, yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, sống tốt và làm việc hiệu quả; những chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, lãnh đạo… là lực lượng đưa tri thức, khoa học và văn hóa thấm sâu vào xã hội, tạo nền tảng, động lực phát triển phục vụ hiệu quả cho con người và xã hội.

Con người luôn nằm ở trung tâm của mọi chính sách và hoạch định tương lai. Sức mạnh của một dân tộc không phải nằm ở tài nguyên trong lòng đất, lòng biển mà là ở nguồn nhân lực chất lượng cao, có trí tuệ, tri thức và phẩm giá.

Trong bối cảnh thế giới, khu vực và trong nước có những thay đổi nhanh chóng, khó lường, cách mạng công nghệ, toàn cầu hóa tác động mạnh tới sự phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, con người, các giá trị tự nhiên và các giá trị nhân văn, làm xuất hiện nhiều vấn đề mới, đặt ra những yêu cầu mới đòi hỏi khoa học xã hội và nhân văn phải có sự theo kịp, đáp ứng tốt, có khả năng phân tích, dự báo, lý giải thuyết phục và tham gia dẫn dắt, định hướng xã hội.

Qua nghe báo cáo của nhà trường, tôi thấy Trường đã xác định được mục tiêu, phương hướng và định vị tầm vóc của mình trong tương lai. Tôi rất vui mừng về điều đó và chia sẻ thêm mấy suy nghĩ:

Một là, kiên trì đổi mới tư duy và hành động, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu, khẳng định vị thế của Nhà trường trong nước, trong khu vực và quốc tế.

Nội dung, chương trình giảng dạy và nghiên cứu phải thiết kế theo hướng giữ gìn nền tảng học thuật, tiếp cận hiện đại, thiết thực, sáng tạo, phù hợp thực tiễn phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và yêu cầu hội nhập quốc tế. Chú trọng khoa học cơ bản, hàn lâm, học thuật đồng thời cũng hình thành các nhóm nghiên cứu mới hướng về những nội dung mang tính ứng dụng, thể hiện sự đa dạng của giáo dục đại học đa ngành, đa lĩnh vực, nhất là trong nhận thức về khoa học xã hội và nhân văn đa ngành, liên ngành, xuyên ngành như hiện nay.

Chủ động, nghiên cứu, đề xuất, cung cấp các giải pháp, các luận cứ khoa học vừa mang tầm chiến lược, lâu dài, vừa mang tính cấp bách để góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, giải quyết có hiệu quả những vấn đề đặt ra của thực tiễn đất nước trên tất cả các lĩnh vực, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng, phát triển văn hóa và con người Việt Nam trong bối cảnh mới.

Tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện cho những ngành, lĩnh vực, những bộ môn đặc thù, quan trọng và cần thiết cho sự phát triển bền vững của đất nước. Góp phần giải quyết một thách thức đặt ra hiện nay là sự thiếu hụt lực lượng trí thức tinh hoa, chuyên gia, các nhà khoa học, trí thức đầu ngành, nhất là ở một số lĩnh vực trọng yếu của khoa học xã hội và nhân văn.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tặng quà cho các thầy cô giáo. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tặng quà cho các thầy cô giáo. (Ảnh: TTXVN)

Thứ hai, đổi mới quản lý, quản trị nhà trường theo hướng tự chủ, chuyên nghiệp và hiện đại. Năm học vừa qua Nhà trường bước vào tự chủ với nhiều thử thách. Dù có nhiều khó khăn nhưng cũng đã nỗ lực từng bước vượt qua. Để đi tiếp trong chặng đường sắp tới, cần kiên trì với bộ giá trị cốt lõi là “Sáng tạo - Dẫn dắt - Trách nhiệm” và triết lý giáo dục của Nhà trường: “Giáo dục toàn diện - Khai phóng - Đa văn hóa” làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động.

Tiếp tục chú trọng hướng mở rộng quan hệ quốc tế, thu hút sinh viên quốc tế; thu nhiều kết quả trong đào tạo cán bộ, giảng viên, sinh viên cũng như trong liên kết đào tạo và nghiên cứu khoa học; mở rộng hợp tác nghiên cứu với các đối tác học thuật quan trọng, tiếp nhận, đối thoại, đóng góp và áp dụng những khung lý thuyết mới, phương pháp mới, cách tiếp cận mới trong nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn tại Việt Nam.

Thứ ba, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục là phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học, xây dựng môi trường văn hóa, môi trường học thuật để sinh viên tự tin, độc lập, sáng tạo, say mê trong nghiên cứu, học tập, phục vụ xã hội. Chú trọng đặc biệt tới giáo dục phẩm chất, phát triển năng lực cần thiết cho sinh viên để tăng khả năng thích ứng với xã hội và hội nhập quốc tế, có kỹ năng, tư duy học tập suốt đời; khơi dậy khát vọng và ý chí, quyết tâm vươn lên của mỗi cá nhân góp phần vào sự vươn lên của cả dân tộc.

Các em sinh viên hãy nhớ rằng, chất lượng dạy và học trong nhà trường đại học chỉ đạt kết quả cao nhất khi người học chủ động, tích cực, tự giác học tập, nghiên cứu, khát khao khám phá tri thức và hoàn thiện nhân cách. Thời gian các em còn ngồi trên ghế nhà trường là khoảng thời gian rất ý nghĩa, nói như Charles W. Eliot (một học giả Mỹ, người đã được chọn làm chủ tịch của Đại học Harvard năm 1869), đại học là nơi “những mái đầu tươi rói có thể thám hiểm những vùng đất mới và tăng trưởng vốn tri thức, trên hết, nhiều thế hệ thanh niên có thể học lấy sự chính trực”.

Chất lượng dạy và học trong nhà trường đại học chỉ đạt kết quả cao nhất khi người học chủ động, tích cực, tự giác học tập, nghiên cứu, khát khao khám phá tri thức và hoàn thiện nhân cách.

Thứ tư, đội ngũ cán bộ quản lý, giảng dạy là lực lượng quyết định đến chất lượng đào tạo, nghiên cứu của Nhà trường. Cần có chế độ đãi ngộ và chính sách hợp lý với cán bộ có trình độ cao; tạo điều kiện, môi trường cho các thầy cô tự học tập, nghiên cứu, trau dồi, phát triển tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, phát huy năng lực sư phạm.

Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, thu hút đội ngũ giảng viên giỏi, trình độ cao, có năng lực sáng tạo trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Có cơ chế để thu hút cán bộ và các nhà khoa học giỏi ở trong nước và nước ngoài về làm việc tại Trường. Khuyến khích, động viên cán bộ tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, làm việc có ý thức trách nhiệm, hoàn thành tốt công việc, giữ gìn đạo đức liêm chính trong khoa học.

Tôi tin tưởng rằng, với truyền thống, nền tảng vững chắc mà các thế hệ giảng viên, viên chức, sinh viên, học viên đã xây dựng, với quyết tâm, kiên trì, tập thể cùng nhìn về một hướng, chung sức, đồng lòng, Nhà trường sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, có nhiều đóng góp to lớn hơn nữa cho sự phát triển của xã hội và đất nước, tạo ra sự bứt phá cho khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam.

Với lòng biết ơn, tự hào và kính trọng, một lần nữa tôi xin chúc các cô giáo, thầy giáo, các vị đại biểu và các bạn sinh viên sức khỏe, thành công và hạnh phúc!

Ngày xuất bản: 13/11/2023
Trình bày: NGỌC DIỆP