ĐÓNG GÓP CHỦ ĐỘNG, TÍCH CỰC TẠI AIPA; MỞ RỘNG HỢP TÁC VỚI INDONESIA VÀ IRAN

Nhận lời mời của Chủ tịch Hội đồng đại biểu nhân dân Cộng hòa Indonesia, Chủ tịch Đại hội đồng liên Nghị viện các nước ASEAN (AIPA) Puan Maharani và Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Hồi giáo Iran Mohammad Baqer Qalibaf, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Đại hội đồng AIPA lần thứ 44 (AIPA-44), thăm chính thức Cộng hòa Indonesia và Cộng hòa Hồi giáo Iran từ ngày 4 đến 10/8.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. (Ảnh: Nhân Dân)

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. (Ảnh: Nhân Dân)

Chuyến công tác của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhằm tiếp tục khẳng định sự tham gia chủ động, tích cực và có trách nhiệm của Quốc hội Việt Nam trong việc cùng AIPA và nghị viện các nước thành viên củng cố vai trò trung tâm, sự đoàn kết và thống nhất trong ASEAN. Chuyến công tác cũng thể hiện vai trò của Quốc hội Việt Nam trong việc củng cố và thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Indonesia và quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa Việt Nam và Iran.

Đại hội đồng AIPA-44 diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Khu vực Đông Nam Á được đánh giá là sẽ đóng vai trò động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2023, song cũng là tâm điểm cạnh tranh chiến lược, cọ xát lợi ích giữa các nước lớn.

ASEAN hiện tập trung nỗ lực hoàn tất Kế hoạch tổng thể năm 2025 và xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025. Theo đó, Hiệp hội chú trọng nâng cao năng lực thể chế; thúc đẩy hợp tác theo các xu hướng lớn hiện nay; tiếp tục đề cao đoàn kết, thống nhất và nâng cao vai trò trung tâm.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp toàn thể thứ nhất Đại hội đồng AIPA-43 ở thủ đô Phnom Penh, Vương quốc Campuchia, ngày 21/11/2022. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp toàn thể thứ nhất Đại hội đồng AIPA-43 ở thủ đô Phnom Penh, Vương quốc Campuchia, ngày 21/11/2022. (Ảnh: TTXVN)

Trong bối cảnh này, chủ đề chính của Đại hội đồng AIPA-44 là “Nghị viện chủ động thích ứng vì một ASEAN ổn định và thịnh vượng” có sự gắn kết và phù hợp với chủ đề chung của ASEAN năm 2023 là “Một ASEAN tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng”. Theo đó, AIPA đề cao khả năng thích ứng của nghị viện các nước ASEAN trong bối cảnh khu vực và quốc tế có nhiều biến động, nhấn mạnh việc đối thoại và tham vấn, tăng cường phối hợp giữa kênh lập pháp và hành pháp, góp phần củng cố đoàn kết và vai trò trung tâm của Hiệp hội.

"Việc lựa chọn chủ đề lần này thể hiện một thông điệp xuyên suốt của AIPA và mong muốn của nước chủ nhà Indonesia-Chủ tịch AIPA, Chủ tịch ASEAN năm 2023 là đề cao vai trò của ASEAN và Quốc hội, nghị viện các nước thành viên AIPA trong việc thúc đẩy hòa bình, an ninh, tăng trưởng, tăng cường khả năng chống chịu và phát triển bền vững bao trùm của khu vực để ASEAN trở thành tâm điểm tăng trưởng, không để ai bị bỏ lại phía sau".

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội LÊ THU HÀ

Kể từ khi trở thành thành viên chính thức của AIPA tháng 9/1995, Quốc hội Việt Nam luôn tham gia chủ động, tích cực, đóng góp trách nhiệm cùng nghị viện các nước thành viên củng cố vai trò trung tâm, sự đoàn kết và thống nhất trong ASEAN. Bên cạnh đó, Việt Nam kiên trì, khéo léo lồng ghép và thúc đẩy các quan tâm và ưu tiên của đất nước; đưa ra nhiều sáng kiến có giá trị nhằm chia sẻ và hỗ trợ chính phủ các nước ASEAN giải quyết những vấn đề ưu tiên của khu vực.

Hội nghị Nhóm Tư vấn AIPA lần thứ 14 khai mạc tại thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, ngày 10/7/2023. (Ảnh: TTXVN)

Hội nghị Nhóm Tư vấn AIPA lần thứ 14 khai mạc tại thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, ngày 10/7/2023. (Ảnh: TTXVN)

Việc Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tham dự và đóng góp thực chất tại Đại hội đồng AIPA-44 ở Indonesia sẽ góp phần tiếp tục khẳng định vai trò chủ động, tích cực của Quốc hội nước ta trong AIPA. Điều này góp phần triển khai chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, nâng tầm đối ngoại đa phương.

Tại Đại hội đồng AIPA-44, Quốc hội Việt Nam sẽ cùng các nghị viện thành viên AIPA tiếp tục củng cố đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN, đẩy mạnh quan hệ giữa AIPA với các đối tác, góp phần vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN; phát huy trách nhiệm, tiếng nói của AIPA đối với hòa bình, ổn định và phát triển.

Bên lề Đại hội đồng AIPA-44, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự kiến có các hoạt động tiếp xúc song phương với một số trưởng đoàn các nghị viện thành viên AIPA và quan sát viên tham dự.

Các hoạt động này sẽ góp phần tăng cường quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam với nghị viện thành viên và quan sát viên của AIPA. Đây là cơ hội để đoàn Việt Nam trao đổi thông tin và chia sẻ với nghị sĩ các nước về những mối quan tâm chung của khu vực vì hòa bình, hợp tác và phát triển, cũng như các hoạt động của nghị viện; xây dựng các mối quan hệ hữu nghị với nghị sĩ các nước. Đây cũng dịp để thông tin, chia sẻ về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; hoạt động của Quốc hội Việt Nam trong phục hồi và phát triển kinh tế xã hội ở nước ta.

Chiều 25/8/2021, Đại hội đồng AIPA-42 đã bế mạc sau ba ngày làm việc theo hình thức trực tuyến. (Ảnh: TTXVN)

Chiều 25/8/2021, Đại hội đồng AIPA-42 đã bế mạc sau ba ngày làm việc theo hình thức trực tuyến. (Ảnh: TTXVN)

Dự Đại hội đồng AIPA-44, đoàn Việt Nam dự kiến đề xuất ba dự thảo nghị quyết, sáng kiến tại Hội nghị Nữ nghị sĩ AIPA và Ủy ban Kinh tế. Đây là những nghị quyết, sáng kiến rất quan trọng, có thể giúp ASEAN khai thác lợi thế về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo phục vụ cho phục hồi và phát triển kinh tế. Các nghị quyết này cũng thúc đẩy khai thác những tiềm năng phát triển lĩnh vực lương thực, nông-lâm nghiệp. Đây là trụ cột quan trọng của Cộng đồng Kinh tế ASEAN.

Bên cạnh việc đề xuất ba dự thảo nghị quyết này, Việt Nam cũng sẽ tích cực tham gia đóng góp ý kiến vào các dự thảo nghị quyết được đưa ra tại Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Xã hội, Ủy ban Chính trị…, đồng thời tham gia đồng bảo trợ với các nước về những dự thảo nghị quyết tại các ủy ban của AIPA.

Quang cảnh phiên họp Ban Chấp hành AIPA-43, tại Vương quốc Campuchia, ngày 20/11/2022. (Ảnh: TTXVN)

Quang cảnh phiên họp Ban Chấp hành AIPA-43, tại Vương quốc Campuchia, ngày 20/11/2022. (Ảnh: TTXVN)

Quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Indonesia được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Indonesia Sukarno đặt nền móng, các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp. Indonesia là nước đầu tiên ở Đông Nam Á thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, vào ngày 30/12/1955. Hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược vào năm 2013. Việt Nam hiện là Đối tác chiến lược duy nhất của Indonesia tại Đông Nam Á.

Trên cơ sở đó, quan hệ Việt Nam-Indonesia tiếp tục phát triển mạnh mẽ và toàn diện. Hai bên tăng cường thúc đẩy trao đổi, tiếp xúc cấp cao và các cấp; duy trì và phát huy hiệu quả cơ chế hợp tác.

Là một trọng tâm trong quan hệ song phương, hợp tác kinh tế đang có những bước tiến lớn. Kim ngạch thương mại song phương năm 2022 đạt 14,1 tỷ USD tăng 22,6% so với năm 2021. Tính đến hết tháng 5/2023, kim ngạch thương mại song phương đạt 5,4 tỷ USD, bằng cùng kỳ năm 2022. Nhận thấy còn tiềm năng để phát triển hơn nữa, hai nước đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên mức 15 tỷ USD vào năm 2028.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Đại sứ Indonesia Denny Abdi, tại Nhà Quốc hội, ngày 25/7/2023. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Đại sứ Indonesia Denny Abdi, tại Nhà Quốc hội, ngày 25/7/2023. (Ảnh: TTXVN)

Về đầu tư, tính đến tháng 3/2023, Indonesia đứng thứ năm trong ASEAN và thứ 30 trong số các quốc gia đầu tư vào Việt Nam, tập trung các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ lưu trú... Các dự án đầu tư của Việt Nam tại Indonesia tập trung trong các lĩnh vực thương mại, công nghệ thông tin, nông nghiệp...

Hợp tác quốc phòng, an ninh giữa hai nước tiếp tục được tăng cường. Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn quốc phòng-công an và ký một số văn bản thỏa thuận hợp tác quốc phòng. Hai bản ghi nhớ về hợp tác phòng chống khủng bố và đấu tranh chống tội phạm buôn ma túy đã được hai bên ký kết năm 2022.

Hai nước phối hợp chặt chẽ tại các tổ chức, diễn đàn đa phương, đóng góp vào nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Việt Nam ủng hộ Indonesia đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2023, góp phần củng cố đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN.

"Quan hệ gắn bó giữa hai nước không chỉ mang tính chiến lược đối với sự phát triển của mỗi nước mà còn đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực Đông Nam Á nói riêng và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nói chung".

Đại sứ Việt Nam tại Indonesia TẠ VĂN THÔNG

Cùng với đà phát triển tốt đẹp của quan hệ hai nước, hợp tác giữa các cơ quan lập pháp của Việt Nam và Indonesia ngày càng được mở rộng và tăng cường thông qua việc trao đổi đoàn, hoàn thiện các khuôn khổ, chính sách pháp luật để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tại mỗi nước.

Chương trình "Giao lưu văn hóa - nghệ thuật - kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Indonesia". (Ảnh: VGP)

Chương trình "Giao lưu văn hóa - nghệ thuật - kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Indonesia". (Ảnh: VGP)

Quốc hội Việt Nam và Hạ viện Indonesia đã ký biên bản ghi nhớ về Thỏa thuận hợp tác năm 2010. Trong chuyến thăm Indonesia lần này của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, hai bên sẽ ký lại thỏa thuận hợp tác này với những nội hàm hợp tác mới sâu rộng hơn, bao trùm và cụ thể hơn, phù hợp với bối cảnh và tình hình mới hiện nay.

Nhằm thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước, Hạ viện Indonesia đã thành lập Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Indonesia-Việt Nam vào tháng 2/2020. Quốc hội Việt Nam khóa XV đã thành lập Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam-ASEAN, trong đó có Indonesia.

Các cơ quan lập pháp hai nước phối hợp và chia sẻ quan điểm, lập trường trong những vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm tại các diễn đàn, tổ chức liên nghị viện khu vực và thế giới, như AIPA, Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF), Hội nghị Đối tác Nghị viện Á-Âu (ASEP)… Trong hai năm gần đây, dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hai bên duy trì tiếp xúc, nhất là ở cấp cao bên lề các hội nghị nghị viện đa phương.

Chuyến thăm chính thức Indonesia của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là sự kiện quan trọng diễn ra trong bối cảnh hai nước đang kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược, hướng tới kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2025 và xem xét nâng cấp quan hệ trong thời gian tới.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn tiếp Đoàn đại biểu Hội đồng Đại biểu địa phương (Thượng viện) Cộng hòa Indonesia do Chủ nhiệm Ủy ban III (phụ trách giáo dục, tôn giáo) GS,TS Sylviana Murni làm Trưởng đoàn, ngày 05/7/2022. (Ảnh: Báo điện tử Đại biểu Nhân dân)

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn tiếp Đoàn đại biểu Hội đồng Đại biểu địa phương (Thượng viện) Cộng hòa Indonesia do Chủ nhiệm Ủy ban III (phụ trách giáo dục, tôn giáo) GS,TS Sylviana Murni làm Trưởng đoàn, ngày 05/7/2022. (Ảnh: Báo điện tử Đại biểu Nhân dân)

Đây là chuyến thăm chính thức Indonesia đầu tiên của đồng chí Vương Đình Huệ trên cương vị Chủ tịch Quốc hội và cũng là chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam tới Indonesia sau 13 năm. Chuyến thăm thể hiện sự coi trọng, ủng hộ của Việt Nam đối với Indonesia và cá nhân Chủ tịch Hạ viện Puan Maharani trước thềm Đại hội đồng AIPA-44 và trong Năm Chủ tịch ASEAN 2023.

Trong chuyến thăm, hai bên sẽ trao đổi về phương hướng và tăng cường hợp tác giữa hai nước, cũng như giữa các cơ quan lập pháp trong thời gian tới cả trong khuôn khổ song phương và đa phương. Qua đó, chuyến thăm sẽ đóng góp quan trọng vào việc đưa quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác chiến lược giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả hơn, góp phần thúc đẩy nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác chiến lược toàn diện.

Nhân dịp tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 tại Cộng hòa Áo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã hội kiến với Chủ tịch Hạ viện Indonesia Puan Maharani, ngày 6/9/2021. (Ảnh: TTXVN)

Nhân dịp tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 tại Cộng hòa Áo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã hội kiến với Chủ tịch Hạ viện Indonesia Puan Maharani, ngày 6/9/2021. (Ảnh: TTXVN)

Việt Nam và Iran thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 4/8/1973. Được sự quan tâm vun đắp của lãnh đạo hai nước qua các thời kỳ, quan hệ Việt Nam-Iran đã có nhiều bước phát triển. Trong đó, dấu mốc quan trọng là việc Iran mở Đại sứ quán tại Hà Nội năm 1991 và Việt Nam mở Đại sứ quán tại Tehran vào năm 1997.

Trong những năm qua, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước phát triển tốt đẹp. Các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao và các cấp hai nước được duy trì thường xuyên.

Việt Nam và Iran có nhiều tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư. Năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều đạt hơn 100 triệu USD. Ba tháng đầu năm 2023 đạt 21 triệu USD. Hai bên nhất trí tạo mọi điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước, phấn đấu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 2 tỷ USD trong thời gian sớm nhất.

Hai bên trao đổi các đoàn cấp làm việc và chia sẻ thông tin trong hợp tác quốc phòng-an ninh. Về hợp tác giáo dục-đào tạo, Iran cung cấp một số học bổng cho sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam học tập và nghiên cứu về ngôn ngữ và văn hóa Ba Tư.

Nhằm thúc đẩy hợp tác song phương, hai bên đã ký các văn kiện hợp tác trong nhiều lĩnh vực, trong đó có Bản ghi nhớ về hợp tác công nghệ, nghiên cứu và giáo dục (2014), Thỏa thuận chung về hợp tác kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật (1993) và Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực văn hoá (2013).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Đại sứ Iran Ali Akbar Nazari, ngày 25/7/2023. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Đại sứ Iran Ali Akbar Nazari, ngày 25/7/2023. (Ảnh: TTXVN)

Về hợp tác giữa các địa phương, nhiều thành phố của Việt Nam và Iran đã ký kết bản ghi nhớ về hợp tác, trong đó có Hà Nội-Tehran, Cần Thơ-Mazandaran, Ninh Bình-Qazvin, Lai Châu-Fuman, Thành phố Hồ Chí Minh-Isfahan.

Hai nước thường xuyên ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương. Iran đã ủng hộ Việt Nam làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

Năm 2023 đánh dấu mốc 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Iran. Nhằm kỷ niệm mốc son này, loạt sự kiện, hoạt động ý nghĩa thiết thực sẽ được hai nước tổ chức, trong đó có chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao, tuần lễ văn hóa, sự kiện thể thao, giao lưu hữu nghị...

Trên nền tảng của mối quan hệ kéo dài nửa thế kỷ, Việt Nam mong muốn thúc đẩy quan hệ toàn diện với Iran trên tất cả các kênh đảng, quốc hội, chính phủ và giao lưu nhân dân. Iran luôn coi trọng quan hệ với Việt Nam và coi khu vực Đông Nam Á là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại. Trên cơ sở đó, Iran mong muốn mở rộng quan hệ với các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Với tiềm năng hợp tác lớn, với nỗ lực, quyết tâm của lãnh đạo cấp cao và các cấp, hai nước có thể đẩy mạnh hợp tác hơn nữa trong chặng đường tiếp theo.

Quan hệ giữa Quốc hội hai nước luôn phát triển tốt đẹp, góp phần củng cố và thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Iran. Năm 1999, Quốc hội hai nước lần đầu ký Thỏa thuận hợp tác. Đây là là cơ sở quan trọng đưa quan hệ giữa hai cơ quan lập trở nên thiết thực và hiệu quả.

Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an tham dự Lễ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Iran tại Tehran, ngày 20/5/2023. (Ảnh: TTXVN)

Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an tham dự Lễ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Iran tại Tehran, ngày 20/5/2023. (Ảnh: TTXVN)

Thời gian qua, quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Iran có những bước phát triển tốt đẹp, thể hiện qua các chuyến thăm và các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc của lãnh đạo cơ quan lập pháp hai nước. Các lãnh đạo Quốc hội hai nước qua các thời kỳ đã có nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi tại các diễn đàn liên nghị viện, như tại Hội nghị Chủ tịch Quốc hội các nước Á-Âu (MSEAP) lần thứ 3 ở Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ và bên lề Đại hội đồng lần thứ 140 IPU ở Doha, Qatar. Các nhóm nghị sĩ hữu nghị hai nước cũng có các cuộc gặp, làm việc trực tiếp và trực tuyến.

"Chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Iran của đồng chí Vương Đình Huệ trên cương vị Chủ tịch Quốc hội lần này là dấu mốc đặc biệt quan trọng đánh dấu việc tăng cường và là tiền đề để mở rộng hơn nữa quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Quốc hội hai nước trong thời gian tới".

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội LÊ ANH TUẤN

Chuyến thăm chính thức Iran của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ diễn ra trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và là hoạt động trao đổi đoàn cấp cao đầu tiên giữa hai nước kể từ năm 2018.

Bởi vậy, chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng trong việc củng cố quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Iran trong bối cảnh mới. Chuyến thăm sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác thực chất giữa hai nước trong các lĩnh vực có tiềm năng và cùng quan tâm, như văn hóa, giáo dục, du lịch, khoa học-công nghệ, nông nghiệp...

Các hoạt động của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, cũng như các bộ, ngành, địa phương tại Iran sẽ thúc đẩy việc ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa hai Quốc hội và các văn kiện hợp tác giữa hai bên nhằm củng cố hành lang pháp lý cho hợp tác song phương.

Bên cạnh đó, chuyến thăm cũng sẽ truyền tải thông điệp Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương hội đàm với Phó Chủ tịch thứ nhất Quốc hội Iran Ali Nikzad trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Iran từ ngày 2-6/12/2022. (Nguồn: Cổng thông tin điện tử Quốc hội)

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương hội đàm với Phó Chủ tịch thứ nhất Quốc hội Iran Ali Nikzad trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Iran từ ngày 2-6/12/2022. (Nguồn: Cổng thông tin điện tử Quốc hội)

Chuyến công tác của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam và Quốc hội nước ta tại các cơ chế hợp tác nghị viện khu vực và thế giới. Nhằm tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, chuyến công tác đóng góp vào việc củng cố và mở rộng nền tảng quan hệ chính trị, thúc đẩy hợp tác hiệu quả, thực chất trong tất cả các lĩnh vực, trên tất cả các kênh giữa Việt Nam với các nước đối tác, bạn bè truyền thống.

Ngày xuất bản: 03/8/2023
Chỉ đạo thực hiện: CHU HỒNG THẮNG - PHẠM TRƯỜNG SƠN
Nội dung: NINH SƠN - NHƯ NGỌC
Trình bày: HOÀNG HÀ
Nguồn tư liệu: VĂN PHÒNG QUỐC HỘI, TTXVN