Hà Nội 12 ngày đêm 1972:
Nhành hoa bên trận địa
Là người trực tiếp ghi lại khoảnh khắc lịch sử “Hà Nội 12 ngày đêm”, nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành (nguyên phóng viên ảnh của Thông tấn xã Việt Nam) vẫn không thể quên được những ký ức đau thương nhưng không kém phần hào hùng 50 năm về trước.
Trong căn phòng nhỏ của ngôi nhà trên phố Minh Khai (Hà Nội), nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành xúc động kể cho chúng tôi nghe những gì ông được tận mắt chứng kiến trong quá trình tác nghiệp 12 ngày đêm lịch sử cuối năm 1972.
Một Hà Nội đầy thương đau
Lật giở từng tấm ảnh đen trắng, nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành khẽ chau mày nhớ lại: Cuối tháng 12/1972, tình hình chiến sự tại miền bắc đã trở nên căng thẳng.
“Chúng ta nhận định rất có thể Mỹ sẽ rải bom B-52 tại Hà Nội vì trước đó, họ đã làm điều tương tự tại Hải Phòng. Trước những bất lợi về quân sự, chính trị, ngoại giao, Mỹ muốn mở cuộc tập kích đường không chiến lược chủ yếu bằng B-52, hòng đưa miền bắc quay về thời kỳ đồ đá, gây sức ép để buộc ta phải nối lại các cuộc đàm phán ở Paris, chấp nhận theo sửa đổi của Mỹ. Lúc này, lãnh đạo Thông tấn xã Việt Nam ngay lập tức quyết định thành lập tại Thủ đô một đội ngũ phóng viên tin và ảnh để trực chiến, với tinh thần sẵn sàng lao vào điểm nóng”, nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành hồi tưởng.
Năm ấy, Chu Chí Thành mới 28 tuổi nhưng đã dạn dày với khói lửa chiến tranh. Ông từng “chết hụt” dưới lưới bom B-52 cách đó chỉ vài năm tại mặt trận Quảng Trị.
Dừng lại một lát, ông tiếp tục kể: Cho tới tận bây giờ, ông vẫn nhớ như in ngày đầu tiên B-52 Mỹ ném bom xuống Hà Nội. Hôm đó là tối 18/12/1972, ông vừa chụp ảnh cho cuộc họp báo ở 37 Hùng Vương thì bỗng nghe thấy tiếng ù ù như xay lúa từ xa. Ngẩng đầu nhìn lên, chàng phóng viên trẻ ngây người khi thấy bầu trời Hà Nội rực sáng bởi tên lửa phòng không. Mỹ đánh Thủ đô thật rồi!
Lòng nóng như lửa đốt, dứt trận không kích, Chu Chí Thành chạy vội về cơ quan, sấp ngửa cùng anh em đồng nghiệp hướng thẳng sang Yên Viên (Gia Lâm), bắt đầu cho chuỗi 12 ngày đêm ăn ngủ cùng những chiến hào, trận địa của riêng mình. Từ hôm đó, ban ngày thì máy bay tiêm kích, các trận địa cao xạ, đêm thì B-52 quần đảo trên bầu trời Hà Nội, các phóng viên ảnh, tin của Thông tấn xã Việt Nam thay nhau trực 24/24 giờ để sẵn sàng tác nghiệp.
Theo số liệu thống kê, trong chiến dịch mang tên Linebacker II này, phía Mỹ đã trút xuống một khối lượng bom đạn khổng lồ, tương đương sức công phá của 2 quả bom nguyên tử đã ném xuống Hiroshima (Nhật Bản) tháng 8/1945. Mỹ cũng huy động 197 máy bay chiến lược B-52 trên tổng số 400 chiếc hiện có; 1.077 máy bay không quân chiến thuật, 6 tàu sân bay, 50 máy bay tiếp dầu trên không và một số loại máy bay phục vụ khác cùng 60 tàu chiến các loại của Hạm đội 7 ở Thái Bình Dương.
Trước sức công phá của bom đạn, Hà Nội nói riêng và các tỉnh miền bắc nói chung rơi vào cảnh đổ nát, đau thương. Mỗi khi tiếng loa “Đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý! Máy bay địch cách Hà Nội 30 cây số” vang lên, người từ khắp các ngả lại chạy vội xuống các hầm trú bom.
Đáng nhớ nhất là lần nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành tác nghiệp tại Bệnh viện Bạch Mai và phố Khâm Thiên.
“4 giờ sáng 22/12, Mỹ ném bom xuống bệnh viện Bạch Mai. Ngay khi trời sáng rõ, tôi nhận được lệnh tới hiện trường chụp ảnh. Nhưng khi đến nơi, toàn bộ bệnh viện đã tan hoang. Cả tòa nhà trung tâm đổ sập, chỉ còn trơ trọi chữ Bạch Mai. Chung quanh, lẫn trong mùi khói đạn là những bác sĩ, y tá đang nháo nhào cứu người từ trong đống đổ nát. Những căn hầm bị vùi lấp, có cả những người bị bê tông đè lên. Để mở đường, người ta thậm chí phải… tháo khớp những người đã mất để lấy chỗ kéo người bị thương ra. Tất cả khiến chúng tôi vô cùng đau lòng”, nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành vừa chỉ tấm ảnh chụp 50 năm trước, vừa kể lại.
Cả tòa nhà trung tâm đổ sập, chỉ còn trơ trọi chữ Bạch Mai. Chung quanh, lẫn trong mùi khói đạn là những bác sĩ, y tá đang nháo nhào cứu người từ trong đống đổ nát... Tất cả khiến chúng tôi vô cùng đau lòng.
Đau thương hơn, đêm 26/12 cùng năm, B-52 lại trực tiếp không kích vào phố Khâm Thiên. Tối hôm đó, từ hầm trú ẩn phố Hàng Bột, tay máy của Thông tấn xã Việt Nam run lên từng chập vì nghe thấy tiếng bom đì đùng phả phần phật trên đầu mình. Khi ngoi lên mặt đất, ông thấy những dòng người rách rưới túa ra, chạy về khu Ngoại giao đoàn lánh nạn.
Sáng hôm sau, khi tới hiện trường, đập vào mắt anh phóng viên trẻ là những dãy quan tài xếp hàng dài trên mặt đường. Cả khu phố hầu như bị san phẳng. Mùi hương khói nhàn nhạt, tiếng người khóc hờn khiến ông không sao cầm được lòng.
“Tôi cầm máy ra giữa đường quãng độ 7-8 giờ. Lúc này cả đường chật ních người. Bà con sau đêm kinh hoàng vội vã nhặt nhạnh những gì còn sót lại, chất lên xe bò, xe đạp rồi vội vã di tản về phía tây theo hướng Hà Đông”, ông run run kể, đôi mắt đỏ hoe.
Sau này, lịch sử ghi nhận, riêng trong đêm 26/12/1972, bom Mỹ đã khiến cả dải phố chạy dọc từ Khâm Thiên đến Ô Chợ Dừa hóa thành bình địa. Gần 2.000 ngôi nhà bị đánh sập, trong đó 534 nhà bị phá hủy hoàn toàn. Bom B-52 giết chết 283 sinh mạng, trong đó có 91 phụ nữ, 40 cụ già, 55 trẻ em, khiến 178 trẻ mãi mãi mồ côi.
Nhành hoa đồng tiền trên trận địa
Đau thương là thế, nhưng với nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành, Hà Nội 12 ngày đêm-Điện Biên Phủ trên không còn là một Hà Nội rất nghĩa tình và tràn đầy niềm tin chiến thắng.
Đưa cho chúng tôi xem bức ảnh chụp khẩu đội pháo bên bờ hồ Trúc Bạch, nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành cho biết: Đây là lần ông… chết hụt!
“Vài hôm trước, tại trận địa này, tôi đã leo lên trên ụ pháo để bao quát toàn cảnh. Nhưng đợi mãi không thấy động tĩnh gì nên tôi rời đi. Mấy hôm sau quay lại thì toàn bộ khu vực cũ ấy đã bị san bằng. Ngay sau khi tôi rời đi, bom Mỹ đã dội thẳng vào trận địa khiến toàn bộ các chiến sĩ và cả những kỹ sư Bách khoa vừa ra trường không còn một ai”, nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành ngậm ngùi.
Thế nhưng, ông bảo: Đối mặt với hoàn cảnh mà “sống và chết chỉ cách nhau một lằn ranh”, nhưng không hiểu vì sao lúc đó những phóng viên như ông lại không hề cảm thấy sợ.
“Ông Đỗ Phượng, khi đó là Phó Tổng Biên tập Thông tấn xã Việt Nam nói với chúng tôi: Các đồng chí ở lại làm nhiệm vụ, nếu có hy sinh thì sẽ được phong là liệt sĩ. Nhưng chúng tôi cũng chỉ nghe để biết thế, còn cánh phóng viên rất lạc quan”.
Ngày ngày, sau giờ tác nghiệp, ông vẫn cùng người yêu (vợ nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành hiện tại) đạp xe dưới ánh trăng cuối năm trên các nẻo đường Hà Nội đã vắng tanh người. Hay giữa những đổ nát, ông lại thấy bà con chia nhau từng chút gạo, tấm áo, manh quần. Một người đồng nghiệp của nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành, sau khi chụp xác máy bay B-52 rơi tại hồ Hữu Tiệp (Ngọc Hà), thậm chí còn mang về một nhành hoa đồng tiền.
Đêm ngủ, nhành hoa được cắm vào chiếc cốc sắt, bên trận địa 12 ngày đêm đầy khói lửa. Trong một khoảnh khắc, dường như tất cả những đau thương, mất mát lùi lại, nhường chỗ cho một Hà Nội hào hoa và nghĩa tình.
“Đến tận bây giờ, tôi vẫn không thể lý giải được tinh thần lạc quan khi ấy. Chúng tôi chỉ nghĩ, chúng tôi cầm máy hay chiến đấu là để bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc mình, bảo vệ cuộc sống của mình. Chúng tôi tin vào chính nghĩa và tin rằng mình sẽ chiến thắng. Bởi vậy, ngay cả những người hy sinh cũng luôn trong tư thế rất lạc quan và tin tưởng. Cảm nhận đó dường như làm người Hà Nội hào hoa hơn trong lửa đạn”, nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành trầm ngâm.
Chúng tôi chỉ nghĩ, chúng tôi cầm máy hay chiến đấu là để bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc mình, bảo vệ cuộc sống của mình. Chúng tôi tin vào chính nghĩa và tin rằng mình sẽ chiến thắng.
"Thế mới thấy, giữa sự sống và cái chết đối với phóng viên chiến tranh rất… bình thường, giống như những người lính. Khi vào trận, chúng tôi chỉ tâm niệm phải cầm máy vững vàng và bình tĩnh. Chúng tôi không được quyền run sợ vì những người lính đã chiến đấu rất kiên cường. Chính họ đã truyền sức mạnh cho chúng tôi".
- Nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành -
Điều đáng mừng, những tấm ảnh chụp trong 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không đã góp phần quan trọng vào chiến thắng sau cùng. Giai đoạn đó, Thông tấn xã Việt Nam thực hiện nhiệm vụ gửi ảnh ra nước ngoài theo đường telephoto, vừa để tuyên truyền về việc nhân dân ta chiến đấu, chiến thắng, vừa để tố cáo tội ác của địch tới dư luận quốc tế.
“Trong suốt 12 ngày đêm cuối năm 1972, cứ 1-2 ngày, chúng ta lại mở một cuộc họp báo quốc tế và đưa những hình ảnh đổ nát, hy sinh rồi đưa các phi công bị bắt ra trước công luận. Chúng tôi khi đó quay phim, chụp ảnh, viết bài rồi Thông tấn xã Việt Nam truyền tin tức đó ra nước ngoài. Đây chính là đòn đánh bằng công tác thông tin tuyên truyền để tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, gây sức ép buộc chính quyền Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán. Các hãng thông tấn lớn của quốc tế đều nhận thấy thiện chí của Việt Nam cũng như sự thất bại của người Mỹ trong cuộc chiến tàn khốc này”, nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành nhấn mạnh.
Bức ảnh không công bố
“Sau khi tác nghiệp tại Khâm Thiên, tôi nhận được lệnh tới Định Công để chụp xác máy bay. Khi tới nơi, tôi phát hiện thi thể một phi công Mỹ, trong người anh có ảnh của người vợ và con khoảng 1 tuổi. Bức ảnh này tôi giữ lại cho riêng mình. Và tôi nghĩ, người lính Mỹ này cách xa mình hàng chục nghìn cây số; anh ấy cũng là nạn nhân khi bị chính quyền Mỹ khi đó dối lừa. Trong cuộc chiến này, không chỉ có người Việt Nam mà cả người Mỹ cũng khổ đau”.
- Nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành -
Ngày xuất bản: 27/12/2022
Tổ chức thực hiện: HỒNG MINH - HỒNG VÂN
Nội dung: SƠN BÁCH
Trình bày: TRUNG HƯNG
Ảnh: Nghệ sĩ nhiếp ảnh CHU CHÍ THÀNH, THÀNH ĐẠT