Hoàng Anh là một trong số ít những người trẻ tạo được dấu ấn trên con đường đưa những giá trị truyền thống đến gần hơn với công chúng bằng những sáng tạo mới mẻ, mang hơi thở đương đại. Anh tin, nghệ thuật nói chung và nghệ thuật đương đại nói riêng là những biểu hiện quan trọng của con người, kết nối chúng ta với nhau, với quá khứ, hiện tại và tương lai... Đó cũng là con đường giúp chúng ta tạo ra truyền thống mới cho chính thời đại mình đang sống.
Phóng viên: Từ một chuyên gia tư vấn chiến lược thương hiệu và quảng cáo, cơ duyên nào đưa Hoàng Anh đến với các hoạt động văn hóa nghệ thuật, để rồi miệt mài theo đuổi hành trình gian nan này.
Nghệ sĩ Hoàng Anh: Khi còn trẻ, tôi cũng như nhiều bạn bè đồng trang lứa khác dường như có tâm lý vọng ngoại, thấy cái gì của nước ngoài cũng hay nhao vào tìm hiểu, học hỏi. Tôi nhớ, đó là năm tôi 19 tuổi, trong nhiều cuộc đối thoại với một người bạn nước ngoài, chúng tôi say sưa trò chuyện về những cuộc chiến tranh, về di sản thế giới, những sự kiện xảy ra trên đất Mỹ, Nhật, Hàn Quốc... Cuộc nói chuyện khá thú vị vì tôi là người ham học hỏi và thích tìm hiểu.
Nhưng khi người bạn hỏi tôi rằng, “bạn biết rất nhiều về văn hóa ở bên ngoài Việt Nam, vậy bạn có thể kể cho tôi nghe câu chuyện về văn hóa lịch sử của quê hương bạn”, tôi khựng người lại. Lời đề nghị của bạn đã giáng một đòn đau vào sự tự tôn của một người trẻ đang say sưa nói về thế giới bên ngoài. Tôi giật mình, mảnh đất tôi sinh ra và thuộc về, tôi gần như không biết gì nhiều. Sau một khoảng thời gian, tôi cứ nghĩ mãi về câu hỏi đó. Tôi quyết định trở về, tìm hiểu về cội nguồn của chính mình.
Phóng viên: Nhà văn hóa Nguyễn An Ninh đã từng nói rằng: “Ta lại trở về nơi mà sự tình cờ run rủi đã đặt ta vào thành nơi chôn nhau cắt rốn”. Có vẻ điều này điều này đúng với anh.
Nghệ sĩ Hoàng Anh: Đúng vậy. Trên hành trình đi làm phim tài liệu, tôi bị cuốn hút vào một thế giới lộng lẫy của di sản, của những câu chuyện xã hội-lịch sử và nghệ thuật truyền thống. Tôi trở về ngôi nhà của gia đình ở Nam Định, nhà ông bà nội, khi còn bé tôi đã lớn lên ở đó. Nam Định là mảnh đất thi hương, là cái nôi của đạo Mẫu và vùng đất của nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác. Những ký ức sống dậy trong tôi, với Truyện Kiều, tiếng đàn nguyệt, tiếng trống của chầu văn... qua những kỷ niệm với ông bà nội.
Nhưng, tìm hiểu sâu hơn, tôi hiểu thêm về lịch sử gia đình mình. Cụ nội tôi là bạn thân của nhà thơ Tú Xương, dòng họ cũng có nhiều người từng đỗ tiến sĩ, phục vụ cho các triều đại phong kiến với không gian sống được phủ đầy nghệ thuật như chầu văn, ca trù, chèo... Thời Pháp thuộc, gia đình làm việc với chính quyền thuộc địa và bắt đầu theo Tây học. Các ông bà được cụ cho học tiếng Pháp và tất nhiên cả nhạc cụ phương Tây.
Trên hành trình đi làm phim tài liệu, tôi bị cuốn hút vào một thế giới lộng lẫy của di sản, của những câu chuyện xã hội-lịch sử và nghệ thuật truyền thống.
- Nghệ sĩ HOÀNG ANH -
Rời quê, tôi lớn lên trong khu văn hóa nghệ thuật Mai Dịch, xung quanh là khu tập thể của các đoàn nghệ thuật như chèo, tuồng, nhà hát nhạc vũ kịch, sân khấu điện ảnh… Trước đó tôi đã gặp nhà thiết kế Diego Chula - một người bạn Tây Ban Nha nặng lòng với văn hóa Việt - mà sau này, tôi thường gọi yêu là bố Diego. Chúng tôi đã chia sẻ với nhau rất nhiều về văn hóa và cuộc sống.
Ông khuyên tôi nên mở rộng hơn các mối quan hệ với cộng đồng, hướng đến các nhóm yếu thế và giúp thúc đẩy cộng đồng phát triển bằng các hoạt động văn hóa nghệ thuật. Ông là người có ảnh hưởng rất lớn đến con đường tôi theo đuổi. Nhưng có lẽ thay đổi lớn nhất là tôi có may mắn được sự hướng dẫn từ nhạc sĩ Nguyễn Xuân Sơn và nhạc sĩ Trần Kim Ngọc và tham gia Đom Đóm - Trung tâm âm nhạc và nghệ thuật thể nghiệm. Tôi bắt đầu hoạt động như một nghệ sĩ và thực hành nghệ thuật đương đại.
Phóng viên: Và "Lên Ngàn" ra đời từ chính cuộc trở về đó của Hoàng Anh khi anh nhận ra, sự kết nối giữa truyền thống và đương đại là con đường để đưa những giá trị di sản đến gần với công chúng. Anh đã bắt đầu hành trình đó như thế nào?
Nghệ sĩ Hoàng Anh: Tôi nhận ra sự mâu thuẫn lớn đang va đập bên trong bản thân về văn hóa và danh tính con người trước vòng xoáy toàn cầu hóa. Có thể những người trẻ Việt Nam rất am hiểu văn hóa ngoại quốc nhưng họ gần như không biết gì nhiều về văn hóa bản địa, những câu chuyện về đất nước, quê hương... Có lẽ, đó là một vấn đề khiến chúng ta thiếu tự tin khi bước ra ngoài biên giới.
Nhiều người trẻ có thể rất am tường về văn hóa Mỹ, Hàn, Nhật… mà rất ít biết gì về sự phong phú, đa dạng của văn hóa Việt Nam. Đó là một thực trạng khiến chúng ta phải suy nghĩ. Người ta hay nói thế hệ già và thế hệ trẻ. Hai hệ thống ấy đại diện cho cái cũ và cái mới, cái hôm qua và cái hôm nay. Hệ thống cũ là một cái gì đã ổn định, từng ngày nó vẫn đứng yên một chỗ. Còn hệ thống mới là hệ thống phát triển mỗi ngày, liên tục update. Ký ức của hệ thống cũ và hệ thống mới rất khác nhau. Tôi nghĩ rằng, văn hóa là hành trang mà mỗi người nên mang theo để biết rằng mình đến từ đâu, mình thuộc về nơi nào trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Từ năm 2013, tôi quyết định nghiên cứu nghiêm túc hơn về văn hóa - di sản. Trong năm 2014, dự án “Lênh đênh qua cửa Thần Phù” về đạo Mẫu được thực hiện. Tới năm 2019 sau 5 năm tích lũy và chuân bị cùng những người bạn đồng hành tại Lên Ngàn, chúng tôi tham gia vào nhiều khu vực khác nhau từ: giải trí, nghệ thuật đương đại tới cộng đồng.
Đồng thời, qua công việc tại Đom Đóm; nơi tạo nên một môi trường giáo dục nghệ thuật mang tính phổ quát về tư duy sáng tác và tinh thần thể nghiệm đã phần nào thúc đẩy tính cá nhân và giúp các nghệ sĩ khám phá những chất liệu từ di sản bản địa như nhạc cụ truyền thống, âm nhạc… đó cũng là một trong những việc quan trọng trong trên con đường đưa những giá trị di sản đến gần hơn với công chúng, tức là giúp tạo nên những nghệ sĩ độc lập và từ đó họ thực hành nghệ thuật cá nhân trong khu vực của mình.
Năm 2021, Dự án “Âm - Thanh sắc – Màu” với sự bảo trợ và đồng hành của graffiti gốc Việt Cyril Kongo đã tạo nên một không gian kết nối các nghệ sĩ đến từ nhiều khu vực nghệ thuật khác nhau. Chất liệu âm nhạc cổ điển, jazz, hip hop, nhạc thể nghiệm đan xen với tiếng trống đế, trống cơm, “sample” tiếng của nhân vật hề chèo (nghệ sĩ Ngọc Minh - Nhà hát chèo Việt Nam) trong vở chèo “Xúy Vân giả dại”… Các tác phẩm trong dự án đã mang tới công chúng những suy nghĩ về nơi chốn, sự giao thoa văn hóa giữa phương Đông và phương Tây. Và đặc biệt là gợi mở một cảm giác thú vị dành cho âm nhạc mới.
Điều tôi quan tâm là phải làm cho những di sản văn hóa sống được. Tôi gọi đó là hình thức bảo tồn động. Mà muốn nó sống được thì nó phải có môi trường để phát triển và có khán giả của riêng nó.
Phóng viên: Các dự án của Hoàng Anh luôn tạo dấu ấn bởi sự mới mẻ, sáng tạo, mang hơi thở đương đại. Sợi dây kết nối trong các dự án của anh là gì.
Nghệ sĩ Hoàng Anh: Sợi dây kết nối đó là sức hấp dẫn của Việt Nam đương đại, ở phần sâu thẳm của nó, là những câu chuyện về cá nhân và bản sắc, về quá khứ, hiện tại và tương lai. Tôi để ý tới những chi tiết nhỏ thường bị lãng quên trong lịch sử và đối chiếu chúng với sự thay đổi của bối cảnh sống đương đại. Thực ra chúng có vai trò tham gia vào vận mệnh quốc gia, dân tộc, xã hội, tác động đến diễn trình của tri thức, triều đại, trật tự ngai vàng, số phận con người hay hưng vong thời đại. Với các sử gia, nghệ thuật đôi khi chỉ là một chú giải nhỏ trong bài viết. Nhưng trong nhiều khung cảnh, nó lại nằm ở trung tâm của các diễn biến lịch sử.
Dĩ nhiên, lịch sử là phức tạp, không một nhân tố nào có thể được tuyệt đối hóa, cũng không thể có sự giả định trong lịch sử. Một vài thí dụ trong lịch sử Việt Nam cho thấy việc tìm hiểu về nghệ thuật cổ truyền cung cấp thêm nhiều tri thức không chỉ về cách thức con người với tư cách cá nhân suy nghĩ về bối cảnh sống, mà còn là ảnh hưởng của chúng đối với sự phát triển chính trị-xã hội ở nhiều phương diện khác nhau: từ tương tác giao lưu văn hóa, tri thức và sự ảnh hưởng lẫn nhau của các nền văn hóa, văn minh.
Cũng chính vào lúc đó, nghệ thuật truyền thống tham dự vào những biến cố quan trọng của lịch sử Việt Nam. Cuối cùng, lịch sử là một chuỗi những tương tác phức tạp mà mỗi nhân tố đều có vai trò riêng. Mỗi mảnh ghép của quá khứ, dù to hay nhỏ đều ẩn chứa đằng sau sức mạnh làm thay đổi vận mệnh của cá nhân, cộng đồng, hay xã hội. Để thấy rằng truyền thống cũng không phải là một yếu tố bất biến, để có thể nhắc nhở chúng ta rằng: Chúng ta đã được hình thành như thế nào bởi quá khứ của chính mình và tất yếu chúng ta có thể trở thành gì trong tương lai.
Nghệ thuật truyền thống cần được làm mới để có thể tiếp cận được với thế hệ khán giả trẻ, có thị trường, khi khán giả bỏ tiền ra mua vé, nghệ sĩ có sinh kế lại tiếp tục luyện tập, tạo ra những tác phẩm mới. Qua các dự án, khi các nghệ sĩ trẻ đang thực hành nghệ thuật truyền thống được va chạm với các nghệ sĩ ở các khu vực nghệ thuật khác như âm nhạc thể nghiệm, múa đương đại… các nghệ sĩ sẽ có cơ hội để phát triển thành những nghệ sĩ độc lập, sáng tạo ra những tác phẩm mang dấu ấn cá nhân.
Phóng viên: “Sơn hậu - Beyond the Mountain”, một cuộc dấn thân táo bạo của Hoàng Anh với nghệ thuật Tuồng. Vì sao anh lại chọn Tuồng, một thể loại kinh điển và khá xa lạ với khán giả trẻ.
Nghệ sĩ Hoàng Anh: Với cá nhân tôi, nghệ thuật Tuồng mang trong đó rất nhiều giá trị không chỉ về nghệ thuật mà còn cả những giá trị về mặt lịch sử. “Sơn Hậu - Beyond the Mountain” được tạo nên từ mong muốn rất cá nhân của tôi và Hà Nguyên Long cũng như các nghệ sĩ tham gia, cùng nhau khám phá nhiều cạnh khía khác của sân khấu truyền thống.
Ở tác phẩm này, các chất liệu như chuyển động, lối diễn xướng truyền thống, âm thanh, nhạc thể nghiệm, krumping… được đặt bình đẳng cạnh nhau, và mỗi chất liệu đều có không gian để cất lên tiếng nói của riêng mình. Chúng tôi giữ lại tính hình tượng của nghệ thuật Tuồng, nhưng thay đổi không gian và âm nhạc, đưa Tuồng ra khỏi sân khấu hộp và trình diễn ở sân chơi trong khu tập thể cũ. Tất cả nhằm tạo nên một không gian hiện thực huyền ảo, giữa câu chuyện của quá khứ và hiện tại.
Năm 2022, vở diễn “Cõi thinh không” được phát triển từ “Sơn Hậu - Beyond the Mountain” đã có buổi công diễn đầu tiên tại Trung tâm văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm, thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng và đặc biệt là khán giả trẻ.
“Cõi thinh không” không chỉ là một tái hiện đơn thuần âm nhạc và lối diễn xuất của nghệ thuật Tuồng kinh điển mà còn là điểm nối giữa nghệ thuật Tuồng truyền thống và nghệ thuật đương đại, giữa các nhân vật - với khán giả của hiện tại và tương lai.
Âm thanh/âm nhạc của “Cõi thinh không” ngoài các yếu tố nhạc điện tử còn được lấy cảm hứng từ nhiều yếu tố âm nhạc khác nhau trong suốt lịch sử văn hóa bản địa với các nhạc cụ như: kèn bóp, sáo, đàn bầu, nhị, bộ gõ truyền thống. Khám phá các khái niệm âm nhạc giữa “Đông” và “Tây”, truyền thống và hiện đại, bản sắc văn hóa và “thể loại” âm nhạc thông qua việc phát triển âm nhạc và hình thức diễn xuất của Tuồng truyền thống.
Phóng viên: Nhiều người cho rằng, những cách làm mới táo bạo của Hoàng Anh đang phá truyền thống. Còn anh nghĩ sao?
Nghệ sĩ Hoàng Anh: Tôi cho rằng, di sản nghệ thuật truyền thống như một viên ngọc, mình thay cho nó chiếc áo mới nhưng lõi của nó vẫn là viên ngọc. Việc bảo tồn rất cần thiết để lưu trữ lại những giá trị gốc nhưng tôi nghĩ việc phát triển cũng quan trọng không kém, bởi nếu chỉ bảo tồn, các giá trị di sản sẽ chỉ còn trong bảo tàng, thư viện, nó không “sống” nữa. Tôi nghĩ rằng, trước khi muốn “phá” cái gì đó, mình phải thực sự hiểu nó. Cái tôi “phá” ở đây là mở ra một con đường, dễ tiếp cận hơn với cuộc sống đương đại. Nhưng những giá trị lòng bản của nghệ thuật truyền thống tôi vẫn giữ lại. Tôi sử dụng những ngôn ngữ đương đại như nhạc điện tử, nhạc thể nghiệm… nhưng được phát triển từ những chất liệu truyền thống. Đó vẫn là truyền thống, nhưng là một truyền thống mới.
Di sản nghệ thuật truyền thống như một viên ngọc, mình thay cho nó chiếc áo mới nhưng lõi của nó vẫn là viên ngọc.
- Nghệ sĩ HOÀNG ANH -
Tại Việt Nam, đôi khi chúng ta thường nhầm lẫn giữa hai khái niệm dân gian và truyền thống. Truyền thống là những giá trị có tính xuyên vùng miền, có tính chất tính hàn lâm; còn dân gian có tính chất vùng miền, như chèo là sản phẩm của Bắc Bộ, quan họ là của Bắc Ninh... Mỗi một thời kỳ, dân gian - truyền thống đều có những thay đổi, bởi con người và cuộc sống cũng vậy. Như chèo thời Lê sẽ khác chèo thời Lý, ca trù thời Trần khác thời Nguyễn…
Tại sao chúng ta không tạo ra truyền thống thời của mình? Đó chính là sự tiếp nối những giá trị trong quá khứ nhưng mang những hơi thở và suy tư của đời sống hôm nay. Tôi nghĩ rằng những ký ức và di sản của văn hoá bản địa luôn ở đó, nhưng việc có đi tìm kiếm nó hay không lại là lựa chọn của mỗi người.
Nếu muốn, bạn có thể quay đầu và chạm vào nó; còn nếu không thì bạn có thể sống hết cả đời mà chẳng phải tìm kiếm điều gì. Vậy thì cái cũ có cho chúng ta những kinh nghiệm trong việc ứng xử với cái mới? Cái ở bên trong có tạo cho chúng ta sức mạnh khi đối diện với cái bên ngoài? Mỗi người sẽ có câu trả lời của riêng mình.
Những thông điệp từ quá khứ không chỉ cho chúng ta biết điều gì chúng ta phải làm hoặc có thể làm, mà còn cho chúng ta biết điều gì chúng ta có thể làm nhưng không nên làm.
Phóng viên: Cảm ơn cuộc trò chuyện của Hoàng Anh.
Nguyễn Quốc Hoàng Anh là nhà sáng lập Lên Ngàn, nghệ sĩ đa phương tiện và là giám tuyển nghệ thuật. Anh từng theo học piano tại Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, truyền thông tại FPT Arena, phim tài liệu tại DocLab và giám tuyển nghệ thuật âm thanh tại SoundsNow bởi Onassis Stegi.
Năm 2021 - 2022, Hoàng Anh đảm nhận nhiều vị trí như giám đốc nghệ thuật, nhà sản xuất âm nhạc và nghệ sĩ trình diễn của các dự án: “Âm Thanh Sắc Màu”, vở diễn “Cõi Thinh Không”, vở diễn “Mộng”, sân khấu thể nghiệm “Giấc mơ tạo nghĩa” tại Manzi… Hanoi Grapevine Finest 2021-2022 đã đề cử anh là nghệ sĩ tích cực của năm vì những cống hiến của anh cho cộng đồng văn hóa nghệ thuật Việt Nam.
Hiện tại, Hoàng Anh đảm nhiệm vị trí giám đốc điều hành tại Đom Đóm - Trung tâm âm nhạc và nghệ thuật thể nghiệm.
Tổ chức thực hiện: HỒNG MINH
Nội dung: VIỆT LINH
Trình bày: SONG ANH
Ảnh: Trương Ngọc Sơn, Nguyễn Hoàng Việt, Đức Việt