Các nhà báo thường trú tại Nga thường gọi ông Viktor Alekseevich Petrov, nguyên thành viên Ủy ban Đoàn kết Á-Phi và Ủy ban Liên Xô ủng hộ Việt Nam trực thuộc Đảng Cộng sản Liên Xô từ năm 1973-1991, là “bác Petrov”, một người bạn đáng kính của Việt Nam. Bác Petrov năm nay đã 84 tuổi, nhưng vẫn còn hết sức minh mẫn. Khi đi cùng chúng tôi, gặp ai bác cũng giới thiệu bằng cụm từ “các bạn Việt Nam của chúng ta” với một niềm tự hào và dường như là cả một niềm tin vào những giá trị mà suốt một thời làm việc của bác đã từng gắn bó.

PHONG TRÀO ĐOÀN KẾT ỦNG HỘ VIỆT NAM

Bác là người đã từng lo hậu cần và tháp tùng bà Nguyễn Thị Bình trong những lần lưu trú và quá cảnh ở Moskva để đi Paris trong thời gian bà làm Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam tại Hội nghị Paris.

Vẫn tính cách nhiệt tình sôi nổi của thế hệ những người Xôviết với tinh thần quốc tế vô sản, ủng hộ những cuộc đấu tranh chính nghĩa trên toàn thế giới, bác Petrov kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng nhân dân Liên Xô ủng hộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập với nhiều câu chuyện cảm động. Đó cũng chính là thời điểm bác làm việc suốt gần 20 năm tại Ủy ban Liên Xô ủng hộ Việt Nam.

Bác Petrov kể: “Tinh thần ủng hộ Việt Nam biến thành tình đoàn kết lan rộng trong khắp đất nước chúng tôi”. Trong suốt những năm diễn ra Chiến tranh Việt Nam, Ủy ban Liên Xô ủng hộ Việt Nam và Quỹ Hòa bình Liên Xô thường xuyên nhận được nhiều khoản đóng góp từ những người về hưu cho đến các em học sinh, cũng như từ các nhà máy đến các xí nghiệp lớn, đặc biệt là nhà máy mang tên Likhacheva.

Cuộc trò chuyện với bác Petrov tại nhà riêng.

Cuộc trò chuyện với bác Petrov tại nhà riêng.

Bác cho biết, công nhân của hầu hết tất cả các xí nghiệp và nhà máy lớn của Liên Xô với lượng công nhân lên tới hàng trăm nghìn người, đều đã dành một ngày lương để đóng góp vào Quỹ Ủng hộ Việt Nam. Khẩu hiệu “Chúng tôi bên cạnh các bạn, nước Việt Nam anh em” đã trở thành động lực trong tinh thần toàn thể nhân dân Liên Xô vào thời điểm đó.

“Với tư cách là một người tham gia phong trào đoàn kết và ủng hộ quốc tế dành cho Việt Nam, tôi có thể khẳng định rằng trước và sau cuộc đấu tranh giành độc lập của Việt Nam, chưa từng có một phong trào toàn cầu thực sự mạnh mẽ như vậy ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của một dân tộc”, bác Petrov quả quyết.

Theo bác Petrov, vào thời điểm đó nhân dân Liên Xô là những người vừa chịu nhiều tổn thất và mất mát to lớn nhất trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, cho nên họ hiểu rõ những khó khăn và hy sinh khi cuộc chiến diễn ra ở Việt Nam. Họ cảm nhận bằng cả trái tim mình mục tiêu đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam chống lại sự xâm lược của Mỹ. “Đây là nguồn sức mạnh tinh thần, đạo đức và chính trị to lớn của nhân dân Liên Xô liên quan đến các sự kiện ở Việt Nam”, bác Petrov nói.

KỶ NIỆM VỚI BÀ NGUYỄN THỊ BÌNH

Hiện bác Petrov đang sống cùng con gái Olia và cháu ngoại Nikolai hơn 3 tuổi ở căn hộ số 4, tầng 3, tòa nhà số 56, Phố Bolsaia Gruzinskaia ở ngay trung tâm Moskva. Căn hộ chỉ khoảng hơn 50 m2, nhưng các phòng tràn ngập ánh sáng.

Bác Petrov cho biết, chính tại căn hộ này, bác đã được đón bà Nguyễn Thị Bình đến ở lại khi bà quá cảnh Moskva vào lúc nửa đêm trong một chuyến công tác. Cần lưu ý là, trước đây, các đoàn đại biểu Việt Nam phải đi qua Moskva để từ đó đến Paris tham gia đàm phán. Ủy ban Đoàn kết với các nước Á-Phi và Ủy ban Liên Xô ủng hộ Việt Nam có trách nhiệm hỗ trợ phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam trong thời gian ở Liên Xô.

Bác Petrov tốt nghiệp tiếng Pháp Trường đại học Sư phạm ngoại ngữ quốc gia Moskva thời Liên Xô nay là Trường đại học tổng hợp ngôn ngữ quốc gia Moskva (MGLU). Bác cho biết, vì là người giỏi tiếng Pháp nên bác đã được giao nhiệm vụ lo công tác hậu cần và tháp tùng bà Bình trong những lần bà đến Liên Xô. Bác Petrov nhớ lại: “Tôi có cảm giác ấm áp quý trọng đặc biệt đối với người phụ nữ vĩ đại, người con của Việt Nam Nguyễn Thị Bình”.

Bác Petrov đã tháp tùng bà Nguyễn Thị Bình tới phát biểu tại nhiều sự kiện quần chúng khác nhau ở Liên Xô để thu hút sự ủng hộ dành cho Việt Nam. Sau này, bác Petrov cũng nhiều lần được mời đến thăm Việt Nam vào các dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn của Việt Nam và đã có dịp đến thăm bà Bình tại nhà riêng.

Bác Petrov trong căn phòng bà Nguyễn Thị Bình đã lưu trú khi quá cảnh ở Moskva. Căn phòng này nay đã được gia đình bác cải tạo lại.

Bác Petrov trong căn phòng bà Nguyễn Thị Bình đã lưu trú khi quá cảnh ở Moskva. Căn phòng này nay đã được gia đình bác cải tạo lại.

“VIKTOR BIẾT TẤT CẢ VỀ VIỆT NAM”

Trong căn phòng mà bà Bình đã từng nghỉ tạm lúc quá cảnh, chúng tôi được bác cho xem những cuốn sách về Việt Nam và hết sức ấn tượng với một bức ảnh bác Petrov trong cuốn sách ảnh nổi tiếng về Việt Nam của tác giả người Nga Vladimir Ionchenkov trong đó có dòng chữ ghi: “Viktor Petrov biết tất cả về Việt Nam”.

Quả đúng vậy, bác Petrov đã giúp chúng tôi hiểu một cách có hệ thống về bối cảnh và các yếu tố lịch sử của mối quan hệ giữa Việt Nam và Liên Xô những năm tháng Việt Nam đấu tranh giành độc lập dân tộc.

Theo bác Petrov, đất nước và nhân dân Liên Xô luôn đứng về phía nhân dân Việt Nam, nhưng động lực mới và mạnh mẽ cho tình hữu nghị và hợp tác của hai nước đã được tạo ra bởi sự công nhận của Liên Xô đối với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 30/1/1950. Cũng trong năm này, theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội Hữu nghị Việt-Xô được thành lập, do người cộng sự thân cận của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà cách mạng kỳ cựu trong cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam, đồng chí Tôn Đức Thắng đứng đầu.

Sự phát triển năng động của quan hệ hữu nghị Việt-Xô với sự tham gia của hàng triệu người dân Liên Xô dưới hình thức này hay hình thức khác đã dẫn đến việc thành lập Hội Hữu nghị Xô-Việt vào năm 1958 và được nhà du hành vũ trụ German Stepanovich Titov lãnh đạo trong hơn 30 năm.

Năm 1965, sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô đã ra quyết định thành lập Ủy ban Liên Xô ủng hộ Việt Nam nhằm điều phối các hoạt động của nhân dân Liên Xô và quốc tế ủng hộ nhân dân Việt Nam. Và các hoạt động này đã mang lại những kết quả to lớn.

Các tổ chức xã hội của Liên Xô, chủ yếu là Công đoàn Liên Xô, Ủy ban Bảo vệ hòa bình Liên Xô, Ủy ban Đoàn kết các nước Á-Phi và Ủy ban Liên Xô ủng hộ Việt Nam, bằng thẩm quyền to lớn, mối quan hệ quốc tế rộng rãi và nguồn lực vật chất đáng kể của mình, đã có những đóng góp vô giá vào việc thống nhất các lực lượng hòa bình và đoàn kết ủng hộ Việt Nam.

Vì vậy, vào ngày 9/7/1967, một Hội nghị quốc tế chưa từng có nhằm ủng hộ Việt Nam đã được tổ chức tại Stockholm (Thụy Điển), với sự tham dự của hơn 400 đại biểu từ 63 quốc gia và 22 tổ chức quốc tế. Sau đó, Hội nghị Stockholm được tổ chức thường niên và kéo dài cho đến khi cuộc đấu tranh thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam giành thắng lợi hoàn toàn vào năm 1975.

Bác Petrov lưu ý rằng, trong những năm 70 và 80 của thế kỷ trước hầu hết các hội nghị quốc tế đều được tài trợ từ Quỹ Hòa bình của Liên Xô. Trong thời gian này, bác Petrov là một trong hai người điều phối chính của Ủy ban Liên Xô ủng hộ Việt Nam đã làm việc gần như liên tục với các đoàn đại biểu Việt Nam lưu trú tại Nga cũng như quá cảnh đến nhiều nước khác nhau ở châu Âu để bày tỏ, quảng bá quan điểm của Việt Nam. Bác cũng có dịp gặp gỡ nhiều đại diện tiêu biểu của Việt Nam như bà Nguyễn Thị Định và người anh hùng lái chiếc xe tăng đầu tiên vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975…

Trong những lần gặp gỡ tại các sự kiện liên quan đến Việt Nam tổ chức tại Moskva, chúng tôi thấy bác luôn dành nhiều thời gian để kể lại cho mọi người về những năm tháng lịch sử hào hùng của một dân tộc mà bác cảm mến. Bác rất khiêm tốn khi nói về bản thân mình, nhưng lại hào hứng chia sẻ toàn bộ sự hiểu biết của mình về Việt Nam. Con gái Olia của bác cũng luôn bên cạnh cha, lắng nghe chăm chú và tự hào về những công việc của ông.

Thời gian trôi qua, những nhân chứng lịch sử thời kỳ Liên Xô ủng hộ Việt Nam chỉ còn lại một vài người. Nhiều người trong số họ đã mất hoặc tuổi cao sức yếu. Thế hệ những người như bác Petrov với tinh thần quốc tế cộng sản nhiệt huyết thật đáng trân trọng. Chúng tôi chỉ mong bác thật khỏe, tiếp tục truyền lửa cho thế hệ tiếp theo về mối quan hệ hữu nghị bền chặt giữa hai dân tộc.

Thực hiện: THÙY VÂN (từ Moskva)
Trình bày: NGỌC TOÀN