CHỦ NGHĨA CÁ NHÂN
khởi nguồn của sự suy thoái, tham nhũng
"Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực... bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân”, “kiên quyết đấu tranh quét sạch chủ nghĩa cá nhân trong toàn Đảng” là thông điệp mạnh mẽ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị trung ương lần thứ tư khóa XIII, thể hiện tầm nhìn chiến lược trong vấn đề xây dựng và chỉnh đốn Đảng.
Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thực hiện các Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI, khoá XII và các quyết định, quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong thời gian qua, chúng ta đã đạt được những kết quả bước đầu rất quan trọng, tạo ra sự chuyển biến rõ rệt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, được toàn Đảng, toàn dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Tuy nhiên, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi một cách căn bản, thậm chí có mặt còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn, có thể gây ra những hậu quả khôn lường.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: "Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực, 'tự diễn biến', 'tự chuyển hoá' trong nội bộ có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân, từ việc bản thân cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng; sa vào chủ nghĩa cá nhân, quên mất trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước dân".
"Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực, 'tự diễn biến', 'tự chuyển hoá' trong nội bộ có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân”
Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng
phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII
Tầm nhìn chiến lược trong vấn đề xây dựng và chỉnh đốn Đảng
Trao đổi với Báo Nhân Dân, PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng thông điệp của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thể hiện tầm nhìn chiến lược của nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng trong vấn đề xây dựng và chỉnh đốn Đảng.
Ngay từ năm 1947 trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra yêu cầu kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân và nêu lên những đòi hỏi cao hơn trong tác phẩm "Đạo đức cách mạng" khi nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội được đặt ra trực tiếp. Trước khi đi xa, Người căn dặn toàn Đảng phải quét sạch chủ nghĩa cá nhân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nêu rõ: “Chủ nghĩa cá nhân đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm: Quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí... Nó trói buộc, nó bịt mắt những nạn nhân của nó, những người này bất kỳ việc gì cũng xuất phát từ lòng tham muốn danh lợi, địa vị cho cá nhân mình, chứ không nghĩ đến lợi ích của giai cấp, của nhân dân”.
Trong tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” (3/2/1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra 10 loại bệnh nảy sinh từ chủ nghĩa cá nhân cần nhận diện và phòng chống: bệnh quan liêu; bệnh tham lam; bệnh lười biếng; bệnh kiêu ngạo; bệnh hiếu danh; bệnh “hữu danh vô thực”; bệnh cận thị (biểu hiện là chỉ để ý đến cái nhỏ, vụn vặt, không thấy cái lớn, cái quan trọng); bệnh tỵ nạnh; bệnh xu nịnh, a dua và bệnh kéo bè, kéo cánh.
Theo ông Phúc, trong giai đoạn hiện nay, cần phải xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa xây và chống như quan điểm của Hội nghị Trung ương 4, khóa XII đã nêu, đó là lấy xây là cơ bản và lâu dài, chống suy thoái, tiêu cực là bức thiết và phải làm thường xuyên. Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII cho thấy có nhiều kết quả đáng ghi nhận cả về xây và chống.
PGS,TS Nguyễn Trọng Phúc
Tuy nhiên, tình trạng tu dưỡng, rèn luyện của một số cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức có quyền vẫn còn chưa tương xứng với yêu cầu của Đảng, dẫn tới mắc sai lầm, khuyết điểm và gốc gác là hiện tượng sa vào chủ nghĩa cá nhân.
“Có những người từng được phong anh hùng, rất đáng ngưỡng mộ, rồi ở những vị trí rất cao, có vai trò ảnh hưởng rất lớn nhưng rồi lại rơi vào sai phạm thậm chí phải bị xử lý, ra tòa... thì đó chính là khi lòng dạ không còn trong sáng nữa và sa vào chủ nghĩa cá nhân”, PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc nói.
Nhận diện mầm mống chủ nghĩa cá nhân trong giai đoạn mới
Theo PGS,TS Nguyễn Trọng Phúc, những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân giờ cũng tinh vi hơn, có khi là nhân danh công việc chung nhưng lại “luồn” lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm vào; tham lam dẫn tới tham nhũng rồi đặt cái tôi của mình lên trên cái chung của đất nước, của Đảng.
Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng cũng cho rằng để chống chủ nghĩa cá nhân thì trước hết cần nhận diện rõ chủ nghĩa cá nhân và các mầm mống, biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân trong giai đoạn mới.
Ông Vũ Quốc Hùng
“Khi đói con người phải ăn, khát thì phải uống. Nếu có 1 lít nước mà có 5 người cùng khát, anh giành nửa lít nước cho bản thân vì nghĩ rằng anh cần phải khỏe và đỡ khát trước, còn mặc kệ các anh kia thì đó cũng là biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân. Tuy nhiên, đó chỉ là biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân nhỏ, vặt vãnh thôi còn ở mức cao hơn thì nghĩ rằng phải bằng mọi cách có chức, có quyền để hưởng lạc rồi dẫn đến “một người làm quan cả họ được nhờ”, ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, theo bản năng, con người thường có xu hướng nghĩ đến mình trước, đặt lợi ích, sở thích, ham muốn của mình lên trước hết, cho nên chiến thắng bản thân là việc khó nhất như cổ nhân từng nói “kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình”. Vấn đề quan trọng là làm thế nào để khắc phục những khuyết điểm của “con người bản năng” để không ảnh hưởng tới lợi ích của cộng đồng, của xã hội và tránh sa vào chủ nghĩa cá nhân.
Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 1.300 tổ chức đảng và 87 nghìn đảng viên. Ngành Thanh tra, Kiểm toán qua công tác thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 580 nghìn tỷ đồng, gần 9 nghìn ha đất; kiến nghị xử lý trách nhiệm hơn 9.700 tập thể, cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý hơn 480 vụ việc có dấu hiệu phạm tội.
Ông Vũ Quốc Hùng nêu thực trạng là khi nói đến chủ nghĩa cá nhân thì nhiều người cho rằng nói ai đó chứ không phải nói mình, cho nên trước hết cần nhận diện chủ nghĩa cá nhân trong đời sống, sinh hoạt, lao động và trong lãnh đạo quản lý. Tiếp đó, trên cơ sở nhận diện được rồi thì tiến hành sửa chữa những khiếm khuyết đó, và một trong những giải pháp chính là tiến hành công tác tự phê bình và phê bình một cách nghiêm túc và thực chất.
“Việc tự phê bình và phê bình tuy đã được nêu rõ trong Điều lệ Đảng, nhưng thực tế nhiều nơi, nhiều người chỉ làm cho có hình thức. Còn nếu làm đến nơi đến chốn thì đó chính là một biện pháp rất hữu ích để giúp sửa nhiều thứ, trong đó có sửa cả những khiếm khuyết của chủ nghĩa cá nhân”, ông Hùng nói.
Cấp càng cao càng phải gương mẫu
Với kinh nghiệm làm công tác kiểm tra của Đảng nhiều năm, ông Vũ Quốc Hùng cho rằng ngay từ bản kiểm điểm cuối năm của mỗi đảng viên cũng có thể thấy rõ ai làm kiểm điểm một cách chân thành, thực chất và ai làm một cách qua loa, kể lể thành tích. Đồng thời, bên cạnh quy định về việc tự phê bình và phê bình thì Quy định 22-QĐ/TW ngày 28/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng chính là một công cụ hữu hiệu để chống suy thoái, tiêu cực trong nội bộ Đảng.
“Chúng ta có đủ các phương tiện, vũ khí để chống lại tiêu cực nhưng có áp dụng không, áp dụng như thế nào? Tôi cho rằng vai trò của người lãnh đạo ở đây rất quan trọng, và cấp càng cao thì càng phải gương mẫu trong công tác tự phê bình và phê bình”, ông Hùng nói.
Theo PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, để chống chủ nghĩa cá nhân trong Đảng thì khâu đánh giá cán bộ là rất quan trọng, đặc biệt cần phải có cái nhìn sâu sắc, căn cơ thì mới có đánh giá đúng và trúng, qua đó mới phát hiện người cán bộ nào mang chủ nghĩa cá nhân. Nếu đánh giá không đúng thì lựa chọn không đúng và khi lựa chọn không đúng thì dẫn tới cán bộ càng sa đà vào những cái sai và mang lại những hậu quả rất lớn.
Tuy nhiên, sau khi hoàn thành khâu đánh giá, bố trí cán bộ thì phải tiếp tục bồi dưỡng, giáo dục, rèn luyện thì mới có được cán bộ giỏi và tốt thật sự như quan điểm của Bác Hồ: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Đảng phải biết nuôi dạy cán bộ giống như người làm vườn chăm sóc vụ trồng những cây quý, trọng cán bộ, trọng nhân tài thì mới có cán bộ giỏi, cán bộ tốt, bố trí cán bộ rồi thì phải tạo điều kiện cho cán bộ tốt hơn”.
Ông Phúc cho rằng đánh giá cán bộ cần theo phương châm: khách quan, trung thực, minh bạch và phải đặt cái chung lên trên hết chứ không phải vì cán bộ mà “xếp đặt cái ghế công việc”, tiếp đó là thực hiện tốt các khâu quản lý cán bộ và kiểm soát quyền lực, cần phải cùng lúc thực hiện tốt những điều Đảng đã quy định.
"Kiên quyết đấu tranh quét sạch chủ nghĩa cá nhân trong toàn Đảng"
Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng
phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII
Đặc biệt, để tránh trường hợp cán bộ khi đánh giá thì tốt nhưng khi vào vị trí lại mắc sai lầm, bị chi phối bởi quyền lực, ham muốn vật chất thì cần phải làm tốt công tác bảo vệ cán bộ bằng cách làm cho họ tự xa lánh cái xấu, không để cái xấu làm hư hỏng, tha hóa.
“Để ngày càng ít đi cán bộ bị kỷ luật thì phải bảo vệ cán bộ. Bảo vệ ở đây không có nghĩa là bao che mà là làm cho họ tự ý thức được và xa lánh cái xấu, không để cái xấu làm hư hỏng, tha hóa. Muốn như vậy, mỗi cán bộ, đảng viên cần ý thức được tầm quan trọng của việc tu dưỡng, rèn luyện và phải thực hiện thường xuyên, liên tục”, ông Phúc nhấn mạnh.
Ông Phúc lý giải, đặt trong hoàn cảnh như nhau, có người sai lầm nhưng có người vẫn làm đúng, làm tốt thì đó là do cá nhân mỗi người chứ không thể đổ lỗi do hoàn cảnh. Bởi vì, cái gốc là sự tu dưỡng, rèn luyện của mỗi người, do đó tự mình có trách nhiệm, bản lĩnh vượt qua cám dỗ, tự mình rời bỏ chủ nghĩa cá nhân thì mới có ý nghĩa.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng cũng cho rằng, trong một xã hội phát triển thì mong muốn của con người về cuộc sống tốt hơn là chính đáng. Tuy nhiên, nếu chỉ đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của cộng đồng, xã hội thì đã sa vào chủ nghĩa cá nhân. Chính vì vậy, việc tu dưỡng, rèn luyện thường xuyên của mỗi cán bộ, đảng viên chính là “phương thuốc đặc trị” chữa những căn bệnh bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân.
Tổ chức thực hiện: NGỌC THANH - VIỆT ANH
Nội dung: TRỊNH DŨNG - BÔNG MAI
Trình bày: PHAN ANH - ĐỨC DUY