Chung sức đồng lòng
khắc phục khó khăn

Giáo dục là lĩnh vực luôn được ưu tiên hàng đầu và nhận được sự quan tâm sát sao của toàn xã hội. Đây cũng là một vấn đề nóng trên nghị trường thời gian qua. Tình trạng thừa, thiếu giáo viên ở bậc giáo dục phổ thông đã nhận được những ý kiến đóng góp thẳng thắn cởi mở, nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng cán bộ quản lý giáo dục và đội ngũ nhà giáo, coi đây là khâu then chốt trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Cần thời gian để giải quyết thấu đáo

Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay, tôi cho rằng, tình trạng thiếu giáo viên trong thời gian tới vẫn sẽ là một thách thức đối với ngành giáo dục. Dù rằng việc thừa thiếu cục bộ diễn ra trong từng địa phương, ở từng cấp học, từng môn học (thiếu nhiều nhất là giáo viên mầm non, giáo viên ở địa bàn miền núi), nhưng điều này ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng giáo dục, tuy nhiên, không thể nóng vội mà cần có thời gian, lộ trình để tháo gỡ dần.

Chính phủ cần có những giải pháp nhanh và kịp thời hơn để giải quyết những vướng mắc bất cập trong tuyển dụng, sử dụng quản lý đội ngũ giáo viên, rà soát sửa đổi những chính sách đã không còn phù hợp nữa. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có lộ trình bài bản để thu hút, tuyển dụng được những giáo viên có năng lực thực sự, yêu nghề, bám nghề và được đào tạo chuẩn. Cụ thể, chủ trương cắt giảm biên chế theo chỉ tiêu 10% trong lĩnh vực giáo dục cũng cần có cân nhắc, tính toán và đưa ra lộ trình phù hợp, không thể cắt giảm cơ học được.

Để giải quyết thấu đáo cần thiết phải rà soát lại hệ thống chính sách nhằm bảo đảm sự thấu tình đạt lý và đạt hiệu quả cao, tuân thủ nguyên tắc có học sinh thì phải có giáo viên, có học sinh là phải có trường lớp, như chủ trương nhất quán xưa nay. Chủ động việc rà soát, dự báo nhu cầu từng giai đoạn, từng địa bàn, từng cấp học; chủ động tuyển dụng, điều chuyển để tránh được tình trạng thừa thiếu cục bộ; đồng thời có chính sách hợp lý để tạo điều kiện cho những giáo viên chưa đủ chuẩn và tự nguyện được nghỉ trước tuổi, dành cơ hội tuyển dụng số giáo viên trẻ, đào tạo chuẩn, phù hợp chuyên môn đào tạo...

Ảnh: An Thành Đạt

Ảnh: An Thành Đạt

Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo): Tiếp tục sửa đổi, bổ sung văn bản về tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ giáo viên

Cho đến thời điểm này, hệ thống chính sách đối với đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhằm thực hiện Luật Giáo dục, Luật Viên chức và các bộ luật khác có liên quan đã tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, từ năm học 2019-2020, nhiều văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao hơn (một số luật và nghị định của Chính phủ) được sửa đổi, bổ sung, nên nhiều văn bản về tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới. Đồng thời, chưa có luật riêng về đội ngũ nhà giáo để quy định cụ thể, chi tiết, bảo đảm thống nhất, đồng bộ các nội dung liên quan đến đối tượng này.

Hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng và đưa vào sử dụng cơ sở dữ liệu về đội ngũ giáo viên, cung cấp thông tin về đội ngũ đầy đủ, chính xác và kịp thời, làm cơ sở để cơ quan quản lý ra các quyết định về chính sách. Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ đã tiến hành rà soát kỹ lưỡng báo cáo của 63 tỉnh, thành phố, nắm rõ các số liệu về tình trạng thừa, thiếu giáo viên hiện nay. Để khắc phục vấn đề này kể cả về lâu dài và trước mắt, cần tập trung thực hiện đồng bộ nhóm các giải pháp, trong đó, trên tinh thần quán triệt và thực hiện Nghị quyết 19 Trung ương về đổi mới, sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập, với mục tiêu giảm 10% số đơn vị sự nghiệp và giảm 10% biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Tập trung đẩy mạnh tự chủ, xã hội hóa giáo dục - đào tạo, nhất là giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông ở những nơi có điều kiện.

Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ giao bổ sung gần 95 nghìn biên chế trong giai đoạn 2021-2025, trong đó riêng năm học này đề nghị bổ sung khoảng 30 nghìn biên chế, 1/3 trong số đó dành cho giáo viên mầm non các tỉnh vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số còn chịu nhiều khó khăn.

Trước mắt, để khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên, cần tiếp tục công tác rà soát, dự báo nhu cầu giáo viên, quy hoạch mạng lưới đào tạo sư phạm, công bố chuẩn nghề nghiệp giáo viên, ban hành kế hoạch bồi dưỡng giáo viên, dồn điểm trường lẻ về trung tâm, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục nghiên cứu tham mưu cho Chính phủ các chính sách phù hợp trong tuyển dụng, luân chuyển giáo viên để bảo đảm chất lượng và sự ổn định của đội ngũ, chú trọng công tác đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Bên cạnh đó, các địa phương chủ động rà soát sắp xếp các điểm trường, biên chế giáo viên phù hợp...

Tình trạng thiếu giáo viên mầm non đang diễn ra ở nhiều địa phương. Ảnh: một buổi học ở trường mầm non Đường Lâm (Hà Nội).

Tình trạng thiếu giáo viên mầm non đang diễn ra ở nhiều địa phương. Ảnh: một buổi học ở trường mầm non Đường Lâm (Hà Nội).

Bà Lò Thị Luyến, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên: Cần căn cứ đặc thù địa phương để ứng xử linh hoạt

Ở một số tỉnh miền núi như Điện Biên đặc thù địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, mật độ dân cư phân bố thưa thớt cho nên nhiều nơi một trường bao gồm nhiều điểm trường. Hiện Điện Biên đang thiếu 1.495 giáo viên. Việc giao định mức giáo viên đứng lớp chưa bảo đảm theo quy định, nhưng khi giao chỉ tiêu tinh giản biên chế lại căn cứ vào số giáo viên chưa có. Việc thực hiện xã hội hóa giáo dục không khả thi, nên việc cắt giảm số lượng người làm việc hằng năm để bảo đảm đến năm 2025 tiếp tục giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước so với năm 2021 sẽ dẫn đến ngày càng thiếu giáo viên đứng lớp, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Bên cạnh đó, tình trạng huy động người đi học ở tỉnh, nhất là ở bậc mầm non không ngừng tăng lên, thế nhưng, số lượng người làm việc được giao lại giảm (trung bình 1,7%/năm). Đây là thực trạng chung của nhiều địa phương, gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng dạy và học. Đối với một tỉnh nghèo và còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như Điện Biên, cần có sự chung tay góp sức từ Trung ương, Bộ, ngành.

Ngành giáo dục cũng đã đưa ra nhiều giải pháp, phương án để khắc phục, tuy nhiên cái khó bó cái khôn. Điện Biên hiện đang thiếu cả cơ sở vật chất, thiết bị dạy học. Thêm vào đó, tình trạng thiếu giáo viên các bộ môn đặc thù... khiến ngành giáo dục địa phương càng chồng chất khó khăn. Với giáo viên các bộ môn, toàn tỉnh hiện cũng còn thiếu khoảng 170 giáo viên tiếng Anh và Tin học do nguồn tuyển và việc đặt hàng đào tạo gặp nhiều khó khăn. Đến năm học này, tỉnh vẫn còn khoảng 12% học sinh khối lớp 3, 4, 5 chưa được học tiếng Anh tự chọn. Số học sinh này khi học đến lớp 6 Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn.

Tổ chức thực hiện :
Ban Nhân Dân hằng tháng
Nội dung :
Mạnh Xuân - Thúy Quỳnh - Giang Sơn -
Thanh Sơn - Xuân Kỳ - Tùng Duy
Trình bày mỹ thuật :
Duy Thanh
Ảnh :
Trần Hải, Thúy Quỳnh, Trần Hoàn, TH, TS, Xuân Kỳ