Cần chung tay nỗ lực
từ nhiều phía

Một góc thư giãn ở Làng du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ.

Một góc thư giãn ở Làng du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ.

Trong bối cảnh chung nền kinh tế đang đối mặt với nhiều thách thức như hiện nay, du lịch cộng đồng được xác định là loại hình cần ưu tiên. Các nhà quản lý, chuyên gia tư vấn, doanh nghiệp lữ hành... đã cùng tham gia hiến kế để du lịch cộng đồng sớm biến thách thức thành cơ hội:

Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch):
Tập trung hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến 2,5 triệu lao động trong ngành du lịch với 800.000 lao động trực tiếp, trong đó đối tượng bị mất việc, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là hướng dẫn viên du lịch, nhân viên làm việc tại cơ sở lưu trú du lịch, khu điểm du lịch, các doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển, tàu du lịch, doanh nghiệp du lịch khác. Từ năm 2020 đến nay, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ ngành du lịch. Chương trình hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng ở Việt Nam do Tổng cục Du lịch xây dựng được thực hiện trên phạm vi toàn quốc trong giai đoạn từ 2021-2025 với những nội dung chủ yếu gồm có: Hỗ trợ phát triển hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số phục vụ phát triển sản phẩm du lịch; đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho người dân tộc thiểu số tham gia phát triển du lịch; xúc tiến, quảng bá du lịch và kết hợp với các chương trình mục tiêu quốc gia khác về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025.

Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực theo cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu phục hồi du lịch, cơ cấu lại nguồn lực phát triển du lịch: phát triển nguồn nhân lực du lịch đóng vai trò quan trọng cho sự phục hồi trong ngắn hạn; phục vụ phát triển du lịch bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh trong dài hạn. Cần có kế hoạch, đầu tư đánh giá lại nguồn nhân lực du lịch. Đầu tư đào tạo, đào tạo lại lao động nghề phục vụ hoạt động kinh doanh khách sạn, lữ hành, hướng dẫn viên, xúc tiến quảng bá du lịch.

Một trong những lĩnh vực cần ưu tiên tập trung thúc đẩy là du lịch cộng đồng. Các địa phương đẩy mạnh củng cố, phát triển đa dạng sản phẩm du lịch đáp ứng xu hướng mới của thị trường, xác định đầu tư, phát triển sản phẩm du lịch theo chủ đề, trên cơ sở thế mạnh, tiềm năng sẵn có, mang tính khác biệt, tạo thành mạng lưới các sản phẩm đa dạng và có sự bổ trợ cho nhau.

Ông Nguyễn Châu Á, Tổng Giám đốc Oxalis Adventure:
Tạo ra những sản phẩm du lịch thật sự độc đáo

Nhà nước nên cân nhắc, có thể trích 5-10% kinh phí từ các nguồn thu tham quan danh lam thắng cảnh trên toàn quốc để tạo một phần ngân sách phục vụ cho công tác quảng bá du lịch một cách bài bản không? Cần nghiên cứu, đầu tư thêm ngân sách trong việc quảng bá tạo nhận thức điểm đến cho khách du lịch tại các thị trường chiến lược, thị trường tiềm năng nhằm giúp cho các doanh nghiệp du lịch dễ dàng tiếp cận và quảng bá sản phẩm du lịch đến khách hàng. Cần đầu tư kinh phí tương xứng để có chiến lược quảng bá hình ảnh điểm đến Việt Nam ra thế giới theo kịp với các xu thế công nghệ hiện nay.

Những chính sách miễn, giảm thuế, chính sách giảm, giãn lãi suất cho vay ngân hàng đối với các hoạt động kinh doanh du lịch, hoặc hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động của Chính phủ đang rất tốt và kịp thời. Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ cần chi tiết, cụ thể, đúng đối tượng, thí dụ như chính sách miễn giảm tiền điện cho các cơ sở lưu trú du lịch, hỗ trợ đồng hành cùng địa phương trong công tác đào tạo nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ để tiếp cận thị trường...
Du lịch, đặc biệt là loại hình du lịch cộng đồng là ngành kinh tế tổng hợp. Để thúc đẩy phát triển cần có sự đồng bộ hóa về hạ tầng kỹ thuật, chính sách phát triển du lịch và các ngành nghề liên quan, nhất là ngành dịch vụ và các ngành kinh tế bổ trợ. Đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành có các chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển du lịch để huy động tổng hợp các nguồn lực cả đầu tư công, đầu tư tư nhân để phát triển du lịch trong đó có du lịch cộng đồng. Đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống giao thông kết nối giữa các trung tâm du lịch lớn trong cả nước; ưu tiên phát triển du lịch tại các địa phương phù hợp lợi thế của từng tỉnh, thành phố trong chiến lược phát triển chung.

Khách đến với bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ, Lai Châu) được các thanh niên người Mông chào đón bằng thức uống thảo quả pha mật ong độc đáo. Ảnh: Hữu Vinh

Khách đến với bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ, Lai Châu) được các thanh niên người Mông chào đón bằng thức uống thảo quả pha mật ong độc đáo. Ảnh: Hữu Vinh

Ông Phạm Hải Quỳnh, Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam:
Cần chú trọng kết nối dịch vụ các điểm đến, tạo sự khác biệt cho mô hình du lịch

Để phát triển du lịch cộng đồng đúng cách, có hiệu quả và bền vững thì việc nghiên cứu, tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm trong và ngoài nước, thực hiện đồng bộ các giải pháp có ý nghĩa rất quan trọng. Phát triển du lịch cộng đồng gắn với mục tiêu xóa đói, giảm nghèo dứt khoát phải theo hướng bền vững. Đó là sự phát triển nhằm đáp ứng các nhu cầu của hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng các nhu cầu của thế hệ mai sau. Theo đó, bên cạnh các yếu tố cảnh quan, hạ tầng thì quan trọng hơn cả là cộng đồng được hưởng lợi từ việc tham gia vào chuỗi cung ứng dịch vụ đó, cả trực tiếp hay gián tiếp. Không chỉ đơn thuần hộ làm dịch vụ homestay mà các hộ khác cùng tham gia khi cung cấp lương thực, đặc sản, hàng lưu niệm, các dịch vụ khách để người dân nhận thấy được hưởng lợi từ du lịch.

Để khuyến khích cả bộ máy vào cuộc, Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam đã hỗ trợ không gian để người dân có cơ hội giao lưu văn hóa cùng du khách, tạo niềm vui cho họ cũng như để bản làng có cơ hội bảo tồn và phát huy giá trị của họ và dần khuyến khích họ góp sức trong câu chuyện phát triển du lịch. Xây dựng được một sản phẩm du lịch tốt cần nhiều yếu tố, trong đó quan trọng cốt lõi vẫn phải hiểu bản chất vấn đề, hiểu người dân, cộng đồng dân cư ở đó cần gì, cái giá trị mà cộng đồng đang thiếu là gì, hiểu được điểm mạnh và điểm yếu của cộng đồng đó, từ đó có chiến lược phát triển du lịch phù hợp, bảo đảm gìn giữ được giá trị, bản sắc văn hóa, hài hòa với các yếu tố lợi ích, quyền lợi sinh kế lâu dài cho bà con.

Bà Nguyễn Thị Lan, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam:
Tăng cường tính kết nối, bổ trợ nhau để phát huy thế mạnh

Để phục hồi và phát triển sau thời gian khó khăn vừa qua, toàn ngành du lịch nói chung, du lịch cộng đồng nói riêng cần sự phối hợp hỗ trợ của nhiều ngành. Liên kết, bổ trợ lẫn nhau để luôn bảo đảm nguyên tắc phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường và tài nguyên. Xây dựng sản phẩm du lịch chất lượng dựa trên sự liên kết vùng, liên kết ngành, liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành để phát huy thế mạnh của từng doanh nghiệp là một trong những giải pháp trọng tâm để thu hút và đẩy mạnh thị trường nội địa trong thời gian tới... Du lịch cộng đồng với đặc thù khai thác hiệu quả các giá trị tài nguyên thiên nhiên, đa dạng và đặc trưng của văn hóa, lịch sử, làng nghề, góp phần tăng tỷ lệ khách du lịch, tăng chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của du khách.

Ông Vàng A Chỉnh, chủ nhân của Chỉnh homestay (Làng du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ, Phong Thổ, Lai Châu):
Mong muốn nhiều người biết và đến trải nghiệm ở Sin Suối Hồ

Nằm ở độ cao hơn 1.500 m so với mặt nước biển, nhiều năm trước, bản Sin Suối Hồ nghèo nàn, hẻo lánh ít người qua lại vì đường sá đi lại khó khăn, điện nước không có, cuộc sống dân bản nghèo đói, tệ nạn nghiện hút càng khiến bản làng xơ xác. Là trưởng bản, thấy cuộc sống bà con như thế, tôi băn khoăn lắm. Có chủ trương Nhà nước hỗ trợ để xây dựng thành làng du lịch cộng đồng, tôi cũng như bà con cả bản rất phấn khởi. Trải qua hơn bảy năm xây dựng tôn tạo dần dần, chúng tôi có được làng du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ đẹp như hôm nay. Chúng tôi mong muốn nhiều khách du lịch đến với Sin Suối Hồ. Bà con chúng tôi luôn nhắc nhở nhau giữ bản làng sạch sẽ, trồng nhiều hoa lan, nhiều thảo quả, nuôi nhiều ong để bản luôn đẹp giàu. Tôi cũng như hầu hết các chủ homestay mong muốn được học thêm tiếng Anh, chuyên môn về quản lý thu chi, nấu ăn, phục vụ lễ tân... để phục vụ du khách ngày một tốt hơn.

Người dân Phong Nha đang làm đẹp cảnh quan chuẩn bị đón du khách trở lại. Ảnh: Dương Hiền

Người dân Phong Nha đang làm đẹp cảnh quan chuẩn bị đón du khách trở lại. Ảnh: Dương Hiền

Tổ chức thực hiện :
Ban Nhân Dân hằng tháng
Nội dung :
Bình Nhi-Đức Tâm-Trần Gia-Trần Vũ-Hiền Tâm
Trình bày mỹ thuật :
Duy Thanh
Ảnh :
Đức Tâm, Hữu Vinh, Dương Hiền, nguồn internet