MỞ RA NHỮNG CHƯƠNG MỚI

QUAN HỆ VIỆT NAM-LIÊN BANG NGA, VIỆT NAM-LIÊN BANG THỤY SĨ

Nhận lời mời của Tổng thống Liên bang Thụy Sĩ Guy Parmelin và Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tiến hành thăm chính thức Liên bang Thụy Sĩ và Liên bang Nga từ ngày 25/11 đến 2/12/2021. Đây là chuyến thăm chính thức châu Âu đầu tiên của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị mới.

Chuyến thăm Liên bang Nga diễn ra trong bối cảnh Việt Nam và Liên bang Nga vừa kỷ niệm 70 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2020 và tổ chức Năm chéo tại mỗi quốc gia nhân kỷ niệm 25 năm ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của mối quan hệ hữu nghị Việt-Nga và 20 năm ký Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược Việt-Nga. Trong khi đó, với Thụy Sĩ, chuyến thăm diễn ra vào đúng dịp hai nước kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao.

Với bối cảnh đặc biệt và đầy ý nghĩa nêu trên, chuyến công du Liên bang Nga và Liên bang Thụy Sĩ lần này của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hứa hẹn mở ra những chương mới tươi sáng hơn nữa cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Nga, cũng như khẳng định sự coi trọng và mong muốn của Việt Nam viết tiếp những trang hợp tác mới cho quan hệ tốt đẹp Việt Nam-Thụy Sĩ.

Tình hữu nghị Việt-Nga, tài sản chung quý giá của hai dân tộc

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và cán bộ, nhân viên Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và cán bộ, nhân viên Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga. Ảnh: TTXVN

Mối quan hệ vững bền theo năm tháng

Trải qua mọi thử thách của thời gian và những biến động của lịch sử, mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Liên bang Nga luôn nồng ấm và tin cậy. Nhìn lại lịch sử quan hệ hai nước trên suốt chặng đường hơn 71 năm qua (30/1/1950 - 30/1/2021), có thể thấy, mối quan hệ giữa hai nước luôn vững bền theo thời gian và ngày càng phát triển sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực như chính trị-ngoại giao, kinh tế-thương mại, văn hóa-xã hội, khoa học-công nghệ…

Trong suốt quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn nhận được sự đồng tình, ủng hộ, sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của Đảng, Nhà nước và nhân dân Liên Xô (trước đây). Trên cơ sở những tình cảm gắn bó đó, quan hệ Việt Nam-Liên bang Nga ngày nay có những tiến triển tích cực, ngày càng được nâng lên tầm cao mới về chất.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đại sứ Liên bang Nga Gennady Bezdetko chụp ảnh chung với các đại biểu. Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đại sứ Liên bang Nga Gennady Bezdetko chụp ảnh chung với các đại biểu. Ảnh: TTXVN

Kể từ khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 30/1/1950, quan hệ song phương phát triển rất mạnh mẽ. Một sự kiện trọng đại trong quan hệ song phương là việc hai nước ký Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Liên bang Nga hồi tháng 3/2001. Tháng 7/2012, hai nước quyết định nâng tầm quan hệ đối tác bằng việc xác lập khuôn khổ hợp tác mới là quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, đánh một dấu mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ Việt Nam-Liên bang Nga.

Trong lĩnh vực chính trị-ngoại giao, quan hệ Việt Nam-Liên bang Nga có sự tin cậy cao và ngày càng được củng cố thông qua các chuyến thăm các cấp, nhất là cấp cao, cũng như thông qua các cơ chế tham vấn, đối thoại chiến lược hằng năm. Các chuyến thăm cấp cao được hai nước thực hiện khá thường xuyên, tạo ra những chuyển biến quan trọng trên các lĩnh vực khác. 

Chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2018 (Nguồn: Truyền hình Nhân Dân)

Chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2018 (Nguồn: Truyền hình Nhân Dân)

Trong lĩnh vực kinh tế-thương mại, quan hệ hợp tác Việt Nam-Liên bang Nga ngày càng có những điểm sáng tích cực. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2020 đạt gần 4,85 tỷ USD. Kim ngạch thương mại trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 2,61 tỷ USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2020. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Nga gồm điện thoại, điện tử, dệt may, giầy dép, nông, thủy, hải sản các loại…; các mặt hàng nhập khẩu chính gồm: than đá, lúa mì, sắt thép, phân bón, ô-tô, máy móc, thiết bị các loại…


Đại dịch Covid-19 càng khẳng định sức mạnh của sự đoàn kết, tinh thần tương thân tương ái giữa Việt Nam và Nga. Hai nước đã phối hợp chặt chẽ trong ứng phó dịch bệnh. Trong giai đoạn đầu khi dịch mới bùng phát, Chính phủ Việt Nam, Quốc hội, các bộ, ngành của Việt Nam đã tặng Nga khẩu trang y tế và một số vật tư y tế. Phía Nga đã viện trợ cho ta các liều vaccine Sputnik V và thuốc điều trị, vật tư y tế. Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, hiện nay, ta đang thúc đẩy phía Nga cung cấp vaccine Sputnik V cho Việt Nam theo lộ trình đã được thống nhất và đẩy nhanh chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine của Nga tại Việt Nam.

Trước hai quốc gia và hai dân tộc chúng ta là những nhiệm vụ quan trọng nhằm thúc đẩy quan hệ song phương cả ở những lĩnh vực đã hình thành cũng như ở các hướng tương lai mới, vì sự phát triển ổn định và thịnh vượng của Nga và Việt Nam, bảo đảm hòa bình và ổn định ở khu vực và trên thế giới nói chung


Đại sứ Liên bang Nga tại Việt Nam Gennady Bezdetko

Những trái tim đồng điệu Việt-Nga

Tình cảm gắn bó giữa hai đất nước Việt Nam và Liên bang Nga không chỉ xuất phát từ sự ủng hộ, hợp tác chặt chẽ về chính trị, kinh tế..., mà còn từ sự đồng điệu trong tâm hồn giữa nhân dân hai nước, thể hiện qua những giao lưu, kết nối về văn hóa. Nhiều tác phẩm văn học có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao của những tên tuổi lớn như Dostoevsky, Pushkin, Chekhov, Lev Tolstoy, Maksim Gorky, Sholokhov... đã trở nên hết sức quen thuộc đối với người Việt Nam.

Đại sứ Liên bang Nga tại Việt Nam Gennady Bezdetko bàn giao lô vaccine Sputnik V cho Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn. Ảnh: VGP

Đại sứ Liên bang Nga tại Việt Nam Gennady Bezdetko bàn giao lô vaccine Sputnik V cho Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn. Ảnh: VGP

Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội từ lâu đã trở thành địa chỉ quen thuộc đối với những người Việt Nam yêu mến nền văn hóa “xứ sở Bạch dương” và những người Nga muốn hiểu hơn về nét đẹp văn hóa đậm đà bản sắc của Việt Nam. Thông qua các buổi hội thảo giáo dục, các cuộc thi Olympic tiếng Nga và Olympic Toán học, trung tâm đã tạo cơ hội du học Nga cho nhiều học sinh Việt Nam.

Dịch giả Hoàng Thúy Toàn. Ảnh: Truyền hình Nhân Dân

Dịch giả Hoàng Thúy Toàn. Ảnh: Truyền hình Nhân Dân

Nhắc đến những người "bắc nhịp cầu" văn học Việt-Nga, ta không thể không nhắc đến các nhà văn, dịch giả Việt Nam đã dành cuộc đời mình miệt mài cống hiến cho sự nghiệp dịch thuật văn học Nga. Đó là nhà văn, dịch giả Hoàng Thúy Toàn, người đã xây dựng nhà lưu niệm “Văn học Nga ở Việt Nam” tại Bắc Ninh. Nhà lưu niệm là nơi dịch giả Thúy Toàn gửi gắm tình yêu vô hạn dành cho văn hóa, văn học Nga. Đó còn là dịch giả, Nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi, người đã chuyển ngữ Truyện Kiều của Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du sang tiếng Nga, góp phần xây những nhịp cầu vun đắp tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước...

Việt Nam-Thụy Sĩ, nửa thế kỷ hợp tác bền chặt

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Liên bang Thụy Sĩ Guy Parmelin trong cuộc gặp tại New York (Mỹ) tháng 9/2021. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Liên bang Thụy Sĩ Guy Parmelin trong cuộc gặp tại New York (Mỹ) tháng 9/2021. Ảnh: TTXVN

Thụy Sĩ, quốc gia luôn chủ động hội nhập quốc tế

Thụy Sĩ là đất nước tươi đẹp, thanh bình nằm ở khu vực Trung Âu. Mặc dù không có nhiều tài nguyên thiên nhiên, địa hình chủ yếu là đồi núi, diện tích nhỏ, dân số ít, nhưng Thụy Sĩ là một trong những nước có nền sản xuất công nghiệp phát triển mạnh và mức sống cao nhất thế giới.

Nổi tiếng là một trong những trung tâm ngân hàng, bảo hiểm lớn của thế giới, Thụy Sĩ quy tụ nhiều ngân hàng, hãng bảo hiểm nổi tiếng. Nền công nghiệp của Thụy Sĩ phát triển ở trình độ cao, tập trung vào các ngành cơ khí chế tạo, dệt, chế biến thực phẩm, dược, hóa chất, chế biến gỗ. Ngành du lịch và thuế thu từ các tổ chức quốc tế đóng trụ sở tại Thụy Sĩ cũng mang lại cho quốc gia này nguồn thu đáng kể.

Thụy Sĩ theo đuổi chính sách đối ngoại trung lập từ năm 1815, có quan hệ ngoại giao với hầu hết các nước trên thế giới và tham gia nhiều tổ chức quốc tế và khu vực như Liên hợp quốc, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE)...

Mặc dù chưa gia nhập Liên minh châu Âu (EU), nhưng EU là đối tác quan trọng nhất của Thụy Sĩ cả về chính trị và kinh tế. Thụy Sĩ đã ký với EU nhiều hiệp định song phương quan trọng, bao trùm hầu hết các lĩnh vực kinh tế, thuế quan, an ninh, nông nghiệp, tự do đi lại, thông tin, môi trường... Từ tháng 12/2008, Thụy Sĩ chính thức gia nhập Hiệp ước Schengen, đánh dấu mốc mới trong quá trình hội nhập châu Âu thời kỳ sau Chiến tranh lạnh.

Ảnh: Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Việt Nam cung cấp

Khu công nghiệp Đình Vũ (Deep C - Thành phố Hải Phòng) có dự án đầu tư của Thụy Sĩ.

Ảnh: Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Việt Nam cung cấp

Khu công nghiệp Đình Vũ (Deep C - Thành phố Hải Phòng) có dự án đầu tư của Thụy Sĩ.

Khởi đầu tốt đẹp, hướng tới tương lai

Năm 1971 đánh dấu thời điểm Việt Nam và Thụy Sĩ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, cùng nhau nỗ lực xây dựng và vun đắp quan hệ hợp tác song phương. Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam Ivo Sieber khẳng định: “Khi Thụy Sĩ và Việt Nam chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 11/10/1971, triển vọng hợp tác giữa hai nước được nâng lên một tầm cao mới”.

Trải qua một nửa thế kỷ hợp tác tốt đẹp, quan hệ Việt Nam-Thụy Sĩ không ngừng phát triển và ngày càng bền chặt. Trên nền tảng quan hệ chính trị tin cậy, hợp tác kinh tế song phương ghi nhận nhiều kết quả khả quan.

Quan hệ kinh tế đóng vai trò trung tâm, khi Việt Nam rất thành công trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế và là một đối tác hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Thụy Sĩ.


Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam Ivo Sieber

Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Thụy Sĩ năm 2020 và các năm 2016-2018 duy trì ở mức dưới 1 tỷ USD. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2020 của hai nước đạt 863,5 triệu USD.

Tính đến tháng 5/2021, Thụy Sĩ có 177 dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký khoảng 1,9 tỷ USD, đứng thứ 20 trong số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Đầu tư của Thụy Sĩ chủ yếu tập trung vào các ngành xây dựng, văn hóa, y tế, giáo dục, công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ du lịch tại nhiều địa phương của Việt Nam.

Một trong những điểm nhấn trong quan hệ hai nước là hợp tác phát triển. Tháng 3/2021, Thụy Sĩ đã công bố Chương trình hợp tác phát triển Thụy Sĩ-Việt Nam 2021-2024 với số vốn ODA khoảng 85 triệu USD, theo đó Việt Nam tiếp tục là một trong số ít nước nằm trong danh sách đối tác ưu tiên hợp tác. Các dự án hợp tác phát triển do Thụy Sĩ tài trợ cả song phương và đa phương được triển khai tích cực, đóng góp hiệu quả cho phát triển kinh tế, xã hội và thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ, hướng tới thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.

Nổi tiếng là trung tâm đào tạo có uy tín trong lĩnh vực ngân hàng, du lịch, bảo hiểm và công nghệ cao, Thụy Sĩ đã tích cực giúp đỡ Việt Nam thông qua các dự án hỗ trợ giáo dục về môi trường, quản lý và các dự án đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ các chuyên ngành tài chính, ngân hàng, quản trị kinh doanh.

Đẩy mạnh ngoại giao đa phương,
nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế

Thúc đẩy ngoại giao đa phương là một trong những trọng tâm trong chuyến công tác lần này của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Trong khuôn khổ chuyến thăm Thụy Sĩ, Chủ tịch nước sẽ thăm Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tiếp lãnh đạo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO)..., qua đó khẳng định sự chủ động tham gia, tích cực đóng góp của Việt Nam trong các thể chế đa phương.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Abdullah Shalid. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Tổng thư ký Liên Hợp Quốc. Ảnh: TTXVN

Đoàn Việt Nam tham dự Đại hội đồng WIPO lần thứ 59.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Abdullah Shalid. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Tổng thư ký Liên Hợp Quốc. Ảnh: TTXVN

Đoàn Việt Nam tham dự Đại hội đồng WIPO lần thứ 59.

Đặt quan hệ hợp tác với Việt Nam từ năm 1976, WHO đã đóng góp tích cực cho sự phát triển của ngành y tế Việt Nam. Cùng với nguồn kinh phí trong nước và các nguồn hỗ trợ khác, viện trợ của WHO có vai trò quan trọng đối với ngành y tế Việt Nam, tập trung hỗ trợ hầu hết các lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân như phòng chống dịch bệnh, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đào tạo và nâng cao năng lực cán bộ y tế...

Về phía Việt Nam, nước ta cũng tích cực tham gia các Hội nghị, diễn đàn quốc tế và khu vực về hợp tác quốc tế trên lĩnh vực y tế. Các nỗ lực và thành công của Việt Nam trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân… đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam, đến chào từ biệt trước khi kết thúc nhiệm kỳ công tác. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam, đến chào từ biệt trước khi kết thúc nhiệm kỳ công tác. Ảnh: TTXVN

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tại tất cả các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, WHO không chỉ là nguồn cung cấp thông tin chính thống nhất về tình hình dịch bệnh, phương pháp điều trị, chất lượng vaccine và các thông tin chuyên môn khác, WHO đã phối hợp các bên giúp Việt Nam tiếp cận nhanh chóng các nguồn vaccine, hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và sản xuất vaccine của Việt Nam…

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng sẽ dành thời gian gặp lãnh đạo WIPO. Việt Nam gia nhập WIPO vào năm 1976. Có thể khẳng định, WIPO là đối tác đầu tiên và quan trọng nhất của Việt Nam trong hợp tác quốc tế về sở hữu trí tuệ. Đến nay, WIPO đã dành cho Việt Nam nhiều sự trợ giúp quan trọng liên quan đến việc xây dựng pháp luật, nâng cao năng lực và hiện đại hóa hệ thống các cơ quan quản lý sở hữu trí tuệ, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao nhận thức của công chúng về sở hữu trí tuệ. Sự trợ giúp của WIPO có ý nghĩa to lớn và góp phần quan trọng vào sự phát triển của hệ thống sở hữu trí tuệ Việt Nam.

Chuyến thăm Liên bang Nga và Liên bang Thụy Sĩ của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao nước ta khẳng định quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam đưa mối quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác chiến lược toàn diện với Liên bang Nga, cùng mối quan hệ hợp tác tốt đẹp nhiều mặt với Liên bang Thụy Sĩ bước sang một giai đoạn phát triển mới, với những kết quả hợp tác thực chất và hiệu quả hơn. Chuyến thăm cũng góp phần nâng cao vị thế và vai trò của Việt Nam trong các thể chế đa phương, khẳng định Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế
(Theo Bộ Ngoại giao)

Ngày xuất bản: 25/11/2021
Chỉ đạo thực hiện: NGỌC THANH - BÍCH HẠNH
Nội dung: MINH HẰNG - NGUYỄN HÀ
Trình bày: ĐĂNG PHI - PHAN ANH
Ảnh: TTXVN, Trang thông tin điện tử Văn phòng Chủ tịch nước, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Hội hữu nghị Việt-Nga, Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Việt Nam