Sinh ra trong gia đình thuần nông tại xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, anh Phan Trung Kiên, cựu sinh viên Khoa Kinh tế, Trường đại học Nông nghiệp Hà Nội sau nhiều lần khởi nghiệp thất bại đã “bén duyên” với cây cà gai leo. Đam mê, “lì lợm” cùng những lần “cứ liều” đã giúp anh thành công với loạt sản phẩm tốt cho sức khỏe từ cà gai leo được đông đảo người tiêu dùng đón nhận.
“Cứ liều”… và trái ngọt đã đến
Tốt nghiệp năm 2002, vốn năng động và thích kinh doanh, anh Kiên khởi nghiệp từ rất sớm, anh mở quán photocopy, rồi công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi, men tiêu hóa cho vật nuôi, trồng rau rừng… nhưng đều không thành công. Anh chia sẻ, dân nông nghiệp khởi nghiệp rất khó khăn. Khi được phóng viên hỏi, trong phút chốc, anh không thể bật ra chính xác số lần mình thất bại. Ngã lên ngã xuống cả 5 đến 10 lần, nhưng với bản tính “lì lợm”, sau mỗi lần thất bại, anh lại tìm tòi, triển khai các ý tưởng mới.
Anh Kiên nhớ lại mỗi khi uống rượu say, mẹ thường đun cây cà gai leo lấy nước để anh giải độc gan. Tìm thêm tài liệu về cây này anh mới biết, đây là cây dược liệu rất tốt cho gan và được Viện Dược liệu quốc gia nghiên cứu rất kỹ. Nhìn thấy tiềm năng của cây cà gai, anh chỉ nghĩ đơn giản, thôi cứ thử “liều”, là kỹ sư nông nghiệp thì mình cứ trồng. Nghĩ là làm, anh vay mấy tỷ đồng thuê gần 20ha trồng cà gai leo để thực hiện ý tưởng.
Khi anh bắt tay vào trồng, giá cà gai leo khô lúc đó rất cao, dao động tự 150.000-200.000 đồng/kg. Anh tính toán, trồng cây này chỉ chặt, băm xong phơi khô mà bán được giá lên tới 200.000 đồng/kg thì chẳng mấy chốc "giàu to". Mừng thầm là vậy, nhưng thực tế lại không hề màu hồng, anh trồng được đến ha thứ 15 thì giá rớt thảm hại xuống còn 15.000 đồng/kg do người dân đổ xô trồng nhiều khi thấy hiệu quả kinh tế cao.
Lúc đó, anh hoang mang vì vay nhiều tiền, bỏ thì vỡ nợ. Cứ “liều” bước tiếp tục con đường đầy khó khăn phía trước mà chưa hề biết mình sẽ sản xuất gì, anh kiên trì vừa làm vừa dò đường, tìm lối đi. Thoạt đầu, anh băm ngắn cây cà gai rồi cho vào túi giao bán cho mọi người đun lấy nước uống, nhưng mọi người phản hồi là cây nhiều gai, để nguyên gai thế uống rất khó.
Xoay sở đủ cách, anh chuyển sang làm trà, nhưng không còn tiền mua máy. Anh đành sao cây lên, nghiền ra, đóng túi lọc bán, chủ yếu làm thủ công. Đó là thời điểm cuối năm 2016, lúc anh bắt đầu có chút thu nhập từ kênh bán lẻ. Trong quá trình làm, anh thường chia sẻ quy trình trồng và chăm sóc cây lên mạng xã hội facebook, không ngờ hiệu ứng tốt, mọi người tin tưởng chủ động đặt mua. Dần dần, họ dùng thấy hiệu quả và tiếp tục ủng hộ, giới thiệu nhiều khách hàng khác cho anh. Tâm sự với bạn bè, không ai tin anh bán hết 5ha cà gai (hơn chục tấn) để làm trà.
Về cơ duyên với cây cà gai leo, anh Kiên khiêm tốn tự nhận bản thân không giỏi, nhưng được cái lì, nên mới gắn bó với loại cây dại này như vậy. Anh cười: “Tính mình thích là làm, không ai cản được. Vì đã chót đặt niềm tin, “chót liều” vay đầu tư quá nhiều, nên khi giá lao dốc không còn cách nào khác là phải quyết tâm xoay sở, lì lợm theo đuổi đến cùng để thu hồi vốn và trả nợ; cũng may sau đó, chút thành quả đã tới”.
Nhớ lại chặng đường dài khởi nghiệp, anh Kiên chiêm nghiệm: “Khi mình đủ quyết tâm thì ắt sẽ có người giúp đỡ, hay văn hoa hơn là "vũ trụ sẽ giang tay giúp bạn đạt mục tiêu nếu bạn thực sự quyết tâm”.
Trà cà gai leo của Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Thăng Long Sadu là đơn vị duy nhất sản xuất theo quy trình khép kín từ gieo trồng giống, thu hái, sơ chế, chế biến nguyên liệu đến thành phẩm. Nhờ đó, giảm được chi phí sản xuất nên sản phẩm Sadu đến với tay người tiêu dùng vừa bảo đảm sạch, an toàn, giá thành lại hợp lý.
Anh Kiên cho biết, bản thân đã mang các sản phẩm từ cây cà gai leo đi kiểm nghiệm và biết được rằng càng chế biến sâu thì dược tính càng bị mất đi nên tốt nhất là dùng tươi, hoặc không thì pha như trà. Anh luôn tư vấn cho khách hàng nên dùng trà, vừa rẻ lại vừa tốt, tạo thói quen uống nhiều nước, uống thành nhiều lần, giúp các chất độc trong cơ thể được đào thải kỹ hơn.
Đặc biệt hơn, mỗi sản phẩm đều có mã vạch, dễ dàng truy xuất nguồn gốc và từ đó sản phẩm nhận được niềm tin từ khách hàng sử dụng. Sau thời gian gắn bó với sản phẩm dược liệu quê nhà, đến nay, các sản phẩm từ cà gai leo của công ty rất đa dạng bao gồm cà gai leo khô, cà gai leo túi lọc, cao cà gai leo, viên nang cà gai leo có tác dụng mát gan, tiêu độc và nhiều công dụng khác nhau được ghi đầy đủ thông tin trên nhãn mác. Tất cả các sản phẩm này giúp công ty của anh có doanh thu lên đến cả tỷ đồng mỗi tháng. Trong số đó, sản phẩm trà túi lọc cà gai leo đạt chứng nhận OCOP 4 sao.
Tiếp tục “hái sao” OCOP với trứng gà cà gai leo
Mở rộng sản xuất cà gai leo và các loại thảo dược quý cũng đồng nghĩa với việc các chế phẩm sau khi đưa vào sản xuất nhiều lên. 20% số bột trà không đạt chất lượng, nếu bán cho các cơ sở nuôi tôm thì hiệu quả không cao. Từ đó anh Kiên đã nảy ra ý tưởng dùng bột từ trà gai leo và các cây dược liệu chế biến thức ăn cho gà, phát triển mô hình nuôi gà lấy trứng.
Nhớ lại khi xưa làm công ty cung cấp vi lượng cho nhà máy chăn nuôi, đưa các chuyên gia tới các nhà máy hướng dẫn cách dùng nguyên liệu cho chuẩn. Các chuyên gia đều bảo, con vật nuôi sinh sản phải chăm sóc lá gan. "Vậy thì cây cà gai quá hợp, tại sao không lấy chính cà gai để nuôi gà?", anh Kiên nghĩ.
Thoạt đầu khi anh Kiên chia sẻ ý tưởng nuôi gà lấy trứng bằng cà gai cùng các loại thảo dược công ty vốn có như tỏi, xuyên tâm liên, diếp cá… và hoàn toàn không dùng kháng sinh, bạn bè đều nói không thể làm được. Bản thân vợ và mẹ đẻ anh cũng can ngăn. Trong khu chăn nuôi bệnh dịch nhiều, nên không ai tin có thể nuôi không sử dụng kháng sinh.
Giản dị trong chiếc áo phông xanh quen thuộc, tay nâng niu những quả trứng gà dược liệu cà gai, người kỹ sư tiếp tục say mê kể về cái duyên với con gà quả trứng: Mình tìm hiểu thêm thì thấy mô hình này Nhật Bản họ làm từ lâu rồi, tuy nhiên dược liệu bên Nhật không phong phú nên giá trứng rất cao. Tính ra 100.000 đồng/quả, chỉ giới thượng lưu mới có thể dùng thường xuyên, trong khi nếu làm ở Việt Nam, giá bán mình đưa ra được có thể chỉ khoảng 10.000 đồng/quả. Dù bạn bè can, nhưng mình vẫn thấy đó là cơ hội. Thiết nghĩ, hàng trăm năm trước đâu có nuôi kháng sinh mà gà vẫn sống được, nên mình tin là “vụ” này có thể thành công và lại quyết “liều”.
Tìm tòi chăn nuôi, làm trứng từ năm 2021, mô hình nuôi công nghiệp được anh Kiên áp dụng một cách sáng tạo, hiện đại kết hợp cho ăn thảo dược nên sức đề kháng của gà rất tốt, không mắc bệnh mặc dù hoàn toàn không dùng kháng sinh trong suốt quá trình nuôi.
5.000 con gà trong trang trại của anh Kiên được nhốt lồng, chia theo tầng, nuôi theo phương châm: phân không dẫm lại, nước không uống lại, không khí không ngửi lại (gió chỉ đi 1 chiều, không quẩn lại), nhiệt độ luôn bảo đảm 25-30 độ C. Thức ăn cho gà được anh tỉ mỉ nghiên cứu, lên công thức riêng: cà gai leo, các loại thảo dược, cám gạo tươi, chọn ngô riêng, dùng dầu ăn của người chứ không dùng mỡ cá basa như hầu hết các cơ sở khác,… không dùng bột cá, hay siêu thịt làm trứng gà tanh.
Ngoài việc được nằm phòng mát, ăn thức ăn sạch, gà còn được nghe nhạc thư giãn. Anh Kiên cho hay, ý tưởng này anh học từ các nước châu Âu. Kinh nghiệm từ các nước bạn cho thấy, nhạc du dương khiến con bò thấy thoải mái và cho ra sữa tốt hơn. Áp dụng với gà thậm chí còn đạt được hiệu quả hơn thế vì bình thường thấy động, cả đàn rào rào lên, giẫm đạp lên nhau gây stress, nhưng khi mở nhạc lên, gà quen với âm thanh du dương, không bị phân tán bởi những tiếng động khác, không bị xáo đàn.
Anh chia sẻ kinh nghiệm, trước đây có những đàn gà nuôi bệt, khi hàng xóm múc ao, máy xúc chỉ lia ánh sáng mà đàn gà chạy theo ánh sáng, dẫm đạp lên nhau, cả đàn 5.000 con chết tới hơn 4.000 con. Việc cho gà nghe nhạc giúp chúng giảm stress, tránh được nhiều rủi ro hao đàn, cũng như ăn uống tốt hơn, cho ra trứng đều, chất lượng tốt hơn.
Thành phần dinh dưỡng trong trứng gà cà gai leo không khác với trứng gà thường, nhưng ưu điểm vượt trội là do được chăm chút từ thảo dược, môi trường nuôi hiện đại nên lượng colesteron trong trứng rất thấp, chỉ từ 125-130mg/100g trứng tươi, người dùng hoàn toàn có thể dùng theo nhu cầu dinh dưỡng mà không phải để ý tới lượng cholesterol dung nạp; quả trứng thơm ngon, không tanh do nguyên liệu thức ăn k dùng bột cám, thức ăn tươi, không để quá 24 giờ; bảo đảm trong trứng không có tồn dư kháng sinh do không dùng kháng sinh trong suốt quá trình nuôi.
Hiện, trang trại của anh có 5.000 con gà trắng Novogen (xuất xứ Hà Lan), cho 4.000 quả trứng mỗi ngày, trong đó, 3.000 quả đạt tiêu chuẩn cung cấp ra thị trường. Trứng gà là sản phẩm nông nghiệp quen thuộc của Việt Nam và thường có giá trị không cao. Tuy nhiên, người kỹ sư nông nghiệp không ngừng sáng tạo đã thay đổi điều này, khi sản phẩm trứng gà cà gai leo anh bán ra thị trường có giá lên tới 10.000 đồng/quả.
Với nhiều điểm độc đáo, ưu việt, tiếp nối sản phẩm trà túi lọc cà gai leo, năm 2021, trứng gà cà gai leo Sadu đã được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đánh giá, phân hạng và quyết định công nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Đây là bước đệm để đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng Thủ đô và cả nước.
Lượng colesteron trong trứng rất thấp, chỉ từ 125-130mg/100g trứng tươi. Người dùng hoàn toàn có thể dùng theo nhu cầu dinh dưỡng mà không phải để ý tới lượng cholesterol dung nạp.
Quả trứng thơm ngon, không tanh.
Do quá trình nuôi hoàn toàn không sử dụng kháng sinh nên trong trứng không tồn dư kháng sinh.
Doanh nghiệp được hỗ trợ rất nhiều từ chương trình OCOP
Chia sẻ về chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), anh Phan Trung Kiên, Giám đốc Công ty nông nghiệp công nghệ cao Thăng Long cho hay, biết đến chương trình là do bạn đại học giới thiệu, đúng lúc ấy, chính quyền xã cũng tới vận động nên không ngần ngại, anh tham gia luôn. Anh nhấn mạnh: “Từ khi tham gia OCOP, mình được hỗ trợ rất nhiều từ đường lối chính sách làm nông nghiệp cho đến quảng bá, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Trước khi tham gia OCOP, công ty thường mất từ 7-15 triệu để thuê một gian hàng tại các hội chợ, nhưng hiện tại, huyện đã hỗ trợ hoàn toàn chi phí”.
Các chương trình hội chợ quảng bá sản phẩm được tổ chức ngày càng thường xuyên, giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí quảng cáo đang ngày càng đắt đỏ, đồng thời mang lại hiệu quả rất lớn trong việc liên kết tiêu thụ, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm OCOP, anh Kiên cho biết.
Đại diện cho các doanh nghiệp đam mê phát triển nền nông nghiệp nước nhà, anh Phan Trung Kiên nhấn mạnh, điều khó nhất đối với các nhà sản xuất, nông dân là khâu tiêu thụ. Để góp phần giải quyết vấn đề này, anh kiến nghị chính quyền địa phương cấp xã, huyện, tỉnh, thành phố thay vì hỗ trợ bằng tiền hay công cụ sản xuất… thì hãy cho nông dân đi học. Vì nếu hỗ trợ bằng tiền, nhiều khi không đến được đúng, trúng người, trong khi sản phẩm nông dân làm ra có thể rất tốt, nhưng không có đủ kiến thức thì sẽ rất khó xây dựng quy trình sản xuất giá rẻ, sản xuất thủ công sẽ làm giá thành phẩm đắt, khó cạnh tranh. Người nông dân cần có đủ kiến thức thì mới có thể phát triển sản phẩm một cách bền vững.
Hãy cho nông dân ĐI HỌC. Người nông dân cần có đủ KIẾN THỨC thì mới có thể PHÁT TRIỂN sản phẩm một cách BỀN VỮNG.
Công ty Sadu đang tạo công ăn việc làm cho hơn 100 nhân công, với mức lương từ 5-8 triệu/đồng, trong số đó, 2/3 là thời vụ. Bà con địa phương chủ yếu làm nông, những ngày nông nhàn lại tấp nập rủ nhau đến trang trại của anh “Kiên cà” để cùng nhau hăng say tăng gia sản xuất, lao động.
Các sản phẩm của công ty hiện chủ yếu tiêu thụ tại các kênh online, quảng cáo trên facebook, tiktok và khách hàng thân quen ủng hộ. Về định hướng thời gian tới, anh cho biết, anh đang cố gắng mua trang trại trong Thành phố Hồ Chí Minh để mở rộng sản xuất. Theo anh Kiên, nuôi gà trong Sài Gòn dễ hơn, chi phí thấp hơn. Nếu có thể nuôi tại đó, anh có thể giảm giá thành để sản phẩm tiếp cận được với nhiều người dân hơn, góp phần nâng cao tầm vóc, sức khỏe người Việt và hướng tới mục tiêu mỗi người dân Việt tiêu thụ hơn 300 quả trứng/người/năm như Nhật và các nước phát triển thay vì mức tiêu thụ 149 quả/người/năm như hiện nay.
Những ngày nông nhàn, bà con địa phương lại tấp nập rủ nhau đến trang trại của anh “Kiên cà” để cùng nhau hăng say tăng gia sản xuất, lao động.
Những ngày nông nhàn, bà con địa phương lại tấp nập rủ nhau đến trang trại của anh “Kiên cà” để cùng nhau hăng say tăng gia sản xuất, lao động.
Nhiệt độ phòng nuôi gà luôn bảo đảm 25-30 độ C.
Nhiệt độ phòng nuôi gà luôn bảo đảm 25-30 độ C.
Ra về khi cơn mưa rào cuối hạ, đầu thu ập tới, hình ảnh anh giám đốc làm nông giản dị, dám nghĩ dám làm tiếp tục là chủ đề trao đổi của phóng viên trên chuyến xe ngược về trung tâm Hà Nội. Thành công của anh “nông dân” ấy không dễ gì đạt được nhưng trong từng câu chuyện chia sẻ, anh luôn giữ thái độ khiêm tốn, bình thản, coi những thành quả hiện có chưa phải là điều gì to tát và tiếp tục ấp ủ những dự định mới, thử thách mới trên con đường sáng tạo ra những sản phẩm tốt, sạch phục vụ cộng đồng, phát triển nền nông nghiệp Việt Nam.
Ngày xuất bản: 15/12/2023
Tổ chức thực hiện: HỒNG MINH-XUÂN BÁCH
Nội dung: SONG THU-NGỌC BÍCH
Trình bày: BẢO TIÊN
Ảnh: HÀ NAM