Chuyển đổi số:
“Chìa khóa” phát triển doanh nghiệp trong kỷ nguyên số
Chuyển đổi số hiện nay không chỉ tạo cơ hội kết nối mạng lưới, thu gọn khoảng cách giữa các bộ phận trong tổ chức, nâng cao hiệu suất quản trị doanh nghiệp và tối ưu hóa năng suất làm việc của nhân viên, còn giúp cải thiện chất lượng sản phẩm và tăng cường khả năng cạnh tranh. Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp đã nhận thức được rõ ràng rằng chuyển đổi số không chỉ là một xu hướng, mà còn là yếu tố quan trọng để duy trì và phát triển doanh nghiệp trong thế giới kỷ nguyên số.
Chiều 7/11, tại Hội trường Bảo tàng Hà Nội, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội (HPA) đã tổ chức Tọa đàm "Chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của thành phố Hà Nội".
Tọa đàm nằm trong khuôn khổ Chương trình Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Kết nối cùng Phát triển "Link to Grow" - Hà Nội và các tỉnh thuộc Vùng đồng bằng sông Hồng, với chủ đề "Công nghệ số, công nghệ cao và các sản phẩm thuộc ngành công nghiệp điện tử, hệ sinh thái liên quan (Hanoi DigiTech 2024)", do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội (HPA) tổ chức.
Tọa đàm thu hút sự tham gia của khoảng 100 đại biểu đến từ một số Bộ, ngành Trung ương; các sở, ngành, đơn vị liên quan; đại diện các hội, hiệp hội ngành công nghiệp số, công nghệ cao trên địa bàn thành phố Hà Nội và cả nước; các tổ chức, hội, hiệp hội, ngành nghề liên quan; các doanh nghiệp đang đầu tư, hoạt động sản xuất-kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ số, công nghệ cao; đại diện các trung tâm nghiên cứu, các trường đại học có chuyên ngành liên quan...
Tọa đàm tập trung vào việc chỉ ra những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong quá trình chuyển đổi số; cùng nhau đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số trong doanh nghiệp vừa và nhỏ; Đề xuất các giải pháp công nghệ theo lộ trình chuyển đổi số; Đề xuất cơ chế sách để thúc đẩy chuyển đổi số và Phát triển doanh nghiệp số.
Tại tọa đàm, các đại biểu, chuyên gia cũng đã đưa ra các giải pháp để hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025; cũng như tư vấn về việc chuyển đổi số trong hoạt động marketing, chăm sóc khách hàng bảo vệ thương hiệu với tổng đài đa kênh...
Cải thiện chất lượng sản phẩm và tăng cường khả năng cạnh tranh
Phát biểu tại tọa đàm, ông Lê Tự Lực, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội cho biết: Chuyển đổi số hiện nay không chỉ tạo cơ hội kết nối mạng lưới, thu gọn khoảng cách giữa các bộ phận trong tổ chức, nâng cao hiệu suất quản trị doanh nghiệp và tối ưu hóa năng suất làm việc của nhân viên, mà còn giúp cải thiện chất lượng sản phẩm và tăng cường khả năng cạnh tranh.
Để duy trì và nâng cao sự cạnh tranh trong môi trường kinh doanh ngày càng phức tạp, các doanh nghiệp phải thích nghi với sự thay đổi và sử dụng công nghệ số hóa để tối ưu hóa hoạt động kinh doanh, cải thiện hiệu suất và chất lượng, tạo ra giá trị cho khách hàng.
Chuyển đổi số đóng một vai trò quan trọng trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và có ý nghĩa quan trọng đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp Hà Nội đã nhận thức được rõ ràng rằng chuyển đổi số không chỉ là một xu hướng, mà còn là yếu tố quan trọng để duy trì và phát triển doanh nghiệp trong thế giới kỷ nguyên số.
Nhằm giúp cho các doanh nghiệp trên địa bàn phát triển mạnh cũng như tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất kinh doanh, Hà Nội đã có chiến lược và kế hoạch cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô, phát triển kinh tế số quốc gia nhanh và bền vững.
Với mục tiêu kết nối, xúc tiến đầu tư, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận công tác chuyển đổi số gắn với phát triển bền vững, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương), Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hà Nội tổ chức Tọa đàm chuyên đề: Chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của thành phố Hà Nội thuộc khuôn khổ Chương trình Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Kết nối cùng Phát triển "Link to Grow" - Hà Nội và các tỉnh thuộc Vùng đồng bằng sông Hồng với chủ đề công nghệ số, công nghệ cao và các sản phẩm thuộc ngành công nghiệp điện tử, hệ sinh thái liên quan (Hanoi DigiTech 2024).
“Tọa đàm hôm nay với sự tham dự của các quý vị đại biểu đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước, các đơn vị, các hội, hiệp hội, doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm, đã và đang triển khai các hoạt động trong lĩnh vực chuyển đổi số, công nghệ cao, tôi hy vọng và tin tưởng rằng đây là dịp để các quý vị đại biểu cùng chia sẻ, trao đổi, thảo luận, định hướng các giải pháp nhằm thúc đẩy chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của thành phố Hà Nội nói chung và các tỉnh, thành phố nói riêng", Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội nhấn mạnh.
Chuyển đổi số hiện nay không chỉ tạo cơ hội kết nối mạng lưới, thu gọn khoảng cách giữa các bộ phận trong tổ chức, nâng cao hiệu suất quản trị doanh nghiệp và tối ưu hóa năng suất làm việc của nhân viên, mà còn giúp cải thiện chất lượng sản phẩm và tăng cường khả năng cạnh tranh
Các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số tại doanh nghiệp vừa và nhỏ
Tại tọa đàm, bà Trịnh Thị Ngân, Trưởng ban cố vấn Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội khẳng định: Chuyển đổi số đóng một vai trò quan trọng trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và có ý nghĩa quan trọng đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Chuyển đổi số là quá trình tích hợp các công nghệ số vào hoạt động của doanh nghiệp và tổ chức, nhằm thay đổi cơ bản cách thức vận hành, mô hình kinh doanh và cung cấp giá trị mới cho khách hàng; đại diện cho sự thay đổi trong cách quản lý, quy trình, thủ tục và văn hóa dựa trên nền tảng kỹ thuật số, nhằm mục tiêu gia tăng hiệu quả.
Chuyển đổi số đóng một vai trò quan trọng trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và có ý nghĩa quan trọng đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Tuy nhiên, theo bà Ngân, công tác chuyển đổi số trong doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội hiện vẫn còn hạn chế và hiệu quả đạt được vẫn thấp. Một số doanh nghiệp chưa nhận thức đúng về vai trò của chuyển đổi số và chưa xác định được vấn đề cũng như lộ trình cần thực hiện để chuyển đổi số cho doanh nghiệp.
Trong quá trình chuyển đổi số tại doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, lĩnh vực kế toán được thực hiện chuyển đổi số mạnh nhất, với gần 40% doanh nghiệp sử dụng công nghệ số ở mức độ cao và thường xuyên. Về vấn đề nguồn lực tài chính cho chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Hà Nội, doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Việc áp dụng công nghệ số vào hoạt động kinh doanh đòi hỏi một nguồn lực tài chính đáng kể và nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi muốn đầu tư vào chuyển đổi số. Hơn 45 % doanh nghiệp đã có dự toán ngân sách đầu tư cho chuyển đổi số, nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu thực tế; 20% doanh nghiệp hoàn toàn không có dự toán ngân sách đầu tư cho chuyển đổi số.
Chuyển đổi số là quá trình tích hợp các công nghệ số vào hoạt động của doanh nghiệp và tổ chức, nhằm thay đổi cơ bản cách thức vận hành, mô hình kinh doanh và cung cấp giá trị mới cho khách hàng; đại diện cho sự thay đổi trong cách quản lý, quy trình, thủ tục và văn hóa dựa trên nền tảng kỹ thuật số, nhằm mục tiêu gia tăng hiệu quả.
---
Bà Trịnh Thị Ngân, Trưởng ban cố vấn Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội.
Bà Trịnh Thị Ngân đã chỉ ra một số giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số tại doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội.
1. Hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong quá trình chuyển đổi số có thể được thực hiện thông qua các biện pháp và chương trình như khoản vay ưu đãi: Chính phủ có thể cung cấp chương trình cho vay với lãi suất thấp hoặc không lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừ trong đầu tư vào công nghệ số. Những khoản vay này giúp giảm gánh nặng tài chính ban đầu; hỗ trợ tài chính trực tiếp như: Các chính quyền địa phương và tổ chức tài chính có thể cung cấp tài trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp để họ triển khai dự án chuyển đổi số, từ việc mua sắm thiết bị đến triển khai hệ thống; Chính sách thuế ưu đãi: Chính phủ có thể thiết lập các chính sách thuế ưu đãi, thí dụ như miễn thuế hoặc giảm thuế đối với các hoạt động và đầu tư liên quan chuyển đổi số. Điều này giúp giảm áp lực tài chính đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; Chương trình hỗ trợ và đào tạo: Cung cấp chương trình đào tạo và hỗ trợ để giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa nắm vững các kỹ năng và kiến thức cần thiết để thực hiện chuyển đổi số một cách hiệu quả.
2. Để đẩy mạnh chuyển đổi số và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cần thực hiện một số biện pháp cụ thể.
Đó là thúc đẩy phát triển môi trường thể chế và pháp lý: Để bảo đảm doanh nghiệp nhỏ và vừa có đủ quyền và khuyến khích tham gia vào chuyển đổi số, Ủy ban nhân dân Hà Nội cần cải thiện môi trường thể chế và pháp lý. Điều này bao gồm việc ban hành các quy định hỗ trợ và khuyến khích các hoạt động chuyển đổi số. Cụ thể là xây dựng quy hoạch và quy chuẩn: Ủy ban nhân dân TP Hà Nội cần phải xây dựng và công bố quy hoạch về phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin. Đồng thời, cần phát hành các quy chuẩn để trao đổi thông tin giữa các cơ quan và đơn vị, nhằm bảo đảm sự liên kết và đồng bộ trong việc đầu tư và phát triển hạ tầng chuyển đổi số;
3.Cần phát triển hạ tầng số và mạng di động 5G: Trong tương lai, Ủy ban nhân dân TP Hà Nội cần tiếp tục phát triển hạ tầng số, đặc biệt là triển khai mạng di động 5G. Điều này sẽ giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi số và bảo đảm kết nối nhanh chóng và hiệu quả;
4.Cần hỗ trợ và đào tạo chuyển đổi số: Ủy ban nhân dân TP Hà Nội cần hỗ trợ và đào tạo các chuyên gia chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Điều này có thể bao gồm việc hình thành và tổ chức mạng lưới chuyên gia tư vấn về chuyển đổi số, hỗ trợ đào tạo và tư vấn chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa;
5. Phát triển gói hỗ trợ: Ủy ban nhân dân TP Hà Nội cần xây dựng các gói hỗ trợ chuyển đổi số, bao gồm hướng dẫn và giải pháp công nghệ cho các nhóm đối tượng khác nhau, tùy theo quy mô, giai đoạn phát triển kinh doanh và theo lĩnh vực, ngành nghề.
Các đại biểu tại tọa đàm.
Các đại biểu tại tọa đàm.
Thông tin về công tác hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số trong thời gian vừa qua, bà Đặng Thị Hương, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội) cho biết: Sau khi kế hoạch được ban hành, Trung tâm đã hoàn thành xây dựng, thiết lập phần mềm thu thập, đánh giá, phân tích, xử lý thông tin để cung cấp các công cụ, tài liệu, giải pháp về chuyển đổi số, đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trung tâm cũng xây dựng và vận hành chuyên trang Youtube “Chuyển đổi số Hà Nội-SCE”, đăng tải các video truyền thông nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, đạt gần 10.000 lượt đăng ký theo dõi, với 134 video được đăng tải; xây dựng 68 video phóng sự đăng tải trên các kênh truyền hình, 293 bài viết trên các trang báo điện tử tuyên truyền phổ biến các chương trình của Chính phủ và thành phố về chuyển đổi số…
Với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, thành phố cần tiếp tục bố trí ngân sách ổn định để bảo đảm công tác hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số được đồng bộ, liên tục, hiệu quả.
Ngày xuất bản: 8/11/2024
Nội dung và trình bày: Ngọc Bích
Ảnh: HPA