Chuyển đổi số
& những thách thức
với nền hành chính
Năm 2023 được chọn là năm “Dữ liệu số, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới”. Trong Hội nghị Sơ kết một năm triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã nêu bật tính cấp thiết phải xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia để “phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả”.
Sau một năm thực hiện Đề án 06, rất nhiều chuyển biến tích cực đã được tạo ra, tác động sâu rộng đến đời sống của người dân, hoạt động của doanh nghiệp, tiết kiệm được thời gian, tiền bạc cho xã hội và cả nền kinh tế. Tinh thần chuyển đổi số đã được thực tế hóa ở nhiều dịch vụ công, dịch vụ công ích, nhiều công đoạn trong việc giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp, nhiều giấy tờ đã được bãi bỏ, cắt giảm nhiều thủ tục và chi phí, giảm thiểu tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng vặt...
Tuy nhiên, thách thức vẫn còn nhiều cả từ khách quan lẫn chủ quan, từ công nghệ, dữ liệu và cả sự thiếu chủ động vào cuộc của một số địa phương, bộ, ngành dẫn đến kết quả còn chưa được đồng bộ, thông suốt. Tiến tới một nền hành chính giảm giấy tờ, bớt thủ tục, là một trong những mục tiêu của các chương trình hành động quốc gia về chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính, cũng là nội dung Tiêu điểm Chuyển đổi số và những thách thức với nền hành chính của Nhân Dân hằng tháng số tháng 3/2023.
Thủ tục hành chính:
Không còn... hành là chính
Từ thú vui mua sắm đến các giao dịch ngân hàng, từ thi cử học hành đến các dịch vụ công thiết yếu, người dân hoàn toàn có thể thực hiện trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia, cổng dịch vụ công trực tuyến của một số bộ, ngành, trên các trang web và các ứng dụng được các bên liên quan cung cấp. Có thể nói, chuyển đổi số dần dà trở nên quen thuộc với cuộc sống hằng ngày của nhân dân, len lỏi vào mọi ngóc ngách của nền kinh tế mà đôi khi chính người trong cuộc cũng không nhận ra, vì nó đã quá đỗi thường tình...
Những háo hức bước đầu
Tầm 10 giờ, bộ phận một cửa UBND phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã có phần vắng vẻ, yên tĩnh hơn giờ cao điểm đầu buổi sáng. Tranh thủ ghé qua phường lấy xác nhận sơ yếu lý lịch, công dân Lê Thị Bích Ngọc (sinh năm 1992) chỉ mất chưa đầy 10 phút để được hoàn tất yêu cầu của mình. Ký vào bản tự khai lý lịch trước sự chứng kiến của bộ phận một cửa, trình căn cước công dân để xác minh, rồi công chức tư pháp ký chứng thực, đóng dấu... Lê Thị Bích Ngọc tỏ ra thoải mái vì không gặp phiền toái gì. Vui vẻ bấm máy đánh giá công chức viên chức được đặt ngay tại quầy tiếp dân, Ngọc tiết lộ thêm rằng: Cô đã thực hiện nhiều dịch vụ bằng hình thức trực tuyến, điển hình là xin cấp hộ chiếu..., đều nhanh như... một nốt nhạc. Nguyễn Thị Bích Thuận, cán bộ tư pháp phường Trung Văn chia sẻ: “Thủ tục xác nhận lý lịch công dân đã đơn giản hóa đi rất nhiều. Bây giờ mọi người có thể đến bất cứ UBND phường, xã nào, chỉ cần xuất trình căn cước công dân, rồi ký vào bản tự khai ngay tại chỗ là được chấp nhận, mà không cần phải về đúng nơi đăng ký thường trú”.
Còn nhớ, trong quãng thời gian cao điểm chống dịch Covid-19, nhiều địa phương trên cả nước thực hiện giãn cách xã hội, công cụ tuyển sinh đầu cấp trực tuyến đã hóa giải mối lo xin học cho con của các bậc cha mẹ. 26 triệu dữ liệu của giáo viên và học sinh được đồng bộ hóa, Bộ Giáo dục và Đào tạo ứng dụng dữ liệu dân cư vào căn cước công dân gắn chíp theo chỉ đạo của Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ, làm nền tảng cho các hoạt động tiếp theo. Học sinh cuối cấp từ mầm non, tiểu học, trung học cơ sở chuẩn bị chuyển bậc, đều được phát mã số tuyển sinh (kèm mật khẩu). Với mã số này, ngồi ở nhà chống dịch, học sinh Hà Nội ung dung đăng ký vào các trường theo đúng tuyến cư trú của mình trên trang web: tsdaucap.hanoi.gov.vn mà không gặp trở ngại gì. Riêng kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022, hình thức đăng ký trực tuyến thu hút 93,1% thí sinh tham gia, tiết kiệm khoảng 50 tỷ đồng chi phí mua hồ sơ, in ảnh. Hàng triệu thí sinh thay vì dán ảnh thủ công, đã được xác thực qua căn cước công dân gắn chíp và toàn quyền chỉnh sửa, đính chính sai sót trong hồ sơ (nếu có) ngay trên hệ thống.
Tính đến đầu năm 2023, đã có 21/25 dịch vụ công liên quan mật thiết đến đời sống của nhân dân theo quy định tại Đề án 06 được đưa lên môi trường điện tử (Hà Nội là 25/25 dịch vụ, trong đó có 9/25 dịch vụ công được tiếp nhận và giải quyết trực tuyến hoàn toàn, không có khâu tiếp nhận hồ sơ trực tiếp). Vì thiết yếu, nên đông đảo người dân tích cực hưởng ứng mà điển hình là: cấp hộ chiếu: 62%; làm con dấu mới: 90,8%; thông báo lưu trú: 98,3%... (Hà Nội: có hơn 300.000 hồ sơ thông báo lưu trú và hơn 110.000 hồ sơ đăng ký thường trú trực tuyến). Riêng ngành công an hoàn tất trọn 227/227 dịch vụ công trực tuyến, nhiều trong số đó gắn liền với lợi ích sát sườn của mỗi cá nhân như: đăng ký xe, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự cho một số ngành nghề kinh doanh theo quy định... Theo Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc - Thứ trưởng Bộ Công an - Tổ phó thường trực tổ công tác triển khai Đề án 06, việc người dân háo hức sử dụng dịch vụ công trực tuyến đã tác động làm: “Thay đổi tư duy đồng hành trong phối hợp của các bộ, ngành giải quyết phục vụ người dân, doanh nghiệp; đồng thời giảm tiếp xúc giữa người dân và cán bộ cơ quan Nhà nước, góp phần giảm “tham nhũng vặt”...
Công dân Lê Thị Bích Ngọc được giải quyết nhanh chóng yêu cầu tại Bộ phận một cửa UBND phường Trung Văn.
Công dân Lê Thị Bích Ngọc được giải quyết nhanh chóng yêu cầu tại Bộ phận một cửa UBND phường Trung Văn.
Dần hình thành
một nền hành chính không giấy tờ
Được chọn là một trong những đơn vị đầu tiên thí điểm hai nhóm dịch vụ công liên thông, người dân tới UBND Thanh Phong (huyện Thanh Liêm, Hà Nam), tiếp cận với bộ phận một cửa đã cảm nhận sự khác biệt rõ rệt. Hồi hộp đi đăng ký khai sinh cho con gái vừa chào đời, anh Đinh Tiến Hoàng đã ngạc nhiên khi được hướng dẫn thủ tục rất đơn giản, trong tích tắc đã hoàn tất các phần việc mà thông thường phải đi đến nhiều cơ quan, kê khai hồ sơ nhiều lần: đăng ký khai sinh, thẻ bảo hiểm y tế miễn phí và đăng ký thường trú cho thành viên mới của gia đình...
Mỗi năm ở Việt Nam có chừng hai triệu hồ sơ đăng ký khai sinh và 600.000 hồ sơ đăng ký khai tử. Giải quyết các phần việc này thuộc thẩm quyền của nhiều bộ, ngành: Công an, y tế, bảo hiểm xã hội, tư pháp, lao động thương binh xã hội. Từ tháng 11/2022, Hà Nội, Hà Nam đã được thí điểm thực hiện hai nhóm dịch vụ công liên thông gồm: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi và Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí... Chỉ khai báo thông tin một lần cho cả ba thủ tục và cơ quan quản lý nhà nước tiết giảm tối thiểu chi phí in sao cũng như thời gian luân chuyển hồ sơ, khắc phục sai sót, hạn chế tình trạng làm giả hồ sơ..., hiệu quả thiết thực từ đợt thí điểm này đã tiếp thêm động lực để các nhóm thủ tục liên thông được triển khai khắp cả nước từ quý I/2023.
Ngày 6/1/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 06 Phê duyệt Đề án phát triển dữ liệu ứng dụng về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06). Ngoài thúc đẩy các dịch vụ công, dịch vụ công ích trên môi trường điện tử, theo tinh thần của Đề án, các doanh nghiệp bước đầu đã được ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân... phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được chia sẻ, kết nối góp phần “làm sạch thông tin tín dụng ngân hàng, kiểm soát, đánh giá rủi ro trong quá trình cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp, cung cấp dịch vụ chấm điểm tín dụng công dân trên nền tảng dữ liệu dân cư...”. Căn cước công dân gắn chíp tích hợp thẻ bảo hiểm y tế đã thông suốt tại 94% cơ sở khám, chữa bệnh (tiết kiệm 24,7 tỷ đồng in thẻ bảo hiểm y tế giấy so với năm 2021); tích hợp thẻ ATM cho nhu cầu rút tiền mặt (tiết kiệm chi phí 50.000 đồng in/thẻ cho các ngân hàng).... Quan trọng hơn, dữ liệu dân cư được làm sạch giúp bảo đảm xác thực chính xác danh tính, phòng, chống rủi ro, gian lận... Ở nhiều địa phương, Ngân hàng nhà nước cùng hệ thống các ngân hàng thương mại đã tích cực đưa các ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt vào những môi trường đông người hoạt động như bệnh viện, trường học... Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư kết nối với các cơ sở dữ liệu khác, như của các doanh nghiệp viễn thông, đã làm sạch thông tin thuê bao di động với gần 70 triệu yêu cầu đối sánh, dần dần tránh tệ nạn sim rác, hạn chế tối thiểu sự tồn tại của sim không chính chủ...
Vô cùng nhiều tiện ích đã bắt nhịp cùng đời sống từ mục tiêu chuyển đổi số quốc gia, tạo nên những lợi ích bao trùm toàn xã hội. Căn cước công dân gắn chíp cùng với tài khoản định danh điện tử công dân đã được dùng thay thế cho hàng loạt giấy tờ, là viên gạch đầu tiên xây nền móng triển khai thuận tiện thêm nhiều các dịch vụ công và phát triển kinh tế xã hội. Viễn cảnh trong ví người dân chỉ cần thẻ căn cước công dân gắn chíp, thậm chí tài khoản định danh điện tử công dân mà bỏ qua giấy phép lái xe, thẻ bảo hiểm y tế... không còn xa vời. 68 triệu dữ liệu về bảo hiểm xã hội, 28 triệu dữ liệu về thuế... được xác thực và đồng bộ từ ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã giúp giảm nhiều phiền hà khi người dân, doanh nghiệp có nhu cầu tương thích. “Dữ liệu dân cư là tài nguyên quan trọng, được quản lý tập trung, thống nhất và chia sẻ trong toàn bộ hệ thống chính trị, phục vụ người dân, doanh nghiệp theo yêu cầu của pháp luật. Dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử là cơ sở để chuyển đổi số trong cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số”, từ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự hợp tác của người dân, doanh nghiệp... mục tiêu chính phủ số, chính quyền số, công dân số... đang từng bước hiện thực hóa...
Tính đến ngày 23/2, có 21,9 triệu hồ sơ cấp định danh điện tử được thu nhận, đã phê duyệt 20,2 triệu hồ sơ. Đã có 78,6 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp được cấp. Trên ứng dụng VNEID ghi nhận 128.855 lượt khai báo thông tin lưu trú từ 29.200 công dân, có 83 tin phản ánh về an ninh trật tự từ 501 công dân...
13 đơn vị bộ, ngành, một doanh nghiệp nhà nước (EVN), ba doanh nghiệp viễn thông, 60 địa phương đã được kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư...
Tổ chức thực hiện :
Ban Nhân Dân hằng tháng
Nội dung :
Khánh Lam-Thanh Huyền-Xuân Thu-Danny Ngô-Mi Sol
Trình bày mỹ thuật :
Duy Thanh
Ảnh :
Trần Hải, Xuân Thu, Nguyễn Hường, Ngọc Thạch, nguồn internet