
Trong bối cảnh toàn cầu đang hướng tới phát triển bền vững, chuyển đổi xanh không còn là lựa chọn mà trở thành yêu cầu bắt buộc đối với các doanh nghiệp. Tuy nhiên, tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp vẫn e ngại đầu tư vào chuyển đổi xanh vì lo ngại chi phí lớn và hiệu quả không rõ ràng. Nếu tiếp tục nhìn nhận hành trình này như một “gánh nặng”, họ sẽ bỏ lỡ cơ hội phát triển bền vững trong nền kinh tế toàn cầu đang chuyển dịch mạnh mẽ theo tiêu chuẩn xanh.
Tư duy “chi phí” – rào cản lớn nhất của chuyển đổi xanh

Một trong những trở ngại quan trọng nhất cho tiến trình chuyển đổi xanh tại Việt Nam không đến từ nguồn vốn hay công nghệ, mà đến từ chính tư duy phát triển. Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa coi đây là một chiến lược đầu tư dài hạn, mà là một “chi phí không bắt buộc”, một yêu cầu từ bên ngoài.
Tại nhiều cuộc khảo sát trong cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, phần lớn vẫn cho rằng chuyển đổi xanh là “tốn kém”, “phức tạp”, “khó đo hiệu quả” và chỉ dành cho các tập đoàn lớn. Ngay cả với các doanh nghiệp đã xuất khẩu, áp lực tuân thủ tiêu chuẩn ESG cũng chưa đủ để thúc đẩy họ thay đổi căn bản tư duy vận hành.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhận định, chính sự trì hoãn trong tư duy đã khiến doanh nghiệp đánh mất rất nhiều cơ hội. Nếu tiếp tục nhìn chuyển đổi xanh dưới góc độ “chi phí ngắn hạn”, thì sẽ bỏ lỡ hoàn toàn giá trị dài hạn mà nó mang lại.
Chính sự trì hoãn trong tư duy đã khiến doanh nghiệp đánh mất rất nhiều cơ hội. Nếu tiếp tục nhìn chuyển đổi xanh dưới góc độ 'chi phí ngắn hạn', thì sẽ bỏ lỡ hoàn toàn giá trị dài hạn mà nó mang lại.
Hơn nữa, theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, cái giá của việc không hành động đang ngày càng lớn. Biến đổi khí hậu đã và đang gây thiệt hại ít nhất 3,2% GDP mỗi năm đối với Việt Nam, chưa kể các tổn thất về môi trường, xã hội, và hệ sinh thái kinh tế-thương mại. Trên quy mô toàn cầu, nếu không có các biện pháp chuyển đổi thực chất, GDP thế giới có thể giảm tới 18% vào năm 2050. Đây là một con số đủ sức khiến mọi nhà quản lý phải suy nghĩ lại.
Nhìn vào bài toán phát triển, Tiến sĩ Cấn Văn Lực đề xuất một thay đổi căn bản, coi chuyển đổi xanh là “đầu tư để phát triển” chứ không phải “chi phí để tuân thủ”. Đây không phải khẩu hiệu mà là cách nhìn mới về động lực tăng trưởng.

Theo khung đánh giá phổ biến của Liên minh châu Âu (EU), kinh tế xanh được định hình trên bốn trụ cột liên kết chặt chẽ, tạo nên nền tảng phát triển bền vững.
Trụ cột đầu tiên là sử dụng hiệu quả tài nguyên.
Doanh nghiệp cần tái cấu trúc quy trình sản xuất theo hướng tiết kiệm năng lượng, tái chế nguyên liệu, giảm thiểu chất thải. Điều này không chỉ giúp giảm phát thải mà còn tiết kiệm chi phí vận hành về lâu dài. Tại Việt Nam, các chính sách như EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất), phân loại rác tại nguồn hay quy hoạch kinh tế tuần hoàn đang dần tạo hành lang pháp lý cho xu hướng này.
Trụ cột thứ hai là tạo cơ hội kinh tế-xã hội.
Đầu tư vào ngành xanh như năng lượng tái tạo, công trình xanh, nông nghiệp hữu cơ không chỉ giúp đa dạng hóa mô hình tăng trưởng mà còn tạo thêm nhiều việc làm. Theo một nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), mỗi 1 triệu USD đầu tư vào năng lượng sạch có thể tạo ra tối thiểu 5 việc làm - nhiều gấp đôi so với năng lượng hóa thạch. Trong khi đó, các doanh nghiệp thực hiện tốt ESG thường có năng lực cạnh tranh cao hơn, khả năng gọi vốn và thâm nhập thị trường xuất khẩu thuận lợi hơn.
Trụ cột thứ ba là bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.
Các tài sản sinh thái như rừng, biển, đất nông nghiệp… nếu được khai thác hợp lý và bảo tồn có thể trở thành “lá chắn mềm” trước biến đổi khí hậu, giảm chi phí phục hồi thiên tai.
Trụ cột cuối cùng là bảo đảm công bằng và hòa nhập xã hội.
Chuyển đổi xanh cần đi kèm với cơ chế hỗ trợ người nghèo, người yếu thế, cộng đồng nông thôn để không ai bị bỏ lại phía sau, bảo đảm tính bền vững không chỉ về kinh tế mà cả về xã hội.
Dữ liệu, vốn và chiến lược – ba trụ cột cho chuyển đổi xanh hiệu quả

Nếu tư duy là điểm xuất phát, thì dữ liệu là yếu tố nền tảng để hành động hiệu quả. Một trong những điểm yếu lớn nhất hiện nay là phần lớn doanh nghiệp Việt Nam thiếu dữ liệu để ra quyết định. Họ không biết mình phát thải bao nhiêu, ở đâu, giảm thế nào là hiệu quả, và làm sao để xây dựng lộ trình Net Zero khả thi.
Thiếu dữ liệu là lý do khiến doanh nghiệp sợ đầu tư. Không có căn cứ, họ không dám hành động.
Ông Trần Đức Trí Quang, Giám đốc Phát triển bền vững FPT cho rằng: “Thiếu dữ liệu là lý do khiến doanh nghiệp sợ đầu tư. Không có căn cứ, họ không dám hành động”.
Để giải quyết vấn đề này, FPT đã phát triển nền tảng công nghệ VertZéro, giúp doanh nghiệp đo lường phát thải theo chuẩn GHG Protocol, phân loại theo PCAF, và đặc biệt là tích hợp mô hình MACC để đánh giá hiệu quả đầu tư vào các giải pháp giảm phát thải.
Theo ông Quang, dữ liệu không chỉ là công cụ quản trị, mà còn là điều kiện bắt buộc để doanh nghiệp tiếp cận vốn xanh, chứng chỉ bền vững, hoặc tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu có yêu cầu ESG.
Không minh bạch dữ liệu ESG, doanh nghiệp gần như không thể gọi vốn hay duy trì hợp tác với các đối tác quốc tế.
Dữ liệu ESG còn là “hộ chiếu” để doanh nghiệp tiếp cận vốn xanh. Ông Võ Quốc Khánh - Phó Tổng Giám đốc EY Việt Nam - cảnh báo rằng: “Không minh bạch dữ liệu ESG, doanh nghiệp gần như không thể gọi vốn hay duy trì hợp tác với các đối tác quốc tế”.
Nhưng không chỉ là dữ liệu, ông Khánh nhấn mạnh vai trò ngày càng lớn của dịch vụ bảo đảm thông tin ESG từ bên thứ ba độc lập. "Nhà đầu tư ngày nay không còn tin vào lời hứa. Họ cần bằng chứng được kiểm chứng", ông nói. Các tiêu chuẩn quốc tế như ISAE 3000, ISAE 5000 sẽ ngày càng phổ biến tại Việt Nam để bảo đảm thông tin ESG minh bạch và đáng tin cậy.
Vấn đề không nằm hoàn toàn ở phía cung vốn. Điều quan trọng hơn là năng lực “hấp thụ vốn” của doanh nghiệp. Nếu thiếu chiến lược ESG, thiếu hệ thống dữ liệu minh bạch và không có năng lực triển khai, thì ngay cả khi vốn sẵn có, doanh nghiệp cũng khó tận dụng.
Một thực tế tích cực là hệ sinh thái tài chính xanh tại Việt Nam đang bước đầu hình thành, dù còn khiêm tốn. Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, hiện tỷ lệ tín dụng xanh mới chiếm khoảng 4,3% tổng dư nợ toàn hệ thống ngân hàng – một con số rất nhỏ so với tiềm năng và yêu cầu chuyển đổi. Tuy vậy, điều tích cực là đã có một số ngân hàng thương mại trong nước chủ động “đi trước một bước” nhằm thiết lập nền tảng tài chính cho phát triển xanh.
BIDV là một trong những đơn vị đi đầu. Tính đến ngày 31/12/2024, BIDV đã tài trợ cho khoảng 1.600 khách hàng với 1.982 dự án và phương án xanh, tổng dư nợ đạt 80.870 tỷ đồng, chiếm 12% thị phần tín dụng xanh toàn ngành ngân hàng. BIDV cũng xây dựng một hệ sinh thái tài chính bền vững, từ khung trái phiếu xanh, sản phẩm tiền gửi xanh cho đến hệ thống đánh giá rủi ro môi trường-xã hội.
VietinBank cũng đang triển khai các chương trình hỗ trợ tín dụng xanh theo chiều sâu. Từ ngày 5/1/2024, ngân hàng đã dành gói tài chính 5.000 tỷ đồng cho các dự án mang lại lợi ích môi trường-xã hội, đặc biệt trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, xuất khẩu xanh, công trình xanh và nông nghiệp thân thiện. Đáng chú ý, VietinBank cũng đang hướng tới việc tích hợp chỉ số ESG vào hệ thống quản trị rủi ro tín dụng và xây dựng báo cáo phát triển bền vững theo chuẩn quốc tế, như một phần trong chiến lược dài hạn.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực phát biểu tại một hội nghị về chuyển đổi xanh.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực phát biểu tại một hội nghị về chuyển đổi xanh.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Cấn Văn Lực nhấn mạnh, vấn đề không nằm hoàn toàn ở phía cung vốn. Điều quan trọng hơn là năng lực “hấp thụ vốn” của doanh nghiệp. Nếu thiếu chiến lược ESG, thiếu hệ thống dữ liệu minh bạch và không có năng lực triển khai, thì ngay cả khi vốn sẵn có, doanh nghiệp cũng khó tận dụng.
Do đó, giải pháp bền vững phải đến từ cả hai phía. Về phía nhà nước, cần sớm hoàn thiện các công cụ khung pháp lý, chẳng hạn như Danh mục phân loại xanh (Green Taxonomy), tiêu chuẩn ESG cho từng lĩnh vực, và các quy định hỗ trợ như ưu đãi thuế-phí, hoặc lãi suất tín dụng ưu đãi cho các dự án xanh. Ngoài ra, cần thiết lập Quỹ hỗ trợ chuyển đổi xanh, đồng thời xây dựng nền tảng dữ liệu quốc gia về môi trường-phát thải, làm cơ sở ra quyết định và giám sát.
Về phía doanh nghiệp, cần có tư duy chuyển đổi kép - xanh và số. Việc tích hợp ESG không thể chỉ nằm ở báo cáo, mà cần ăn sâu vào chiến lược kinh doanh, quản trị rủi ro, và cả văn hóa tổ chức. Hơn nữa, doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm đối tác công nghệ, tổ chức tư vấn và các đơn vị tài chính để cùng đồng hành trên hành trình chuyển đổi dài hạn.

Xây dựng hệ sinh thái phát triển bền vững - hành trình không thể đơn độc

Trong bất kỳ cuộc chuyển đổi lớn nào, vai trò của hệ sinh thái luôn đóng vai trò then chốt. Chuyển đổi xanh cũng không ngoại lệ. Sự thành công của doanh nghiệp không chỉ phụ thuộc vào nội lực mà còn dựa vào độ “trưởng thành” của hệ sinh thái mà họ đang vận hành trong đó – bao gồm chính sách, công nghệ, tài chính, nhân lực và chuỗi giá trị liên kết.
Một điểm sáng là trong thời gian gần đây, Việt Nam đã có những bước tiến chính sách tương đối rõ ràng. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, Luật Bảo vệ môi trường 2020, Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về khoa học – công nghệ – chuyển đổi số, và Quy hoạch điện VIII sửa đổi… đều cho thấy một định hướng chiến lược tương đối toàn diện.
Dù vậy, theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, các quy định vẫn còn thiếu tính kết nối và chưa đủ độ sâu để hỗ trợ triển khai thực tế. Do đó, cần đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống thể chế từ trung ương đến địa phương, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực ESG, đẩy mạnh số hóa dữ liệu môi trường và phát thải, đồng thời mở rộng kênh huy động vốn thông qua trái phiếu xanh, chứng chỉ tín dụng xanh hoặc hợp tác công tư.
Ảnh: nhandan.vn
Ảnh: nhandan.vn
Ngoài ra, các ngành trọng điểm như nông nghiệp, năng lượng, công nghiệp chế biến, xây dựng và du lịch cần được ưu tiên chuyển đổi trước - bởi đây là những lĩnh vực có mức phát thải cao và tiềm năng xanh hóa lớn. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp đóng góp khoảng 11% GDP nhưng có thể mang lại lợi ích kép về sinh kế và bảo vệ sinh thái nếu được tiếp cận đúng công nghệ và tài chính.
Cuối cùng, để doanh nghiệp không đơn độc trong hành trình này, sự phối hợp giữa các bên – nhà nước, ngân hàng, doanh nghiệp lớn, đơn vị tư vấn, các tổ chức quốc tế – là điều kiện tiên quyết. Tạo ra cơ chế phối hợp hiệu quả, xây dựng các nền tảng chia sẻ thông tin ESG, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện lộ trình Net Zero là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa mang tính chiến lược.
Tạo ra cơ chế phối hợp hiệu quả, xây dựng các nền tảng chia sẻ thông tin ESG, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện lộ trình Net Zero là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa mang tính chiến lược.
Tạo ra cơ chế phối hợp hiệu quả, xây dựng các nền tảng chia sẻ thông tin ESG, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện lộ trình Net Zero là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa mang tính chiến lược.
Chuyển đổi xanh không chỉ là giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, mà còn là chiến lược tăng trưởng, là cam kết hội nhập, và là lời tuyên bố về trách nhiệm với xã hội, với các thế hệ tương lai.
Với tư duy đúng, chiến lược rõ ràng, công nghệ làm nền và tài chính làm đòn bẩy, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể không chỉ vượt qua giai đoạn chuyển đổi khó khăn mà còn bứt phá trong kỷ nguyên kinh tế xanh.
Không còn là câu hỏi “có nên chuyển đổi hay không”, mà là: “sẽ hành động sớm đến mức nào, hiệu quả đến đâu và có đủ nội lực để đi đến cùng hay không?”.

Chuyển đổi xanh không chỉ là giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, mà còn là chiến lược tăng trưởng, là cam kết hội nhập, và là lời tuyên bố về trách nhiệm với xã hội, với các thế hệ tương lai.

Ngày xuất bản: 1/5/2025
Chỉ đạo: Kim Phương Bình
Tổ chức: Trường Sơn
Thực hiện: Minh Phương-Nhị Hà Khôi
