Ðồng chí Vũ Trọng Hóa , nguyên Tham mưu trưởng Trung đoàn 18, Sư đoàn 325 cho biết: Ðúng 17 giờ ngày 26-4-1975, Bộ Chỉ huy chiến dịch phát lệnh nổ súng. Pháo, xe tăng của Sư đoàn 325 đặt tại cánh đồng Sở Hoàng, xã Long An đồng loạt bắn vào Chi khu quân sự Long Thành. Ðây là trận hiệp đồng tác chiến giữa binh chủng pháo binh, xe tăng và bộ binh.

Trong nửa giờ, gần 700 trái pháo dập xuống, Chi khu Long Thành chìm trong bão lửa. Loạt đạn đầu nổ tại khu Cầu Xéo. Loạt đạn thứ hai nổ trúng trận địa pháo 105 ly của địch. Nhà lầu của quận trưởng cũng bị trúng đạn. Trung đoàn 46 nhanh chóng chiếm được cầu Ðông Hữu rồi vận động ra đánh chiếm Phước Thiềng. Trung đoàn 18 bao vây, tiêu diệt hai đại đội và sở chỉ huy tiểu đoàn địch, chiếm Bình Sơn. Trung đoàn 101, cùng với xe tăng tiêu diệt hai đại đội lính thủy đánh bộ, chiếm trận địa pháo của địch, chiếm ngã ba đường 10 và đường 15, tạo bàn đạp quan trọng đánh chiếm chi khu Long Thành.

Trên đường tiến về Sài Gòn, quân ta tiêu diệt nhiều xe tăng, xe bọc thép của địch. (Ảnh: Hoàng Thiểm/TTXVN)

Trên đường tiến về Sài Gòn, quân ta tiêu diệt nhiều xe tăng, xe bọc thép của địch. (Ảnh: Hoàng Thiểm/TTXVN)

Bị trúng đạn, địch phản ứng gọi pháo từ Bến Sắn, Phước Hòa bắn chặn đường 25 hướng từ Lộc An lên nhằm cản bước tiến của Quân giải phóng. Lập tức, pháo của Sư đoàn 325 điều chỉnh hướng bắn và chỉ trong khoảng 45 phút, đã nã dồn dập khoảng 2.000 trái pháo, diệt hai trận địa pháo của địch.

18 giờ ngày 26-4-1975, xe tăng của Lữ đoàn 203, Sư đoàn 325 tiến đến ngã ba đường Nguyễn An Ninh. Càng tiến sâu vào quận lỵ, địch chống cự càng điên cuồng. Bọn chúng đánh chia cắt mũi thọc sâu của ta ở phía trước, đồng thời luồn theo các ngõ hẻm đánh lén phía sau ta. Khi xe tăng đến trước cửa hiệu Châu Hải, đạn từ trên tháp nước do một ổ đề kháng của địch bắn xuống khiến bộ binh của ta không tiến lên được. Xe tăng của ta bắn hai quả đạn pháo, tháp nước thủng một lỗ lớn (nay vẫn còn), ba xác lính cùng cây đại liên rơi xuống. Xe tăng, bộ binh ta tràn vào bao vây dinh quận lỵ.

Lúc 18 giờ 55 phút, bộ đội ta bắn cháy hai xe quân sự, chiếm trận địa pháo 105 ly của địch ở gần chợ. Lúc 22 giờ, quân ta làm chủ những đồn chung quanh như: Cầu Quản Thủ, ngã ba Cầu Xéo, Liên Kim Sơn, chốt Cầu Ðen, chốt Bàu Cá. Quân địch rút chạy vào trong quận, co cụm lại, cố thủ chống trả. Hệ thống điện bị cắt. Chi khu Long Thành chìm trong bóng tối. Chốc chốc lóe lên vầng lửa từ các loạt đạn tiểu liên và đạn pháo.

Lực lượng xe tăng và bộ binh Sư đoàn 320 đánh chiếm căn cứ Đồng Dù (Củ Chi), sáng 29/4/1975, mở cánh cửa thép Tây Bắc Sài Gòn để quân ta thọc sâu đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng tham mưu Ngụy quyền Sài Gòn. (Ảnh: Lê Trung Hưng/TTXVN)

Lực lượng xe tăng và bộ binh Sư đoàn 320 đánh chiếm căn cứ Đồng Dù (Củ Chi), sáng 29/4/1975, mở cánh cửa thép Tây Bắc Sài Gòn để quân ta thọc sâu đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng tham mưu Ngụy quyền Sài Gòn. (Ảnh: Lê Trung Hưng/TTXVN)

Lâm vào thế bị bao vây, địch chống trả quyết liệt, 22 giờ 30 phút, một xe tăng của ta bị địch bắn cháy ngay trước cổng dinh quận lỵ, năm chiến sĩ anh dũng hy sinh. Khoảng 23 giờ, lại một xe tăng của bộ đội ta bị trúng đạn, bốc cháy ngay trước trận địa pháo 105 ly của địch. Mặc dù bị cháy hai xe tăng, các chiến sĩ ta quyết tâm tiến công áp đảo địch. Ðến 16 giờ 30 phút ngày 27-4-1975, Sư đoàn 325 đã làm chủ hoàn toàn khu vực Long Thành. Tuyến phòng thủ đông-nam Sài Gòn và đường 15 của địch đã bị cắt đứt.

Lợi dụng lúc trời tối, tên quận trưởng Long Thành, Hà Văn Sáu đã bỏ trốn. Chỉ huy đào thoát, binh lính trong quận như rắn mất đầu, gần một trung đội địch mang súng ra hàng, nhiều tên ngoan cố chạy vào ấp Thái Lạc lẩn trốn.

Ấp Thái Lạc vốn là "ấp chiến lược" đặc biệt, trực thuộc Phủ Tổng thống ngụy, chung quanh có hàng rào tre gai dày đặc, giao thông hào, hàng rào dây kẽm gai, nhà dân bao bọc, chỉ có con đường độc đạo chạy thẳng từ đường 15 vào cửa nhà thờ.

Sư đoàn 312, Quân đoàn 1 đánh chiếm sân bay Ông Lĩnh - Bình Chuẩn, ngày 27/4/1975. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)

Sư đoàn 312, Quân đoàn 1 đánh chiếm sân bay Ông Lĩnh - Bình Chuẩn, ngày 27/4/1975. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)

Trước địa hình phức tạp, xen cài như vậy, các toán lính thất trận ở chi khu Long Thành và khu vực lân cận chạy về trú nấp khá đông. Chúng kết hợp với bọn dân vệ địa phương, trà trộn trong nhà dân cố thủ. Gọi hàng thì bọn này ngoan cố chống lại. Cho pháo dập thì sợ ảnh hưởng đến tính mạng dân thường. Vì vậy, quân ta tiếp tục bao vây, đồng thời tăng cường lực lượng, khẩn trương giải phóng xã Phước Long.

Tại xã Phước Thái, ngày 28-4-1975, bộ đội chủ lực phối hợp du kích bao vây và phát loa cho địch biết quận lỵ Long Thành đã được giải phóng. Buông súng trở về sẽ được chính quyền cách mạng khoan hồng. Tên đồn phó cùng 50 lính bảo an đem súng ra hàng. Xã Phước Thái hoàn toàn giải phóng vào lúc 10 giờ kém 15 phút.

Ðồng chí Nguyễn An Gang, nguyên Chính ủy Trung đoàn 18, Sư đoàn 325 kể lại, giải phóng xong Phước Thái, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 101 quay về giải quyết dứt điểm số tàn quân đang cố thủ tại ấp Thái Lạc. Tàn quân ở đây được trang bị khá tốt, lại dựa vào địa hình phức tạp nên ngoan cố chống trả. Sau hai ngày kiên trì bao vây, kêu gọi, thuyết phục không thành, lực lượng cách mạng mới quyết định tiến công. Ðịch nấp trong nhà hầm bắn ra khiến ba đợt tiến công của quân ta đều không tiến vào được, hàng chục chiến sĩ hy sinh ngay trước nhà thờ ấp Thái Lạc, trong đó có Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Ánh Dương.

Ðể giải quyết dứt điểm, Trung đoàn 101 điều thêm một đại đội dự bị, kết hợp với lực lượng tại chỗ quyết tâm tiêu diệt số tàn quân tại đây. Lực lượng ta chia làm hai cánh: một cánh từ quốc lộ 15 dùng cối 82 ly bắn cấp tập vào nơi tàn quân ẩn nấp; một cánh đánh từ cánh đồng Bưng Cơ lên, tạo điều kiện cho bộ binh tràn vào đánh trực diện với nhóm tàn quân. Bọn lính trong ấp chống cự không nổi phải mở đường máu tháo chạy ra khu Gò Mả thuộc ấp Hàng Gòn, một số trốn vào rừng cao-su. Ấp Thái Lạc là địa bàn cuối cùng của huyện Long Thành được giải phóng.

Quân Giải phóng chuẩn bị lực lượng trước giờ tổng công kích vào Sài Gòn – Gia Định với tinh thần “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng” (26/4/1975). (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)

Quân Giải phóng chuẩn bị lực lượng trước giờ tổng công kích vào Sài Gòn – Gia Định với tinh thần “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng” (26/4/1975). (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)

Ðến 14 giờ ngày 28-4-1975, Sư đoàn 325 thông báo cho đồng bào  trở về thị trấn, sau đó phối hợp lực lượng địa phương đánh chiếm quận lỵ Nhơn Trạch.

Sáng 28-4-1975, Trung đoàn 46, do Quân khu 3 tăng cường cho Sư đoàn 325 hành quân theo tỉnh lộ 25 tiêu diệt trận địa pháo 155 ly của địch ở ấp Bến Sắn, xã Phước Thiềng, Nhơn Trạch. Sau khi tiêu diệt xong trận địa pháo của địch, quân ta đánh chiếm chi khu Nhơn Trạch. Trung đoàn 46 áp sát, đánh chiếm thành Tuy Hạ.

Phi đội Quyết thắng tại sân bay Thành Sơn (Phan Rang) chiều 28/4/1975 sau khi tấn công sân bay Tân Sơn Nhất. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)

Phi đội Quyết thắng tại sân bay Thành Sơn (Phan Rang) chiều 28/4/1975 sau khi tấn công sân bay Tân Sơn Nhất. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)

Ðúng 4 giờ 30 phút sáng 29-4-1975, pháo 130 ly của Sư đoàn 325  bắn hơn 300 quả đạn vào sân bay Tân Sơn Nhất. Nhiều tiếng nổ dồn dập làm rung chuyển thành phố Sài Gòn. Sân bay Tân Sơn Nhất hoàn toàn tê liệt. Các khẩu pháo này đồng thời bắn phá kho đạn của địch tại thành Tuy Hạ, gây nhiều đám cháy, nổ lớn nhưng địch vẫn cố thủ không chịu đầu hàng. Trung đoàn 46 được lệnh tăng cường xe tăng tiến công thành Tuy Hạ.

Sau sáu giờ chiến đấu quyết liệt, đến 18 giờ ngày 29-4-1975 quân ta đã tiêu diệt và bắt sống phần lớn quân địch tại thành Tuy Hạ. Số tàn quân tháo chạy về hướng Sài Gòn, lột bỏ cả quân trang, quân dụng đầy trên đường dẫn xuống bến phà Cát Lái. Khoảng 40 phút sau, sư đoàn đã chiếm mố bắc phà Cát Lái. Bên bờ nam vẫn còn hàng nghìn tên địch, hàng trăm tàu thuyền neo đậu ở Tân Cảng và sông Nhà Bè.

Nhân dân Phú Hữu dùng thuyền chở Quân đoàn 2 tiến về Sài Gòn ngày 29/4/1975. Ảnh chụp tại bảo tàng

Nhân dân Phú Hữu dùng thuyền chở Quân đoàn 2 tiến về Sài Gòn ngày 29/4/1975. Ảnh chụp tại bảo tàng

Bộ Tư lệnh Sư đoàn 325 nêu quyết tâm vượt sông Ðồng Nai, tiến vào Sài Gòn. Ðồng chí Trịnh Phẩm Hạnh, nguyên Trợ lý trinh sát Sư đoàn 325 nhớ lại, từng tổ trinh sát vượt sông trên chiếc xuồng nhỏ của dân chài địa phương vượt sông Ðồng Nai để nắm tình hình địch. Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 325 phải vượt sông rộng hơn 800m dưới sự ngăn chặn bằng hỏa lực rất mạnh của địch. Hàng chục khẩu pháo lớn của ta đã chiếm trận địa ở sát mép nước. Xe tăng, pháo 85 cũng được điều đến để yểm trợ cho công binh chở lực lượng của sư đoàn qua sông.

Ðúng 4 giờ 30 phút sáng 30-4-1975, cuộc tiến công vượt sông Ðồng Nai của Sư đoàn 325 bắt đầu.

Khoảng 6 giờ ngày  30-4-1975, tàu chiến của hải quân ngụy và hàng chục tàu khác chở đầy binh lính theo sông Nhà Bè tiến ra phản kích, bắn loạn xạ vào quân ta. Những khẩu pháo của ta lập tức nhả đạn làm năm tàu của địch chìm tại chỗ, hàng chục chiếc khác bốc cháy. Sư đoàn 325 lệnh cho Trung đoàn 101 khẩn trương vượt sông, nhanh chóng đánh chiếm căn cứ Cát Lái, bắt và thu hơn 100 tàu, xuồng quân sự của địch, sau đó tiến vào đánh chiếm Bộ tư lệnh hải quân địch. Trung đoàn 18 được lệnh hành quân đến Tân Cảng, làm lực lượng dự bị của Sư đoàn 325, Quân đoàn 2, sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới.

Chiến tranh đã lùi xa, chiến trường xưa giờ là những vùng đất thay da đổi thịt, xanh mướt một mầu  xanh hòa bình. Những con đường đất đỏ của Long Thành nay được thay bằng đường nhựa. Ngã ba Lộc An, nơi tập kết đại pháo, xe tăng chuẩn bị tiến vào giải phóng Long Thành, nay là trung tâm hành chính, nhà văn hóa xã. Máu của các liệt sĩ anh dũng hy sinh trong trận Suối Mơ, Thái Lạc, Bình Sơn, Cát Lái..., như tô thắm thêm những ngôi nhà ngói đỏ thấp thoáng sau vườn sầu riêng, chôm chôm đang độ ra hoa, kết trái.

Chiến tranh đã lùi xa, chiến trường xưa giờ là những vùng đất thay da đổi thịt, xanh mướt một mầu  xanh hòa bình. Những con đường đất đỏ của Long Thành nay được thay bằng đường nhựa. Ngã ba Lộc An, nơi tập kết đại pháo, xe tăng chuẩn bị tiến vào giải phóng Long Thành, nay là trung tâm hành chính, nhà văn hóa xã. Máu của các liệt sĩ anh dũng hy sinh trong trận Suối Mơ, Thái Lạc, Bình Sơn, Cát Lái..., như tô thắm thêm những ngôi nhà ngói đỏ thấp thoáng sau vườn sầu riêng, chôm chôm đang độ ra hoa, kết trái.

Nói chuyện với chúng tôi, đồng chí Lê Văn Ý, Chủ tịch UBND huyện Long Thành nói, Long Thành hiện nay như chàng trai đang kỳ "trổ mã". Tổng sản lượng của huyện tăng bình quân 12%/năm. Năm 2009, tổng thu ngân sách nhà nước 650 tỷ đồng, đứng thứ nhì tỉnh Ðồng Nai, sau thành phố Biên Hòa. Lợi thế của Long Thành là có gần 40 km đường 51, tuyến huyết mạch đi Vũng Tàu- Biên Hòa - Sài Gòn. Tới đây, đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây - TP Hồ Chí Minh; Nhơn Trạch - Bến Lức (Long An) và sân bay quốc tế Long Thành... xây dựng xong thì thành phố Long Thành sẽ là trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

Huyện Long Thành đang chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp, dịch vụ

Huyện Long Thành đang chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp, dịch vụ

Huyện Long Thành đang chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp, dịch vụ, với tám khu công nghiệp, diện tích 2.400ha và khu công nghệ cao 500 ha đã thu hút 1.291 doanh nghiệp trong nước, đầu tư 7.402 tỷ đồng và 182 dự án đầu tư nước ngoài, với 3.124 triệu USD. Huyện khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các ngành sản xuất mới, công nghệ cao như: cáp quang, nhựa dẻo, nam châm, linh kiện điện tử. Công nghiệp hóa đã thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện phát triển, cải thiện đời sống của nhân dân, giải quyết việc làm, thu nhập ổn định cho gần 35.000 lao động. Năm 2009, thu nhập bình quân đầu người đạt 20,457 triệu đồng/năm.

Cùng với phát triển công nghiệp, huyện quan tâm phát triển nông nghiệp, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân áp dụng tiến bộ khoa học vào trồng trọt, xây dựng trang trại cây ăn trái chất lượng cao; hệ thống tưới nước tiết kiệm; bón phân qua đường ống, tạo ra các sản phẩm hàng hóa 150-200 triệu/ha/năm.

Ðến nay, 19/19 xã, thị trấn phổ cập bậc THCS và có bác sĩ phục vụ lâu dài. Toàn huyện không còn hộ đói, còn 1.740 hộ theo chuẩn nghèo mới. Phấn đấu đến cuối năm 2010, giảm còn 1,95% hộ nghèo, so với 3,12% hộ nghèo của năm 2009.  Thị trấn Long Thành ngày càng khang trang, to đẹp; cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đã mang vóc dáng của một đô thị trẻ. Hàng trăm con đường ngang, dọc trong thị trấn được tráng nhựa. Huyện chi hơn 20 tỷ đồng xây dựng trung tâm thương mại, nhà thi đấu, nhà văn hóa đa năng và gần 42 tỷ đồng nâng cấp bệnh viện huyện từ 170 giường lên 350 giường, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân...

Ảnh: THIÊN VƯƠNG

Ảnh: THIÊN VƯƠNG

Không chỉ phát triển kinh tế, Ðảng bộ và chính quyền huyện Long Thành luôn quan tâm chính sách xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Những năm qua, huyện xây dựng 2.600 nhà tình thương, 400 nhà đại đoàn kết và sửa chữa, nâng cấp hàng nghìn căn nhà cho các gia đình chính sách, có công với cách mạng, người nghèo, gia đình neo đơn.

Ðồng chí Trịnh Phẩm Hạnh, sĩ quan duy nhất của  Sư đoàn 325, Quân đoàn 2 trụ lại mảnh đất này từ năm 1975, là người thường xuyên đến "thăm đồng đội" nằm lại tại nghĩa trang Long Thành. Ðồng chí cho biết, năm 2008, huyện đã dành năm tỷ đồng, đồng thời vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm hơn 15 tỷ đồng, lát đá hoa cương toàn bộ hơn 2.000 ngôi mộ. Riêng gia đình ông Lê Văn Kiểm, Công ty Cổ phần đầu tư và kinh doanh golf Long Thành, góp hơn bảy tỷ đồng tôn tạo, xây mới lầu chuông, gác trống. Hằng năm, vào những ngày lễ, Tết, các doanh nhân, cựu chiến binh trên đất Long Thành đều về đây long trọng dâng hương cảm tạ các liệt sĩ anh dũng hy sinh để họ có điều kiện khai sinh cơ nghiệp. 

Cũng tại nhà thờ Nghĩa trang Long Thành, suốt 26 năm qua, không kể mưa nắng, ngày hai bữa, vợ chồng người quản trang Nguyễn Văn Dũng và Phan Thị Em đều đặn "sửa" mâm cơm cúng vong hồn các liệt sĩ. Thân nhân các liệt sĩ ở các tỉnh xa đến thăm được huyện  giúp đỡ nơi ăn, ở.

Nhìn những bông osaca đang kỳ nở rộ, vàng óng rủ xuống, hoa hoàng cung đỏ thắm, hoa trang đủ các mầu sắc bên những phần mộ như thay lời cảm ơn các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh, mang lại mùa xuân cho quê hương, đất nước.

QUANG BÌNH và LÊ THẨM

Bài đã đăng Báo Nhân Dân ngày 27/04/2010
Ảnh: BÁO NHÂN DÂN; TTXVN
Trình bày: BẢO MINH