
Trận đánh của Phi đội Quyết thắng vào sân bay Tân Sơn Nhất tháng 4/1975 là một mốc son trong lịch sử vẻ vang của lực lượng Không quân nhân dân Việt Nam.
Với tinh thần “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, quyết thắng” chỉ sau 6 ngày luyện tập, chuyển loại máy bay khẩn trương, chiều 28/4/1975, Phi đội Quyết thắng gồm 4 phi công của Trung đoàn 923 là Nguyễn Văn Lục, Từ Đễ, Hán Văn Quảng, Hoàng Mai Vượng và phi công Nguyễn Thành Trung, Trần Văn On, sử dụng máy bay A37 tập kích sân bay Tân Sơn Nhất. Cuộc tập kích đã phá hủy 24 máy bay, làm cho tinh thần của Mỹ-ngụy hoảng loạn, thúc đẩy nhanh chóng quá trình tan rã của ngụy quyền Sài Gòn.
Các phi công Nguyễn Thành Trung, Nguyễn Văn Lục, Từ Đễ, Hán Văn Quảng, Hoàng Mai Vượng đã được phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Phi công Trần Văn On được tặng Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Nhất.
Phi công Trần Văn On, sinh năm 1948, ngụ ấp Bình An, xã Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang là một người khá “đặc biệt” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền nam, thống nhất đất nước. Bởi, ông từng làm Phi tuần phó Phi đoàn 550 thuộc không quân của chế độ Sài Gòn. Song, ông đã chủ động xin hàng Quân giải phóng và hỗ trợ đắc lực cho cách mạng Việt Nam giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.
Sau khi hàng binh, ông On được cách mạng trưng dụng và trở thành thành viên Phi đội Quyết thắng ném bom vào sân bay Tân Sơn Nhất. Chiến tranh kết thúc, ông được tặng thưởng “Huân chương chiến công Giải phóng hạng Nhất”. Tuy nhiên, chiếc Huân chương ấy bị thất lạc và 33 năm sau mới được trao tận tay ông.
Không còn sự lựa chọn

Trong những ngày đất nước chuẩn bị Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), chúng tôi có dịp gặp và trao đổi với ông Trần Văn On. Một nhân vật bị “mắc kẹt” giữa 2 chế độ và là thành viên quan trọng trong Phi đội Quyết thắng ném bom vào sân bay Tân Sơn Nhất.
Ngồi uống ngụm trà rồi ông On kể lại câu chuyện về cuộc đời mình: “Năm 1968, chính quyền Sài Gòn ra lệnh tổng động viên. Lúc ấy, tất cả con trai ở quê tôi nói riêng và trong khu vực nói chung từ 18-20 tuổi đều phải phục vụ cho họ. Chúng tôi không có lựa chọn nào khác. Nằm trong vùng chế độ cũ chiếm đóng thì phải theo họ”.
Thời điểm này, ông On đã tốt nghiệp lớp 12, thuộc “hàng hiếm” trong vùng nên chế độ cũ chọn đưa sang Mỹ đào tạo bay. Không lâu sau đó, ông được đưa về Việt Nam để hoạt động trong chế độ cũ.
Ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết. Lúc này, Mỹ đã rút viện trợ, lũ lượt rời khỏi Việt Nam. Cá nhân ông cũng nhận định rằng chiến tranh sắp kết thúc. Bạn bè ở chế độ cũ cùng đồng loạt di tản sang Mỹ nhưng ông nhất quyết không đi. Bởi, bản thân cho rằng còn nợ quê hương, đất nước; gia đình, vợ con cũng còn ở lại trên mảnh đất này nên ông ra hàng binh, tham gia cải tạo thật tốt, đợi cơ hội đem những kiến thức và kinh nghiệm học bay được từ bên Mỹ để giúp cho cách mạng sớm giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Chỉ mong sớm kết thúc chiến tranh

Khoảng cuối tháng 3/1975, Quân giải phóng Việt Nam thu được khá nhiều chiếc A-37 của Mỹ nhưng chưa biết cách sử dụng. Đây là loại máy bay hai người lái chuyên dùng ném bom. Thời điểm này, Quân giải phóng có chủ trương lấy máy bay địch đánh địch, nhằm tạo ra cú đấm bất ngờ trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.
Thời điểm đó, xét thấy lý lịch ông tốt, nhiều người thân trong gia đình tham gia cách mạng và có kinh nghiệm trong việc lái máy bay A-37, Quân giải phóng đã tuyển chọn để ông chỉ dạy việc vận hành cũng như điều khiển những chiếc máy bay này.
Sau những ngày hướng dẫn một số kỹ thuật bay cơ bản, một số phi công trong quân giải phóng đã tự điều khiển bay.
Phi đội Quyết thắng cất cánh đi làm nhiệm vụ. (Ảnh tư liệu)
Phi đội Quyết thắng cất cánh đi làm nhiệm vụ. (Ảnh tư liệu)
Đêm 27/4/1975, trước giờ bay, Đại tá Lê Văn Tri - Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân, gọi anh em Phi đội Quyết thắng ra sân và nhấn mạnh: “Không đánh vào khu ga hàng không, không đánh trại Davis nơi có phái đoàn quân sự của ta, không phá đường băng, không để rơi bất kỳ quả bom nào xuống khu vực dân cư Sài Gòn... Mục đích là để cho địch có đường di tản “rút lui”, một cách đầy nhân văn của quân ta.
Phi đội đã thực hiện đúng mệnh lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, tức không tiêu diệt mà vẫn cho địch rút và giảm hoàn toàn thương vong.
Ông On kể: “Kế hoạch tác chiến của trận đánh được vạch ra rất chi tiết. Sau khi cất cánh, Phi đội Quyết thắng bay theo đường bay từ sân bay Thành Sơn qua Phan Thiết, qua Hàm Tân, đến sân bay Tân Sơn Nhất. Độ cao bay bằng là 400m, để giữ bí mật, trên đường đi không sử dụng vô tuyến điện, chỉ được dùng ám tín hiệu”.
Thứ tự bay theo đội hình được xác định: Bay số 1 là phi công Nguyễn Thành Trung dẫn đường do thông thuộc địa hình bay ở Sài Gòn, số 2 Từ Đễ, số 3 Nguyễn Văn Lục, số 4 gồm Hoàng Mai Vượng và tôi (Trần Văn On), số 5 Hán Văn Quảng bay sau cùng quan sát bảo vệ phía sau phi đội. Mọi công tác đã chuẩn bị xong, đến 14 giờ 30 phút, Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân hạ mệnh lệnh chiến đấu. 16 giờ 25 phút, phi đội được lệnh xuất kích.
Do đất nước chiến tranh, trước đây, tỉnh Tiền Giang là vùng trọng điểm tranh chấp rất quyết liệt giữa ta và địch. Anh Trần Văn On sống trong vùng địch tạm chiếm nên bị bắt thúc ép đi lính cho ngụy quân là không thể tránh được. Nhưng với tinh thần nhận thức về thời cơ của Cách mạng nên anh đã quay về cùng với đội hình Phi đội Quyết thắng của Quân chủng Phòng không-Không quân và đã lập nên thành tích đáng trân trọng.
Vừa đến sân bay Tân Sơn Nhất, phi công Nguyễn Thành Trung (người bay đầu phi đội) báo mục tiêu cho toàn phi đội rồi nhắm đúng khu tập trung máy bay quân sự bổ nhào xuống cắt bom nhưng bom không rơi. Trong ống nghe bên tai các phi công bỗng dội vào tiếng nói nhốn nháo, xôn xao của đám lính truyền tin trên đài không lưu ở sân bay. Rồi có tiếng quát tháo của một sĩ quan ngụy: “A-37 của phi đoàn nào?”.
Thời điểm này, phi công Từ Đễ bay sát phía sau máy bay số 1 nối tiếp bổ nhào xuống cắt bom. Nghe quân Ngụy hỏi, Từ Đễ đã trả lời là phi đoàn America (Mỹ) chúng mày đây.
Cùng lúc đó, các phi công Lục, Quảng, Vượng và tôi cũng lần lượt nhào xuống cắt bom. Phi công Nguyễn Thành Trung quay lại lần thứ ba và cắt luôn cả 4 quả cùng lúc. Tiếng nổ rung chuyển Sài Gòn. Sân bay Tân Sơn Nhất bùng phát những đám lửa, cột khói cuồn cuộn.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, cả Phi đội Quyết thắng không bị bất cứ thiệt hại nào, thẳng đường bay hướng về điểm xuất kích.
Ngồi trầm ngâm hồi lâu, ông On chia sẻ với giọng nói nghẹn ngào và ánh mắt buồn rười rượi: “Chiến tranh đã diễn ra trên đất nước chúng ta. Người Việt Nam phải chia ra để đứng ở 2 đầu chiến tuyến. Chúng tôi đã đi theo con đường của chế độ cũ để đánh lại người Việt. Đau lòng lắm chứ! Nhưng tôi đã tỉnh ngộ và đóng góp chút công sức để chuộc lại lỗi lầm của mình. Thú thật, thời điểm ấy, tôi chỉ mong kết thúc chiến tranh càng sớm càng tốt. Để người Việt Nam không còn cảnh nhà tan cửa nát và sớm đoàn tụ với gia đình”.
Tiếp tục cống hiến cho cách mạng

Sau khi giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, ông On vội vã trở về quê ở huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang thông báo cho vợ biết mình còn sống. Gần gia đình chưa bao lâu, ông lại nhận lệnh xuống sân bay Trà Nóc, tỉnh Cần Thơ tham gia huấn luyện bay và chiến đấu ở biên giới Tây Nam. Bởi, thời điểm này, lực lượng phi công còn mỏng nên hàng binh chế độ cũ được Nhà nước trọng dụng rất nhiều.
Cũng trong khoảng thời gian này, ông Nguyễn Văn Hai, một phi công của chế độ Việt Nam Cộng hòa đã đánh cắp chiếc trực thăng UH1 chở vợ con bay ra nước ngoài, khiến công tác trong quân đội gặp khó khăn. Sự nghi ngờ 2 bờ chiến tuyến lại một lần nữa dấy lên.
Sau năm 1977, ông On xin rút khỏi hàng ngũ, lặng lẽ trở về quê nhà theo diện hàng binh và tiếp tục cải tạo tốt tại địa phương. Vì thất lạc giấy tờ chứng minh bản thân tham gia cách mạng nên suốt thời gian đầu, ông cùng nhiều nông dân, hàng binh đã đào kênh, vét thủy lợi, xả mặn, rửa ngọt ruộng đồng…
Đến năm 1995, ông mới quyết định quay trở lại Đà Nẵng tìm đồng đội để xin giấy tờ chứng minh mình có công với cách mạng nhằm giúp cuộc sống dễ dàng hơn sau này.
Ông On đã từng tham gia chế độ cũ một thời gian. Tuy nhiên, sau đó ông hàng binh và hỗ trợ cho cách mạng ta giải phóng miền nam, thống nhất đất nước. Ngoài ra, ông còn hỗ trợ huấn luyện bay và tham gia chiến đấu ở khu vực biên giới Tây Nam để đánh đuổi Pol Pot. Không còn hỗ trợ cách mạng, ông là một công dân tốt và có nhiều đóng góp cho địa phương. Hiện, ông On là hội viên Hội Cựu chiến binh của xã Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây.
--- Đại tá Trần Thanh Hà, nguyên Chính ủy Trường Quân sự địa phương tỉnh Tiền Giang, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Gò Công Tây (Tiền Giang) ---

Câu chuyện chiếc huân chương “Chiến công Giải phóng hạng Nhất” trao muộn sau 33 năm

Sau khi cùng Phi đội Quyết thắng hoàn thành nhiệm vụ, góp phần giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, Nhà nước đã có quyết định tặng thưởng Huân chương “Chiến công Giải phóng hạng Nhất” cho các anh em trong phi đội. Nhưng vì ông là hàng binh, vừa tham gia trận đầu tiên nên chưa trao ngay mà vẫn giữ ở Quân chủng Phòng không-Không quân.
Sau này, các thành viên trong Phi đội Quyết thắng tìm về quê hương ông để mong đoàn tụ tất cả anh em. Sau khi gặp mặt nhau, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Từ Đễ đã gọi điện ra Quân chủng Phòng không-Không quân hỏi rồi xác nhận chiếc huân chương vẫn còn. Rồi ông Từ Đễ giải thích: “Chiếc huân chương được trao tặng cho anh là phần thưởng được Đảng, Nhà nước ghi nhận công lao và cũng là “tấm giấy thông hành” chứng minh với mọi người rằng anh đã có công với cách mạng”. Ông Từ Đễ cũng nhận lỗi về mình đã bỏ quên chiếc huân chương của đồng đội, và đó là băn khoăn lớn nhất của ông trước khi nghỉ hưu.
Ông Trần Văn On chăm sóc cây cối trong vườn nhà tại quê hương Tiền Giang. (Ảnh: NGUYỄN SỰ, chụp tháng 3/2025).
Ông Trần Văn On chăm sóc cây cối trong vườn nhà tại quê hương Tiền Giang. (Ảnh: NGUYỄN SỰ, chụp tháng 3/2025).
Không lâu, Quân chủng Phòng không-Không quân mời ông On lên Sài Gòn để thực hiện lễ trao trả nhưng ông Từ Đễ nhất quyết không đồng ý. Bởi lẽ, khi ấy ông On còn chịu sự nghi kỵ từ bà con ở quê và bạn bè chế độ cũ nên ông Từ Đễ muốn đem Huân chương về tận xã để tôn vinh cho tất cả mọi người đều biết.
Kể về giây phút "giải oan" cho thành viên đặc biệt của Phi đội Quyết thắng, ông Từ Đễ nói: “Chúng tôi mời Chính quyền Đảng ủy xã Gò Công, Tiền Giang tới. Tại buổi hôm đó, tôi có lời nhận khuyết điểm với anh On vì trao Huân chương muộn”.
Đáp từ, ông On xúc động: “Cảm ơn anh, tôi đã được trả danh dự rồi, cho phép tôi tháo Huân chương cất mang về”.
Ông Từ Đễ không đồng ý: “Anh phải đeo Huân chương lên ngực, cầm bằng, chúng tôi sẽ đi cùng anh từ xã về nhà để dân chúng biết phi công Trần Văn On là người có công với cách mạng”.
Suốt 33 năm sau giải phóng, ông Trịnh Văn On bị hiểu nhầm, cuộc sống khó khăn, khép kín ở địa phương, quanh năm chỉ gắn bó với đồng ruộng. Bởi vậy, khi trao trả được tiếng oan cho ông On, ông Từ Đễ như trút được gánh nặng.
"Tháng 8/2008, trước sự chứng kiến của nhiều cán bộ ở xã Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây (Tiền Giang), tôi đã được nhận chiếc huân chương thất lạc suốt 33 năm. Được đeo chiếc huân chương trước ngực, tôi rươm rướm nước mắt vì hạnh phúc. Từ nay, vấn đề nghi kỵ của bà con trong xóm về tôi đã được cởi bỏ", ông Trần Văn On hồi tưởng. Từ đó đến nay, ông Trần Văn On có một cuộc sống bình yên, thanh thản trên mảnh đất quê hương.
Xuất bản: 4/2025
Tổ chức thực hiện: TRƯỜNG SƠN - THẢO LÊ
Thực hiện: NGUYỄN SỰ-THIÊN LAM-NGỌC BÍCH
Ảnh: NGUYỄN SỰ, TTXVN
