Chuyện ở 179 và những trăn trở của huyện Đam Rông

Chúng tôi cẩn thận ghi chép lại những câu chuyện và hình ảnh về Tiểu khu 179  để “gửi gắm” tới lãnh đạo địa phương - Ủy ban nhân dân huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng.

Chủ tịch huyện - ông Trương Hữu Đồng đón nhận thông tin một cách thẳng thắn: “Tôi đã công tác nhiều năm và thực ra chỉ còn một thời gian nữa là nghỉ hưu, thế nhưng câu chuyện di dân tự do của đồng bào nói chung và đặc biệt là tiểu khu 179 này nói riêng là điều mà hàng chục năm nay tôi luôn đau đáu”. Trong ánh mắt của người đàn ông đã gần 60 tuổi ấy ấn chứa những nỗi niềm khó tả.

Buồn lo khi đồng bào tự tìm cái khổ

 Từ khi tình trạng đồng bào các tỉnh biên giới phía Bắc di dân tự do diễn biến phức tạp, những năm 2004-2005, huyện Đam Rông đã ngay lập tức triển khai các phương án để hạn chế và kiểm soát.

Thời đó, dù đi lại vô cùng khó khăn nhưng chúng tôi vẫn nỗ lực đi vào từng vùng đồng bào khai hoang mở làng, mở bản - chủ yếu rất xa xôi và hiểm trở. Tại Tiểu khu 179, ban đầu chưa có nhiều người như bây giờ, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân, thuyết phục họ trở về quê hương. Chúng tôi đã bỏ tiền thuê xe, lo cho họ ăn, ở, rồi chia thành các mũi đưa họ về tận nhà ở Hà Giang, Lào Cai, Điện Biên.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Trương Hữu Đồng chia sẻ.

Nói đến đây, ông Đồng bật cười thành tiếng: “Đoàn xe của chúng tôi ra đó rồi quay đầu vào lại, mà chưa vào đến nơi người dân đã về tới nơi trước rồi. Cứ như mình bỏ tiền, bỏ chi phí ra cho họ đi thăm quê vậy”.

Nhiều lần thuyết phục, vận động không thành, lãnh đạo địa phương đã quyết định chuyển hướng với mong muốn sớm tìm được lời giải cho bài toán “di dân tự do”. Được sự đồng ý của tỉnh Lâm Đồng, từ năm 2008, huyện Đam Rông đã tiến hành triển khai xây dựng một số khu - cụm dân cư dành riêng để tái định cư cho những người Mông di dân.

Khu tái định cư chỉ cách trung tâm huyện chừng 5 cây số với đường đi thuận lợi, có điện lưới, nước sinh hoạt, có trường học, trạm y tế… và đặc biệt là các hộ dân đều được cấp đất sản xuất nông nghiệp.

Ông Trương Hữu Đồng vào thăm TK179.

Ông Trương Hữu Đồng vào thăm TK179.

“Các anh phải đi thăm thôn 5 - thôn Mông của chúng tôi”. Chủ tịch huyện Đam Rông khẳng định chắc nịch. “Thôn đó là thôn kiểu mẫu. Gần như không còn hộ nghèo nữa, có những hộ giàu, có ô-tô, có mấy chục hectar cà-phê thu mỗi năm cả tỷ đồng. Chúng tôi tạo điều kiện cho họ nhưng phải nói đồng bào Mông người ta vô cùng chịu khó làm ăn, biết tính toán, chăm chỉ mà lại không tệ nạn xã hội. Các anh lãnh đạo xã ở đây vẫn bảo nhau: Người địa phương ai cũng như người Mông thì huyện chẳng mấy mà khấm khá”.

Thôn 5 xã Rô Men càng phát triển bao nhiêu thì lãnh đạo huyện Đam Rông lại càng đau đáu bấy nhiêu, bởi số hộ dân chịu chuyển từ tiểu khu 179 ra thôn 5 chỉ là một lượng nhỏ. Đa số đồng bào vẫn lựa chọn bám trụ lại vùng lõi rừng, lựa chọn “sống cùng cái khổ”.

Ông Trương Hữu Đồng kiểm tra công trình xây dựng tại 179.

Ông Trương Hữu Đồng kiểm tra công trình xây dựng tại 179.

Thôn đó là thôn kiểu mẫu. Gần như không còn hộ nghèo nữa, có những hộ giàu, có ô-tô, có mấy chục hecta cà-phê thu mỗi năm cả tỷ đồng. Chúng tôi tạo điều kiện cho họ nhưng phải nói đồng bào Mông người ta vô cùng chịu khó làm ăn, biết tính toán, chăm chỉ mà lại không tệ nạn xã hội. Các anh lãnh đạo xã ở đây vẫn bảo nhau: Người địa phương ai cũng như người Mông thì huyện chẳng mấy mà khấm khá.
Ông Trương Hữu Đồng

Chất giọng miền Trung đặc sánh của vị chủ tịch huyện có phần nghẹn lại: “Chứng kiến hàng trăm người dân sống trong cảnh thiếu thốn đủ đường như vậy chúng tôi vừa lo lắng vừa thương cảm. Nhưng đau nhất là mình phải đối mặt với đồng bào mình. Ở tiểu khu 179, họ liên tục phá rừng làm nương rẫy. Nếu không can thiệp thì chỉ vài năm nữa, huyện Đam Rông khéo chẳng còn rừng tự nhiên. Chúng tôi phải liên tục cử lực lượng vào đó để giữ rừng, chủ yếu là tuyên truyền vận động, nhắc nhở bà con nhưng nhiều khi họ phản ứng rất cực đoan và quyết liệt. Nhiều lần kiểm lâm bị họ bắt lại, uy hiếp nhưng chúng tôi cũng chỉ cố gắng vận động để họ thả người. Nếu xử lý không khéo dễ làm cơ hội cho các đối tượng phản động lợi dụng, tuyên truyền sai về nhân quyền”. 

Một lớp học đầy đủ trang thiết bị tại Thôn 5 xã Romen.

Một lớp học đầy đủ trang thiết bị tại Thôn 5 xã Romen.

Toàn bộ thôn đều có đường bê-tông.

Toàn bộ thôn đều có đường bê-tông.

Ông Trương Hữu Đồng

Ông Trương Hữu Đồng

Chứng kiến hàng trăm người dân sống trong cảnh thiếu thốn đủ đường như vậy chúng tôi vừa lo lắng vừa thương cảm. Nhưng đau nhất là mình phải đối mặt với đồng bào mình. Ở tiểu khu 179, họ liên tục phá rừng làm nương rẫy. Nếu không can thiệp thì chỉ vài năm nữa, huyện Đam Rông khéo chẳng còn rừng tự nhiên. Chúng tôi phải liên tục cử lực lượng vào đó để giữ rừng, chủ yếu là tuyên truyền vận động, nhắc nhở bà con nhưng nhiều khi họ phản ứng rất cực đoan và quyết liệt. Nhiều lần kiểm lâm bị họ bắt lại, uy hiếp nhưng chúng tôi cũng chỉ cố gắng vận động để họ thả người. Nếu xử lý không khéo dễ làm cơ hội cho các đối tượng phản động lợi dụng, tuyên truyền sai về nhân quyền.
Chủ tịch huyện Trương Hữu Đồng

Chăm lo đồng bào “trong cái khó”

 Đã nhiều lần Tiểu khu 179 bị các đối tượng phản động, chống phá lợi dụng để thêu dệt lên những câu chuyện về mất nhân quyền, về phân biệt dân tộc, tôn giáo, vùng miền. Đó là cách nhìn nhận bằng lăng kính với gam màu đen tối, một chiều mà lãng quên đi chiều còn lại cùng những gam màu tươi sáng hơn, nhiều hy vọng hơn.

Điểm trường 179 của Trường tiểu học xã Liêng Sronh dù còn thiếu thốn trăm bề nhưng chưa bao giờ thiếu đi những thầy, cô nhiệt huyết.

Dù mới 25 tuổi, nhưng cô Cin K’ Ngân đã dạy và công tác tại điểm trường trong nhiều năm. Cô nhớ mặt, nhớ tên từng em học sinh và thấu hiểu hoàn cảnh của từng gia đình. Mỗi tuần, cô sẽ mất khoảng 6 tiếng đồng hồ để vượt những con đường hiểm dốc: mùa mưa thì sình lầy, trơn trượt; mùa khô thì bụi bay mịt mù để ra vào tiểu khu.

Cô Cin K’ Ngân.

Cô Cin K’ Ngân.

Cô trải lòng: “Em sẽ cố gắng về nhà vào dịp cuối tuần, trong tuần thì em ở lại đây. Cũng có thời điểm mùa mưa em không về được, phải ở lại cả tháng. So với các thầy cô khác ở xã thì em còn trẻ nên em cảm thấy mình phải có trách nhiệm, em xung phong đi. Rồi thời gian tới sẽ có các bạn khác, các thầy cô giáo trẻ như em cũng sẽ xung phong vào đây với các con thôi. Em tin là thế”.

Cô Ngân không sợ đi xa, không sợ vất vả cũng không sợ màn đêm đen đặc của đại ngàn giữa ngổn ngang nỗi nhớ nhà… điều mà cô sợ nhất là lũ trẻ không tới trường.

“Mấy năm trời hầu như em không dám nghỉ bởi em sợ em nghỉ thì các con cũng nghỉ theo. Mỗi ngày lên lớp thấy vắng đứa nào là em lại đến nhà để hỏi xem vì sao không tới lớp. Đôi khi thì vận động bố mẹ, đôi khi thì dỗ dành lũ trẻ. Chúng là tương lai của làng bản, phải có kiến thức hơn, có hiểu biết hơn thì nơi này mới có tương lai được”.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đam Rông biết cô Ngân và cũng biết tường tận về các giáo viên “cắm bản” như cô. Ông chia sẻ: “Chúng tôi thấu hiểu những khó khăn của các thầy, cô điểm trường 179. Với vai trò quản lý, huyện luôn cố gắng tạo những điều kiện tốt nhất có thể cho các thầy cô, đảm bảo các loại phụ cấp, hỗ trợ. Nhưng tôi nghĩ, tinh thần của họ xuất phát từ tấm lòng của nhà giáo, tình yêu thương và trách nhiệm với con trẻ. Đó là tinh thần rất đáng nể phục và trân trọng”.

Công trình trường học mới được xây dựng tại tiểu khu 179.

Công trình trường học mới được xây dựng tại tiểu khu 179.

Những đổi thay đang tới

Những ngày cuối năm ở Tây Nguyên trời thường tối sớm. Mới chỉ 5 giờ chiều, làn sương nhẹ giăng mờ thứ màu đỏ cam nhờ nhờ của hoàng hôn pha với ánh đèn đường mới sáng. Bên trong căn phòng của chủ tịch huyện Đam Rông, chúng tôi vẫn say sưa câu chuyện về làng Mông 179.

“Cái tên 179 sẽ được giữ lại để trở thành tên chính thức của làng Mông trong tương lai gần” - Ông Trương Hữu Đồng chia sẻ một cách đầy tự hào về một trong những thành tựu lớn trong sự nghiệp làm quản lý. “Chúng tôi đã được tỉnh, được trung ương thông qua để xây dựng khu vực này thành một đơn vị dân cư chính thức của địa phương”.

Công trình xây dựng tại TK 179.

Công trình xây dựng tại TK 179.

Trở thành một đơn vị dân cư chính thức là cơ sở để một tương lai tươi sáng về với làng Mông với đổi thay đầu tiên là việc cấp giấy tờ tuỳ thân và những điều kiện cơ bản để được công nhận là một công dân hợp pháp.

Chúng tôi đã được tỉnh, được Trung ương thông qua để xây dựng khu vực này thành một đơn vị dân cư chính thức của địa phương.
Ông Trương Hữu Đồng

Ông Đồng khẳng định: “Chắc chắn phải cố gắng cấp giấy tờ tuỳ thân cho họ. Phải là căn cước công dân, hoặc là một loại giấy tờ gì đó có giá trị tương đương, cũng phải chụp cái hình, phải lấy dấu vân tay… để ít nhất chứng mình được họ ở đâu, họ đi đâu còn đi được. Chúng tôi sẽ cử người ra các tỉnh biên giới phía Bắc để xác minh nhân thân của từng hộ, từng người, sẽ làm được”.

Ông Trương Hữu Đồng vào thăm TK 179.

Ông Trương Hữu Đồng vào thăm TK 179.

Trước khi ra về, tôi không quên chia sẻ với chủ tịch huyện Đam Rông hoàn cảnh của em Giàng Thị Gánh. Bằng một tin nhắn với những thông tin cơ bản của Gánh, tôi gửi gắm: “Rất mong Huyện tạo điều kiện cho em được học tập và sinh hoạt một cách an toàn và thuận lợi hơn trong thời gian tới”.

Trời đã tối sập, chủ tịch huyện Đam Rông tiễn chúng tôi ra tận xe với một cái bắt tay và một lời hẹn: “Hẹn các nhà báo một năm nữa quay lại, tôi chắc chắn là sẽ có nhiều đổi thay để ta trò chuyện đấy”.

Ngày xuất bản: 25/1/2025
Tổ chức thực hiện: Phan Thái Sơn - Lê Thanh Tùng
Nội dung: Lâm Phan - Hoàng Đạt - Phương Lan
Trình bày: Hạnh Vũ
Ảnh: Lâm Phan - Hoàng Đạt
Clip: Hoàng Đạt - Giang Nam