Chuyện mỗi xã một sản phẩm đặc trưng (OCOP) ở tỉnh miền núi, biên giới Lào Cai thì nhiều người biết, nhưng ít người biết có một xã không thuần nông, cư dân thuộc diện tứ xứ "liên hợp quốc", nằm ven quốc lộ, lọt giữa vùng đô thị thành phố và khu công nghiệp lớn, ít lợi thế nông nghiệp tự nhiên, nhưng lại "nắm giữ" hơn chục sản phẩm đạt chuẩn OCOP, nhiều nhất tỉnh.
Ra Giêng, chúng tôi xuôi quốc lộ 4E, vừa ra khỏi thành phố Lào Cai đặt chân đến đất Gia Phú (huyện Bảo Thắng), chứng kiến không khí lao động sản xuất sôi động ngay từ đầu xuân mới, có lẽ sản xuất hàng hóa và giao thương để làm giàu, nó phải linh hoạt, chớp thời cơ như vậy mới thành công. Dường như ở đây, các hợp tác xã nông sản, chế biến thực phẩm, dược liệu và người dân địa phương không có thời gian nghỉ, vẫn liên tục bám đất để sản xuất, bám thị trường và khách hàng để tăng "vòng quay" đồng vốn, tạo thêm việc làm và thu nhập cao hơn.
Khởi nghiệp từ OCOP
Bên lò sấy nhiệt cao, khói trắng quẩn đặc, thơm mùi thảo mộc đặc trưng như mời gọi, tốp nhân công là con em đồng bào bản địa miệt mài, kỹ lưỡng từng công đoạn để cho ra những mẻ thịt ba chỉ, xúc xích, lạp sườn, thịt trâu sấy vàng mầu cánh gián, thơm ngào ngạt mùi gia vị đặc trưng Tây Bắc. Từ đây những món ăn của đất Gia Phú được đưa ra thị trường, đến bàn ăn, mâm cỗ của mỗi gia đình ở khắp mọi miền đất nước; góp thêm hương vị, sắc màu sản vật vùng đất vừa gần sông vừa gần phố thị này.
Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Chế biến thực phẩm sạch Gia Phú Vũ Thị Thắm hào hứng: "Những tấm giấy thông hành OCOP vừa như lực đẩy vừa như "gương soi" mỗi ngày để HTX và bà con nông dân tham gia chuỗi sản xuất, chế biến thực phẩm "chung sức, đồng lòng" chỉ duy nhất một mục tiêu "ba hơn", đó là sạch hơn, ngon hơn và giá cả phù hợp hơn".
Là đơn vị dẫn đầu về số lượng sản phẩm được chứng nhận đạt sao OCOP của tỉnh Lào Cai, HTX Chế biến thực phẩm sạch Gia Phú có 5 sản phẩm OCOP 3 sao, gồm: Thịt lợn sấy, thịt trâu sấy, thịt ba chỉ lợn hun khói, lạp sườn hun khói và xúc xích lợn. Bình quân mỗi tháng từ đây cung cấp ra thị trường 3 tạ thịt lợn sấy các loại (tương đương khoảng 1 tấn nguyên liệu thịt tươi đầu vào).
Dịp Tết Nguyên đán Quý Mão vừa qua, HTX bán hết 2 tấn xúc xích, thịt sấy và thịt hun khói các loại, cho hơn 30 cửa hàng, đại lý và siêu thị trên toàn quốc; có tem nhãn truy xuất nguồn gốc rõ ràng, minh bạch.
Bên mẻ sản phẩm thịt trâu sấy vừa ra lò bốc khói thơm ngào ngạt, Giám đốc Vũ Thị Thắm bộc bạch: "Khởi nghiệp, xây dựng thương hiệu đã khó, giữ thương hiệu trên thị trường còn khó hơn, không cho phép mình lơi lỏng, tự thỏa mãn".
Trước hết phải kiểm soát chặt nguyên liệu đầu vào. HTX ký kết với hàng trăm hộ nông dân, hàng chục cơ sở giết mổ lợn theo nguyên tắc chất lượng là hàng đầu, hai bên cùng có lợi, điều chỉnh giá theo thị trường, thưởng phạt công minh. Riêng đối với thịt trâu, Giám đốc Vũ Thị Thắm tự tay chọn lựa, kiểm tra từ khâu mua nguyên liệu đầu vào là trâu sống nguyên con, rồi mới đưa vào nơi giết mổ tập trung.
"Chúng tôi không đưa trâu bị chết rét, trâu non, trâu cái vào chế biến, vì không bảo đảm chất lượng, thịt nhạt, độ hao thịt lớn. Ðội thu mua nguyên liệu của HTX là những người sành sỏi, có kinh nghiệm chỉ "cân" trâu đực, tầm 3-4 tuổi có nguồn gốc rõ ràng, nhờ vậy thịt trâu sấy ra lò mới dai mà mềm, ngọt vị và thơm hương đặc trưng", chị Thắm cho biết.
Ðiều rất vui là ngay cả khách hàng ở "thủ phủ" trâu như: Tuyên Quang, Thanh Hóa, khu vực Tây Nguyên cũng đặt mua sản phẩm thịt trâu sấy đạt OCOP 3 sao của HTX Chế biến thực phẩm sạch Gia Phú với số lượng lớn, nhất là mỗi dịp lễ, Tết.
Chuyện "bén duyên" với thực phẩm sấy khói của chị Thắm bắt nguồn từ những năm tháng sống cùng với đồng bào Dao Ðỏ trên núi cao, bốn mùa sương phủ. Bà con dân tộc bản địa treo thịt lợn, thịt trâu trên gác bếp hun khói củi rừng để giữ hương vị và ăn quanh năm. Kỳ lạ thay, miếng thịt lợn đen hun khói trên gác bếp ăn một lần là nhớ, cứ đọng sâu trong ký ức, bởi hương vị rừng, bởi quyện mùi khói bếp đốt từ cây dẻ, cây màng tang trên núi cao mù sương ấy.
Hạ sơn về thị tứ Gia Phú, chị Vũ Thị Thắm quyết khởi nghiệp từ sản phẩm thịt sấy của quê mình, bởi chị nghĩ rằng ẩn chứa trong đó là tri thức bản địa, là văn hóa độc đáo của đồng bào nơi đây. "Dựa trên cách làm của đồng bào, mình giữ nguyên gia vị, cách thức tẩm ướp truyền thống và học hỏi kỹ thuật mới về lò sấy nhiệt cao, giàn sấy phân tầng, điều chỉnh lượng khói để sản phẩm thịt sấy không bị "khé" như để lâu trên gác bếp của bà con, nên thịt sấy các loại của HTX được người tiêu dùng ưa chuộng, nhờ thế thị trường ngày càng ổn định và mở rộng", chị Thắm chia sẻ.
Hằng năm, HTX Chế biến thực phẩm sạch Gia Phú đưa ra thị trường hơn chục tấn sản phẩm, tạo nên chuỗi sản xuất hiệu quả, tạo thu nhập ổn định và bền vững cho hàng trăm, hàng nghìn nông dân từ khâu chăn nuôi đến chế biến, phân phối sản phẩm. "Mừng nhất là mình đã thực hiện được ước muốn bảo tồn và phát triển ẩm thực truyền thống, dân dã bản địa thành hàng hóa, nâng cao giá trị và đưa nó lan xa, mang cái tên Gia Phú lan tỏa, hội nhập cùng cả nước", nữ Giám đốc Vũ Thị Thắm tâm sự.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai Đỗ Văn Duy
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai Đỗ Văn Duy
Dạo bước trên con đường liên thôn bê-tông rộng rãi, hai bên rực thắm các loại hoa khoe sắc tô điểm nông thôn mới vùng ven sông Hồng, chúng tôi đến HTX Nông sản-Dược liệu Mạnh Hương. Giám đốc Nguyễn Tiến Mạnh vừa bấm nút vận hành dây chuyền cô đặc cao lá gan vừa tiếp chuyện, chung quanh là các xã viên HTX tất bật sơ chế dược liệu, đóng gói sản phẩm để kịp trả đúng hạn cho khách hàng.
Từ cây thuốc sắc uống gia truyền lấy từ rừng Hoàng Liên chuyên bồi bổ, điều trị về gan, anh Mạnh nghiên cứu cách thức và đầu tư lắp đặt dây chuyền chiết xuất và cô đặc, tạo thành dạng cao đặc, đóng vào lọ thủy tinh quy cách, gắn nhãn xuất xứ để tiện lợi cho người dùng, dễ vận chuyển đi xa. "Tôi đang xúc tiến thủ tục, hồ sơ đăng ký chất lượng sản phẩm, hy vọng sẽ trở thành sản phẩm OCOP thứ 6 của HTX, để đưa bài thuốc bí truyền của đồng bào dân tộc Giáy phục vụ chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng, lan xa thương hiệu dược liệu bản địa của Lào Cai", anh Mạnh tâm tình vậy.
Chủ tịch UBND huyện Bảo Thắng Ngô Minh Quế
Chủ tịch UBND huyện Bảo Thắng Ngô Minh Quế
Đưa sản phẩm OCOP vươn xa
Câu chuyện khởi nghiệp và làm OCOP từ dược liệu của anh Nguyễn Tiến Mạnh cũng bắt nguồn từ tri thức bản địa phong phú, sâu sắc của dân tộc Giáy.
Nhớ lại thuở còn nhỏ, mẹ anh - bà Trần Thị Kim Thào là người phụ nữ Giáy giỏi cây thuốc nam nhất vùng, mẹ thường dắt anh vào rừng lấy thuốc chữa trị bệnh gan, dạ dày hoặc hiếm muộn con cái cho mọi người. Bà không bán lấy tiền, mà người ở gần hay xa cũng chỉ nhận thuốc về dùng, khỏi bệnh thường mang con gà, miếng thịt lợn rừng bẫy được hoặc ít gạo nếp nương nhà trồng biếu tặng, cảm ơn tấm lòng thơm thảo, cái nghĩa cứu người của bà lang Thào.
Năm 2019, anh Mạnh cùng người vợ tần tảo và hoạt bát đứng ra lập HTX Nông sản-Dược liệu Mạnh Hương, vượt qua bao khó khăn, cả những thất bại ban đầu, đến nay, cặp vợ chồng này có trong tay 5 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, trong đó có 3 sản phẩm từ cây nghệ, đó là: Tinh bột nghệ đỏ nếp nguyên chất, tinh bột nghệ mật ong viên hoàn, tinh bột nghệ đen.
"Mình chọn cây nghệ vì những lần đi rừng lấy thuốc với mẹ, thấy mọc hoang rất nhiều ở vùng Nậm Phàng, Nậm Trà và thung lũng ven suối Mường Bo. Mẹ mình bảo củ nghệ ở đấy tốt nhất, có đến 12 loại nghệ khác nhau, mỗi loại chủ trị một loại bệnh, chuyên về gan mật, tiêu hóa, làm lành vết thương, làm đẹp da…", anh Mạnh chia sẻ.
Cầm trên tay những lọ tinh bột nghệ đóng gói quy cách, đẹp bắt mắt, anh Mạnh không giấu niềm vui khi đã biến ước mơ khởi nghiệp từ cây dược liệu sẵn có thành hiện thực, đưa bài thuốc gia truyền của dân tộc mình hội nhập, phục vụ sức khỏe cộng đồng.
Hằng năm, HTX Nông sản-Dược liệu Mạnh Hương đưa ra thị trường khoảng 3 tấn tinh bột nghệ chất lượng cao, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân trồng nghệ.
Chủ tịch HTX Mạnh Hương Nguyễn Tiến Mạnh
Chủ tịch HTX Mạnh Hương Nguyễn Tiến Mạnh
Ngày xuân, đi trên đồng đất bãi ven sông Hồng mướt mầu xanh cây trái dọc các thôn Chính Tiến, Ðồng Lục, Bến Phà, Bản Bay, cờ đỏ sao vàng phấp phới trên những ngôi nhà cao tầng mới xây còn thơm mùi sơn mới; Chủ tịch UBND xã Gia Phú Lưu Hoàng Ðiểu chia sẻ: Bản tính chăm chỉ, năng động của bà con vùng xuôi Hà Nam, Hải Phòng, Thái Bình đã thổi hồn vào vùng đất này, lan tỏa đến đồng bào dân tộc bản địa, tạo nên ý chí lập nghiệp làm giàu ở vùng đất vừa cận thị vừa cận giang đắc địa. Chương trình nông thôn mới tiếp thêm sức cho người dân nơi đây, thông qua hỗ trợ vốn, hướng dẫn kỹ thuật, trang bị máy móc sản xuất, khơi mở thị trường…
Nhớ lúc ở trụ sở, trao đổi với Chủ tịch UBND huyện Bảo Thắng Ngô Minh Quế, anh nói về tiềm năng đất đai và nguồn lực con người của địa phương rất lớn, chương trình "mỗi xã một sản phẩm" cộng hưởng với khát khao xóa nghèo vươn lên làm giàu trong mỗi người dân, cộng đồng dân tộc bản địa tạo nên chuyển biến lớn trong xây dựng nông thôn mới ở vùng "trung tâm" nông nghiệp của tỉnh.
Xuân này, huyện Bảo Thắng dẫn đầu tỉnh về số lượng sản phẩm OCOP, với 26 sản phẩm; trong đó có 25 sản phẩm đạt 3 sao và 1 sản phẩm đạt 4 sao. Gia Phú chiếm gần một nửa sản phẩm OCOP của huyện, nhiều nhất tỉnh Lào Cai tính theo xã.
Nhờ phát triển OCOP, Gia Phú sớm đạt chuẩn nông thôn mới, giá trị canh tác trên đơn vị diện tích và thu nhập tính theo đầu người cao nhất nhì huyện; tỷ lệ hộ nghèo giảm, hộ giàu tăng nhanh; đời sống người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao.
Chủ tịch UBND xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng Lưu Hoàng Điểu
Chủ tịch UBND xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng Lưu Hoàng Điểu
Nắng mới đã chan hòa, rực hồng hoa đào muộn bung bay theo gió, như mời gọi đất và người Gia Phú vào vụ mới. OCOP là "chìa khóa" mang đến cơ hội cho họ từ chính sản vật địa phương mình. Ðó là sản vật chỉ ở vùng đất đó mới có, hoặc cách thức làm ra sản phẩm theo bí quyết gia đình mà cha ông truyền qua từ nhiều đời.
Vì thế OCOP chính là "báu vật" của từng làng quê thấm đẫm giá trị văn hóa, thổ nhưỡng, kỹ năng của người làm ra. Mỗi sản phẩm mang một dấu ấn địa phương và sẽ "kể" cho người mua câu chuyện về nó.
Vậy nên, xây dựng "câu chuyện sản phẩm" có thể giúp giá sản phẩm OCOP tăng lên nhiều lần, mà muốn làm tốt, phải xuất phát từ chính niềm tự hào của người dân, của cộng đồng, bởi vì chỉ có họ mới kể ra được lịch sử hình thành và phát triển sản phẩm như thế nào, nó có sự tích gì, nét văn hóa ra sao.
Họ chính là những "đại sứ" làm lan tỏa và tăng lợi thế cạnh tranh của sản phẩm truyền thống bản địa trên thị trường thời 4.0 hôm nay
Ngày xuất bản: 19/2/2023
Nội dung: QUỐC HỒNG
Trình bày: NGÔ HƯƠNG