Thuở đầu, ông Thìn “Lò Đúc” chỉ dám phi tỏi, hành, ớt và thoăn thoắt xóc chảo đến khi cháy cạnh rồi hắt vào từng thớ thịt. Có thế mà bát phở tái lăn thơm nức, độc lạ bậc nhất Hà thành khi ấy ra đời.

Còn ông Thìn “Bờ Hồ” lại nổi danh với tô phở nước trong và khả năng chiều khách. Hễ ai ghé quán dăm ba lần, ông đều thuộc vanh vách thói quen, chỉ cần thấy bóng hình từ xa, ông liền làm ngay bát phở đúng sở thích của khách mà chẳng cần gọi món.

Chuyện Hà Nội có đến 2 ông Thìn nấu phở ngay giữa lòng phố cổ không phải ai cũng thấu. Khách vãng lai còn tưởng quán này là hàng nhái quán kia. Lắm người cũng chỉ biết đến thương hiệu phở Thìn lừng danh, còn thực hư về gốc tích và đặc trưng của mỗi quán thì phải là người sành ăn lắm mới tường tận.

Từ gánh phở rong đến thương hiệu phở Thìn Bờ Hồ trứ danh

“Ở những năm 1950, khó nhà nào chuẩn bị được cửa hàng tươm tất để phục vụ tất cả mọi người. Thời đó, có gánh hàng rong bôn ba khắp các con phố đã là hạnh phúc”, anh Bùi Chí Thành, cháu đích tôn của ông Bùi Chí Thìn, chủ cửa hàng phở Thìn Bờ Hồ tại ngõ 61 Đinh Tiên Hoàng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) trải lòng.

Bắt đầu từ gánh hàng rong nho nhỏ, phở Thìn Bờ Hồ được gầy dựng bằng đôi tay của ông Bùi Chí Thìn. Thời thanh niên, ông làm thuê cho hàng phở ở trên phố và được một người đàn ông tên Lâm dạy cách nấu món này.

“Có nghề, ông bà tôi đi bán rong từ phố Hàm Long tới dọc nhà máy nước Yên Phụ rồi vòng về Cung Thiếu nhi. Gánh phở rong của ông chuyên bán theo yêu cầu của khách hàng. Khách thích thế nào, ông sẽ chiều thế đấy”, anh Thành kể lại.

Tiếng lành đồn xa, ngày càng nhiều người biết đến gánh phở của ông Thìn. Bỗng một hôm, có vị khách quen đến than thở, phở thì ngon nhưng muốn ăn lại phải đi xa nên rủ ông Thìn về gần nhà mình bán để sáng nào cũng ra ăn cho tiện.

Thế là đến năm 1955, ông quyết định mang cả gia đình lẫn gánh phở con con về ngõ nhỏ ở đường Đinh Tiên Hoàng, đối diện hồ Hoàn Kiếm để tiện có chỗ trú mưa, trú nắng. Cơ sở kinh doanh cố định đầu tiên của phở Thìn Bờ Hồ ra đời từ đó.

Phở Thìn Bờ Hồ nép mình trong một căn nhà nhỏ... rất phố... (Ảnh: Hà Nam)

Phở Thìn Bờ Hồ nép mình trong một căn nhà nhỏ... rất phố... (Ảnh: Hà Nam)

“Những năm đầu mở bán, hương vị của quán chưa thực sự được định hình. Bởi thời điểm ấy vô cùng khó khăn, có được nước sạch đã khó huống chi là chuyện mua miếng thịt, khúc xương để nấu phở. Nhưng cái khéo của ông tôi là nắm được gu ăn uống của người Hà Nội. Ông cũng vui tính và chiều khách vô cùng”, hồi tưởng lại những ký ức về ông nội lúc sinh thời, anh Thành xúc động chia sẻ.

Phục vụ đủ các loại tái, chín, nạm, gầu nhưng theo anh Bùi Chí Thành, tùy thuộc vào sở thích của mỗi thực khách, anh lại có các kiểu chế biến riêng. Có người mê ăn gầu giòn, có vị ưa thịt băm kỹ, lại có khách thích thêm nhiều gừng.

“Nấu phở bò tưởng chừng đơn giản nhưng lại rất phức tạp”, anh khẳng định. Bởi không chỉ cần chuẩn bị đầy đủ các nguyên liệu hay sở hữu công thức bí truyền mà đầu bếp phải có tay nghề cao mới làm ra nồi nước dùng ngon đúng điệu. Ấy là nồi nước dùng có vị ngọt từ cả phần xương lẫn phần thịt, bên trên có lớp váng mỡ vàng béo ngậy, thơm ngây ngất.

Bàn của Thìn Bờ Hồ đơn sơ, không gian cũng vừa đủ để... ăn. Nhưng khách thì lúc nào cũng nườm nượp. (Ảnh: Hà Nam)

Bàn của Thìn Bờ Hồ đơn sơ, không gian cũng vừa đủ để... ăn. Nhưng khách thì lúc nào cũng nườm nượp. (Ảnh: Hà Nam)

Để cho ra nồi nước dùng ngọt thanh, trong veo làm nên tên tuổi của phở Thìn Bờ Hồ, lúc ninh xương, gia đình anh Thành vẫn dùng muối thay vì mắm và đặc biệt chỉ sử dụng gừng để tạo hương thơm, vị ấm nồng, dịu ngọt cho nước. Thịt bò trụng đến độ tái hoặc vừa chín tới trong nước dùng thanh thanh được cho là món ăn đặc trưng và đắt khách nhất của quán.

“Mỗi hàng phở ở phố đều có kỹ thuật và công thức nấu riêng. Ví như nhà tôi phải dùng gừng ta rửa sạch, rồi đập dập, ninh cùng xương bò mới mới cho ra đúng vị cay nồng đặc trưng. Tôi cũng đang loay hoay để dần hoàn thiện và đóng gói công thức nấu phở. Chỉ có thế, phở Thìn mới tiến xa mà vẫn giữ những gì tinh túy nhất”, anh Thành trăn trở.

Cho đến tận bây giờ, mỗi người trong gia đình đều khắc ghi những lời ông Bùi Chí Thìn căn dạy rằng: muốn giữ chân khách thì phải nhớ và yêu lấy khách. Người nào đến quán dù chỉ 1, 2 lần thì chớ quên họ thích ăn gì, uống gì. Khách đi từ đầu ngõ thì đã bắt đầu chuẩn bị để người ta ngồi vào bàn là có ngay bát phở nóng. Và nấu phở thì đặc biệt cần cái tâm của người đứng bếp. Dường như, đó mới chính là bí quyết làm nên thành công của thương hiệu phở Thìn Bờ Hồ từ xưa tới nay.

Một góc của Thìn Bờ Hờ...

Một góc của Thìn Bờ Hờ...

Nước dùng trong, mang theo hương vị đặc trưng của quán phở gánh ngày nào...

Nước dùng trong, mang theo hương vị đặc trưng của quán phở gánh ngày nào...

Khi ăn, khách nhớ cho thêm tương ớt để tăng vị đậm đà, tê cay đầu lưỡi...

Khi ăn, khách nhớ cho thêm tương ớt để tăng vị đậm đà, tê cay đầu lưỡi...

Chanh tươi và quẩy giòn cũng là những thức, những vị chẳng thể thiếu bên bát phở ngậy vị...

Chanh tươi và quẩy giòn cũng là những thức, những vị chẳng thể thiếu bên bát phở ngậy vị...

Ảnh: Hà Nam

Ảnh: Hà Nam

Khách tới với Thìn Bờ Hồ kể ra cũng... đủ loại. Có công chức, anh xe ôm chạy đêm về khuya hay cả cụ già về hưu muốn dạo quanh Hồ Gươm mỗi sớm...
Ai đã "lỡ" phải lòng Thìn Bờ Hồ thì khó lòng rời bỏ cái phong vị rất riêng có nơi đây...
Quán đủ ngon để nhớ, đủ nhỏ để không thể quên. Và cũng đủ phong vị để hương Hà Thành thấm vào lòng thực khách...
Thưởng thức chút vị phở của chúng tôi, chắc chắn các bạn sẽ nhớ rất lâu dài...

Phở Thìn Lò Đúc và hành trình đi tìm sự khác biệt trong ẩm thực

“Tôi không muốn đi vào lối mòn với những cách chế biến cũ kỹ. Làm nghệ thuật hay ẩm thực đều cần tìm cái riêng cho mình”, ông Nguyễn Trọng Thìn, sinh năm 1952, chủ thương hiệu phở Thìn ở cơ sở 13 Lò Đúc cho biết.

Phá lệ cách nấu thông thường, ông Thìn không ngừng tìm cách chế biến mới cho món phở. Không bán phở tái chín như nhiều nhà khác, hàng phở Thìn nhà ông chỉ đãi khách duy nhất món đặc biệt: phở tái lăn. Bằng kỹ thuật xào điêu luyện, ông Thìn khiến thớ thịt bò trở nên đặc biệt. Dành nhiều thời gian để thử các công thức khác nhau, ông cũng mong muốn cho ra đời nồi nước dùng có hương vị mới lạ.

Vốn được đào tạo theo chuyên ngành điêu khắc, ông Nguyễn Trọng Thìn luôn tâm niệm làm một món ăn cũng giống như sáng tạo một tác phẩm nghệ thuật chuyên nghiệp. Theo ông, nếu chỉ nấu nướng theo kiểu phổ thông như nhan nhản tô phở ngoài kia thì không bao giờ níu nổi chân thực khách.

Quyết định mở hàng phở lúc bấy giờ của ông Thìn được nhiều người đánh giá là liều lĩnh. Bởi thời điểm ấy, không ít quán xá đã khẳng định tên tuổi. Và dù rằng đã có một thương hiệu cùng tên ở đối diện Bờ Hồ vô cùng nổi tiếng, còn hàng phở sát vách sáng sáng đông khách đến mức xếp bàn dài tới mấy gốc cây, chàng thanh niên 27 tuổi vẫn quyết tâm mở hàng phở để nuôi sống một gia đình có tới 10 anh em.

“Gia đình tôi không có ai nấu phở, cũng không có ai dạy tôi làm phở, nhưng tôi đam mê ẩm thực, thích ăn ngon, uống ngon. Ngày ấy, tôi có thể dùng vài đồng lương ít ỏi của mình để ăn phở cả 4 buổi: sáng, trưa, chiều, tối. Hễ quán nào ngon, tôi lại lui tới thường xuyên, lần dò về nguyên liệu và học hỏi cách làm hay của họ”, nói rồi ông Thìn thoăn thoắt thái đều hành lá.

Khí tài quân sự của Pháp để lại trên cánh đồng Mường Thanh sau khi thất bại tại Điện Biên Phủ. (ẢNH: TTXVN)

Khí tài quân sự của Pháp để lại trên cánh đồng Mường Thanh sau khi thất bại tại Điện Biên Phủ. (ẢNH: TTXVN)

Hành trình đến với phở của ông Nguyễn Trọng Thìn ban đầu gặp không ít khó khăn. “Năm 1979, giữa thời bao cấp, người người, nhà nhà khó khăn. Điện, nước lại túng thiếu. Ai ai cũng ngần ngại việc bỏ tiền ra để thử thứ gì khác biệt”, ông hồi tưởng.

Lắm lần, ông Thìn nhớ lại thời điểm mới mở cửa hàng: “Những ngày đầu mở bán, vì sợ cách làm của mình khác lạ, khó có thực khách chấp nhận nên thoạt đầu, tôi chỉ dám xào tỏi, ớt rồi lén hắt vào từng thớ thịt để làm dậy mùi bát phở. Qua mùi hương ấy, tôi cố gắng gửi thông điệp mạnh mẽ cho những người ngang qua quán rằng, phở ở đây thơm ngon lắm, hãy vào thưởng thức đi”.

Nhờ vậy mà nhiều người mỗi lần đi qua số 13 phố Lò Đúc không khỏi bị lôi cuốn bởi mùi thơm ngào ngạt của thịt bò quyện cùng hành, tỏi, ớt và tiêu đen. Khi đã có lượng khách ổn định, ông Thìn ngày càng tự tin vào tay nghề hơn.

Thực khách thưởng thức Phở Thìn Lò Đúc.

Thực khách thưởng thức Phở Thìn Lò Đúc.

Không còn lén đỏ lửa như trước, ông Thìn sắm hẳn chiếc chảo cỡ lớn, đun mỡ đến nóng già, ném cả bò thái mỏng lẫn đủ thứ gia vị lên đó đảo nhanh, bén lửa cho đến khi miếng thịt không quá tái mà cũng không chín kỹ. Thịt bò sau đó được cho vào tô phở rồi mới chan nước dùng. Chúng ngấm vào nhau, hòa vị, tạo ra hương vị mới mẻ. Cách làm này hoàn toàn khác biệt với các gánh phở cùng thời, khiến người ta đồn thổi, tò mò rồi muốn nếm thử.

Ông cũng cho rằng, hương liệu trong bát vở được ví như son phấn, không nên lạm dụng quá đà. Còn về nguyên liệu cần phải tươi ngon. Để bảo đảm chất lượng của tất cả các thành phần, ông tự làm luôn bánh phở và tương ớt vì thấy trên thị trường các mặt hàng này không ổn định về chất lượng.

“Xét một bát phở ngon, trước hết, là phải xem nước dùng, vì nước dùng là thứ đầu tiên người ta thử khi đối diện với tô phở. Tiếp đến là bánh phở, các thức ăn kèm theo rồi cuối cùng mới là thịt. Song thịt có đặc biệt thì tô phở mới khác biệt”, nhận định về những thành phần quan trọng trong bát phở, ông Thìn chia sẻ.

Những bát phở Lò Đúc luôn mang lại phong vị riêng cho thực khách

Những bát phở Lò Đúc luôn mang lại phong vị riêng cho thực khách

Là khách quen của cả hai thương hiệu phở Thìn ở Bờ Hồ và Lò Đúc, bà Vũ Thị Liên, ngụ tại quận Hai Bà Trưng cho biết: “Khi thèm vị đậm đà, tôi ăn phở ở 13 Lò Đúc, còn lúc muốn chút gì đó thanh thanh, tôi lại lên tìm phở Bờ Hồ. Mỗi hàng phở Thìn đều giữ một vị trí đặc biệt trong lòng tôi. Cả hai đều là cửa hàng tôi ăn từ bé đến giờ, vậy mà hương vị của chúng vẫn vẹn nguyên và cảm xúc khi thưởng thức một bát phở nóng trong tôi chưa bao giờ thay đổi”.

Hai hàng phở cùng tên nhưng mỗi thương hiệu lại sở hữu phong cách riêng biệt, khiến thực khách lưu luyến bằng những tầng vị và trải nghiệm ẩm thực khác biệt. Khó có thể nhận xét là hàng nào ngon hơn và cũng chẳng có công thức để đánh giá về tô phở bò đúng chuẩn. Bởi rõ ràng đáp án nằm ở cái gu của từng thực khách.

Khi chủ hai cửa hàng... thử phở của nhau

Anh Bùi Chí Thìn, cháu đích tôn của ông Bùi Chí Thìn, chủ hàng phở Thìn ở ngõ 61 Đinh Tiên Hoàng cho hay, nhắc đến phở Thìn ở Lò Đúc là nghĩ ngay đến phần thịt xào tái lăn thơm nức mũi. Đây cũng chính là điểm đặc biệt của thương hiệu này ngay từ khi mở bán.

Còn ông Nguyễn Trọng Thìn, sau hồi lâu nghĩ ngợi, lại gật gù, công nhận thứ nước dùng thanh thanh là thành tố quan trọng nhất làm nên tên tuổi của hàng phở cùng tên ở ngay Bờ Hồ kia.

“Tôi thích mùi gừng nồng nàn tỏa ra ngay khi nếm thử thìa nước đầu tiên, nó ngọt dịu, giữ được độ ấm vừa phải, thôi thúc tôi phải húp hết nước phở”, ông Thìn “Lò Đúc” chia sẻ thêm.

Item 1 of 1

Ngày xuất bản: 10/10/2024
Tổ chức thực hiện: HỒNG MINH
Nội dung: NGỌC KHÁNH
Ảnh: HÀ NAM
Trình bày: BÌNH NAM