CHUYỆN VỀ THƯƠNG BINH...
"CHỈ BÀN LÀM, KHÔNG BÀN LÙI"

Trở về từ chiến trường Campuchia với 18 mảnh đạn găm chi chít trên cơ thể, cựu chiến binh Trần Văn Hiệp mang theo cả ý chí kiên cường, “dám nghĩ dám làm” của một người lính Cụ Hồ. Vượt qua bệnh tật, ốm đau, ông đã có 33 năm làm Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn Liêm Công Tây, xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, trở thành tấm gương điển hình trong phong trào “cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”.

PHÁT HUY LỜI BÁC DẠY: "THƯƠNG BINH TÀN NHƯNG KHÔNG PHẾ"

Chúng tôi đến thăm nhà cựu chiến binh Trần Văn Hiệp vào một buổi chiều tháng 7 trời nắng như đổ lửa, đúng lúc ông đang chuẩn bị vác nông cụ ra vườn tiêu của gia đình để làm công việc chăm bón thường lệ mà ông vẫn làm trong suốt mấy chục năm qua.

Biết có nhà báo đến chơi, ông không ngần ngại dời lại công việc để trao đổi với chúng tôi về chặng đường khó khăn, vất vả hơn 30 năm tham gia phát triển kinh tế ở địa phương, cũng như giúp các hội viên cựu chiến binh và người dân làm giàu trên chính mảnh đất quê hương vốn từng ‘cày lên sỏi đá’.

          

Ông Trần Văn Hiệp, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn Liêm Công Tây, xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. (Ảnh: VĂN TOẢN)

Ông Trần Văn Hiệp, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn Liêm Công Tây, xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. (Ảnh: VĂN TOẢN)

Năm 1977, thời điểm cầm trên tay tờ giấy báo trúng tuyển Đại học Kinh tế Quốc dân với số điểm xuất sắc 26,5 cũng là lúc chàng thanh niên 18 tuổi Trần Văn Hiệp nhận được giấy gọi nhập ngũ và đành gác lại giấc mơ học hành, “xếp bút nghiên” lên đường ra chiến trận.

Sau 6 tháng huấn luyện bộ đội đặc biệt tinh nhuệ, ông được điều động sang chiến trường Campuchia làm chiến sĩ đặc công, trinh sát, sau đó đảm nhiệm các chức vụ Trung đội trưởng, Đại đội trưởng, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 27 trinh sát thuộc Sư đoàn 5, Mặt trận 479.

Vợ chồng cựu chiến binh Trần Văn Hiệp. (Ảnh: Baoquangtri.vn)

Vợ chồng cựu chiến binh Trần Văn Hiệp. (Ảnh: Baoquangtri.vn)

Kết thúc 14 năm rèn luyện, chiến đấu trong môi trường quân đội, năm 1991, ông xuất ngũ trở về địa phương với 18 mảnh đạn còn trong người, là thương binh hạng 2/4, mất sức lao động 73%. Đây là hậu quả sau 11 lần bị thương khiến ông gãy 2 tay, 2 chân, gãy xương sườn, bể cằm, chấn thương sọ não…

Nhớ lại những ngày đầu rời mặt trận trở về quê hương, cựu chiến binh Trần Văn Hiệp vẫn không tránh khỏi sự bồi hồi, xúc động. Ông kể, thời điểm đó, chân ướt chân ráo trở về với 2 bàn tay trắng, tài sản, vốn liếng không có gì. Mảnh đất Hiền Thành khi ấy còn rất khó khăn, vất vả, người dân sản xuất theo kiểu tự phát, manh mún, chưa hiểu được khái niệm về kinh tế tập thể, kinh tế hộ gia đình, kinh tế thị trường.

Tuy nhiên, với bản lĩnh, nghị lực, phẩm chất của người lính ‘Bộ đội Cụ Hồ’ quyết tâm không lùi bước trước những gian khổ, ông xác định mình phải biết vượt lên số phận, vâng theo lời Bác dạy “thương binh tàn nhưng không phế”, không chấp nhận đầu hàng trước đói nghèo, cố gắng vươn lên phát triển kinh tế hộ gia đình, cùng lãnh đạo và người dân địa phương xây dựng một nền kinh tế vững mạnh.

Nói là làm, không cho mình thời gian nghỉ ngơi, ông tham gia ngay vào cấp ủy của địa phương, từng là đảng ủy viên của xã Vĩnh Thành (cũ), sau đó đảm nhiệm chức vụ Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban Công tác Mặt trận, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn Liêm Công Tây mà ông vẫn còn gắn bó đến ngày nay.

Xác định điều tiên quyết là phải thay đổi tư duy cố hữu của người dân về làm nông nghiệp, ông đã mạnh dạn bàn với cấp ủy tìm giải pháp tháo gỡ ngay chuyện này, thuyết phục người dân thực hiện các “khoán 10” trước hết để giảm đói, đồng thời hướng dẫn họ cách chăm bón, trồng các loại cây đạt năng suất hiệu quả, mang lại lợi nhuận kinh tế cao.

Ông Hiệp thu hoạch cây ngắn ngày. (Ảnh: Baoquangtri.vn)

Ông Hiệp thu hoạch cây ngắn ngày. (Ảnh: Baoquangtri.vn)

Ông Trần Văn Hiệp tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. (Ảnh: Baoquangtri.vn)

Ông Trần Văn Hiệp tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. (Ảnh: Baoquangtri.vn)

Thời điểm đó, mô hình trồng tiêu vùng chuyên canh cũng bắt đầu nảy sinh. Ông cùng hợp tác xã thuê máy móc về lấp hố, san đồi, vận động bà con trồng tiêu. Giống cây này 3 năm đầu chưa có thu hoạch, năm thứ 4 bắt đầu có thu và năm thứ 5 thì thu hoạch rộ. “Mới đầu chăm bón còn mơ hồ, sau này chúng tôi áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật kèm các giải pháp phân bón, tưới tiêu, đầu tư chuyên canh giúp năng suất tiêu tăng từ 80-100kg/sào lên 200-250kg/sào, từ đó đời sống kinh tế địa phương bắt đầu được nâng lên”, ông Hiệp chia sẻ.

Không chỉ trồng tiêu, ông còn giới thiệu, hướng dẫn cho người dân trồng các giống lúa mới cho năng suất lớn cũng như triển khai mô hình nuôi tôm sú đem lại giá trị kinh tế cao. Nhờ đó, đời sống bà con từ thiếu ăn giờ được ăn no, mặc ấm, tiến tới ăn ngon, mặc đẹp. Thu nhập bình quân đầu người đạt 60-63 triệu đồng/năm. Tỷ lệ phương tiện có xe ô-tô trong thôn cũng đạt 15-20%. Thậm chí, có những hộ nuôi tôm sú thu nhập bình quân 300-400 triệu đồng/năm. Hiện trong thôn chỉ còn 4 hộ nghèo, nhưng chủ yếu là người không có nơi nương tựa, người già neo đơn hưởng trợ cấp xã hội.

THUYẾT PHỤC NGƯỜI DÂN TỪ LỜI CAM KẾT "LẤY TIỀN NHÀ RA BÙ LỖ"

Nhìn diện mạo thôn Liêm Công Tây khang trang hiện nay với cánh đồng lúa thẳng tắp cùng những vườn tiêu xanh ngát trải dài, ít ai ngờ rằng, để có được thành quả này, người cựu chiến binh năm nào đã phải bỏ ra biết bao sức lực, tâm huyết, thậm chí phải tự bỏ tiền túi của gia đình ra làm thí điểm các mô hình trồng trọt mới để làm gương, thuyết phục người dân nghe và làm theo.

Ông Hiệp kể, thời điểm ông đề xuất ý tưởng chuyển đổi mô hình cây trồng vấp phải sự phản ứng của không ít người dân, cho rằng một người lính vừa xuất ngũ, “chân ướt, chân ráo” trở về thì biết gì về làm nông nghiệp. Kỳ thực trước khi nhập ngũ, hồi còn học phổ thông cấp 3, ông cũng đã trong đội làm cây công nghiệp của địa phương, nhờ đó đã học được một số kinh nghiệm trồng hồ tiêu của cha ông.

Thời gian sau đó, trong hơn 2 tháng về điều trị ở trạm điều dưỡng thương binh Tây Ninh năm 1989, ông đã học hỏi thêm được kỹ thuật trồng, chăm bón, tưới nước giúp tiêu phát triển khỏe mạnh, cho ra năng suất cao, từ việc khi nào nên tạo tán cho cây cho đến cách làm cỏ, bón phân, cắt hom tiêu cỡ bao nhiêu là vừa…

Cuối năm 1991 trở về từ mặt trận, chứng kiến người dân canh tác manh mún, không tập trung, hiệu quả thấp, ông hạ quyết tâm đưa những kinh nghiệm trồng tiêu mình tích lũy được qua sách vở lẫn trên thực tiễn vào áp dụng để giúp người dân địa phương thoát nghèo, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

“Mới đầu, chỉ có một vài hộ làm theo. Tôi bảo bà con cứ làm đi, nếu có thất bại hay lỗ thì tôi sẽ bỏ tiền túi ra đền cho”, người cựu chiến binh già cười kể lại, trong giọng nói và trên khuôn mặt không giấu được sự tự hào khi nhớ lại chặng đường đã qua. Có lẽ chính sự kiên định, quyết tâm và “lời cam kết” của ông đã khiến người dân phần nào yên tâm, tin tưởng làm theo mô hình canh tác ông đề xuất.  

Để làm mẫu cho bà con, gia đình ông chủ động đầu tư trồng thí điểm mô hình chuyên canh tiêu, từ khoảng cách giữa các hàng bao nhiêu, phương thức canh tác như thế nào, đầu tư giống cây làm trụ bám ra sao…

Ông Hiệp đã bàn với hợp tác xã liên hệ, ra tận Hà Tĩnh mua giống cây mấc (cây núc nác) làm trụ tiêu, đồng thời tìm đến nông trường Tân Lâm để mua được giống tiêu chất lượng, năng suất tốt cung ứng cho người dân, đồng thời hướng dẫn họ cách trồng, cách chăm bón. “Từ mô hình đấy mình trồng trước cho người ta xem, sau đó mình hướng dẫn bà con trồng theo. Ba năm đầu cây phát triển khởi sắc, cấp ủy, chi bộ và bản thân chúng tôi cũng thấy mừng. Từ 1 tạ ban đầu, năng suất tiêu dần tăng lên 2 tạ, rồi 2 tạ rưỡi, có nhà 3 tạ/sào”, ông chia sẻ.

Trong thời gian chờ tiêu đến vụ thu hoạch (khoảng 3 năm), để quay vòng vốn, ông áp dụng mô hình xen canh “lấy ngắn nuôi dài”, trồng xen kẽ cây ngô, cây nén, gừng, nghệ bên cạnh những hàng tiêu xanh mướt, lấy nguồn thu từ đó trang trải tiền giống, phân bón, tưới tiêu… Các mô hình đem lại hiệu quả cao, khiến người dân vô cùng phấn khởi, niềm tin và cảm phục đối với cựu chiến binh Trần Văn Hiệp cứ vì thế mà lớn dần lên. “Tôi trồng trước gần 1 năm nên có thu trước, thấy vườn đẹp, năng suất cao nên bà con tin tưởng, cứ thế nghe theo”, ông cho biết. Đến nay, khoảng 90% hộ dân ở thôn Liêm Công Tây đã áp dụng phương pháp canh tác được ông Hiệp hướng dẫn.

Thu hoạch hồ tiêu ở xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh. (Ảnh: LÂM QUANG HUY)

Thu hoạch hồ tiêu ở xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh. (Ảnh: LÂM QUANG HUY)

XIN NGHỈ LÀM CHI HỘI TRƯỞNG 10 NĂM VẪN CHƯA ĐƯỢC ... DUYỆT

Không chỉ gương mẫu trong làm kinh tế, ông Hiệp còn được biết đến là cán bộ Hội cựu chiến binh nhiệt tình, tâm huyết trong các hoạt động tại địa phương. Năm 1989, Hội Cựu chiến binh xã được thành lập, 1 năm sau đó bắt đầu thành lập các chi hội ở cơ sở.

Trở về từ chiến trường Campuchia năm 1991, ông tham gia Chi hội Cựu chiến binh thôn Liêm Công Tây và được tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng, đảm nhận vị trí này đến nay đã được 33 năm. “Nhiệt tình”, “trách nhiệm”, “hết lòng vì công tác hội” là những mỹ từ mà các hội viên cựu chiến binh thôn dành cho Chi hội trưởng Trần Văn Hiệp.

Ông kể, thời điểm nhận bàn giao, chi hội không có đồng quỹ nào, địa phương có 2 trường hợp hội viên từ trần đều phải lấy tiền nhà ra lo tang đám. Xác định không có nguồn quỹ thì rất khó để duy trì hoạt động của hội, với tinh thần quật cường của người lính không chịu lùi bước trước khó khăn, ông đề xuất Chi hội đầu tư thuê đất để canh tác sắn, lấy nguồn thu từ đó làm vốn quỹ ban đầu.

“Nhiệt tình”, “trách nhiệm”, “hết lòng vì công tác hội” là những mỹ từ mà các hội viên cựu chiến binh thôn dành cho Chi hội trưởng Trần Văn Hiệp. (Ảnh: VĂN TOẢN)

“Nhiệt tình”, “trách nhiệm”, “hết lòng vì công tác hội” là những mỹ từ mà các hội viên cựu chiến binh thôn dành cho Chi hội trưởng Trần Văn Hiệp. (Ảnh: VĂN TOẢN)

Trong quá trình họp, nhiều ý kiến hội viên không tin rằng ông có thể trồng sắn trên mảnh đất cằn sỏi đá. Nhưng ông quả quyết nếu thua lỗ sẽ lấy tiền trợ cấp thương binh ra bù cho chi hội. Tiền đầu tư canh tác cũng là ông đứng ra bỏ tiền gia đình cho mượn để mua phân bón và trang trải chi phí chăm sóc. “Tôi gọi thủ quỹ, kế toán đến bảo sẽ cho chi hội mượn tiền, có ký cam kết đàng hoàng, nếu lỗ thì số tiền đó cho không, sẽ không lấy lại”, ông chia sẻ. Sự tự tin và lời khẳng định chắc nịch đó đã thuyết phục được các hội viên đồng ý tham gia triển khai san đá, đất đồi làm ruộng.

Trời không phụ lòng người, chỉ sau một năm canh tác 4 mẫu sắn, số tiền thu về được gần 100 triệu đồng trong niềm vui vô hạn của các hội viên, trừ hết các chi phí phân bón, ngày công đi còn 76 triệu đồng được bổ sung vào quỹ. Sau thành công bước đầu, chi hội tiếp tục hoạt động canh tác trong những năm tiếp theo, duy trì nguồn thu liên tục, đều đặn giúp quỹ hội ngày càng mở rộng. Hiện “sản nghiệp” của Chi hội Cựu chiến binh thôn Liêm Công Tây có 1ha chàm sắp được thu hoạch, cạnh đó là 2 mẫu sắn, lạc, trừ chi phí thì mỗi năm có thêm 70-80 triệu đồng bổ sung vào quỹ.

Tiền quỹ được dùng để may toàn bộ quần áo đồng phục mới cho 65 hội viên; trang trải các chuyến đi giao lưu, về nguồn hằng năm của chi hội từ nam chí bắc; thăm hỏi hội viên ốm đau... Các buổi liên hoan sơ kết 6 tháng hoặc tổng kết cuối năm cũng không bao giờ dùng tiền cá nhân mà dùng toàn bộ quỹ hội chi trả, hội viên chỉ cần đóng chút hội phí để gắn trách nhiệm của họ vào công tác hội.

Bên cạnh việc duy trì các hoạt động của chi hội, quỹ hội cũng trích 61 triệu đồng làm quỹ xóa đói giảm nghèo, cho hội viên vay không lãi suất để làm kinh tế. Những năm qua, từ nguồn hỗ trợ tài chính này, nhiều gia đình hội viên đã vươn lên thoát nghèo, đến nay quỹ giảm nghèo vẫn được chi hội duy trì với hơn 100 triệu đồng, nhưng không còn hội viên nào có nhu cầu vay nữa. Đặc biệt, trong giai đoạn 2019-2024, chi hội cũng đã hỗ trợ 150 triệu đồng xây nhà, xóa nhà tạm cho 3 hội viên.

“Chúng tôi là những người lính mang danh ‘Bộ đội Cụ Hồ’, xác định luôn luôn phải noi gương Bác, làm những điều Bác thường khuyên răn, dạy bảo, nhất là lời dạy “thương binh tàn nhưng không phế”. Trong đó, ngoài cầm súng ra trận, người lính khi trở về địa phương phải tham gia phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống gia đình ấm no hạnh phúc, đấy cũng là có công với đất nước”

- Cựu chiến binh Trần Văn Hiệp -

Có thể nói, từ sáng kiến đề xuất bởi Chi hội trưởng Trần Văn Hiệp, Chi hội Cựu chiến binh thôn Liêm Công Tây đã hình thành được nguồn quỹ ổn định, lâu dài để trang trải các hoạt động của mình, trở thành 1 trong những chi hội xuất sắc nhất của huyện Vĩnh Linh. Với những cống hiến hết mình cho chi hội, ông Hiệp được các hội viên tin yêu, nể phục và nhắc đến là một Chi hội trưởng quyết đoán, tâm huyết, có tinh thần “dám nghĩ, dám làm”, “họp chỉ bàn làm, không bàn lùi, bàn lùi thì đứng sang một bên”.

Chả bởi thế mà năm 2014, khi ông đề xuất xin nghỉ công tác cán bộ, các hội viên, đảng viên, cả cấp ủy đều động viên ông tiếp tục làm, không “duyệt” cho nghỉ. Đến nay đã qua 2 nhiệm kỳ, cứ mỗi lần ông nhắc đến ý định trên thì lại nhận được những lời “năn nỉ” ông tiếp tục làm thêm thời gian nữa, thậm chí có người còn đến tận nhà, rưng rưng nước mắt thuyết phục ông ở lại dẫn dắt chi hội. Những lúc ấy, người lính già lại mủi lòng…

Hơn 30 năm tham gia phát triển kinh tế ở địa phương, ông Hiệp cho biết chưa vấp phải thất bại nào, nhưng có những thời điểm đối mặt với rất nhiều khó khăn, đòi hỏi phải có quyết tâm cao, nghị lực lớn, tinh thần đoàn kết cao độ mới có thể vượt qua được.

Vượt qua mọi đồn đoán, nghi ngờ về khả năng làm kinh tế của người lính vừa xuất ngũ, ông đã chứng minh được chân lý: không gì là không thể, chỉ cần có quyết tâm thì tất cả mọi thứ sẽ thành công. “Chúng tôi là những người lính mang danh ‘Bộ đội Cụ Hồ’, xác định luôn luôn phải noi gương Bác, làm những điều Bác thường khuyên răn, dạy bảo, nhất là lời dạy “thương binh tàn nhưng không phế”. Trong đó, ngoài cầm súng ra trận, người lính khi trở về địa phương phải tham gia phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống gia đình ấm no hạnh phúc, đấy cũng là có công với đất nước”, ông tâm niệm.

Đi đầu trong phát triển kinh tế, năng động, nhiệt tình trong công tác hội, nhiều năm liền, cựu chiến binh Trần Văn Hiệp được chính quyền địa phương, Hội Cựu chiến binh các cấp biểu dương, khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện các phong trào thi đua “cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, hay phong trào “xây dựng nông thôn mới”…

Ông từng có 7 lần tham dự Đại hội Cựu chiến binh gương mẫu do Hội Cựu chiến binh tỉnh Quảng Trị tổ chức. Ông Hiệp cũng là đại diện duy nhất của huyện Vĩnh Linh nằm trong danh sách cựu chiến binh được cử đi dự Đại hội thi đua Cựu chiến binh gương mẫu toàn quốc 2019-2024 tới đây.

Ông Hiệp vén áo cho chúng tôi xem những vết đạn còn găm trên tay mình. Cái cổ tay mấy lần bị gãy vì đạn xéo. Còn mảnh đạn găm trên đầu vẫn khiến ông nhói buốt mỗi khi trở trời. Ông đang định vào bệnh viện mổ để gắp ra, nhưng vẫn chưa thu xếp được thời gian.

Dù công việc bận bịu, sức khỏe yếu đi, ông vẫn dành thời gian “truyền lửa” cho thế hệ trẻ bằng những buổi nói chuyện, chia sẻ kỷ niệm thời chiến trường. Dường như chưa bao giờ ông cho phép mình được nghỉ ngơi, mỗi giây sống vẫn là sự cống hiến đầy ý nghĩa.

Thành cổ Quảng Trị nhìn từ trên cao, bên trái là sông Thạch Hãn. (Ảnh: LÂM QUANG HUY)

Thành cổ Quảng Trị nhìn từ trên cao, bên trái là sông Thạch Hãn. (Ảnh: LÂM QUANG HUY)

Ngày xuất bản: 12/8/2024
Chỉ đạo thực hiện: HỒNG MINH
Nội dung: THẢO LÊ - LÂM QUANG HUY - VĂN TOẢN
Trình bày: BIỆN DIỆU
Ảnh: Báo Nhân Dân, TTXVN, Baoquangtri.vn
Trở về nhandan.vn