Khi đến với Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên, điều đặc biệt gây ấn tượng với du khách là hình ảnh đội ngũ thuyết minh viên phong cách chuyên nghiệp, thân thiện với tà áo dài truyền thống. Với chất giọng Nghệ đặc trưng, trầm ấm, nhấn nhá uyển chuyển, những thuyết minh viên tại Khu di tích Kim Liên giúp du khách hiểu rõ hơn về quê hương, gia đình và tuổi thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

TRUYỀN CẢM XÚC

TỪ NHỮNG ĐIỀU

CHÂN THẬT VÀ GIẢN DỊ

Làng Sen quê nội Bác Hồ

Làng Sen quê nội Bác Hồ

Trời tháng năm trong xanh, hương sen ngan ngát dịu nhẹ xua tan đi cái oi nồng, ngột ngạt của miền quê gió Lào bỏng rát, chúng tôi về Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An - nơi có những mái nhà tranh đơn sơ, nơi sinh ra một con người mà cả dân tộc và thế giới tôn vinh.

"Thưa các các anh, các chị. Những ngày tháng 5 lịch sử, chúng ta trở về đây, trong một hành trình vô cùng ý nghĩa nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh...." - thuyết minh viên Nguyễn Thị Thanh bắt đầu giới thiệu cho một đoàn khách tới từ Hà Nội.

Bằng chất giọng truyền cảm, chị Thanh giới thiệu về những kỷ vật gắn bó với Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên trong gia đình Bác.

Bằng chất giọng truyền cảm, chị Thanh giới thiệu về những kỷ vật gắn bó với Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên trong gia đình Bác.

Bằng chất giọng truyền cảm, chị Thanh giới thiệu về những kỷ vật gắn bó với Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên trong gia đình Bác. Thuở ấu thơ của Người hiện ra sinh động, chân thực qua giọng thuyết minh của chị Thanh.

Chị Thanh tâm sự: "Mình may mắn sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Nam Đàn, ngay từ nhỏ đã theo bố mẹ tới thăm nhà Bác; những kỷ vật, câu chuyện lắng sâu về cuộc đời Bác đã nhen nhóm trong mình ước mơ lớn lên được làm thuyết minh viên và kể chuyện về Bác cho du khách muôn phương. Sau này, khi tốt nghiệp khoa lịch sử Trường đại học Vinh, mình trúng tuyển và được về công tác tại đây. Hơn 15 năm gắn bó với nghề, mình vẫn giữ tâm huyết và lòng yêu Bác, yêu nghề. Chính tình cảm của du khách muôn phương về đây là động lực để mình gắn bó với công việc".

Mình may mắn sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Nam Đàn, ngay từ nhỏ đã theo bố mẹ tới thăm nhà Bác; những kỷ vật, câu chuyện lắng sâu về cuộc đời Bác đã nhen nhóm trong mình ước mơ lớn lên được làm thuyết minh viên và kể chuyện về Bác cho du khách muôn phương.
Thuyết minh viên Nguyễn Thị Thanh

Cũng như chị Thanh, chị Nguyễn Thị Huyền gắn bó với công việc này cũng đã được hơn 20 năm. Chị Huyền tâm sự:

"Hơn hai mươi năm ấy mình đã tiếp bao nhiêu đoàn, bao nhiêu du khách cũng không thể nào nhớ được. Có người bảo, công việc này dễ nhàm chán, tuy nhiên, với chúng tôi, mỗi đoàn, mỗi du khách sẽ là một cảm xúc, một câu chuyện khác nhau. Sự mới mẻ đến từ việc mình tự làm mới cách diễn đạt, và khơi dậy cảm xúc của người nghe. Câu chuyện nội dung vẫn thế, tuy nhiên, với mỗi đoàn mình lựa chọn một cách truyền tải khác nhau.

Với đoàn khách người cao tuổi, người đồng bào dân tộc thiếu số, thì mình nói nội dung ít hơn, xúc tích hơn; đưa ra những mẩu chuyện của Bác Hồ quan tâm tới đồng bào.

Với những đoàn là các em học sinh, mình sẽ tương tác hỏi-đáp với các em nhiều hơn.

Với đoàn có thành viên là những nhà nghiên cứu khoa học, thì mình dành thời gian thuyết minh, lượng thông tin cũng sẽ phong phú hơn.

Mỗi đồ vật trong ngôi nhà Bác đều có những câu chuyện riêng, vì vậy chúng tôi phải kể làm sao cho mỗi du khách thấy được tuổi thơ của Bác như thế nào, điều gì tạo nên cốt cách của Người".

Có người bảo công việc này dễ nhàm chán, tuy nhiên, với chúng tôi, mỗi đoàn, mỗi du khách sẽ là một cảm xúc, một câu chuyện khác nhau. Sự mới mẻ đến từ việc mình tự làm mới cách diễn đạt và khơi dậy cảm xúc của người nghe.
Thuyết minh viên Nguyễn Thị Huyền

Những ngày tháng 5 thiêng liêng này, lượng khách về thăm Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên ngày càng đông. Dưới nắng hè, mồ hôi thấm đẫm trên lưng áo, các hướng dẫn viên vẫn nhiệt huyết, tận tâm với nghề. Gương mặt họ vẫn rạng ngời, nụ cười vẫn tươi trên môi.

Chị Nguyễn Thị Hải, thuyết minh viên gần 15 năm trong nghề chia sẻ: "Chúng tôi thường dặn dò nhau phải luôn luôn nhiệt tình, vui vẻ, chu đáo với du khách. Tình cảm thiêng liêng mà người dân từ khắp mọi miền đất nước dành cho Bác là nguồn động viên to lớn với chúng tôi. Khi nghe thuyết minh, các du khách xúc động, tức là mình đã truyền tải được thông tin, thông điệp, chạm được đến trái tim của người nghe".

Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh

Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh

Khóe mắt đỏ hoe khi được nghe những câu chuyện về Bác, chị Hoàng Ngọc Lê đến từ Quảng Nam không khỏi xúc động chia sẻ: "Lần đầu tiên tôi có dịp về quê Bác, khi nghe các chị thuyết minh viên ở đây nói, tôi cứ cảm tưởng như nghe một làn điệu dân ca, rất dễ đi vào lòng người. Vốn đã yêu kính Bác, nhưng bằng những câu chuyện giản dị, các chị thuyết minh ở đây khiến cho tôi lại càng thương Bác, yêu Bác nhiều hơn".

Hơn 30 năm trong nghề, chị Bùi Thị Đảm, Trưởng phòng tuyên truyền giáo dục Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên vẫn còn nhớ như in thời con gái 17 tuổi, mới học xong THPT, nhờ có khuôn mặt xinh xắn, giọng nói Nam Đàn dễ thương, chị đã “liều” thi tuyển cùng hơn một trăm thí sinh khác và là một trong tám người may mắn trúng tuyển lớp thuyết minh viên tại Khu di tích. Hành trình âm thầm, lặng lẽ gắn bó với công việc đầy tự hào này dù đã 30 năm, nhưng sức trẻ và lòng nhiệt huyết vẫn còn cháy trong con người chị.

Quê Bác trở thành địa điểm thu hút du khách thập phương

Quê Bác trở thành địa điểm thu hút du khách thập phương

Chị Đảm kể, trong suốt hơn 30 năm gắn bó với nghề, hình ảnh một người cha đứng khóc nức nở trước bàn thờ gia đình Bác là điều khiến chị mỗi lần nhớ lại vẫn xúc động.

Sáng mùa đông hơn chục năm trước, chị đón một gia đình đến từ Hưng Yên. Sau khi nghe thuyết minh, một bác trong đoàn đứng khóc nghẹn lòng trước bàn thờ gia đình Bác. Hỏi han, động viên, chị Đảm mới hiểu: Ngày trước, con trai bác ấy khi hành quân vào chiến trường miền Nam đã viết thư về cho gia đình kể rằng, khi đi ngang qua đây, anh đã vinh dự được vào thăm ngôi nhà của Bác. Với tình yêu, sự kính trọng với Bác, anh hy vọng sau khi đất nước sạch bóng quân thù sẽ lại được về thăm nơi đây một lần nữa. Nhưng mong ước đó mãi chỉ nằm trên trang thư mà không có cơ hội thực hiện khi anh đã hy sinh tại Quảng Trị. Hiện gia đình đã tìm được hài cốt và đang đưa anh về quê an nghỉ. Trên đường về, gia đình đã ghé vào đây để thực hiện nguyện ước năm xưa của anh.

YÊU BÁC, YÊU NGHỀ

Khu Di tích Kim Liên là một quần thể rộng nằm ngoài trời, gồm có cụm di tích Hoàng Trù và Làng Sen, hệ thống nhà trưng bày, khu tưởng niệm, khu mộ bà Hoàng Thị Loan và các di tích phụ cận. Hằng năm Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên đón hàng triệu khách du lịch tới tham quan.

Để làm tốt công tác là “cầu nối”, những năm qua, việc đào tạo cán bộ thuyết minh được Khu di tích Kim Liên đặc biệt quan tâm. Hiện Khu di tích Kim Liên có 17 thuyết minh viên thuộc 5 thế hệ. Có nhiều thuyết thuyết minh viên gắn bó trong nghề cũng được 15, 20, 30 năm, lại có những thuyết minh viên mới vào nghề được 2 năm.

Nhiều thuyết minh viên sau nhiều năm công tác có cơ hội chuyển đến vị trí khác tốt hơn, nhưng vì tình yêu Bác, yêu nghề, mọi người vẫn quyết tâm ở lại để tiếp tục công việc mình đã gắn bó nhiều năm. Người đi trước dìu dắt người đi sau truyền tải tới du khách về hình ảnh một vĩ nhân, để lòng kính yêu Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi lan tỏa trong dòng chảy của cuộc sống bộn bề.

Nhiều du khách nước ngoài đến tham quan quê Bác

Nhiều du khách nước ngoài đến tham quan quê Bác

Chị Bùi Thị Đảm, Trưởng phòng giáo dục tuyên truyền chia sẻ: Với các thuyết minh viên ở đây, ngoài năng khiếu nói thì cần phải có cả thanh lẫn sắc. Một thuyết minh viên để đứng tự tin, có sự uyển chuyển trong cách truyền tải thông tin phải mất ít nhất 5 năm trong nghề. Công việc đặc biệt này đòi hỏi thuyết minh viên phải có trình độ, kiến thức về cuộc đời, sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Để không ngừng nâng cao chất lượng công tác thuyết minh, thu hút khách tham quan, đội ngũ thuyết minh viên ở đây đã không ngừng tự nghiên cứu, nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, rèn luyện phong cách phục vụ, khả năng giao tiếp, xử lý tình huống theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại. 

Với các thuyết minh viên ở đây, ngoài năng khiếu nói thì cần phải có cả thanh lẫn sắc. Một thuyết minh viên để đứng tự tin, có sự uyển chuyển trong cách truyền tải thông tin phải mất ít nhất 5 năm trong nghề.
Chị Bùi Thị Đảm, Trưởng phòng giáo dục tuyên truyền

Các buổi sinh hoạt chuyên đề bồi dưỡng chuyên sâu cho cán bộ thuyết minh được thường xuyên tổ chức, như các chuyên đề: “Bác Hồ với thiếu niên, nhi đồng”, “Bác Hồ với quân đội”, “Bác Hồ với công an”, “Bác Hồ với các tỉnh, thành”…

Hằng năm các thuyết minh viên tổ chức một chuyên mục riêng, gọi là “nói cho nhau nghe”. Tại đây, một thuyết minh viên nói, 16 thuyết minh viên còn lại nghe rồi chỉnh sửa, bổ sung cho nhau từng tí một, sàng lọc những cái hay, loại bớt những cái chưa được từ ngôn ngữ, giọng nói, cách dẫn giải câu chuyện,... Đây như là một cuộc sát hạch hằng năm để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của các thuyết minh viên.

Khi đến với Khu di tích Kim Liên, điều đặc biệt gây ấn tượng với du khách là hình ảnh đội ngũ thuyết minh viên phong cách chuyên nghiệp, thân thiện với tà áo dài truyền thống. Mỗi thuyết minh viên được trang bị đầy đủ các thiết bị phụ trợ như máy âm thanh cá nhân,… giúp tăng chất lượng thuyết minh, tạo hiệu quả cao trong việc truyền đạt thông tin.

Nhà quê ngoại Bác Hồ

Nhà quê ngoại Bác Hồ

Để công việc thuyết minh được thuận lợi, việc phối hợp với các phòng là rất quan trọng, đặc biệt là phòng thường trực. Vì đây là phòng tiếp xúc đầu tiên với các đoàn khách để đăng ký thông tin, nắm số lượng khách, điểm xuất phát... để các thuyết minh viên ở phía trong nắm bắt, lên ý tưởng thuyết minh sao cho phù hợp với các đoàn.

“Mình phải làm sao để du khách về đây có thiện cảm ngay từ khi bước đến cổng, do đó mình luôn đón tiếp khách niềm nở, tươi cười. Những ngày này, Khu di tích đón hàng trăm đoàn mỗi ngày, do đó không tránh khỏi những đoàn không chịu đăng ký khi tham quan, tuy nhiên, bản thân mình phải hòa nhã, giải thích với họ là tại sao phải vào phòng thường trực trước tiên, khi họ hiểu được thì sẽ hợp tác”, chị Bùi Thị Việt Hà, Phòng thường trực, đăng ký khách tham quan chia sẻ.

Giám đốc Ban Quản lý Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên Nguyễn Bảo Tuấn cho biết: Trong những năm qua, với nhiệm vụ làm cho Khu Di tích được du khách trong và ngoài nước dễ dàng tiếp cận thông tin khi với quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, các thế thuyết minh ở Khu Di tích Kim Liên luôn làm tốt nhiệm vụ được giao, phát huy truyền thống lịch sử, góp phần quảng bá hình ảnh con người Nghệ An thân thiện và mến khách. Đặc biệt, các cán bộ thuyết minh luôn có ý thức học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, có một tình yêu Bác, yêu nghề, trách nhiệm cao với công việc.

Hiện Ban Quản lý Khu di tích chú trọng đào tạo tiếng nước ngoài cho các cán bộ thuyết minh để làm tốt hơn công tác tiếp đón du khách quốc tế khi về tham quan quê Bác. 5 năm về trước, tại Khu di tích Kim Liên không có thuyết minh viên ngoại ngữ nào, tuy nhiên hiện nay Khu di tích đã có 10 cán bộ thuyết minh thành thạo tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Lào - Giám đốc Ban Quản lý Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên thông tin.

Nam Đàn đang từng ngày đổi thay

Nam Đàn đang từng ngày đổi thay

Ngày xuất bản: 19/5/2024
Nội dung: THÀNH CHÂU-ĐÌNH PHƯỢNG
Trình bày: BẢO MINH