Chuyển đổi số:

Xu hướng tất yếu để phục hồi và phát triển sau đại dịch

Năm 2021 có thể coi là một năm rất đặc biệt với nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, đây cũng là năm chứng kiến làn gió chuyển đổi số thổi vào tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến khó lường và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, chuyển đổi số đã thực sự trở thành một xu hướng, một yêu cầu bắt buộc đối với các quốc gia, các ngành nghề, các doanh nghiệp nhằm tiến tới sống chung an toàn, thích ứng linh hoạt, hiệu quả với Covid-19. Chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân dịp đầu xuân năm mới, Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) Đỗ Công Anh khẳng định, chuyển đổi số càng nhanh, càng sớm, doanh nghiệp sẽ càng có cơ hội phục hồi và phát triển, nền kinh tế càng sớm tìm ra những dư địa tăng trưởng mới được “mở khóa” nhờ công nghệ số và các mô hình kinh doanh mới.

Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) Đỗ Công Anh.

Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) Đỗ Công Anh.

Chuyển đổi số - cú huých từ đại dịch

Phóng viên: Có thể nói đại dịch Covid-19 là chất xúc tác cho chuyển đổi số. Ông nghĩ sao về điều này?

Ông Đỗ Công Anh: Có một Quy luật có tên 21/90 (Maxwell Maltz) nói rằng chúng ta mất 21 ngày để tạo thói quen và 90 ngày để biến thói quen đó trở thành lối sống vĩnh viễn. Thế giới của 2 vừa năm qua là một thế giới phải tự thay đổi những thói quen, hành vi để thích ứng với trạng thái cuộc sống mới trước những tác động của dịch bệnh Covid-19.

Chuyển đổi số của năm 2021 ghi dấu ấn rõ nét nhất với những chiến dịch thần tốc như vậy:

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là một trong những hệ thống cơ sở dữ liệu nền tảng của quốc gia, và cũng là nền tảng quan trọng hàng đầu để xây dựng Chính phủ số, phát triển Kinh tế số và Xã hội số. Việc Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được hoàn tất và vận hành hiệu quả cũng là một hành trình thần tốc 500 ngày mà trong đó sự phối hợp chặt chẽ giữa 2 Bộ Công an và Thông tin và Truyền thông là yếu tố quyết định sự thành công của dự án.

Nền tảng họp trực tuyến đến tận cấp xã kết nối Thủ tướng đến 63 tỉnh, 705 quận, huyện và 9.043 xã đã được triển khai thần tốc và hoàn thành đưa vào vận hành chỉ sau đúng 1 tuần, phục vụ nhu cầu cấp bách của công tác chỉ đạo phòng, chống dịch.

Nền tảng khám chữa bệnh từ xa kết nối 100% cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện trên cả nước với các bệnh viện lớn của trung ương được triển khai và hoàn thành gấp rút chỉ trong 2 ngày, phục vụ việc điều trị, hội chẩn từ xa, giúp giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, đồng thời mang đến cơ hội điều trị tốt hơn cho người bệnh ở tuyến dưới.

Nền tảng khám chữa bệnh từ xa giúp giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, đồng thời mang đến cơ hội điều trị tốt hơn cho người bệnh ở tuyến dưới. (Ảnh: Bộ Y tế)

Nền tảng khám chữa bệnh từ xa giúp giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, đồng thời mang đến cơ hội điều trị tốt hơn cho người bệnh ở tuyến dưới. (Ảnh: Bộ Y tế)

Chương trình “Sóng và máy tính cho em” được phát động để huy động máy tính, kết nối Internet đến cho 1,5 triệu học sinh trên khắp cả nước không có điều kiện để học trực tuyến. Ngay trong ngày phát động, chương trình đã vận động được hơn 1 triệu thiết bị từ doanh nghiệp, xã hội.

Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ngay trong năm đầu tiên triển khai đã giúp hơn 16 nghìn doanh nghiệp được tiếp cận các nền tảng, giải pháp chuyển đổi số hàng đầu của Việt Nam, giúp đương đầu với dịch bệnh để tiếp kinh doanh, sản xuất.


Phóng viên: Theo ông, nhận thức của toàn xã hội về chuyển đổi số đã thay đổi ra sao trong năm vừa qua?

Ông Đỗ Công Anh: Chính phủ Việt Nam coi năm 2020 là năm chuyển đổi số quốc gia, trong đó chú trọng vào tích cực tuyên tuyền nâng cao nhận thức để xã hội, người dân hiểu và tham gia đồng hành cùng quá trình chuyển đổi số. Hiệu quả của các hoạt động tuyên truyền này đã giúp nhận thức xã hội về chuyển đổi số trong năm 2021 có những chuyển biến vô cùng tích cực, làm tiền đề quan trọng cho việc triển khai các hoạt động, dự án lớn về chuyển đổi số quốc gia.

Việc chuyển trạng thái các hoạt động xã hội từ offline sang online (học trực tuyến, làm việc tại nhà, mua bán trực tuyến…) chỉ trong thời gian ngắn đã phần nào cho thấy nhận thức và mức độ sẵn sàng tiếp cận công nghệ số của người dân, doanh nghiệp đã ở mức cao.

Việc dạy, học trực tuyến đã trở thành sự lựa chọn thích ứng phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh. (Ảnh minh họa)

Việc dạy, học trực tuyến đã trở thành sự lựa chọn thích ứng phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh. (Ảnh minh họa)

Cùng với sự thay đổi về nhận thức chính là sự nâng cao đáng kể về kỹ năng số ở mọi thành phần người dân. Chỉ trong vài tháng khi giãn cách xã hội được áp dụng trên nhiều tỉnh thành phố, hơn 7,5 triệu học sinh và giáo viên toàn quốc đã nhanh chóng thích nghi và thành thạo với các buổi học trực tuyến qua màn hình máy tính hoặc các thiết bị di động; sau hơn 4 tháng triển khai, hơn 4 triệu hộ nông dân đã đưa lên các sàn thương mại điện tử,… và còn nhiều ví dụ khác nữa về sự dịch chuyển của hành vi, thói quen của xã hội trong thời gian rất ngắn để thích ứng với trạng thái mới. 

Bên cạnh đó, sự thay đổi trong nhận thức xã hội còn thể hiện ở sự thích nghi rất nhanh với các giải pháp công nghệ phòng chống dịch. Để đảm bảo sự an toàn cho bản thân và cộng động,  người dân đã sẵn sàng và nhanh chóng thiết lập những thói quen mới khi tham gia các hoạt động xã hội. Ví dụ khi đến 1 quán cafe, thay vì tìm chỗ ngồi đẹp và gọi món đồ uống yêu thích thì bây giờ việc đầu tiên phải làm là quét mã QR tại cửa ra vào, hay trước khi đi đến một nơi nào đó thì phải khai báo y tế điện tử…

Mở khóa dư địa tăng trưởng


Phóng viên: Năm 2021 chứng kiến một “làn sóng” chuyển đổi số trên hầu hết các lĩnh vực kinh tế-xã hội. Ông có thể cho biết chi tiết hơn về vấn đề này?

Ông Đỗ Công Anh: Tôi cho rằng chuyển đổi số không đơn thuần chỉ là một “làn sóng” (vì nghe mang tính nhất thời) mà là một xu thế tất yếu của tiến trình phát triển và sẽ diễn ra liên tục, không ngừng giống như chu trình vận động của xã hội. Nếu như Việt Nam coi năm 2020 là năm chuyển đổi số quốc gia với mục tiêu giúp toàn xã hội hiểu và hướng ứng các hoạt động về chuyển đổi số, thì năm 2021 là năm tăng tốc chuyển đổi số - là năm mà hoạt động triển khai đi vào thực chất không chỉ dừng ở truyên truyền nâng cao nhận thức, là năm mà các hoạt động chuyển đổi số sẽ đi tìm và giải các bài toán của mọi lĩnh vực trong xã hội bằng công nghệ số. Với lý do như vậy mà các hoạt động chuyển đổi số trong năm 2021 dễ nhận diện hơn so với trước đây.

Chuyển đổi số là một xu thế tất yếu của tiến trình phát triển.

Chuyển đổi số là một xu thế tất yếu của tiến trình phát triển.

Bên cạnh đó, trước những tác động của dịch bệnh Covid-19, thế giới của 2 vừa năm qua là một thế giới phải tự thay đổi những thói quen, hành vi để thích ứng với trạng thái cuộc sống mới mà trong đó vai trò của công nghệ số đối với tiến tình thay đổi là lớn hơn cả. Nếu như 2020 là năm của những thử nghiệm xã hội (social experiement) trên quy mô toàn cầu như làm việc tại nhà, học trực tuyến, quét mã QR… giúp mở ra một cuộc dịch chuyển về thói quen, hành vi lớn chưa từng có trong lịch sử nhân loại, thì 2021 chính là năm của những lối sống mới, trạng thái mới được hình thành, và chuyển đổi số vừa là nền tảng vừa là động lực cho sự hình thành của trạng thái mới này.


Phóng viên: Xin ông cho biết vai trò của chuyển đổi số đối với sự phục hồi của doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung hậu Covid-19?

Ông Đỗ Công Anh: Ngành Thông tin và Truyền thông được giao sứ mệnh triển khai các nền tảng công nghệ phòng, chống dịch phục vụ 30 triệu người dùng thường xuyên đã mang lại kinh nghiệm thực tiễn quý báu. Theo thời gian, các nền tảng công nghệ phòng, chống dịch dần được hoàn thiện, từng bước giải quyết, khắc phục vấn đề để phục vụ người dân được tốt hơn.

Kết quả tới thời điểm này đã ghi nhận sự trưởng thành đáng kể trong nhận thức, tư duy và năng lực trong triển khai các nền tảng dùng chung quốc gia. Chuyển đổi số đang đi đúng hướng và đi nhanh trong khi công nghệ đang được triển khai quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch, để từ đó thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.

Chuyển đổi số quốc gia thành công sẽ góp phần (i) kích thích nền kinh tế phục hồi với các dự án đầu tư lớn về hạ tầng công nghệ, là cơ hội để vực dậy các doanh nghiệp công nghệ trong nước, (ii) thiết lập một thị trường đầy tiềm năng cho nền kinh tế số (dự báo tổng giá trị đạt hơn 360 tỷ USD đến năm 2025) và (iii) công nghệ sẽ giúp kinh tế số tiếp cận đến mọi người dân, mọi hộ gia đình, thu hẹp khoảng cách số trong xã hội là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội.


Phóng viên: Chuyển đổi số dựa trên 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Theo ông, trụ cột nào đóng vai trò quan trọng đối với thích ứng và phục hồi sau đại dịch?

Ông Đỗ Công Anh: Tôi cho rằng cả 3 trụ cột đều có vai trò quan trọng nhất định trong thích ứng và phục hồi sau đại dịch.

Việc hình thành chính quyền số sẽ giúp nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của bộ máy chính phủ, giúp cải thiện sự ổn định và minh bạch chính sách, nâng cao chất lượng các dịch vụ công cung cấp cho xã hội, hình thành các hạ tầng công nghệ và nền tảng dữ liệu quốc gia phục vụ các hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Đây chính là những nền tảng hết sức quan trọng để phát triển kinh tế số và xã hội số.

Kinh tế số được hình thành sẽ tạo ra một thị trường với quy mô giá trị tăng theo cấp số nhân nhờ các mô hình kinh doanh mới, các kênh kết nối người bán đến người mua theo các phương thức mới, năng lực sản xuất ở cấp độ cao hơn nhờ công nghệ số và nguồn dữ liệu khổng lồ, giúp tạo ra sức cạnh tranh mới cho thị trường và các dư địa tăng trưởng mới cho nền kinh tế. Kinh tế số chính là động lực để “đánh thức” các doanh nghiệp từ tác động của dịch bệnh và nhanh chóng vươn mình phát triển để giúp nền kinh tế sớm phục hồi và phát triển mạnh mẽ hơn trong giai đoạn mới.

Xã hội số giúp hình thành những công dân số được trang bị tốt về kỹ năng số (ứng dụng và sử dụng công nghệ), nhận thức số (về an toàn an ninh mạng, sở hữu trí tuệ…) để có thể nhanh chóng thích ứng với các trạng thái xã hội mới, cùng với đó là nền tảng hạ tầng số phủ khắp toàn dân (phổ cập điện thoại thông minh, internet băng rộng, phủ sóng 4G…) giúp mỗi người dân vừa có thể trở thành một người tiêu dùng vừa có thể là một doanh nghiệp siêu nhỏ.

Với dân số Việt Nam là khoảng 100 triệu người, nếu mỗi người dân là một công dân số thì các doanh nghiệp sẽ có thị trường là 100 triệu khách hàng. Xã hội số cũng chính là điều kiện căn bản để giúp Chính quyền số và Kinh tế số phát triển và phát huy hết giá trị. Chính quyền số sẽ ra sao nếu không có công dân số? Kinh tế số sẽ ra sao nếu không có những doanh nghiệp số và người tiêu dùng số?

Chuyển đổi số lấy con người làm trung tâm


Phóng viên: Sau một năm tăng tốc, vậy trong năm 2022, chương trình chuyển đổi số quốc gia sẽ đặt những nhiệm vụ nào làm trọng tâm? Mục tiêu và kỳ vọng của ông cho tương lai của chuyển đổi số?

Ông Đỗ Công Anh: Năm 2022 và giai đoạn tiếp theo, Bộ Thông tin và Truyền thông xác định 3 nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung triển khai để sớm hiện thực hoá các mục tiêu chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, đó là:

- Phát triển các nền tảng số quốc gia quan trọng để tăng tốc thực hiện chuyển đổi số quốc gia: Là các nền tảng công nghệ trọng yếu giúp hiện thực hoá các mục tiêu của 3 trụ cột: Chính phủ số (Hệ thống thông tin báo cáo, các cơ sở dữ liệu quốc gia …), Kinh tế số (Nền tảng chuyển đổi số doanh nghiệp SME, hóa đơn điện tử, thương mại điện tử…) và Xã hội số (Dạy học trực tuyến, sức khoẻ điện tử toàn dân, danh tính số…)

- Kết nối liên thông dữ liệu: Khi có nền tảng số sẽ giúp tạo ra tài nguyên dữ liệu, cần sớm có chính sách về dữ liệu để đảm bảo việc chia sẻ, liên thông, kết nối giúp làm giàu và khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên này

- Nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp: Kho tài nguyên dữ liệu sẽ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ số, dịch vụ công trực tuyến để phục vụ doanh nghiệp, người dân. 

Nền tảng số và dữ liệu sẽ góp phần giúp Chính phủ nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Việc có thể cắt ngắn lộ trình triển khai, tạo ra những bước đột phá thần tốc trong thời gian ngắn nhờ sức ép của dịch bệnh cũng sẽ là một lợi thế để Việt Nam chạy nhanh hơn so với thế giới.

Thời cơ với Việt Nam chưa bao giờ rõ rệt hơn khi cộng hưởng với lợi thế này là bối cảnh hậu Covid-19 khi mà nhiều cuộc đua đang bị chững lại và thậm chí tất cả đang quay trở lại vạch xuất phát. Việc xuất phát nhanh hơn trong cuộc đua chuyển đổi số chính là cơ hội trăm năm có một để Việt Nam nâng cao thứ hạng phát triển trên thế giới.

Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) Đỗ Công Anh chia sẻ về mục tiêu chuyển đổi số năm 2022.

Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) Đỗ Công Anh chia sẻ về mục tiêu chuyển đổi số năm 2022.


Phóng viên: Có thể nói yếu tố con người đóng vai trò then chốt trong thành công của chuyển đổi số. Tại Diễn đàn doanh nghiệp công nghệ số mới đây, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng và một số đại biểu đã nhấn mạnh vai trò của “Đại học số” trong phát triển nguồn nhân lực số cho Việt Nam. Xin ông cho biết rõ thêm về vấn đề này?

Ông Đỗ Công Anh: Như chúng ta đã biết, ngày 3/6/2020 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, với 3 trụ cột chính trong Chuyển đổi số quốc gia là Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số. Với Quyết định này, Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong đã xây dựng chuyên đề về Chuyển đổi số quốc gia, được Chính phủ phê duyệt nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước thời kỳ mới.

Đại học số nhằm đào tạo nguồn nhân lực số cho Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Đại học số nhằm đào tạo nguồn nhân lực số cho Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Đại học số là đại học có toàn bộ hoạt động trên môi trường số, có mô hình hoạt động được thiết kế và vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số để tối ưu hóa hoạt động quản lý; tối ưu hóa, thay đổi trải nghiệm, chất lượng dạy và học; thay đổi mô hình đào tạo, kịp thời đưa ra mô hình đào tạo mới.

Trong việc triển khai Đại học số, chúng ta tiếp cận thông qua việc xây dựng, phát triển Nền tảng Đại học số. Nền tảng này sẽ cung cấp dưới hình thức dịch vụ cho các trường đại học để thực hiện tất cả các khâu trong một trường Đại học trên môi trường mạng: Thực hiện tuyển sinh/nhập học số; liên thông dữ liệu và hình thành một cơ sở dữ liệu mở dùng chung; tổ chức đào tạo/đánh giá/khảo thí… nhằm tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí của học viên, giảng viên, cán bộ, lãnh đạo.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn và chúc mừng ông nhân dịp Xuân mới!

Ngày xuất bản: 31/1/2022
Tổ chức thực hiện: TRƯỜNG SƠN
Thực hiện: THẢO LÊ, VĂN TOẢN
Trình bày: VĂN TOẢN
Ảnh: THÀNH ĐẠT, Reuters, Bộ Thông tin và Truyền thông, TTXVN, Bộ Y tế, VGP, CE Tech