Chuyển đổi từ tư duy đến chính sách

"Đáy sông". Ảnh: Trương Hoàng Thêm

"Đáy sông". Ảnh: Trương Hoàng Thêm

Tiến trình biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh và gay gắt gấp nhiều lần so dự báo, khiến cho đồng bằng sông Cửu Long, nơi sinh sống của 17 triệu dân đang đối diện những thách thức rất lớn, nhất là về sinh kế. Trong mười năm qua, đã có tới hơn 1,1 triệu người ở vùng châu thổ này phải ly hương để mưu sinh. Giải quyết sinh kế lâu dài và bền vững cho người dân vùng châu thổ này như thế nào là bài toán lớn đang được đặt ra.

Nếu ví đồng bằng sông Cửu Long như một con tàu, thì Nghị quyết 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ giống như chiếc la bàn định hướng cho con tàu ấy.
PGS, TS Lê Anh Tuấn.

PGS, TS Lê Anh Tuấn, Cố vấn Khoa học tại Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Giảng viên cao cấp Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Trường đại học Cần Thơ, người rất am hiểu và tâm huyết với sự phát triển bền vững của đồng bằng sông Cửu Long, chia sẻ cùng Nhân Dân cuối tuần.

Phóng viên Quốc Dũng: Sau hơn ba năm thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ, vùng đồng bằng sông Cửu Long đã có những chuyển mình. Tuy vậy, đến nay, sản xuất nông nghiệp của vùng vẫn chưa ổn định, thu nhập của người nông dân vẫn còn bấp bênh. Theo nhìn nhận của ông, còn tồn tại, bất cập nào trong vấn đề tìm sinh kế phù hợp cho người dân nơi đây trước những tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai, thưa ông?

Thu hoạch lúa ở vùng Bảy Núi, tỉnh An Giang. Ảnh: Quốc Dũng

Những chiếc xe chở nước từ thiện góp phần đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt của người dân trong mùa khô hạn. Ảnh: Người Lao Động

Tìm giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu cho đồng bằng sông Cửu Long là một thách thức lớn. Ảnh: Kinh tế Môi trường

Thu hoạch lúa ở vùng Bảy Núi, tỉnh An Giang. Ảnh: Quốc Dũng

Những chiếc xe chở nước từ thiện góp phần đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt của người dân trong mùa khô hạn. Ảnh: Người Lao Động

Tìm giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu cho đồng bằng sông Cửu Long là một thách thức lớn. Ảnh: Kinh tế Môi trường

PGS, TS Lê Anh Tuấn: Về thay đổi thủy văn, có thể nhắc đến những hiện trạng sau: Mất không gian hấp thụ lũ; dịch chuyển lũ sang vùng khác gây gia tăng ngập nơi khác; nước lũ thoát nhanh ra biển trong mùa lũ góp phần làm tăng xâm nhập mặn vào mùa khô, bên cạnh các nguyên nhân khác.

Ô nhiễm nước mặt do mất ảnh hưởng của thủy triều, vì hệ thống đê cống ngăn mặn khổng lồ đóng kín trong mùa khô và sự phụ thuộc quá lớn vào hóa chất nông nghiệp làm ô nhiễm toàn bộ sông ngòi không còn sử dụng được cho sinh hoạt và công nghiệp, dẫn đến sự khai thác nước ngầm quá mức.

Tổn thất thủy sản ven biển - thành phần quan trọng của nền kinh tế đồng bằng, do vùng nước biển bị bỏ qua trong các quy hoạch phát triển đồng bằng trước đây (sự tổn thất nguồn thủy sản biển quan trọng không được tính trong các báo cáo kinh tế dựa vào chỉ số GDP); và mất sự liên thông về sinh thái giữa biển và đất liền.

Ngư dân gặp khó khăn do nguồn lợi thủy sản xu hướng ngày càng giảm. Ảnh: Việt Tiến

Ngư dân gặp khó khăn do nguồn lợi thủy sản xu hướng ngày càng giảm. Ảnh: Việt Tiến

Mất nguồn đánh bắt tự nhiên cá nước ngọt (trị giá đến 1-2 tỷ USD/ năm) do: phát triển thủy điện ở thượng nguồn làm mất môi trường sống ở vùng ngập lũ, mất liên lạc giữa sông và đất liền (vườn cây ăn trái và ruộng lúa), mất ảnh hưởng của thủy triều và ô nhiễm sông rạch.

Đất đai cũng đang bị suy thoái nghiêm trọng, do lúa liên tục ba vụ và hệ thống đê bao khép kín không nhận đủ phù sa. An ninh lương thực về lâu dài (khoảng sau 20 năm nữa), vì thế, đang bị đe dọa nghiêm trọng khi “sức khỏe đất đai” đang bị vắt kiệt cho mục tiêu tối đa hóa sản lượng trong ba thập niên vừa qua. Giảm đa dạng sinh học do mất sinh cảnh và sự rối loạn các tiến trình sinh thái.

Ngoài ra, còn có các vấn đề do thủy điện thượng nguồn và biến đổi khí hậu vùng thượng nguồn, như: tác động đến dòng chảy của sông, đặc biệt trong những năm hạn hán do El Nino và những năm lũ lớn do La Nina gây ra; đồng thời thiếu hụt phù sa và cát do sự lưu giữ tại các đập thủy điện.

Phóng viên Quốc Dũng: Như phân tích ở trên, sự kết nối và cơ chế điều phối liên kết vùng đang thiếu và lỏng lẻo, làm hạn chế năng lực triển khai các chương trình, kế hoạch. Giải pháp cho vấn đề này nên như thế nào, thưa ông?

PGS, TS Lê Anh Tuấn: Các nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà ra chính sách ở các địa phương cần tiếp tục phân tích các vấn đề trở ngại của liên kết vùng, tiếp tục đối thoại với các nhà đầu tư từ TP Hồ Chí Minh, vùng miền Đông và cả phía Campuchia. Việc liên kết vùng cần đi vào thực chất trên cơ sở cùng có lợi từ nhiều bên thì mới bền vững. Sáng kiến từ các hoạt động như Mekong Connect, Diễn đàn đồng bằng sông Cửu Long cần tiếp tục để tiếp tục tháo gỡ các trở ngại.

Hiện nay, liên kết vùng được thúc đẩy do các cơ quan trung ương, địa phương thực hiện thông qua phối hợp liên tỉnh, liên ngành, liên kết chuỗi sản phẩm. Một số địa phương lập dự án liên kết vùng như Tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười, vùng Cửa sông Cửu Long. Tuy nhiên, do cơ chế phê duyệt chưa rõ ràng, chưa có nguồn ngân sách phân bổ, các đề án này chưa được triển khai.

Tình trạng sạt lở bờ sông đang có chiều hướng tăng ở đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: CTV

Tình trạng sạt lở bờ sông đang có chiều hướng tăng ở đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: CTV

Liên kết vùng, theo Quyết định 593 cần được hiểu rộng hơn, chứ không chỉ liên kết trên sản phẩm nông nghiệp chủ lực như cách làm “hẹp” hiện nay. Liên kết vùng chính là sự điều phối quá trình phát triển giữa các địa phương, các ngành trong các tiểu vùng và toàn vùng trong tất cả mọi mặt để cộng lực, tránh trùng lắp, tránh mâu thuẫn trong mục tiêu giữa các ngành, các địa phương. Đồng thời giải quyết được những vấn đề cấp khu vực như biến đổi khí hậu, nguồn nước, khai thác cát, dòng chảy, giao thông, du lịch…

Phóng viên Quốc Dũng: Bên cạnh lĩnh vực đang được coi là mũi nhọn phát triển của khu vực này như nông nghiệp, theo ông, còn có thể phát triển các loại hình kinh tế nào để tạo sinh kế bền vững cho người dân?

Mưu sinh bằng nghề đặt lú ven biển Bãi Bồi Mũi Cà Mau (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau). Ảnh: Phương Bằng

Mưu sinh bằng nghề đặt lú ven biển Bãi Bồi Mũi Cà Mau (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau). Ảnh: Phương Bằng

PGS, TS Lê Anh Tuấn: Cần phải chuyển đổi từ nền nông nghiệp thuần túy chuyên tạo ra nông sản sang nền kinh tế nông nghiệp đa dạng hóa và hiện đại hóa, gia tăng giá trị của sản phẩm nông nghiệp bằng cách liên kết chặt chẽ các ngành công nghiệp và kinh tế khác như công nghệ chế biến nông sản, phân phối mở rộng hàng hóa thị trường, logistics,… Song song đó, cần có những chính sách hỗ trợ nông dân như giảm thuế, ưu đãi vay vốn, đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn, trợ cấp nông sản, chi phí vận chuyển, xây dựng các hợp tác xã nông nghiệp…

Phóng viên Quốc Dũng: Xin trân trọng cảm ơn ông!


Tổ chức sản xuất: VŨ MAI HOÀNG
Nội dung: NGÔ PHƯƠNG THẢO, HOÀNG NGHĨA NAM, VÕ HOÀNG, SƠN NINH, QUỐC DŨNG, HỮU TÙNG, NGUYỄN HÀ, MINH KHÁNH
Trình bày: PHAN ANH, DUY LONG
Ảnh, Video: ĐĂNG KHOA, TRUNG HIẾU, TRƯƠNG HOÀNG THÊM, TTXVN…