Cơ chế đặc thù
để Thành phố Hồ Chí Minh
phát triển

Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng phát triển năng động, hiện đại.

Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng phát triển năng động, hiện đại.

Những cơ chế đặc thù mà Trung ương trao cho Thành phố Hồ Chí Minh sẽ giúp thành phố chủ động trong quản lý, điều hành nhưng cũng đòi hỏi sự chủ động, sáng tạo khi đưa ra những giải pháp phát triển phù hợp. Nói đúng hơn, cơ chế đặc thù không phải là phép màu, không phải là “chiếc đũa thần”. Muốn phát triển đòi hỏi bản lĩnh, sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của đội ngũ lãnh đạo tại thành phố mang tên Bác.

CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC

TP Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế của cả nước, đóng góp khoảng 22-24% GDP và gần 27% tổng thu ngân sách quốc gia. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, thành phố bị thiếu hụt trầm trọng nguồn lực đầu tư dẫn đến hạ tầng kinh tế-xã hội đối mặt với nhiều thách thức lớn tình trạng kẹt xe, ngập nước dai dẳng ở nhiều khu vực dân cư, từ nội thành ra ngoại thành, làm đảo lộn cuộc sống của người dân.

Để giúp TP Hồ Chí Minh vượt qua những rào cản về thể chế vươn lên, phát triển thành một đô thị hiện đại, đi đầu cả nước về kinh tế số, xã hội số, ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á, Trung ương đã ban hành các cơ chế đặc thù nhằm trao thêm quyền tự chủ cho thành phố trong quản lý và điều hành. Nghị quyết 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội là bước đi đầu tiên trong việc thử nghiệm mô hình đặc thù cho TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai, nhiều vướng mắc về thể chế vẫn chưa được tháo gỡ. Nhận thấy sự cần thiết phải có một chính sách mạnh mẽ hơn, ngày 24/6/2023, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 98/2023/QH15 với những đột phá quan trọng, giúp thành phố có thêm công cụ để bứt phá.

Nghị quyết 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội là bước đi đầu tiên trong việc thử nghiệm mô hình đặc thù cho TP Hồ Chí Minh.

Một trong những thay đổi quan trọng nhất tại Nghị quyết 98 là việc nâng tỷ lệ ngân sách giữ lại cho TP Hồ Chí Minh từ 18% lên 21%, giúp thành phố có thêm hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm để đầu tư vào các dự án hạ tầng quan trọng.

Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh cũng được phép huy động vốn bằng cách phát hành trái phiếu chính quyền địa phương và sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Đây là những công cụ tài chính quan trọng giúp thành phố chủ động hơn trong việc đầu tư các dự án lớn như Metro Bến Thành-Suối Tiên, đường Vành đai 3 hay khu đô thị sáng tạo thành phố Thủ Đức.

Nghị quyết 98 cũng cho phép TP Hồ Chí Minh linh hoạt hơn trong điều chỉnh quy hoạch tổng thể và chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án đầu tư. Chẳng hạn, khu Nam và khu Đông thành phố sẽ có thêm cơ hội phát triển các khu đô thị, trung tâm tài chính và hạ tầng công nghệ cao mà không bị ràng buộc bởi các quy định trước đây…

Cơ hội thì có nhiều, tuy nhiên trong quá trình triển khai, TP Hồ Chí Minh gặp rất nhiều thách thức. Để có thể triển khai hiệu quả, thành phố cần sự chung tay đồng hành của các cơ quan trung ương trong việc cải cách thể chế; cần tinh thần tiên phong, dám nghĩ dám làm của chính bộ máy công quyền của thành phố. Dù Nghị quyết 98 đã trao quyền tự chủ cho thành phố nhiều hơn, nhưng vẫn còn nhiều quy định về tài chính công, đất đai và đầu tư công chưa có hướng dẫn cụ thể để phù hợp với quyền tự chủ này.

Để có thể triển khai hiệu quả, thành phố cần sự chung tay đồng hành của các cơ quan trung ương trong việc cải cách thể chế

Dù cơ chế đặc thù cho phép thành phố huy động thêm nguồn lực đầu tư hạ tầng, nhưng tiến độ triển khai các dự án vẫn gặp nhiều khó khăn do vướng mắc về giải phóng mặt bằng, quy hoạch chưa đồng bộ và sự phối hợp giữa các cơ quan còn chậm. Tốc độ đô thị hóa nhanh cũng đặt ra thách thức lớn trong việc phát triển các khu đô thị mới, bảo đảm cân bằng giữa nhà ở, dịch vụ công cộng và hạ tầng giao thông. Nếu không có giải pháp hiệu quả để kiểm soát đô thị hóa và phân bổ dân cư hợp lý, thành phố có nguy cơ rơi vào vòng luẩn quẩn của quá tải hạ tầng.

Quan trọng hơn, cơ chế đặc thù đòi hỏi thành phố phải nâng cao năng lực quản trị để tận dụng tốt quyền tự chủ. Tuy nhiên, bộ máy hành chính vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt trong khả năng triển khai chính sách và phối hợp giữa các cơ quan quản lý. Thành phố vẫn gặp tình trạng quá tải trong giải quyết thủ tục hành chính, nhất là ở các lĩnh vực đầu tư, xây dựng, quy hoạch. Việc phân cấp, ủy quyền chưa mạnh mẽ, khiến các quận, huyện và sở, ngành vẫn phải chờ chỉ đạo từ cấp trên thay vì chủ động xử lý công việc. Điều này làm giảm hiệu quả của cơ chế đặc thù, gây mất thời gian cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Một vấn đề khác đó là nguồn nhân lực chất lượng cao trong khu vực công còn hạn chế. TP Hồ Chí Minh cần có cơ chế linh hoạt hơn để thu hút nhân tài, đặc biệt trong các lĩnh vực quy hoạch đô thị, tài chính và công nghệ số.

ĐỂ CƠ CHẾ ĐẶC THÙ PHÁT HUY HIỆU QUẢ

Cơ chế đặc thù không chỉ là một chính sách dành riêng cho TP Hồ Chí Minh mà còn là một thử nghiệm quan trọng đối với mô hình quản trị đô thị tại Việt Nam. Nếu TP Hồ Chí Minh thực hiện thành công, đây sẽ là tiền đề để Trung ương nhân rộng mô hình này cho các đô thị lớn khác như Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, tạo động lực tăng trưởng cho cả nền kinh tế.

Cơ chế đặc thù không chỉ là một chính sách, mà còn là một bài kiểm tra quan trọng về năng lực quản trị đô thị và khả năng thích ứng với những yêu cầu phát triển mới của thời đại. Nếu thực hiện hiệu quả, đây sẽ là chìa khóa giúp TP Hồ Chí Minh vươn lên một tầm cao mới, trở thành một trung tâm kinh tế, tài chính mang tầm khu vực.

Tuy nhiên, để cơ chế đặc thù thực sự mang lại hiệu quả, bản thân TP Hồ Chí Minh cần nâng cao năng lực điều hành, cải thiện môi trường đầu tư và đẩy mạnh liên kết vùng để tận dụng tối đa những lợi thế mà cơ chế đặc thù mang lại.

Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung ương và địa phương, bảo đảm tính đồng bộ trong hệ thống pháp lý và tạo ra một môi trường quản lý minh bạch, hiệu quả. Trước mắt, thành phố cần sự đồng hành từ Trung ương trong việc tháo gỡ những rào cản thể chế, bảo đảm các quyền tự chủ mới được triển khai một cách hiệu quả, không bị chồng chéo với các quy định hiện hành. Hiện nay, dù cơ chế đặc thù đã được trao nhưng vẫn có nhiều quy định chưa đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, khiến thành phố gặp khó khăn trong việc triển khai. Các vấn đề về điều chỉnh thuế, phí, quản lý tài chính công hay quy hoạch đô thị đều cần có những hướng dẫn cụ thể từ Trung ương, tránh tình trạng vừa trao quyền vừa siết chặt bằng các thủ tục hành chính phức tạp.

Cùng với đó, việc đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền là yêu cầu cấp thiết để TP Hồ Chí Minh thực sự phát huy quyền tự chủ. Thành phố không thể phát triển mạnh mẽ nếu vẫn bị bó buộc vào các quy trình xin ý kiến kéo dài, nhất là trong các lĩnh vực quản lý tài chính, quy hoạch đất đai và nhân sự. Nếu có thể tự quyết định các điều chỉnh về ngân sách, sử dụng linh hoạt nguồn thu từ thuế, phí, TP Hồ Chí Minh sẽ có thêm nguồn lực để đầu tư phát triển. Tương tự, nếu được trao quyền chủ động hơn trong phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thành phố có thể đẩy nhanh các dự án hạ tầng, tránh tình trạng chờ đợi sự chấp thuận từ các bộ, ngành kéo dài nhiều năm. Vấn đề nhân sự cũng rất quan trọng, bởi để vận hành một đô thị đặc biệt, cần có cơ chế linh hoạt trong thu hút nhân tài, trả lương theo năng lực thay vì theo hệ thống hành chính cứng nhắc như hiện nay.

Huy động vốn và phát triển hạ tầng cũng là một lĩnh vực mà TP Hồ Chí Minh cần có sự hỗ trợ từ Trung ương. Thành phố đang đứng trước nhu cầu đầu tư rất lớn, nhưng các quy định hiện hành vẫn còn nhiều hạn chế trong việc huy động các nguồn lực tài chính mới. Nếu được phép phát hành trái phiếu đô thị quốc tế, sử dụng linh hoạt nguồn thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước hay huy động vốn từ các quỹ đầu tư hạ tầng, thành phố sẽ có thêm điều kiện để triển khai những dự án quan trọng. Đặc biệt, việc Trung ương đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm như Vành đai 3, Vành đai 4 hay cao tốc TP Hồ Chí Minh-Mộc Bài sẽ tạo động lực phát triển không chỉ cho thành phố mà còn cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

Một điểm quan trọng không thể bỏ qua là cần thay đổi cách thức giám sát để bảo đảm cơ chế đặc thù được triển khai linh hoạt, không bị bó buộc vào những quy trình kiểm soát hành chính cứng nhắc. Trung ương nên tập trung vào đánh giá kết quả thay vì chỉ kiểm soát quy trình. Nếu một chính sách chưa đạt được kết quả như mong đợi, thành phố cần có quyền thử nghiệm và điều chỉnh, thay vì phải chờ xin ý kiến từ Trung ương. Việc tổ chức các cuộc họp định kỳ giữa lãnh đạo Trung ương và TP Hồ Chí Minh để tháo gỡ vướng mắc cũng sẽ giúp cơ chế đặc thù phát huy tác dụng nhanh chóng, hiệu quả hơn.

Nội dung: ThS NGUYỄN TUẤN ANH
Trình bày: Thùy Lâm
Ảnh: Thành Đạt