CƠ CHẾ HỢP TÁC, LIÊN KẾT NÀO

GIÚP HÀNG KHÔNG - DU LỊCH “CẤT CÁNH”?

Du lịch và hàng không được ví như “đôi cánh” cùng góp phần phát triển kinh tế. Hai ngành có quan hệ hết sức mật thiết, chặt chẽ và là quan hệ tương hỗ hai chiều. Hàng không chính là “bệ phóng” của du lịch, tạo cơ hội cho hành khách khám phá những điểm đến mới. Còn ở phía ngược lại, du lịch cũng đóng vai trò quan trọng thúc đẩy sự phát triển của hàng không.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc hợp tác giữa hàng không - du lịch lâu nay vẫn chỉ dừng lại ở việc Cục Du lịch quốc gia, các hãng hàng không, địa phương, công ty du lịch tự bắt tay liên kết. Việc hợp tác hầu hết ở quy mô nhỏ, mang tính sự vụ, chưa có cơ chế phối hợp, hợp tác ở quy mô lớn để điều phối việc liên kết giữa các cơ quan, đơn vị. Mặt khác, hiệu quả xúc tiến du lịch tại các thị trường trong và ngoài nước còn thấp do chưa có chiến lược, mục tiêu cụ thể, dài hạn. Cơ chế liên kết, hợp tác nào giúp hàng không – du lịch “cất cánh”? vẫn là câu hỏi còn để ngỏ…

“Môi hở, răng lạnh”

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, mang tính liên ngành, liên vùng, đồng thời cũng có tác động thúc đẩy nhiều ngành kinh tế khác cùng phát triển như dịch vụ, bán lẻ và giao thông vận tải,… Ở chiều ngược lại, giao thông vận tải là một trong những yếu tố quan trọng nhất góp phần vào sự thành công của ngành du lịch vì nó kết nối trực tiếp cung và cầu. Hay nói cách khác, giao thông vận tải mang đến khả năng tiếp cận các tài nguyên và sản phẩm du lịch, thực tế cho thấy nếu không có khả năng tiếp cận do giao thông vận tải mang lại, hoạt động du lịch không thể diễn ra được.

Vai trò của giao thông vận tải đối với du lịch. Nguồn: (Nguyen & Shimizu, 2017)

Vai trò của giao thông vận tải đối với du lịch. Nguồn: (Nguyen & Shimizu, 2017)

Tiến sĩ Khuất Việt Hùng, Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển Giao thông vận tải.

Tiến sĩ Khuất Việt Hùng, Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển Giao thông vận tải.

"Giao thông vận tải cho phép khách du lịch đi từ điểm bắt đầu (nhà) đến các khu du lịch (điểm đích), và cho phép khách du lịch tận hưởng tài nguyên, sản phẩm và dịch vụ trong phạm vi khu du lịch. Khả năng tiếp cận tạo nên ấn tượng và sự hài lòng của khách du lịch trong chuyến đi là một trong những yếu tố quyết định sức hấp dẫn tổng thể của điểm đến. Trong số các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng dich vụ du lịch thì giao thông (khả năng tiếp cận) được nhấn mạnh là yếu tố cơ bản, quyết định vai trò và vị thế của điểm đến trên thị trường du lịch"
TS Khuất Việt Hùng, Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển Giao thông vận tải.

Trong các loại hình giao thông vận tải, các chuyên gia nhận định hàng không có vai trò nổi trội hơn đối với du lịch bởi khả năng kết nối quốc tế cũng như địa hình trải dài từ bắc tới nam của nước ta. 5 tháng đầu năm 2024, du lịch Việt Nam đã đón gần 7,6 triệu khách quốc tế và khoảng 52,5 triệu khách nội địa, là điểm sáng, đóng góp quan trọng vào kết quả phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội chung của đất nước. Góp phần vào sự phục hồi du lịch, không thể thiếu vai trò của các hãng hàng không vì số liệu thống kê cho thấy hiện nay, khách du lịch đến Việt Nam bằng đường hàng không chiếm tỷ lệ rất cao so với các phương thức vận tải khác, lên đến gần 80%.

Tiến sĩ Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam (VABA) cho biết: Đối với ngành du lịch, ngành hàng không có quan hệ rất mật thiết, chặt chẽ và là quan hệ hai chiều. Trước hết, ngành hàng không cung cấp dịch vụ vận chuyển thiết yếu một cách an toàn, nhanh chóng cho ngành du lịch cả trong điều kiện bình thường cũng như trong điều kiện đặc thù, khẩn cấp, không chỉ giúp ngành du lịch mở rộng thị trường, thu hút thêm khách hàng, đa dạng hóa khách hàng mà tạo cảm giác an toàn cho du khách.

Hai là, ngành hàng không là đối tác quan trọng giúp ngành du lịch mở ra những điểm đến du lịch mới, các hình thức du lịch mới. Ba là, ngành hàng không có thể cung cấp những dịch vụ hỗ trợ và xúc tiến du lịch hữu hiệu cho ngành du lịch. Bốn là, ngành hàng không có thể hỗ trợ ngành du lịch đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ của mình.

Một loạt những ví dụ có thể kể tới như hỗ trợ du khách làm các thủ tục cần thiết cho các chuyến đi ngay từ sân bay đi, trong quá trình bay hoặc tại sân bay đến, hỗ trợ tổ chức các dịch vụ đưa đón du khách, hỗ trợ hành khách khi bị chậm chuyến, khi họ phải chờ ở các sân bay, vận chuyển các hàng hóa, vật dụng cá nhân hỗ trợ di chuyển, hỗ trợ sinh hoạt, … trong quá trình đi lại và thời gian ở lại tại các điểm du lịch,…

Làm rõ hơn vai trò tương hỗ của hàng không và du lịch, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho hay, thị trường hàng không quốc tế đã có 63 hãng hàng không thường lệ nước ngoài và 4 hãng hàng không trong nước khai thác với 164 đường bay quốc tế, kết nối 33 quốc gia, vùng lãnh thổ đến 6 điểm của Việt Nam là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Quốc và Đà Lạt. Mạng đường bay quốc tế đã được khôi phục hoàn toàn như giai đoạn trước dịch Covid-19 và tiếp tục mở rộng sang các thị trường mới ở Trung Á, Ấn Độ, Australia.

Vận chuyển hàng không quốc tế đã góp phần giúp du lịch quốc tế tăng trưởng mạnh với 7,6 triệu khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong 5 tháng năm 2024, tăng 61,7% so với cùng kỳ năm trước, tăng 3,9% cùng kỳ 2019 và kỳ vọng đạt 18 triệu khách trong năm 2024.
Ông Đỗ Hồng Cẩm, Phó cục trưởng Hàng không Việt Nam

Đối với hoạt động vận chuyển hành không nội địa, hiện các hãng hàng không Việt Nam khai thác 45 đường bay kết nối Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng với 19 cảng hàng không địa phương, thực hiện gần 600 chuyến bay mỗi ngày. Năm 2023, đường bay Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh được khai thác nhiều nhất với gần 43 nghìn chuyến bay (chiếm 17,5% số chuyến bay nội địa trong năm 2023). Đây cũng là đường bay được ghi nhận trong Top 10 đường bay bận rộn nhất thế giới năm 2023.

Kết thúc năm 2023, tổng thị trường hành khách hàng không đạt gần 73 triệu khách (tăng 31,4% so năm 2022 và bằng 92% so năm 2019) trong đó vận chuyển quốc tế đạt 32,6 triệu khách (tăng 1,7 lần so năm 2022 và bằng 78% so năm 2019). 5 tháng đầu năm 2024, tổng thị trường hành khách ước đạt 38,1 triệu khách, tăng 6,7% so cùng kỳ 2023 và bằng 98% so cùng kỳ 2019; trong đó, thị trường quốc tế đạt 21,1 triệu khách, tăng 44,3% so cùng kỳ 2022 và tăng 3% so cùng kỳ 2019; riêng thị trường nội địa đạt 17 triệu khách, giảm 19,4% so cùng kỳ 2023 và bằng 92% so cùng kỳ 2019.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, hoạt động của ngành hàng không đã gặp không ít thách thức do việc thiếu hụt máy bay trên toàn cầu cùng với biến động mạnh của tỷ giá, chi phí nhiên liệu trong những tháng gần đây cũng ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các hãng hàng không theo một cách không mong muốn là bị giảm năng lực cung ứng và phải điều chỉnh tăng giá vé máy bay.

Theo nghiên cứu của Hiệp hội các hãng hàng không Châu Á-Thái Bình Dương (AAPA), giá vé máy bay trên thế giới hiện nay và thời gian tới có xu hướng tăng cao hơn thời điểm trước. Các hãng hàng không đang phải đối mặt hàng loạt bất lợi về chi phí nhiên liệu cao, việc nâng cấp đội bay, bổ sung thuê/mua, bảo dưỡng tàu bay, thiết hụt nhân lực, giá phục vụ tại sân bay,… dự báo giá vé máy bay toàn cầu sẽ tăng 3-7% trong năm 2024 và sẽ tiếp tục tăng  những năm tiếp theo.

“Đội tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam đang khai thác dao động khoảng 165-170 tàu bay, giảm khoảng 40-45 tàu so với bình quân tàu bay khai thác năm 2023, nguyên nhân do việc triệu hồi động cơ Pratt&Whitney và một số hãng đang thực hiện tái cơ cấu. Các hãng trong nước phải cân đối lực lượng tàu bay khai thác nội địa và quốc tế để cạnh tranh, duy trì thị phần quốc tế với các hãng hãng nước ngoài, ông Đỗ Hồng Cẩm cho biết thêm.

Tổng giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà

Tổng giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà

Những nỗ lực nâng cấp dịch vụ của Vietnam Airlines đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Hiện nay, Vietnam Airlines là hãng hàng không Việt Nam đầu tiên và duy nhất đạt giải thưởng “Hãng hàng không 5 sao” của tổ chức APEX. Vietnam Airlines cũng được bình chọn là Hãng hàng không đứng thứ 11 trong 25 hãng hàng không tốt nhất thế giới, vượt nhiều hãng hàng không quốc tế trong khu vực; đồng thời, là 1 trong 5 năm hãng hàng không có chỉ số đúng giờ cao nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines

Trưởng Ban Kế hoạch và Phát triển, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) Nguyễn Quang Trung chia sẻ: Thực tế, giá vé máy bay của các hãng tăng nằm trong xu hướng chung của ngành hàng không toàn cầu do chịu tác động bởi các nguyên nhân chính, bao gồm: Giá nhiên liệu tăng cao, bình quân năm 2024 tăng 34% so năm 2019 (từ 76,7 USD/thùng lên 102,8 USD/thùng); tình hình lạm phát và mất giá đồng tiền, tại Việt Nam, bình quân năm 2024 tăng 8% so năm 2019; việc triệu hồi động cơ của Nhà sản xuất Pratt & Whitney (PW) dẫn đến tình trạng khan hiếm tàu bay toàn cầu, ảnh hưởng đến giá thuê tàu bay (bình quân năm 2024 so năm 2019 tăng từ 20-30%).

Do đó, tại Việt Nam thời gian vừa qua, tỷ lệ giá vé cao chủ yếu rơi vào các ngày cao điểm trong dịp nghỉ lễ hoặc các khung giờ đẹp, ngày đẹp khi nhu cầu đi lại bằng đường hàng không tăng cao. Trong thời gian hiện tại, hành khách vẫn có thể lựa chọn các mức giá thấp, hợp lý khi chọn lựa các chuyến bay tránh dịp cao điểm, ngày/giờ cao điểm.

Tổng giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà cho biết thêm: Việc giá vé bay nội địa trong một số thời điểm cao hơn mức bình thường vừa qua chỉ ảnh hưởng đến một bộ phận hành khách trong việc di chuyển nội địa. Xét về tổng thể, với việc chủ động tìm kiếm, phát động các thị trường mới, rất nhiều đường bay mới được các hãng hàng không mở trong thời gian qua đã đóng góp rất lớn cho việc khôi phục du lịch quốc tế, nâng cao khả năng cạnh tranh điểm đến nhờ việc mở rộng và tăng cường các đường bay quốc tế, không chỉ đến Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh mà còn đến các địa phương khác như Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc, Đà Lạt.

Vận chuyển hàng không quốc tế đã góp phần giúp du lịch quốc tế tăng trưởng mạnh với 7,6 triệu khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2024, tăng 61,7% so cùng kỳ năm 2023, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019 và kỳ vọng đạt 18 triệu khách trong năm 2024, vượt qua mức kỷ lục của giai đoạn trước dịch Covid-19. Ngoài ra, song song với việc mở rộng phát triển thị trường, các hãng hàng không trong nước cũng không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo đảm khai thác an toàn. Vietnam Airlines từ nhiều năm qua đã thực hiện chiến lược nâng tầm dịch vụ, hướng tới tiêu chuẩn 5 sao quốc tế. Hãng đã đầu tư mạnh mẽ vào việc nâng cấp đội tàu bay, mở rộng mạng đường bay, phát triển nguồn nhân lực và nâng cao trải nghiệm dịch vụ cho hành khách.

Hiện nay, Vietnam Airlines đang khai thác đội tàu bay gần 100 chiếc, với các tàu bay hiện đại, tiện nghi như Boeing 787, Airbus A350, Airbus A321neo, kết nối gần 100 đường bay đi hơn 50 điểm đến nội địa, quốc tế và liên kết hơn 1.150 điểm đến toàn cầu của Liên minh hàng không SkyTeam. Hãng cũng không ngừng cải tiến dịch vụ ở cả trên không và mặt đất như áp dụng giải trí không dây trên toàn đội tàu bay A321, đa dạng hóa danh mục giải trí, đổi mới thực đơn trên chuyến bay, ứng dụng công nghệ số vào các thủ tục mặt đất giúp gia tăng thuận lợi, tiết kiệm thời gian cho hành khách,… Đặc biệt, Vietnam Airlines chú trọng đầu tư vào yếu tố con người để mang đến dịch vụ chuyên nghiệp, chu đáo và tận tâm cho hành khách.

Tuy nhiên, thực tế việc giá vé máy bay tăng cũng đã và đang tác động bất lợi đến sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam. Vì vậy ngay trong ngắn hạn, việc hoàn thành mục tiêu đặt ra của ngành du lịch năm 2024 trở nên đầy thách thức trong bối cảnh sự phục hồi của du lịch trong nước vẫn tiếp tục phải đối mặt với những yếu tố bất lợi trong bức tranh khó khăn chung của du lịch toàn cầu. Sự hợp tác giữa du lịch và hàng không là vấn đề được đặt ra cấp thiết, vì lợi ích chung của nền kinh tế quốc gia. Theo các chuyên gia, ngoài nỗ lực từ mỗi bên, vai trò của Chính phủ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc hoạch định chính sách hỗ trợ cũng như quản lý hiệu quả, tạo môi trường thuận lợi “chắp cánh” cho hai ngành phát triển tương hỗ, vươn tầm trong cuộc cạnh tranh toàn cầu.

“Win - Win” hợp tác cùng có lợi

Theo đánh giá của các chuyên gia thuộc Hội đồng tư vấn du lịch (TAB), vấn đề giảm giá vé máy bay nội địa có thể được giải quyết nhờ sự phối hợp toàn diện, đầy đủ của các chủ thể liên quan, gồm: Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp. Các chuyên gia cũng lưu ý một vấn đề mang tính “vòng lặp” đáng báo động: Khi giá vé máy bay nội địa tăng cao, dẫn đến các điểm du lịch phải hạ giá dịch vụ, khiến chất lượng giảm sút, làm giảm sự hài lòng của khách du lịch.

Kết quả là nhu cầu đi du lịch trong nước giảm, số lượng chuyến bay giảm theo và cuối cùng là giá vé máy bay nội địa lại tiếp tục tăng cao. Các hãng hàng không giảm bớt chính sách khuyến mãi và giảm quan tâm chất lượng dịch vụ khách hàng có thể dẫn đến hệ quả giá vé bay tiếp tục tăng cao và chất lượng dịch vụ giảm sút, ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu du lịch nội địa,...

Đồng tình với quan điểm của TAB, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist Nguyễn Hữu Y Yên cho rằng, trong ngành du lịch, mối quan hệ, hợp tác giữa công ty lữ hành và hãng hàng không là tất yếu, cùng với các mắt xích quan trọng khác như dịch vụ lưu trú, nhà hàng, điểm vui chơi giải trí, mua sắm,… để cùng xây dựng, mở rộng các loại hình sản phẩm du lịch.

Trên thực tế, mối quan hệ này đòi hỏi một tư duy chiến lược và toàn diện từ hai phía nhằm tăng cường năng lực thích ứng, linh hoạt với điều kiện và môi trường kinh doanh trong từng giai đoạn. Cụ thể, hợp tác để đáp ứng tối đa nhu cầu du lịch mùa cao điểm, phân bổ khách hàng trong mùa thấp điểm, đáp ứng nhu cầu và thói quen của khách hàng, nhất là qua những biến động khó lường của giai đoạn hậu Covid-19. Điều này liên quan trực tiếp đến chính sách giá bán, giờ bay, chính sách ưu đãi kích cầu, các gói combo liên kết tại các điểm đến. Mặt khác, việc hợp tác cũng cần có định hướng mang tính chiến lược về mục tiêu phát triển bền vững trong kinh doanh cũng như trong việc duy trì, phát triển uy tín thương hiệu của các bên.

Saigontourist Group nói chung và Lữ hành Saigontourist nói riêng luôn đặc biệt chú trọng triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá tại các thị trường trọng điểm trong nước và các thị trường nguồn trên toàn cầu. Các phân khúc thị trường này luôn được khảo sát, đánh giá hằng năm để kịp thời điều chỉnh cũng như đầu tư mở rộng, phát triển các thị trường mới. Hằng năm, Saigontourist tham gia khoảng 30 hoạt động xúc tiến trong và ngoài nước, gồm các hội chợ, sự kiện, hội nghị, roadshow tại các thị trường du lịch trọng điểm như Mỹ, châu Âu, Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Philippines,…

Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban Thư ký TAB

Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban Thư ký TAB

“Vấn đề hợp tác giữa hai hàng không - du lịch cần được xem xét không chỉ ở mức độ cùng quảng bá, đưa ra các gói khuyến mại mà còn cả quá trình xây dựng kế hoạch tổng thể, phân kỳ để có tác động dài lâu. Cần có diễn đàn trao đổi về điểm mạnh, điểm yếu của mỗi bên, những hành động cấp bách hỗ trợ bảo đảm nhiều bên cùng có lợi, gồm doanh nghiệp hàng không-du lịch, điểm đến, chính quyền và người dân địa phương,…”.
Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban Thư ký TAB

Hợp tác giữa hàng không-du lịch được đặt ra cấp thiết, song thực tế, hàng không và du lịch không phải một pháp nhân, một tổ chức, giữa các doanh nghiệp trong ngành luôn có sự cạnh tranh gay gắt, việc ngồi lại với nhau để thống nhất một vấn đề là rất khó khăn. Đại diện một doanh nghiệp du lịch nhìn nhận, trên thực tế, nhiều liên kết phát triển giữa các đơn vị của hai ngành đã bị phá vỡ bởi sự xung đột quyền lợi trong nội bộ, hoặc sự xuất hiện của bên thứ ba. Nhiều chương trình không thể triển khai được do lo ngại nguy cơ một số doanh nghiệp khác trong ngành tuy không tham gia nhưng lại được hưởng lợi. Do đó, trước khi tìm giải pháp tăng cường liên kết, hợp tác giữa hai ngành, cần có giải pháp, cơ chế để kiểm soát trong chính nội bộ ngành và điều này rất cần vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành và các tổ chức xã hội-nghề nghiệp,...

Trong các sự kiện quảng bá hằng năm, hơn 50% được triển khai trên cơ sở hợp tác cùng các hãng hàng không. Điều này bảo đảm sự cam kết từ hai phía về duy trì đường bay, tần suất chuyến bay và các gói sản phẩm landtour phù hợp nhất theo nhu cầu của khách hàng. Trong những năm qua, việc Saigontourist và Vietnam Airlines cùng xuất hiện trong các nội dung xúc tiến, quảng bá cũng đã mang lại những giá trị cộng hưởng cao về uy tín, giá trị thương hiệu, gia tăng lợi ích cho khách hàng và tăng nhận diện thương hiệu của du lịch Việt Nam trên bản đồ thế giới.

Thị trấn Hoàng hôn - Sunset Town (Phú Quốc).

Thị trấn Hoàng hôn - Sunset Town (Phú Quốc).

Việc xác định đúng các thị trường xúc tiến ở nước ngoài cũng như các phân khúc thị trường trong nước đòi hỏi có sự liên kết-chia sẻ và nhất quán giữa du lịch và hàng không, bởi sự cam kết về đường bay và tần suất bay có vai trò quan trọng trong chiến lược đầu tư xây dựng sản phẩm và chiến lược quảng bá điểm đến của doanh nghiệp du lịch.
Ông Nguyễn Hữu Y Yên, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist

Ở góc nhìn của một người vừa sở hữu một hãng hàng không, vừa điều hành một doanh nghiệp du lịch, Chủ tịch Tập đoàn Du lịch – Hàng không Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ nhận định: Việc liên kết chặt chẽ giữa địa phương, du lịch và hàng không sẽ không chỉ giúp tăng cường khả năng tiếp cận của du khách đến các điểm đến, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng một hệ sinh thái du lịch bền vững.

Đầu tiên, liên kết giữa các địa phương đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển du lịch. Du lịch ở mỗi địa phương muốn phát triển cần phải tiếp thu và chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường quan hệ hợp tác giữa các cơ quan quản lý nhà nước, cũng như các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Bằng cách hợp tác chặt chẽ, các địa phương có thể tận dụng tối đa tiềm năng du lịch của mình và tạo ra những trải nghiệm du lịch phong phú và đa dạng cho du khách.

Sun World Ba Na Hills - Lâu đài Mặt trăng.

Sun World Ba Na Hills - Lâu đài Mặt trăng.

Việc liên kết này có thể bao gồm chia sẻ tài nguyên du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch kết hợp giữa các địa phương, xây dựng hệ thống giao thông và hạ tầng du lịch kết nối, cũng như thúc đẩy các hoạt động quảng bá và tiếp thị chung. Hơn nữa, việc liên kết này cũng mở ra cơ hội cho việc phát triển du lịch bền vững, khi các địa phương có thể cùng nhau bảo tồn, bảo vệ tài nguyên tự nhiên và văn hóa, đồng thời phân phối lợi ích từ ngành du lịch một cách công bằng, bền vững cho cộng đồng địa phương.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Tập đoàn Du lịch – Hàng không Vietravel

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Tập đoàn Du lịch – Hàng không Vietravel

“Quan trọng hơn cả là sự phối hợp giữa du lịch và hàng không sao cho đạt mục tiêu hài hòa lợi ích các bên. Đây là mối quan hệ hai chiều, trong đó du lịch mang đến nguồn khách cho hàng không và hàng không tạo đà cho phát triển du lịch”.

Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hàng không Vietjet Đỗ Xuân Quang cũng bày tỏ, cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa hai ngành hàng không – du lịch để tạo mối quan hệ tác động hai chiều và thúc đẩy lẫn nhau cùng phát triển. Ông Quang kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành tiếp tục thúc đẩy các đàm phán các hiệp định song phương, đa phương với các quốc gia để có các chính sách thuận lợi hơn về thị thực (visa), cấp e-visa thuận tiện hơn, hỗ trợ các hoạt động mở đường bay mới thúc đẩy nhu cầu của người dân, du khách.

Các cơ quan quản lý Nhà nước cần xây dựng các chương trình quảng bá du lịch Việt Nam ở tầm quốc gia; hỗ trợ các sáng kiến phát triển du lịch phát triển bền vững. Việc hợp tác, liên kết giữa các bên không nên chỉ dừng lại ở sự kết hợp mang tính thời điểm giữa các doanh nghiệp hàng không - du lịch, mà cần những cái “bắt tay” lâu dài, trên cơ sở đồng hành, cùng chia sẻ lợi ích chung. Sự hỗ trợ của Chính phủ, các cơ quan quản lý, các địa phương trong quá trình xây dựng và phát triển các gói sản phẩm, chương trình du lịch đặc sắc, mang những giá trị văn hoá, đặc sắc riêng sẽ góp phần phát triển bền vững cho cả hai ngành.

Ông Đỗ Xuân Quang

Ông Đỗ Xuân Quang

Ngay sau khi du lịch Việt Nam mở cửa trở lại, Vietjet đã nhanh chóng khôi phục mạng bay, mở thêm các đường bay đến Ấn Độ, Kazakhstan, Australia,… đưa vào khai thác tàu bay thân rộng A330 mới cùng hạng vé Business với những ưu điểm vượt trội, phục vụ khách hàng trên các đường bay mới. Vietjet tiên phong phát triển thị trường mới Ấn Độ 1,4 tỷ dân, đưa đoàn tỷ phú Ấn Độ 700 người tới Phú Quốc trong 7 ngày, giúp du khách Ấn Độ biết tới Việt Nam. Trong bối cảnh còn nhiều thách thức, doanh nghiệp mong muốn Chính phủ tiếp tục hỗ trợ về thuế môi trường đối với xăng dầu, giảm phí cho các đường bay quốc tế mới, ngành ngân hàng giảm lãi suất cho hàng không, khách sạn, du lịch,...”
Ông Đỗ Xuân Quang, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hàng không Vietjet

Hiện tại, việc hợp tác hàng không-du lịch chủ yếu do các đơn vị, địa phương tự bắt tay liên kết, tuy nhiên hợp tác này hầu hết ở quy mô nhỏ, đa phần mang tính sự vụ, hiệu quả mang lại rất hạn chế do chưa có cơ chế phối hợp, hợp tác ở quy mô quốc gia để thực hiện việc điều phối giữa các cơ quan, đơn vị, tổ chức của 2 ngành. Công tác xúc tiến du lịch ở thị trường trong và ngoài nước cũng chưa đạt mục tiêu do chưa được triển khai theo kế hoạch tổng thể tầm quốc gia, còn mang tính tự phát, thiếu chiến lược cụ thể, dài hạn.

Vấn đề cấp bách được đặt ra hiện nay là xây dựng chiến lược hợp tác, liên kết hàng không – du lịch một cách tổng thể, dài hạn và chi tiết. Hiện nay, khách du lịch là nguồn khách chính trên thị trường hàng không Việt Nam, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam cũng chủ yếu bằng đường hàng không. Do đó, ngành du lịch phát triển thì hàng không mới phát triển và ngược lại.

Các chuyên gia kinh tế và hàng không kiến nghị, cần thiết thành lập một cơ quan chuyên trách hoặc bổ sung nhiệm vụ điều phối liên kết giữa hàng không – du lịch cho Cục Du lịch quốc gia, nhằm giúp cho hoạt động xúc tiến thương mại, liên kết giữa hàng không – du lịch trở nên tích cực và hiệu quả hơn. Đồng thời, xem xét thành lập tổ chức chuyên nghiệp về xúc tiến phát động điểm đến Việt Nam với kế hoạch dài hạn, có trọng điểm. Ngoài việc tăng ngân sách từ Chính phủ cho hoạt động này, Chính phủ có thể yêu cầu sự tham gia đóng góp của các bên có liên quan như các hãng hàng không, các công ty du lịch, các cơ sở lưu trú,…

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý tiếp tục nới lỏng hơn nữa chính sách về xuất nhập cảnh, bổ sung thêm các nước được miễn thị thực nhập cảnh, nhất là các thị trường lớn nhiều tiềm năng như Mỹ, Australia, Ấn Độ, Trung Quốc,… Trong bối cảnh các chi phí đầu vào tăng cao, để tạo điều kiện cho các hãng hàng không giảm mặt bằng giá vé, kích cầu du lịch, các doanh nghiệp hàng không kiến nghị Chính phủ tiếp tục chương trình hỗ trợ các hãng hàng không như giảm thuế bảo vệ môi trường nhiên liệu bay, thuế nhập khẩu nhiên liệu bay, phí hạ-cất cánh,...

Việt Nam xác định chiến lược phát triển du lịch thành ngành mũi nhọn vào năm 2030. Với lợi thế lớn về thiên nhiên đẹp và đa dạng (biển, núi, rừng), lợi thế về nền ẩm thực đa dạng, hấp dẫn cùng bề dày lịch sử, nước ta còn nhiều cơ hội để phát triển du lịch nhanh và mạnh hơn nữa trong thời gian tới. Bên cạnh đó, sự phát triển kinh tế và ổn định chính trị cùng các chính sách của Chính phủ như nâng thời hạn thị thực lên 45 ngày với 13 quốc gia,… thị trường hàng không và du lịch chắc chắn sẽ sớm khôi phục trở lại và phát huy tối đa tiềm năng vốn có.

Ngày xuất bản: 12/6/2024
Nội dung: Nhóm phóng viên kinh tế
Trình bày: Hạnh Vũ