Cũng không phải ngẫu nhiên khi Nguyễn Trương Quý thường hẹn gặp và trò chuyện với bạn bè văn nghệ ở góc cà phê Bùi Thị Xuân – Tô Hiến Thành. Số nhà bên cạnh, 124 Bùi Thị Xuân, xưa là 124 Duvigneau - cư xá sinh viên Nam kỳ, nơi Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ và Nguyễn Thành Nguyên (3 nhân vật trong tác phẩm “Thời thanh xuân của tân nhạc ái quốc”) tá túc trong những ngày đầu bỡ ngỡ ra Hà Nội học - một đoạn đường chứa đựng nhiều ký ức của Hà Nội. Và câu chuyện ngày cuối năm của chúng tôi, cũng bắt đầu từ những “vi lịch sử” đó, những con đường, những số phận người....

Phóng viên: Lần này anh sẽ chia sẻ với độc giả những bí mật gì về Hà Nội?

Nhà văn Trương Quý: Hai cuốn sách lần này khác nhau về đặc điểm thể loại và cách tiếp cận nhưng vẫn chung một vấn đề là sự vận động của những cá nhân và cộng đồng trong lòng đô thị. Sự vận động này rất quan trọng, nó cho thấy một đô thị phát triển và đi lên. Thời xưa, các cụ tự biết thích ứng với thời đại và biến cố như thế nào bằng phương tiện giao thông đi lại. Cuốn sách cũng nói đến sự chuyển động trong cả tư duy của họ nữa. Mảnh đất này chứng kiến sự thay đổi đó, con người ta định hình ra căn tính của mình từ những biến động đó.

Cuốn “Triệu dấu chân qua cửa ô” rất rõ về concept rồi, một mặt đó là những cuộc đi lại giữa lòng thành phố cũ, giới hạn là các cửa ô, dấu hiệu có tính chất đóng khung lại một không gian đô thị và cửa ô trong tâm trí, họ đi lại sinh sống thế nào, tạo ra văn hóa sống trong lòng thành phố ra sao.

Có những chuyến đi của những nhân vật như Nguyễn Tuân, Nguyễn Triệu Luật, những chuyến đi ngược chiều về quá khứ để tìm lại chiến tích xưa, những giá trị đạo đức nền tảng cũ để đối thoại với thời đại mới trong cơn lốc Tây hóa. Mặt khác, cũng có những chuyến đi tìm con đường cách mạng như nhạc sĩ Văn Cao, hay những người khác  tìm đến văn hóa, dùng văn hóa làm vũ khí. 

Còn “Thời thanh xuân của tân nhạc ái quốc” dựng lại câu chuyện về Hà Nội, và rộng hơn, về Việt Nam trong cuộc phục hưng của chủ nghĩa dân tộc hiện đại vào những năm 40 của thế kỉ trước. Tân nhạc đã ra đời gắn với Ban âm nhạc trong những tổ chức của học sinh, sinh viên (Tổng hội sinh viên Đại học Đông Dương), những nhóm âm nhạc (Myosotis, Tricéa và đặc biệt Đồng Vọng), đồng thời được những nhóm phái văn nghệ sĩ như Tự lực văn đoàn yểm trợ.

Tân nhạc vừa là một loại hình giải trí có sức hấp dẫn thanh niên nhưng đồng thời cũng nhanh chóng được sử dụng như một cách thức thể hiện những tuyên ngôn của các nhóm phái, chuyển tải những thông điệp chính trị, lịch sử, xã hội và đồng thời cũng tham dự vào những nghi thức để kiến tạo nên những sinh hoạt xã hội hiện đại có sức lan tỏa và tập hợp lớn.

Phóng viên: Anh viết khá nhiều sách về Hà Nội, điều gì ở Hà Nội hấp dẫn anh đến thế?

Nhà văn Trương Quý: Tôi vẫn nói rằng, Hà Nội là một “chiến địa” văn hóa, “giao tranh” với nhau, giao tranh về mặt tinh thần và mặt khác giao tranh thực sự về mặt vị trí. Có một giai đoạn Hà Nội thành một đô thị quốc tế, có nhiều luồng văn hóa đã du nhập và trao đổi ở đây. Hà Nội cũng là nơi có trường đại học duy nhất của xứ Đông Dương, tập trung giới tinh hoa, tri thức, báo chí, các tòa soạn, ấn phẩm xuất bản nhiều...

Hà Nội có rất nhiều trầm tích, mỗi góc phố, mỗi ngôi nhà đều có khả năng liên quan đến một diễn biến lịch sử, một câu chuyện nào đó.

- Nhà văn TRƯƠNG QUÝ -

Trước đây, tôi đã viết nhiều câu chuyện vui vui về Hà Nội vì tôi sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này và càng ngày càng thấy, những câu chuyện vui cũng bắt nguồn từ văn hóa, kinh tế, chính trị xã hội, lịch sử. Tôi muốn đi sâu hơn để tìm cơ chế tạo ra tính chất quy tâm của Hà Nội từ những câu chuyện đó. Ở đây có nhiều con người, trí thức, không chỉ người Hà Nội mà từ tứ xứ, nam, bắc...

Hà Nội có rất nhiều trầm tích, mỗi góc phố, mỗi ngôi nhà đều có khả năng liên quan đến một diễn biến lịch sử, một câu chuyện nào đó như số nhà 124 Bùi Thị Xuân là chỗ trọ học của nhiều học sinh Nam Kỳ, và ở đối diện bên kia là 60 Tô Hiến Thành, nơi ra đời nhiều bài hát nổi tiếng như “Bạch Đằng Giang”, “Tiếng gọi sinh viên”...

Một buổi sáng 1/1 Tết Dương lịch năm 1943, 3 ông sinh viên Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ và Nguyễn Thành Nguyên đang ngủ, ông Trần Văn Khê từ 88 phố Ngô Thì Nhậm đi bộ sang rủ 3 bạn đi ăn Tết thì có 1 cô nữ sinh trường Đồng Khánh gõ cửa, bảo: “Cho em gặp nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. Chúng em muốn làm một vở nhạc kịch mà nhà thơ Thế Lữ bảo phải nhờ nhạc sĩ phổ nhạc mới diễn được, vở “Tục Lụy” của Khái Hưng”. Lưu Hữu Phước ngần ngừ vì chưa làm nhạc kịch bao giờ nhưng vẫn nhận lời, vở kịch công diễn vào 23/1 năm đó và rất thành công.

Hay câu chuyện giáo dục của Hà Nội xưa cũng rất thú vị, nó cung cấp cho con người ta kỹ năng hoạt động, tổ chức, tập hợp lực lượng rất tốt dù các ông chưa tốt nghiệp đại học. Tôi ngạc nhiên, tò mò tự hỏi, cơ chế nào tạo ra những con người như thế, các cụ ngày xưa mới 20 tuổi mà làm được nhiều việc quá, tâm thế táo bạo, mạnh mẽ, quyết liệt, sống trong xã hội thuộc địa nhưng giáo dục của người Pháp cho họ quyền tự do về mặt biểu đạt.

Nước Việt hiện đại được khắc họa trong thế kỷ 20, một phần nhờ những con người như thế. Nó tạo dựng nên không gian văn hóa tinh thần của một đô thị.

Phóng viên: Tất cả những cuốn sách khảo cứu của anh về Hà Nội đều lấy mốc 100 năm. Vì sao anh lại chọn mốc thời gian này?

Nhà văn Trương Quý: 100 năm là một quá trình hình thành nên đô thị hiện đại. Lúc đó chúng ta  có trào lưu văn hóa Tự lực văn đoàn, thơ mới... Tiểu thuyết Tố Tâm viết năm 1922, xuất bản năm 1925. Và năm 1920 cũng là lúc một thế hệ nhạc sĩ ra đời, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước sinh năm 1921, nhạc sĩ Văn Cao sinh năm 1923. Họ là những người có vai trò tạo ra một bức tranhvăn hóa, một không gian âm quyển của đất nước nói chung và Hà Nội nói riêng.

Chọn mốc 100 năm, tôi cũng có cơ hội tiếp cận tài liệu dễ hơn, báo chí hiện đại dễ đọc, dễ giải mã hơn. Và điều quan trọng nữa là không gian văn hóa thời điểm đó khá thú vị, nó thu hút và không dễ cắt nghĩa. Nó còn là một khoảng trống trong các nghiên cứu về văn hóa Việt.

Phóng viên: Vậy theo anh, những giá trị cốt lõi làm nên văn hóa Hà Nội đó là những huyền thoại về những con người, những “vi lịch sử” mà anh đang đi tìm kiếm, nghiên cứu. Nó biến chuyển qua thời gian như thế nào?

Nhà văn Trương Quý: Có giai đoạn đô thị Hà Nội bị đứt gãy do chiến tranh, nhưng bên trong nó vẫn có một sức sống âm ỉ. Xã hội Việt lúc đó còn dấu vết của làng xã, giáo dục phong kiến. Trong cuốn khảo cứu “Thời thanh xuân của Tân nhạc ái quốc” chúng ta thấy, các cụ dùng nhiều tích cổ để biểu đạt truyền thống nên các bài hát mang nhiều màu sắc cổ xưa. Tôi đi tìm câu trả lời cho những huyền thoại đó, trước hết để giải mã cho chính mình và sau đó, soi chiếu vào hiện tại, bây giờ cơ chế tạo ra những huyền thoại vẫn như thế mà kết quả có như xưa không. Ngày xưa của các cụ rất khác, 20 tuổi họ làm việc, cống hiến với tâm thế khẳng định cái tôi, bản ngã và trách nhiệm với cộng đồng.

Như nhạc sĩ Văn Cao khi được đặt hàng viết một bài hát cho một đội quân cách mạng, ông không có thực tế. Lúc đó Hà Nội đang nạn đói, tranh Văn Cao vẽ không bán được. Ông đã tưởng tượng để viết nên bài “Tiến quân ca”.

Hay Lưu Hữu Phước viết bài “Lên đàng” thấy chưa ổn, khi nhờ bọn trẻ con bán hàng rong hát thử, hát mãi cứ chệch khỏi nhịp theo một kiểu khác. Ông nhận ra, hát như thế mới hợp và ông sửa theo nhịp đó. Hà Nội có muôn vàn câu chuyện như thế, một thời đầy hào khí.

Những huyền thoại được làm nên từ những câu chuyện, những nhân vật trong quá khứ nhưng để tôn vinh, bảo vệ và phát triển những giá trị đó như thế nào lại là một câu chuyện khác.

Phóng viên: Sự khác đó có vẻ đã và đang làm biến dạng đô thị?

Nhà văn Trương Quý: Chúng ta phải phân định rõ, cái gì tạo ra hành trang, di sản cho đô thị và mục đích của chúng ta là gì. Nếu xuất phát từ câu chuyện văn hóa sẽ khác, từ mục đích kinh tế cũng sẽ khác, chúng ta nên xác định ưu tiên cái gì trước. Xã hội Việt những năm đầu thế kỷ 20 bắt đầu tiếp cận luồng gió mới, tư tưởng khai sáng, các cụ bắt đầu có ý thức tự mình tạo ra sản phẩm của mình thay vì học vẹt, nó kích thích việc tạo ra những giá trị riêng.

Rồi tiếp đó là xu hướng tìm những cái cũ và tôn vinh cái cũ. Nhưng có giai đoạn, xã hội ta chỉ chú trọng tạo ra cái mới, coi việc tìm lại giá trị cũ là trì trệ, lạc hậu, bảo thủ, không tiến bộ. Qua thời gian chúng ta thấy rõ, việc bảo tồn cái cũ và tạo ra cái mới phải cân bằng.

Chúng ta không phản đối làm mới mà làm mới phải dựa trên nguyên tắc thẩm mỹ nào đó. Như việc chúng ta mở đường mà không khảo sát quy mô dân số, nhiều khi đập đi hết những ngôi nhà cổ, những di tích nằm trên con đường đó, thay bằng những cái mới nhạt nhòa.

Không phủ nhận diện mạo của đô thị hiện đại, tiện nghi, tiện ích hơn nhưng để tạo ra sự liên kết với cái cũ và tái tạo năng lượng để phụng sự đời sống cần kỹ lưỡng hơn. Tôi vừa đến những nước có di sản hàng nghìn năm, họ giữ được và thu hút du lịch, rất hấp dẫn.

Di sản nếu biết khai thác sẽ tạo ra kinh tế. Ngày nay, sức ép của công nghệ và tiêu dùng bóp méo cả cách con người giao tiếp với nhau, ngồi bên nhau ai cũng cầm điện thọai mà thiếu đi một cơ chế giao tiếp đối thoại. Tôi chọn tân nhạc để kết nối văn hóa, cho thấy quy trình giao tiếp giữa con người với nhau ngày xưa rất phong phú.

Phóng viên: Tôi muốn hỏi một điều hơi riêng tư, điều gì thôi thúc anh cầm bút khi anh học kiến trúc và mê hội họa?

Nhà văn Trương Quý: Từ lúc bé tôi đã đọc và vẽ rồi. Tôi không phải tạng có một năng lượng chữ nghĩa bản năng, mình phải tự học, tự đào tạo. Thế nên tôi ghen tị với những người có năng lượng chữ nghĩa bẩm sinh. Nhưng viết để làm sao không chán mình đó là một vấn đề lớn vì càng lớn tôi hay chán vì nhìn rõ những giới hạn, khắt khe với chính mình.

Tôi sẽ tạm dừng khảo cứu một thời gian để tập trung năng lượng cho việc sáng tác, có thể là một tập truyện ngắn, một triển lãm tranh nho nhỏ trong năm tới.

Phóng viên: Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh.

Tổ chức thực hiện: HỒNG MINH
Nội dung: BẢO LINH
Trình bày: SONG ANH