Cơ cấu tổ chức của ASEAN phát triển như thế nào?
Khi ASEAN ra đời năm 1967, Hiệp hội chưa có một nguyên tắc hoạt động cụ thể bởi Tuyên bố Bangkok (1967) là một tuyên bố chính trị sơ khai, có nội dung đơn giản, không ràng buộc về mặt pháp lý, không đưa ra những nguyên tắc hay khung thể chế hợp tác khu vực.
Khi Tuyên bố về Khu vực Hòa bình, Tự do và Trung lập (ZOPFAN), Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không vũ khí hạt nhân (SEANWFZ) và đặc biệt là Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) ra đời, ASEAN mới xây dựng được các nguyên tắc định hướng hợp tác khu vực, được xem như những chuẩn mực ứng xử giữa các quốc gia trong khu vực và với bên ngoài như: Tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, toàn vẹn lãnh thổ và bản sắc của tất cả các dân tộc, quyền dân tộc tự quyết; không can thiệp công việc nội bộ của nhau; giải quyết bất đồng trên cơ sở thương lượng hòa bình; không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực.
Các văn bản như Quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP), Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Quy tắc Hướng dẫn thực thi DOC và hướng tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) có tính ràng buộc pháp lý đối với các bên ở biển Đông là những công cụ quan trọng tạo nền tảng về chuẩn mực ứng xử, điều chỉnh quan hệ của ASEAN với các nước tại khu vực.
Trước khi Hiến chương ASEAN ra đời năm 2007, ASEAN đã hoạt động theo phương cách ASEAN, một tập hợp các nguyên tắc ứng xử, chú trọng xây dựng lòng tin với cách tiếp cận riêng của ASEAN, dựa trên truyền thống văn hóa ở khu vực Đông Nam Á trong việc giải quyết các vấn đề của khu vực và duy trì quan hệ giữa các nước thành viên.
Bước vào giai đoạn phát triển mới, bên cạnh việc tiếp tục ghi nhận phương cách ASEAN, Hiệp hội đã điều chỉnh một số phương cách hoạt động phù hợp với tình hình mới với sự ra đời của Hiến chương ASEAN, đúc kết và hệ thống hóa những mục tiêu, nguyên tắc và thỏa thuận đã có của ASEAN một cách thống nhất, cập nhật cho phù hợp với tình hình thực tế trên cơ sở đồng thuận.