CÓ MỘT THẾ GIỚI KHÁC

TRONG LÒNG HÀ NỘI

Chiếc cống vòm vẫn hun hút tối. Từ phía sâu bên trong, mùi rác nồng nặc xộc thẳng vào mũi người thợ đang mướt mải mồ hôi. Bỗng anh hốt hoảng, lóp ngóp bò vội ra ngoài, miệng thất thanh: “Rắn, có rắn dưới này. Mọi người cẩn thận!”.
 
Đối với những người công nhân cống ngầm, còn có một thế giới khác mà hiểm nguy luôn rình rập sâu bên trong lòng Hà Nội.

Thế giới rác… ngầm trong lòng Hà Nội

Đúng 7 giờ sáng, đường Phan Trọng Tuệ (Thanh Trì, Hà Nội) đã nóng như rang. Nắng cuối hè hầm hập làm sạm đen cả mặt người. Đợi chừng 15 phút để các loại khí độc tích tụ phía dưới loãng dần đi, ông Đỗ Văn Công – người công nhân với 33 năm làm nghề “dọn rác dưới đất” mới vuốt mồ hôi đầm đìa trên trán, mặc bộ quần áo bảo hộ bằng cao su nặng trịch rồi vịn tay vào chiếc cọc sắt gỉ sét, thả người xuống dưới mương. Dòng nước đen sì bắn lên tung tóe.

“Ai cũng nghĩ cống là để thoát nước, nhưng cống ở Hà Nội thì không phải như thế. Đó là một cái túi chứa rác khổng lồ và khủng khiếp”, vừa khom mình chui sâu vào bên trong, người thợ 55 tuổi kể.

Để minh chứng, ông sục sâu chiếc xẻng xuống đáy bùn mềm nhũn. Theo đám bọt sủi trắng xóa như nước sôi, đủ thứ rác rến được móc lên: Từ kim tiêm, vỏ bao cao su, chai nhựa, bao nilon… Tất cả đều đen đúa và đặc quánh mùi hôi thối.

Dưới lòng Hà Nội là cả một thế giới của rác... (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Dưới lòng Hà Nội là cả một thế giới của rác... (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Lúc này, ngay phía sau ông, nhóm phóng viên cũng đã nai nịt kín người, bì bõm lội để tận mục sở thị một thế giới khác ngay giữa lòng Hà Nội. Rác dày cộm lềnh bềnh tứ bề bủa vây. Bùn phía dưới đáy lún đến tận đầu gối khiến tất cả phải vừa đi, vừa dò dẫm. Mùi thum thủm của rác ngâm nước lâu ngày, mùi ngái nồng của mỡ thải… bốc lên thành luồng, xộc thẳng vào mũi khiến chúng tôi váng vất.

Sau nửa giờ cật lực múc, đường vào phía trong mới tạm được khơi thông. Ông Công khom người, bắt đầu nửa ngồi, nửa bò tiến vào. Phía trên, tấm ván bê tông bắc ngang miệng mương ngầm đã nóng ran vì nắng. Bên dưới, không khí cũng trở nên hầm hập và đặc quánh hơn bao giờ hết.

“Cực nhất là những ngày nắng như thế này. Nhiệt độ bên dưới cống có khi lên tới 48-50 độ C. Mang tiếng là lội nước mà người luôn ướt sũng mồ hôi. Nhưng nếu không chui vào trong, dòng chảy sẽ không thể được khơi thông. Nguy cơ tắc sẽ rất lớn”, ông Công giải thích.

Nói đoạn, ông chỉ tay về phía trước cho chúng tôi thấy một ống cáp viễn thông hạ ngầm đang võng hẳn xuống mặt nước. Rác thải sinh hoạt, xà gồ, lá cây… đã mắc kín lại, cản trở toàn bộ hệ thống thoát. Tứ phía rong rêu ẩm ướt. Từng đàn gián, côn trùng thấy bóng người chạy ngược vào các khe hở, tiếng chuột kêu chút chít, tiếng nước thải rả rích nhỏ giọt xuống đầu chúng tôi…

Chống chiếc xẻng làm điểm tựa, người thợ hơn 30 năm trong nghề khó nhọc tiến về phía trước dùng tay bốc từng bó rác lớn rồi chuyển ra bên ngoài cho 3 đồng nghiệp trẻ hơn đã chờ sẵn. Chỉ gần hai giờ đồng hồ, chiếc xe chuyên dụng của Xí nghiệp thoát nước số 5 đã đầy tràn.

"Không biết từ bao giờ, nhiều người lại xem lòng cống là thùng rác đa năng để vứt đủ mọi loại phế phẩm xuống, không cần quan tâm đến hậu quả", ông Công thở dài.

Ông bảo: Nhiều người dân để rác ngay trên miệng cống. Có người tiện tay sẵn sàng ném cả bọc túi bóng bọc đồ ăn lên vỉa hè. Theo mưa, tất cả bị cuốn xuống đất và… nhập tịch thành “công dân” của thế giới ngầm dưới lòng Hà Nội.

 

Đúng 7 giờ sáng, công việc của các thợ cống ngầm chính thức bắt đầu. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Đúng 7 giờ sáng, công việc của các thợ cống ngầm chính thức bắt đầu. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Phóng viên Báo Nhân Dân chui cống cùng công nhân. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Phóng viên Báo Nhân Dân chui cống cùng công nhân. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Ông Công xục sâu chiếc xẻng xuống đáy bùn. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Ông Công xục sâu chiếc xẻng xuống đáy bùn. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Rác, bùn được vớt lên (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Rác, bùn được vớt lên (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Cứ thế, chỉ gần 2 giờ đồng hồ là chiếc xe chuyên dụng của Xí nghiệp thoát nước số 5 đã đầy tràn. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Cứ thế, chỉ gần 2 giờ đồng hồ là chiếc xe chuyên dụng của Xí nghiệp thoát nước số 5 đã đầy tràn. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Vất vả, hiểm nguy bủa vây

Làm công nhân cống ngầm, vất vả, khó khăn là những điều mà ông Công luôn phải đối mặt. 

Ngồi thừ người bên miệng cống vòm khu vực Tân Triều (Thanh Trì, Hà Nội), vừa uống một hơi cạn ly trà đá, ông Công vừa kể lại: Thông thường, công việc của đội bắt đầu từ 7 giờ sáng. Tới địa điểm cần nạo vét, duy tu, nắp cống sẽ được mở ra trong khoảng 30 phút cho hơi độc bên trong loãng bớt. Sau khi kiểm tra mực nước, đánh giá nồng độ ô xy, một người sẽ trực tiếp chui xuống phía dưới để tiến hành múc rác.

“Ngày đầu tiên làm việc ở dưới độ sâu vài mét, tôi run lắm. Không gian mù mịt, không nhìn thấy gì rõ cả. Vừa cầm gầu xục bùn, tôi vừa sợ vì chẳng biết phía dưới mình có những gì”, ông Công nhớ lại trải nghiệm ngày mới chập chững vào nghề. 

Vào thời điểm những năm 1990 này, toàn bộ việc nạo vét đều được thực hiện thủ công mà không hề có quần áo bảo hộ. Cánh thợ già cởi trần, mặc quần đùi, tay cầm xẻng và xô cứ thế lao ùm xuống dưới. 

Cựu thợ cống Hoàng Văn Nhưng (nguyên công nhân cống ngầm – Xí nghiệp thoát nước số 2, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thoát nước Hà Nội) nhớ lại: “Giai đoạn đó, chúng tôi ngán nhất cảnh “chân trần lội nước”. Ai cũng sợ chạm phải kim tiêm, đinh tán hay mảnh sành chìm nổi dưới bùn. Nhẹ thì xước tay chân, nặng thì uốn ván, nhiễm trùng, về nhà sốt liền mấy ngày không dứt”. 

Đôi bàn tay chai sạn, đầy vết sẹo của những người thợ ống cống. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Đôi bàn tay chai sạn, đầy vết sẹo của những người thợ ống cống. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Cũng chính bởi vậy, đặc điểm dễ nhận ra của người công nhân cống ngầm là đôi bàn tay sứt sẹo, dọc ngang những vết đâm, vết cứa đã chai sần theo năm tháng. 

Bên cạnh đó, trong giai đoạn đầu, khi đi làm, do không có đèn đội đầu nên mặc dù đã mở thông hai đầu cống nhưng trước mặt luôn tối thui. Anh em chỉ mò mẫm, định vị bằng những tiếng í ới gọi nhau. Chuyện… nuốt nhầm nước cống cũng không quá hiếm khi người thợ thường gặp những đoạn bùn lún sâu, người thợ hụt chân, vấp ngã. 

Thấy chúng tôi ngạc nhiên, ông Công cười giòn tan rồi hỏi: “Đố các anh biết, nước cống có vị gì? Với chúng tôi, nước cống có vị mặn của sự dơ dáy, vị tanh nồng của mỡ thải. Vất vả thế đấy, nhưng nếu mình không làm thì ai sẽ làm sạch cho thành phố đây!”. 

Xen vào câu chuyện dang dở, Trịnh Minh Hải, một thợ cống ngầm thuộc Xí nghiệp thoát nước số 5 với 5 năm làm nghề chia sẻ: Ở thế giới ngầm, rác cũng có bản đồ phân bố riêng. Nếu như khu Khâm Thiên, bên dưới cống rất nhiều dầu ăn nổi váng thành từng lớp dày cộng như bèo tây lâu ngày chết lưu thì ra tới Văn Chương sẽ là thế giới của túi nilon, lư hương và xà gồ. Mạn mương Phan Trọng Tuệ thì có đặc sản là bùn dày cả mét, sẵn sàng “mút chặt” chân người mỗi khi lội xuống. 

Đáng sợ nhất phải kể đến khu vực cống vòm tại khu vực các khu tạm cư, khi phân tươi được đổ thẳng xuống không thông qua bể phốt. Cánh thợ trẻ không quen lội xuống đều tái mặt, nôn khan cả ngày mà vẫn thấy ghê cổ. 

Mang nghiệp “công nhân cống ngầm”, những người như Hải quen dần với cái lạnh thấu da mỗi khi dầm mình xuống nước thải giữa tiết đại hàn hay cái nóng hầm hập như thiêu những ngày mùa hạ. Thế nhưng, chừng ấy vẫn chưa đáng sợ bằng những hiểm nguy không tên luôn chực chờ bủa vây. 

Minh Hải vẫn chưa thể quên lần chui cống “định mệnh” tại khu vực Tân Triều. Theo thông lệ, bữa ấy, anh cùng đồng nghiệp sau khi chờ khí độc tan ra thì bắt đầu nai nịt tụt xuống lỗ tròn hun hút phía dưới. Sau vài gầu múc, tay Hải bỗng chạm vào một vật trơn tuột, tròn lẳn. Linh tính mách bảo, anh rụt vội tay lại thì nghe thấy tiếng “Phì, phì” giận dữ. Cách Hải chừng nửa sải tay, một con rắn lớn đang ngóc đầu dậy. 

“Lúc ấy, hoảng quá, tôi chỉ biết leo vội lên trên. Ngồi ở vỉa hè giữa trời nắng mà người lạnh toát”, Hải nhớ lại.

Cánh thợ già như ông Công, ông Nhưng thì lại lo lắng khi làm việc ở các đường thoát nước có thông với hồ điều hòa. Do nhận nước trực tiếp từ “túi chứa” khổng lồ, nên nếu không thận trọng, người thợ có thể bị dòng chảy cuốn băng đi trong lòng ống cống.

Môi trường độc hại, nguy cơ cao, nên những người làm công việc đặc biệt dưới lòng thành phố cũng phải đối mặt với tình trạng sụt giảm sức khỏe.

Gắn bó với ngành thoát nước Thủ đô trong hàng chục năm, hơn ai hết, ông Trịnh Ngọc Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội thấm thía nguy cơ này của anh em. Theo ông Sơn, giai đoạn trước kia, khi điều kiện vật chất chưa đầy đủ, người công nhân cống ngầm mắc các bệnh nan y khá phổ biến. Có những người chưa kịp lấy lương hưu thì đã ra đi. 

“Bản thân tôi cũng đã phải chia tay rất nhiều đàn anh trong ngành. Thế mới nói: Công nhân ngành này luôn ở trong cảnh sinh nghề tử nghiệp”, ông Sơn ngậm ngùi kể.

Không biết từ bao giờ, nhiều người lại xem lòng cống là thùng rác đa năng để vứt đủ mọi loại phế phẩm xuống, không cần quan tâm đến hậu quả.
Ông Đỗ Văn Công
Cực nhất là những ngày nắng như thế này. Nhiệt độ bên dưới cống có khi lên tới 48-50 độ C. Mang tiếng là lội nước mà người luôn ướt sũng mồ hôi. Nhưng nếu không chui vào trong, dòng chảy sẽ không thể được khơi thông. Nguy cơ tắc sẽ rất lớn.
Ông Đỗ Văn Công
Ai cũng nghĩ cống là để thoát nước, nhưng cống ở Hà Nội thì không phải như thế. Đó là một cái túi chứa rác khổng lồ và khủng khiếp.
Ông Đỗ Văn Công
Với chúng tôi, nước cống có vị mặn của sự dơ dáy, vị tanh nồng của mỡ thải. Vất vả thế đấy, nhưng nếu mình không làm thì ai sẽ làm sạch cho thành phố đây!
Ông Đỗ Văn Công

… Khi tình yêu nở hoa trong lòng cống

Vất vả, khó khăn là thế, nhưng tất cả những công nhân chúng tôi gặp vẫn vui tươi, yêu nghề và không hề tự ti với công việc đặc biệt của mình. Thậm chí, “chui cống ngầm” còn trở thành thứ nghề cha truyền, con nối. 

Theo thống kê chưa đầy đủ, tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thoát nước Hà Nội có rất nhiều gia đình có từ 2-3 thế hệ cùng làm việc dưới mặt đất. Đó là trường hợp của ông Hoàng Văn Nhưng, cựu công nhân xí nghiệp thoát nước số 2 và con gái là chị Hoàng Thị Thúy – công nhân Tổ cống ngang xí nghiệp thoát nước số 2. Đó là cha con anh Nguyễn Văn Đức – Nguyễn Minh Hải đều là “thợ cống ngầm” thuộc Xí nghiệp số 5. Hay trường hợp của ông Phạm Doanh Khoa - tổ trưởng tổ duy trì 5, Xí nghiệp thoát nước số 4 cũng có con gái nối bước cha làm đẹp cho đời.

Hạnh phúc hơn, nhiều người đã tìm thấy tình yêu của đời mình chính bởi cái nghề “độc nhất vô nhị” ấy. 

Năm 1994, chị Hoàng Thị Thúy xin vào làm công nhân tổ cống ngang thuộc Xí nghiệp thoát nước số 2. Tại đây, chị được bố trí cùng làm việc với anh Lê Văn Trường. Những ngày cùng nhau trực ngập, những bữa cơm ngay trên miệng cống ngày thường… dần dần trở thành chất xúc tác đặc biệt để hai anh chị cảm mến nhau. Ít lâu sau, họ quyết định về chung một nhà trong niềm hân hoan chung cả cả tổ thợ. Đến tận bây giờ, sau hơn 20 năm, ngày ngày họ vẫn chở nhau đến chỗ làm trên chiếc xe máy cũ, vẫn cùng nhau lao vào màn mưa mỗi khi Hà Nội ngập úng. 

Khẽ nhìn vợ mỉm cười, anh Trường bảo: Có lẽ niềm vui lớn nhất của anh là luôn có chị đồng hành trên mọi nẻo đường anh đi qua. 

Anh Lưu Ngọc Tưởng (Xí nghiệp thoát nước số 4) cũng cười như được mùa khi được hỏi về chuyện hạnh phúc cá nhân. Anh bảo: Vào công ty được 2 năm thì anh lập gia đình. Trước đó, trong lúc hẹn hò, anh luôn chủ động kể về công việc đặc biệt của mình cho bà xã tương lai nghe. 

“Bà xã của mình luôn hiểu và thông cảm cho công việc của chồng, không bao giờ chê bẩn hay có thái độ gì. Cô ấy luôn bảo: ‘Việc của anh là việc có ích nên anh cứ làm, không phải lo lắng gì hết”, Tưởng bộc bạch. 

Bà Trương Hải Yến, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội chia sẻ: Phía Công đoàn Công ty luôn đặc biệt quan tâm, chăm lo chế độ, từ việc thường xuyên thăm hỏi, động viên, chăm sóc, khám sức khỏe định kỳ đến chính sách về thu nhập để các công nhân cống ngầm yên tâm làm việc. 

Trong khi đó, ông Trịnh Ngọc Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cũng cho biết thêm: Trong số 2.000 cán bộ công nhân viên của công ty, công nhân chui cống ngầm là lực lượng vất vả và đối diện với môi trường độc hại bậc nhất. Để giảm bớt khó khăn, những năm gần đây, Công ty Thoát nước Hà Nội đã đầu tư trang thiết bị, đồ bảo hộ; đồng thời tăng cường các thiết bị cơ giới hóa để giảm dần các công đoạn thủ công. 

“Hiện nay, chúng tôi đã có 5-6 dây chuyền thay thế lao động thủ công để người lao động đỡ vất vả, giảm thiểu nguy cơ độc hại”, ông Sơn nhấn mạnh thêm.

Ngày xuất bản: 6/9/2022
Chỉ đạo: NGỌC THANH
Tổ chức: HỒNG VÂN
Nội dung: SƠN BÁCH
Ảnh: THÀNH ĐẠT
Trình bày: HẢI BÌNH