CON ĐƯỜNG ANH HÙNG CỦA NHỮNG CHIẾN SĨ ANH HÙNG

Trong những ngày tháng cả nước tưng bừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước, không thể không nhắc đến tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh đã bảo đảm cung cấp mọi điều kiện vật chất và nhân lực cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Ngày 31/3/1975, Bộ Chính trị họp nhận định: Thời cơ chiến lược để tiến hành tổng tiến công vào sào huyệt cuối cùng của địch đã chín muồi. Bộ Chính trị quyết định thành lập Bộ Chỉ huy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn- Gia Định lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh. Cùng với cả nước, Bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh quyết dồn hết tâm sức và mọi nguồn lực cho chiến dịch cuối cùng.

Cuốn “Lịch sử Đoàn 559 Bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh” (NXB Quân đội nhân dân, 1999, trang 605) cho biết, ngay sau khi kết thúc chiến dịch Tây Nguyên, thực hiện quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị: Giải phóng miền nam ngay trong năm 1975, chủ động thực hiện ý định của Bộ Tổng Tư lệnh, với sự nhạy cảm về diễn biến cục diện chiến trường, Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã chỉ thị cho các trung đoàn, tiểu đoàn công binh với đầy đủ khí tài, cấp tốc cơ động đến những điểm trọng yếu để bảo đảm cầu, đường vận chuyển vũ khí, đạn dược, quân, lương và binh khí kỹ thuật vượt các sông lớn ở miền trung cũng như bảo đảm đủ xăng, dầu cho chiến dịch qua tuyến đường ống Trường Sơn. Tất cả các sư đoàn, lữ đoàn, trung đoàn tham gia chiến dịch đều được bảo đảm đủ hai cơ số xăng, dầu.

Thời cơ chiến lược để tiến hành tổng tiến công vào sào huyệt cuối cùng của địch đã chín muồi.

Lúc này Bộ Tư lệnh Trường Sơn có tám sư đoàn, gồm: Hai sư đoàn ô-tô cơ động vận tải quân sự, bốn sư đoàn công binh, một sư đoàn phòng không, một sư đoàn bộ binh, một số trung đoàn trực thuộc và bốn đoàn thanh niên xung phong trên tuyến (Bộ Tư lệnh Trường Sơn - Những bước đi trong kháng chiến chống Mỹ, NXB Thanh niên, 2023, trang 421).

Trước khi nổ súng tổng công kích vào Sài Gòn, đường hành lang từ các cánh, các hướng đều thông suốt, đường vận chuyển chiến dịch và chiến lược đã được nối liền, có chất lượng tốt (Đại tướng Văn Tiến Dũng, Đại thắng Mùa Xuân, NXB Quân đội nhân dân, năm 1995, trang 219) và “đạn của ta đủ bắn để nó sợ tới ba đời” như lời của Trung tướng Đinh Đức Thiện báo cáo với Bí thư Trung ương Cục Phạm Hùng tại cuộc họp giữa Đoàn A.75 với Trung ương Cục và Quân ủy Miền ngày 7/4/1975 (sách đã dẫn, trang 190).

Theo kế hoạch, nhu cầu bảo đảm vật chất cho Chiến dịch Hồ Chí Minh là 60.000 tấn, gồm 3.000 tấn vũ khí (chủ yếu là đạn pháo), 8.000 tấn xăng, dầu, 21.000 tấn hàng quân nhu, 1.000 tấn thuốc và dụng cụ quân y, trong đó, tại các căn cứ hậu cần phía trước phải có đủ vật chất cho các cánh quân tiến công đồng loạt, cơ động thọc sâu và tác chiến liên tục từ 5 đến 7 ngày (Lịch sử Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam, tập 2 (1954-1975), NXB Quân đội nhân dân, 1999, trang 554). Cho đến những ngày cuối của Chiến dịch Hồ Chí Minh, hoạt động vận tải vẫn diễn ra quyết liệt với khối lượng lớn trang bị, vũ khí, đạn dược cho các mũi tiến công.

Sổ tay công tác của Anh hùng Lực lượng vũ trang, Trung tướng, Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn Đồng Sỹ Nguyên còn ghi lại những ngày cuối cùng của chiến dịch rất vắn tắt, chỉ với vài con số và ký hiệu riêng, thể hiện khí thế vô cùng khẩn trương trên mặt trận, ngày nay ta có thể hiểu được như sau:

Ngày 27/4/1975 khối lượng đạn dược cần vận chuyển gấp trong ngày cho chiến dịch gồm 7.600 viên đạn pháo 130 mm, 40.000 viên đạn pháo 105 mm, 300 viên 100 mm cho pháo tăng, 130 viên đạn cối 160 mm, 4.300 viên đạn pháo 85 mm, 10.000 viên đạn pháo D-74 122 mm, cao xạ 53 mm, 37 mm.

Ngày 28/4/1975 Sư đoàn vận tải ô-tô 571 bố trí 832 xe vận tải vận chuyển đạn pháo lớn để Quân đoàn 2 có thể bắn tấp cập vào Sân bay Tân Sơn Nhất hồi 9 giờ 30 phút ngày 29/4 và cơ động Quân đoàn 2 từ hướng đông đánh chiếm các cứ điểm quan trọng của địch và phát triển theo hướng Biên Hòa - Sài Gòn để sáng 30/4 tiến vào nội đô, phối hợp cùng các đơn vị bạn đưa bộ binh theo sát đội hình xe tăng của Lữ đoàn 203 đánh chiếm Dinh Độc Lập; ở hướng bắc Sư đoàn vận tải ô-tô 471 bố trí 1.200 xe bảo đảm cơ động Quân đoàn 1 đánh vào Sài Gòn, đánh chiếm Bộ Tổng Tham mưu; ở hướng tây bắc ba trung đoàn vận tải ô-tô 17, 32, 536 đã kịp thời cơ động Quân đoàn 3 đánh chiếm một số căn cứ của địch và nhanh chóng làm chủ Sân bay Tân Sơn Nhất;…

Lịch sử hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam ghi nhận (tập 2, trang 561), do quân ta tiến công mãnh liệt, thế mạnh như chẻ tre với lực lượng, phương tiện áp đảo, quân địch bị tiêu diệt và tan rã nhanh chóng nên lượng vật chất tiêu thụ trong chiến dịch chỉ hết 13.773 tấn, bằng 22,6% khối lượng dự trữ.

Nhu cầu bảo đảm vật chất cho Chiến dịch Hồ Chí Minh là 60.000 tấn, gồm 3.000 tấn vũ khí (chủ yếu là đạn pháo), 8.000 tấn xăng, dầu, 21.000 tấn hàng quân nhu, 1.000 tấn thuốc và dụng cụ quân y

Do quân ta tiến công mãnh liệt, thế mạnh như chẻ tre với lực lượng, phương tiện áp đảo, quân địch bị tiêu diệt và tan rã nhanh chóng nên lượng vật chất tiêu thụ trong chiến dịch chỉ hết 13.773 tấn, bằng 22,6% khối lượng dự trữ.

Tuyến vận tải chiến lược đường Trường Sơn là một phát kiến, một sáng tạo chiến lược lớn của Đảng. Trong suốt 16 năm vừa xây dựng, vừa chiến đấu bảo vệ (1959-1975), mặc dù luôn bị kẻ địch đánh phá vô cùng ác liệt, nham hiểm, thâm độc, bằng mọi loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khốc liệt nhất, phương tiện chiến tranh hiện đại nhất kể cả chiến tranh điện tử, “chiến trường tự động hóa”, chiến tranh hóa học, chiến tranh thời tiết… với hơn 733.000 lần/chiếc máy bay (trong đó có hơn 26.000 lần/chiếc B-52), sử dụng gần 7,7 triệu quả bom các loại và hơn 400.000 loạt rốc két (Ban chỉ đạo Tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị. Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước: Thắng lợi và bài học. Lưu hành nội bộ. NXB Chính trị quốc gia, 1965 trang 226), tuyến vận tải chiến lược từ một đơn vị bí mật xuyên rừng “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng” luôn được mở rộng, củng cố, phát triển, vươn sâu, vươn xa để trở thành các sư đoàn binh chủng hợp thành vừa trực tiếp tác chiến, vừa tổ chức vận tải chiến lược, chiến dịch, cùng với tuyến vận tải chiến lược trên biển chi viện sức người, sức của ngày càng nhiều cho tiền tuyến.

Quân giải phóng chiếm sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất ngày 30-4-1975. Ảnh tư liệu

Quân giải phóng chiếm sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất ngày 30-4-1975. Ảnh tư liệu

Trên tuyến đường này, hàng triệu bộ đội, thanh niên miền bắc đã vào nam đánh giặc; hàng triệu tấn vật tư, binh khí kỹ thuật đã được đưa vào chiến trường. Đây cũng là bài học lớn trong nghệ thuật chỉ đạo, điều hành chiến tranh cách mạng của Đảng và Nhà nước ta (Lịch sử quân sự Việt Nam, tập 14, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, 2019, trang 317, 318). Tất cả những gì mà bộ đội 559 đã làm đều là những kỳ công (Đại tướng Văn Tiến Dũng, Đại thắng Mùa Xuân, NXB Quân đội nhân dân, 1995, trang 51).

Ngày 3/2/1973, nhằm ngày mồng 1 Tết Quý Sửu, Tổng Bí thư Lê Duẩn khi vào thăm Bộ đội Trường Sơn đã ghi trong sổ vàng truyền thống: “Đường Trường Sơn là một chiến công chói lọi trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. Đường Trường Sơn là con đường của ý chí quyết thắng, của lòng dũng cảm, của khí phách anh hùng…”. Theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Anh hùng Lực lượng vũ trang, Trung tướng, Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn Đồng Sỹ Nguyên “là một vị tướng tài ba, một nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước có đức độ và tài năng, một người học trò ưu tú của Bác Hồ… là một trong những người đồng chí, người bạn chiến đấu thân thiết, gần gũi suốt cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc mà tôi rất tin và quý mến” (Đồng Sỹ Nguyên, Trọn một con đường, NXB Quân đội nhân dân, 2012, trang 5-6).

Con đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, “trận đồ bát quái xuyên rừng rậm”, con đường Anh hùng của những chiến sĩ Trường Sơn Anh hùng, một biểu tượng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước sẽ mãi mãi đi vào lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc như một bản anh hùng ca tuyệt đẹp.

Nội dung: TS Trần Văn (Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII)
Trình bày: Thùy Lâm
(Bài đăng trong Số đặc biệt kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, Báo Nhân Dân, tháng 4/2025)