Con đường nào
để phát triển?

Con đường nào để ngành bán dẫn Việt Nam chớp được thời cơ vượt qua những khó khăn, thách thức, phát triển xứng với tiềm năng, lợi thế và kỳ vọng. Các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nhân đã thể hiện quan điểm về chủ đề này.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn:
Đây là thời điểm, thời khắc, thời cơ

Tại Hội thảo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn từ các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam với sự tham gia của 40 trường đại học trên cả nước mới đây, tôi có đề cập tới chữ “thời”. Đây là một thời điểm, thời khắc, thời cơ. Trách nhiệm, sứ mệnh không được để lỡ nhịp này, nếu để lỡ chúng ta có tội với đất nước. Ở thời điểm này, nếu tận dụng được, chúng ta đang có một cơ hội lớn - khi dịch chuyển FDI trên phạm vi toàn cầu, khi các quan hệ quốc tế thay đổi, khi vị thế của Việt Nam có điều chỉnh, khi sự tin cậy trong quan hệ quốc tế có thể mang lại sự tin cậy, sự chia sẻ trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật.

Bên cạnh đó, các trường đại học cách đây 20 năm “chưa chắc gánh vác được”, nhưng với tiềm lực của các trường đại học cả công, cả tư, với hệ thống doanh nghiệp trong và ngoài nước, sự quan tâm của Chính phủ, các địa phương hiện nay, tôi cho rằng “thời cơ đã chín muồi”.

Nếu làm được sẽ nâng được vị thế quốc gia, nâng được vị thế của cả hệ thống đại học. Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo ý thức được sâu sắc trách nhiệm và sứ mệnh của ngành và xác định, đây sẽ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên số 1 trong các chỉ đạo chuyên môn của phần giáo dục đại học, trước hết trong năm 2024 và các năm sau.

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẵn sàng ban hành Thông tư, quy chế đặc biệt để thu hút chuyên gia, liên kết đào tạo, để sử dụng chương trình của nhau, sử dụng chương trình của nước ngoài... Với các thành tố của đào tạo, các trường cần nghĩ đột phá hơn nữa, không nên quá rụt rè. Trách nhiệm của Bộ là tạo ra niềm tin, chỗ dựa pháp lý và chỉ đạo để các trường có thể thực hiện được.

Bên cạnh chữ thời, vấn đề đào tạo nhân lực cho ngành bán dẫn, tôi muốn nói đến chữ “cao” bao gồm: nhu cầu đang cao; lĩnh vực công nghệ cao, cần đầu tư cao, yêu cầu cao, kỳ vọng cao, người học có thể có lương cao... nhưng phải đào tạo với tinh thần là chất lượng cao. Chúng ta không nên quá lạc quan, cũng không nên đào tạo theo phong trào, cần phải có lộ trình, bài bản, chắc chắn. Đây là ngành mới, không thể phát triển bằng kinh nghiệm cũ, thói quen cũ, cách làm cũ; phải có cách làm, tầm nhìn thực sự mới mẻ.

Cần hướng đến tư duy toàn cầu. Phải phát triển cả nghiên cứu và đào tạo, nghĩ đến tương lai có ngành công nghiệp bán dẫn riêng của Việt Nam và cung cấp nguồn nhân lực cho nước ngoài. Hãy ao ước đến một ngày giảm xuất khẩu lao động giản đơn như bây giờ để nghĩ đến có một lớp người đi làm cho thế giới với nguồn thu nhập khác và tư thế khác. Nhưng cũng phải có lộ trình, không thể ào ào. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có hệ thống điều tiết, cả dữ liệu về người học, giáo viên, chế độ, chính sách để tiết kiệm nhất chi phí nguồn lực chuẩn bị của các cơ sở.

Nguyên Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ
Nguyễn Quân:
Cần làm chủ thiết kế, thử nghiệm và sản xuất chip

Để phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam, theo tôi chúng ta nên đi con đường của một số quốc gia và vùng lãnh thổ đang làm rất tốt như Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Trung Quốc..., đó là tự chủ từ khâu quan trọng nhất: Thiết kế.
Nếu chỉ là quốc gia gia công, lắp ráp thì chúng ta mới nghĩ phương án đầu tiên, đó là đi mở các nhà máy sản xuất chip và gia công cho các nước. Như vậy, chúng ta sẽ không bao giờ có một ngành công nghiệp vi mạch hoặc bán dẫn một cách đầy đủ và lớn mạnh.

Ngay cả những doanh nghiệp công nghệ chip lớn như Intel đầu tư vào Việt Nam cũng chỉ ở khâu lắp ráp, đóng gói chứ chưa có thiết kế, thử nghiệm là công đoạn quan trọng nhất trong sản xuất chip. Các chip thiết kế xong cần có phòng thử nghiệm, có nhà máy phục vụ sản xuất, thương mại.

Tôi cho rằng, Việt Nam muốn trở thành một nước có ngành công nghiệp chip, vi mạch phát triển, cần phải có nhà máy sản xuất. Nhà máy này có thể của doanh nghiệp FDI hoặc doanh nghiệp trong nước đầu tư.

Việt Nam phải đi theo hướng phải làm chủ ngay từ khâu đầu tiên là khâu thiết kế. Sau đó là thử nghiệm và sản xuất quy mô lớn. Song song với đó, chúng ta sẽ phát triển ngành công nghiệp vật liệu, tạo ra các nguồn nguyên liệu cho công nghiệp sản xuất chip và vật liệu bán dẫn.

Trước đây Việt Nam chưa có ngành công nghiệp vật liệu điện tử bán dẫn nên dù có trữ lượng đất hiếm được dự báo đứng thứ 3 thế giới nhưng nếu có khai thác cũng chỉ bán nguyên liệu thô. Việt Nam không mong muốn khai thác, bán nguyên liệu thô nên việc khai thác đất hiếm đã bị ngưng trệ. Mặc dù Việt Nam đã hợp tác với Nhật Bản trong khai thác, chế biến đất hiếm nhưng khi đó, nhu cầu thị trường còn quá nhỏ nên chưa triển khai thành công.

Ở thời điểm hiện nay, khi thị trường đã rộng mở hơn, với sự hỗ trợ về công nghệ và vốn từ các nước phát triển, tôi cho rằng tài nguyên đất hiếm sẽ có điều kiện khai thác, chế biến tại Việt Nam, tạo ra nguồn nguyên liệu cho ngành công nghiệp bán dẫn, vi mạch. Đây là một lợi thế của Việt Nam trong phát triển công nghiệp bán dẫn.

Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông
Nguyễn Huy Dũng:
Đẩy nhanh việc Việt Nam tham gia vào hệ sinh thái
bán dẫn khu vực

Dự thảo Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2035 đang được xây dựng, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ sớm gửi chiến lược để xin ý kiến rộng rãi. Chiến lược sẽ đề ra tầm nhìn, khẳng định quyết tâm, mục tiêu, lộ trình, các nhiệm vụ giải pháp cũng như các chính sách ưu đãi đặc biệt của Việt Nam nhằm phát triển công nghiệp điện tử nói chung và công nghiệp bán dẫn nói riêng.

Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là đẩy nhanh việc Việt Nam tham gia vào hệ sinh thái bán dẫn khu vực, thu hút các doanh nghiệp bán dẫn trên toàn cầu hiện diện và sản xuất, nghiên cứu phát triển tại Việt Nam. Đặc biệt, sẽ có những cơ chế ưu đãi, hỗ trợ của nhà nước cho ngành công nghiệp bán dẫn.

Trước những biến đổi lớn của ngành công nghiệp bán dẫn thế giới, các quốc gia ASEAN và Việt Nam cần nhanh chóng thích nghi để tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Có những thay đổi mà các nước ASEAN cần có kế hoạch phối hợp hành động tổng thể, cần sớm xác định sẽ tham gia vào những công đoạn nào trong chuỗi giá trị, xác định rõ thế mạnh của cộng đồng các nước ASEAN.
Trong khuôn khổ hợp tác kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã đánh giá cao tiềm năng về sản xuất chip bán dẫn ở ASEAN, trong đó Singapore cùng Malaysia, Thái Lan có nhiều ưu thế về nền tảng công nghệ và hạ tầng; Việt Nam có nhiều ưu thế về mặt nhân lực.

Hy vọng Việt Nam sẽ có cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu bằng các chiến lược quốc gia, kế hoạch dài hạn cũng như cam kết xây dựng lòng tin trong hợp tác quốc tế để thu hút đầu tư, tham gia các công đoạn. Đặc biệt, chúng tôi cũng mong muốn Việt Nam sẽ trở thành trung tâm nhân lực bán dẫn không chỉ phục vụ nhu cầu của Việt Nam mà còn đáp ứng nhu cầu khu vực và thế giới. Để làm được điều này, cần có sự chung tay hành động của Chính phủ, các hiệp hội, các tổ chức, doanh nghiệp bán dẫn và nhất là các trường đại học công nghệ trong và ngoài nước.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT:
Bài học của chúng tôi là “đứng trên vai người khổng lồ”

Để phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn cần nhân lực, thu hút đầu tư và có “thảm đỏ” - cơ chế chính sách cho ngành phát triển. FPT mỗi năm có 6.000-7.000 sinh viên công nghệ thông tin tốt nghiệp. Để họ có thể làm việc cho ngành vi mạch bán dẫn, FPT có thể bắt tay cùng các công ty sản xuất chip như Synopsys để đào tạo từ xa trong 6 tháng. Tập đoàn cũng có thể gửi sinh viên sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) làm việc để tạo nguồn nhân lực nhanh chóng. FPT dự kiến ban đầu là đặt mục tiêu 10.000 người sau có thể 20.000-30.000 người mỗi năm phục vụ ngành vi mạch bán dẫn. Bên cạnh nhân lực, thu hút đầu tư là việc quan trọng cần phải làm. Bài học của tôi là đứng trên vai người khổng lồ, hợp tác với những công ty lớn trên thế giới. Đây là khởi đầu vô cùng quan trọng vì ‘trâu ăn theo đàn’ là tâm lý chung của tập đoàn nước ngoài.

FPT đã nhận đơn hàng gần 70 triệu chip tới năm 2025, đồng thời hướng tới việc mở rộng ở lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và đào tạo kỹ thuật. Đạo luật CHIPS và Khoa học mà Mỹ thông qua năm ngoái đã mở ra cơ hội cho Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn và việc Mỹ cam kết thúc đẩy lĩnh vực chip của Việt Nam đã xác nhận chuyện này.

FPT mong muốn Chính phủ Mỹ có chính sách hỗ trợ toàn diện, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có hệ sinh thái bán dẫn (Semiconductor Ecosystem), đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp lớn như Boeing, AT&T, Qualcomm, Intel, Ford... đầu tư vào Việt Nam. Về phía Việt Nam, chúng tôi đề xuất được tạo điều kiện thuận lợi về pháp lý và cam kết đầu tư phát triển đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn khoảng 30.000-50.000 người.

Tổ chức thực hiện :
Ban Nhân Dân hằng tháng
Nội dung :
Hiền Thu-Thanh Cát-Thanh Chương-Việt Nga-Anh Ngọc
Trình bày mỹ thuật :
Duy Thanh
Ảnh :
PV, HUST, nguồn internet