Trong cuộc lui binh về duyên hải Trung Bộ của ngụy quân 50 năm về trước, có rất nhiều đứa trẻ bị lạc mẹ cha. Rồi, như một sự sắp đặt tình cờ của số phận và lịch sử, các em lại được đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nhận về, nuôi nấng trưởng thành.

Sau từng ấy năm, họ đã trở thành một biểu tượng của tinh thần hòa hợp dân tộc, khép lại quá khứ để hướng tới hòa bình và tương lai.

Trong tiếng Gia Rai, H’Tuynh có nghĩa là “nhặt được”. Đó cũng là tên của người phụ nữ sinh năm 1970 hiện sống tại làng Biah, xã Ia Tul, huyện Ia Pa, Gia Lai. Bà là “con nuôi” của bản làng khi được một người phụ nữ Gia Rai “nhặt về” khi lạc mất mẹ cha trong cuộc tháo chạy của tàn quân ngụy 50 năm về trước. Đã gần như quên hết tiếng phổ thông, Rơ Ô H’Tuynh phải nhờ cô con gái út H’Búy phiên dịch với chúng tôi khi trò chuyện.

Mùa xuân năm 1975. H’Tuynh, khi đó vẫn còn mang tên khai sinh là Hồ Thị Tuyết Nga theo dòng người bỏ chạy theo đường 7 về phía sông Bờ. Ba chị là lái xe cho các sĩ quan quân đội ngụy. Giữa tháng 3 năm đó, ông hẹn sẽ đánh xe về đón cả gia đình 4 mẹ con di tản xuống Phú Yên. Thế nhưng, đột ngột, mọi liên lạc với ba đều bị cắt đứt.

“Sau này, mẹ kể lại, bà ngoại lúc đó không biết làm cách nào nên đã đưa 3 con đi xe lam từ Đắk Lắk di chuyển theo hướng đường 7 cùng dòng người. Mẹ chỉ nhớ, mẹ là con thứ hai, ở nhà được gọi là Nga nhỏ hoặc Kế nhỏ”, chị H’Búy phiên dịch.

Bà H'Tuynh trong căn nhà nhỏ của mình.

Bà H'Tuynh trong căn nhà nhỏ của mình.

Đi được khoảng 1 ngày, “Nga nhỏ” cùng mẹ và các anh em ngủ lại ven đường. Khi tỉnh dậy, “Nga nhỏ” chỉ thấy miệng khô khốc và khát cháy. Chung quanh chẳng có một ai. Gia đình theo dòng người hoảng loạn đã để lạc mất “Nga nhỏ”.

Rất may, lúc này, một xe Jeep của quân giải phóng đi ngang qua. Chú bộ đội tốt bụng đã quyết định bế theo “Nga nhỏ” theo. Anh đưa cô bé vào làng người Gia Rai tìm người nuôi hộ.

Người trong buôn biết bà ngoại tôi là H’Ktut khi ấy chưa có con gái [người Gia Rai có tập quán mẫu hệ nên rất coi trọng con gái – PV] nên gọi đến. Từ đó, mẹ Nga được nhận về nuôi và được bà đặt tên là H’Tuynh – nghĩa là ‘nhặt được’.
chị H’Búy nói

Những ngày đầu về “nhà mới”, cô bé H’Tuynh nhớ mẹ, nhớ chị em nên vẫn cứ ngằn ngặt khóc. Vợ chồng “mẹ H’Ktut” liên tục phải địu chị trên lưng dỗ dành. Họ dồn hết tình thương cho người con khác dòng máu, dạy chị nói tiếng Gia Rai, làm cho chị những món đồ chơi đơn sơ bằng gốc cây, ngọn cỏ quanh làng. Dần dần, H’Tuynh lớn lên, trở thành một phần của làng Biah thanh bình. Rồi chị lấy chồng, sinh con, có thêm các cháu nội ngoại.

50 năm sau ngày được "nhặt về", bà H'Tuynh đã có một gia đình yên ấm trong bản làng Gia Lai...

50 năm sau ngày được "nhặt về", bà H'Tuynh đã có một gia đình yên ấm trong bản làng Gia Lai...

Cùng làng với chị, anh Rơ Ô Sông cũng là người bị bỏ lại sau cuộc lui binh tháng 3 lịch sử. Khi chúng tôi tới, Rơ Ô Sông vừa đi cắt cỏ về cho con dê cái mới sinh sau nhà. Da sạm đen vì nắng gió, anh bảo: Tới giờ, anh cũng chỉ còn nhớ mang máng chuyện đã xảy ra năm nào.

“Năm ấy, tôi khoảng 5 tuổi, theo cha mẹ chạy về Phú Yên. Tới chân ngọn núi ở tỉnh Phú Bổn (nay là Ayun Pa) thì bị lạc mất gia đình”.

Khi tỉnh dậy, cậu bé thấy mình đang nằm bên một hồ nước, người đã không còn sức vì đói khát. Đúng lúc này, từ trong buôn Biah, bà Rơ Ô Tốt đi lấy nước nghe thấy tiếng trẻ khóc nên chạy lại. Dưới ánh mắt ngạc nhiên của người mẹ Gia Rai là một đứa trẻ lấm lem đầy  bụi cát. Rơ Ô Tốt động lòng, đem cậu về nhà nuôi và đặt tên là Rơ Ô Sông.

Đó cũng là tất cả những gì Ô Sông còn mường tượng ra được về gốc gác của bản thân mình. Cũng giống như H’Tuynh, qua nhiều năm, anh được cả buôn yêu thương. Uống nước nguồn sông Ba, ăn lúa gạo của buôn, dần dần, Ô Sông tự coi mình là người Gia Rai đích thực.

Anh Rơ Ô Sông cũng là một đứa trẻ được những người Gia Rai tốt bụng đưa về nuôi khi bị lạc gia đình sau cuộc tháo chạy 50 năm về trước...

Anh Rơ Ô Sông cũng là một đứa trẻ được những người Gia Rai tốt bụng đưa về nuôi khi bị lạc gia đình sau cuộc tháo chạy 50 năm về trước...

Trưa cuối tháng 3, Ô Sông rảo bước trên con đường trải bê-tông phẳng lì dẫn chúng tôi tới nhà “mẹ Rơ Ô Tốt” ở giữa làng. Nhưng tới nơi, bà đang đi chăn bò trên rãy xa. Ô Sông nán lại chơi với lũ cháu nhở dưới hiên nhà. Tiếng cười nói lanh lảnh vang cả một góc trời.

- Suốt nhiều năm qua, anh có đi tìm lại ba mẹ ruột của mình không? – Chúng tôi tò mò hỏi.

- Cũng có vài năm. Tôi viết thư nhờ chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly, nhờ mọi người khác giúp đỡ. Cũng có 3, 4 gia đình tìm về nhưng khi xét nghiệm ADN đều không phải. Nhưng, họ cũng nhận tôi là em nuôi – Rơ Ô Sông đáp.

- Vậy còn bây giờ thì sao? – Chúng tôi hỏi tiếp.

- Tới giờ, tôi không đi tìm gia đình nữa. Tôi đã có mẹ cha ở làng. Lại có thêm những anh chị nuôi nữa. Hai con tôi còn đi học Đại học Y nữa. Cuộc sống ổn định rồi các anh ạ!

Bên dòng sông Ba hiền hòa, cuộc đối thoại của chúng tôi lọt thỏm vào giữa gió đại ngàn. Ô Sông còn khoe thêm, anh từng nhiều năm làm trưởng thôn, trở thành người có uy tín trong cộng đồng.

Còn với chị H’Tuynh, cuộc đời cho chị một cái kết viên mãn hơn. Năm 2015, cô con gái út H’Búy khi đang học quân sự tại Buôn Ma Thuột đã quyết định liên hệ với chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly với mong muốn tìm lại gia đình cho mẹ.

“Tôi lục tung hồ sơ liên quan đến cuộc tháo chạy trên đường 7 của chương trình thì thấy 2 trường hợp giống của mẹ nên gọi điện cho các anh chị biên tập. Vài tháng sau, các anh chị đề nghị lấy mẫu xét nghiệm ADN. Kết quả cho ra trùng khớp”, chị H’Búy kể lại.

Đúng ngày 2/4/2016, sau hàng chục năm xa cách, cô bé mang tên “nhặt được” của buôn Biah được mời tới trường quay. Tại đây, H’Tuynh nhận lại được mẹ ruột và các anh em của mình. Cái tên “Nga nhỏ” lại một lần nữa được gọi lên đầy trìu mến.

“Mẹ chỉ nói được một câu: Nga nhớ mẹ! Rồi, tất cả chúng tôi bật khóc”, người con út của H’Tuynh tiếp lời.

Chị H'Tuynh cùng người mẹ "nuôi" của mình.

Chị H'Tuynh cùng người mẹ "nuôi" của mình.

Nhưng, H’Tuynh không rời buôn làng đã nuôi bà khôn lớn. H’Tuynh chọn ở lại dưới nếp nhà dài với ba mẹ nuôi. Mỗi năm vài dịp, chị sẽ về thăm gia đình ở Đắk Đoa, Đắk Lắk để đoàn tụ cùng thân nhân.

“Giờ, mẹ đã có tới 2 mái nhà, 2 cái tên. Ở đâu, mọi người cũng yêu thương mẹ cả”, H’Búy cười nói.

H’Tuynh, Ô Sông… chỉ là 2 trong số rất nhiều đứa trẻ đã có được cuộc đời mới nhờ tình yêu thương vô điều kiện của những bản làng Tây Nguyên. Khi chia tay họ, chúng tôi chợt nghĩ: Hình như, họ cũng chính là biểu tượng cho lòng bao dung, tinh thần hòa hợp, khép lại quá khứ đau thương, hướng tới tương lai dài phía trước.

H’Tuynh, Ô Sông… chỉ là 2 trong số rất nhiều đứa trẻ đã có được cuộc đời mới nhờ tình yêu thương vô điều kiện của những bản làng Tây Nguyên.

H’Tuynh, Ô Sông… chỉ là 2 trong số rất nhiều đứa trẻ đã có được cuộc đời mới nhờ tình yêu thương vô điều kiện của những bản làng Tây Nguyên.

Còn tại Hà Nội, Đại tá Khuất Duy Hoan cũng kể cho chúng tôi một câu chuyện khác về tình người nồng ấm bên dòng sông Ba. Năm 1993, ông cùng gia đình chuyển từ Thái Nguyên vào Pleiku. Một người bạn cũ giới thiệu ông tìm đến căn nhà nhỏ số 64A đường Phan Bội Châu. Chủ nhà là ông Nguyễn Thanh – gốc Quảng Nam, làm nghề lái xe khách. Vợ ông, bà Phạm Thị Hà Hương là người phụ nữ miền Tây với gương mặt hiền lành, phúc hậu.

Ban đầu chỉ là chuyện mua bán, hỏi giá, trao đổi giấy tờ. Nhưng rồi, trong buổi trà chiều ven hiên, khi biết ông Hoan từng tham chiến ở đường 7, ông Nguyễn Thanh tiết lộ: “Tôi cũng từng đi qua đoạn đường đó. Tháng 3/1975, cả gia đình tôi nằm trong đoàn người chạy di tản từ Pleiku về Cheo Reo. Khi bị chặn lại, chúng tôi quay ngược trở về. Trên đường, thấy một đứa bé gái con lai – đỏ hỏn, bị bỏ lại bên vệ đường – nằm khóc thét giữa khói bụi và vỏ đạn. Vợ chồng tôi không nỡ… bà nhà bế nó lên, gói vào áo, mang về nuôi như con ruột”.

Đại tá Khuấn Duy Hoan thời còn trẻ.

Đại tá Khuấn Duy Hoan thời còn trẻ.

Câu chuyện tưởng như đã khép lại cùng với chiến tranh, nhưng gần 20 năm sau, một người đàn ông Mỹ, cha ruột đứa trẻ – tìm đến Việt Nam. Ông mang theo một bức ảnh đã ố màu và nước mắt. Nhận con, anh ta xin phép chính quyền bảo lãnh cho cả gia đình ông Nguyễn Thanh sang Mỹ, theo chính sách nhân đạo dành cho diện con lai.

“Lúc ấy, tôi chỉ im lặng,” Đại tá Hoan kể lại. “Ông ấy nhìn tôi, xúc động lắm. Rồi nói: ‘Tôi tận mắt thấy bộ đội giải phóng nhường cả khẩu phần ăn cho phụ nữ trong khe suối. Có người còn cởi áo lót dưới mưa cho đứa nhỏ lạ mặt. Nếu không có các anh, gia đình tôi không có được ngày hôm nay’.”

“Chiến tranh nào cũng khốc liệt”, ông Hoan trầm ngâm. “Nhưng điều khiến tôi luôn tin vào ngày mai không phải là súng thắng gươm, mà là con người thắng được sợ hãi. Thắng được lòng hận thù. Và giữ lại được cái tử tế, ngay cả khi tất cả xung quanh đều sụp đổ.”

Gia đình ông Hoan sau đó mua lại chính căn nhà của vợ chồng ông Thanh – nơi từng nuôi dưỡng một đứa trẻ giữa thời khói lửa. Ông sống ở đó suốt hơn 20 năm, kế bên dòng sông Ba từng đong đầy cả tiếng súng lẫn tiếng ru bên nôi của một câu chuyện nhân ái hiếm hoi giữa chiến tranh.

Những ngày chiến đấu dọc đường 7 năm ấy, với người lính giải phóng, không chỉ là hành trình giáp mặt với quân thù, mà còn là hành trình đi xuyên qua những lớp bụi mờ của định kiến, để thắp lên những niềm tin mới.

Sau này, Đại tá Khuất Duy Hoan thường nhắc lại một câu chuyện đặc biệt – không xảy ra trên chiến tuyến, mà trong khu rừng phía sau nó.

Đó là một buổi chiều ở Pleiku, nơi ông chuyển về sinh sống sau chiến tranh. Người hàng xóm sống cạnh nhà – một phụ nữ gốc nam – từng dè dặt lại gần khi nghe nói ông là cựu chiến binh từng tham gia chiến dịch Tây Nguyên.

Năm 1975, cô và em gái là người dân trong đoàn lính Ngụy rút chạy từ Gia Lai xuống Ayun Pa. Trên đường tháo lui, cô bị thương – một viên đạn găm vào hông. Mất máu nhiều, không ai dám đưa đi trạm xá vì sợ lộ hành tung. Sau cùng, cô được một người quen kéo vào sâu trong rừng – nơi có một trạm quân y dã chiến của bộ đội giải phóng.

“Lúc ấy, tôi sợ lắm”, cô gái nhớ lại. “Bởi từ nhỏ, tôi chỉ được dạy rằng Cộng sản rất tàn ác, gặp phụ nữ thì... bấm rút móng tay, tra tấn dã man. Tôi nghĩ chắc mình không còn cơ hội".

Thế nhưng, điều xảy ra hoàn toàn trái ngược. Những người mặc áo xanh bộ đội lại chẳng dè chừng. Họ băng bó vết thương, nấu cháo, rồi lấy áo bông cũ của mình đắp lên người cô cho khỏi lạnh.

Vài ngày sau, khi vết thương tạm ổn, cô mới dám trò chuyện. Và cũng từ đó, nỗi sợ mơ hồ trong cô về “Cộng sản” dần tan biến.

Đường 7 ngày hôm nay luôn gợi nhớ nhiều kỷ niệm với Đại tá Khuất Duy Hoan.

Đường 7 ngày hôm nay luôn gợi nhớ nhiều kỷ niệm với Đại tá Khuất Duy Hoan.


Với Đại tá Khuất Duy Hoan, những khoảnh khắc như vậy luôn là hồi chuông nhắc nhớ: Giữa bom đạn, không chỉ có tiếng súng, mà còn có sự đổi thay âm thầm từ trong lòng người. Một người phụ nữ từng mang định kiến, giờ sống cạnh nhà ông giữa thời bình. Một ký ức chiến tranh, từng là ác mộng, giờ hóa thành lòng biết ơn.

“Chúng tôi đi chiến đấu là để thống nhất đất nước. Nhưng cũng là để hàn gắn. Để những người từng nhìn nhau như kẻ thù có thể ngồi lại bên nhau, uống chung chén trà, kể lại chuyện cũ... mà không còn hằn học”, Đại tá Hoan khẳng khái nói.

Gần 40 năm quân ngũ, hơn nửa đời người sống với kỷ luật, với tiếng giày hành quân, tiếng súng và cả những đêm ngủ lại trong rừng chỉ có trăng và gió. Giờ đây, là một cựu binh lặng lẽ giữa thời bình, ông vẫn giữ thói quen cũ – đọc tin tức chiến sự, ghi chú tên từng đồng đội đã khuất, và không bao giờ quên thắp nén hương vào mỗi dịp tháng Ba. Ông gọi đó là “phần trách nhiệm còn lại trong đời”.

“Chúng tôi đã đi qua một cuộc chiến. Nhưng không ai trong chúng tôi coi đó là chiến công. Mà là sứ mệnh. Là bổn phận của người công dân khi đất nước cần”.

Đại tá Khuất Duy Hoan cùng những người đồng đội luôn trở về chiến trường xưa vào những ngày tháng 3 huy hoàng.

Đại tá Khuất Duy Hoan cùng những người đồng đội luôn trở về chiến trường xưa vào những ngày tháng 3 huy hoàng.

Ông nói, cuộc sống hôm nay, ấm no, bình yên, nhộn nhịp là cái giá phải đổi bằng máu xương của hàng triệu người. Những người đã không kịp trở về, không có dịp chứng kiến quê hương hồi sinh, phố xá lên đèn, trẻ em tung tăng đến lớp.

“Cái giá của độc lập, tự do, không nằm trong sách giáo khoa. Nó nằm trong từng ngôi mộ chưa tên, trong những lá thư còn dang dở, trong những người mẹ chờ con mà tóc đã bạc tự lúc nào. Mỗi người trẻ hôm nay, nếu sống tử tế, học hành nghiêm túc, làm việc bằng cả trái tim, có trách nhiệm với Tổ quốc, với xã hội, với gia đình – thì chính là đang tiếp nối lý tưởng của những người đi trước”, Đại tá Khuất Văn Hoan kết lời.

Ngày xuất bản: 04/2025
Tổ chức sản xuất: TRƯỜNG SƠN - THẢO LÊ
Thực hiện và trình bày: SƠN BÁCH, PHAN THẠCH, VĂN TOẢN
Ảnh: PHAN THẠCH, SƠN BÁCH, HỒNG QUÂN, BẢO TÀNG QUÂN ĐOÀN 34