Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đỉnh cao của cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 là chiến công lớn nhất của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954). Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định:

Điện Biên Phủ là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao tới thắng lợi hoàn toàn.
Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 14, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2010, tr.315.

Trong suốt quá trình chuẩn bị và tiến hành chiến dịch, Công an nhân dân đã phối hợp chặt chẽ với Quân đội nhân dân và các lực lượng khác giữ gìn, bảo đảm tốt an ninh, trật tự, phòng gian, giữ bí mật, bảo đảm an toàn ở cả tiền tuyến và hậu phương, góp phần to lớn vào chiến công chung vĩ đại đó.

Ngay khi bước vào Đông Xuân 1953-1954, ngành Công an được giao nhiệm vụ phối hợp với lực lượng quân đội trực tiếp bảo vệ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhận thức rõ tầm quan trọng, ý nghĩa chiến lược của chiến dịch, Bộ Công an xác định đây là công tác trọng tâm của lực lượng Công an, lãnh đạo Bộ chỉ đạo cho toàn lực lượng đẩy mạnh mọi hoạt động phục vụ chiến dịch. Riêng với chiến dịch Điện Biên Phủ, Bộ Công an thành lập “Ban Công an tiền phương” trực thuộc Hội đồng cung cấp mặt trận Trung ương, do đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn làm Trưởng Ban. Dưới sự lãnh đạo chặt chẽ và thống nhất của Đảng, Chính phủ và Bộ Công an, công an các cấp và Ban Công an tiền phương đã chủ động tiến hành đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp với quân đội bảo vệ tuyệt đối an toàn các đồng chí lãnh đạo và cơ quan của Đảng, Chính phủ, Bộ Chỉ huy chiến dịch.

Tại những khu vực cơ quan có cơ quan đầu não của Đảng, Chính phủ, lực lượng Công an đã phát động phong trào “Phòng gian, bảo mật”, tổ chức cho quần chúng tham gia giám sát, phát hiện những người lạ mặt, những hoạt động nghi vấn; lập các trạm gác và kiểm tra giấy tờ, kịp thời phát hiện bọn gián điệp, chỉ điểm trà trộn trong số cán bộ cơ quan của ta hoặc đồng bào khu vực các cơ quan đóng quân để thâm nhập điều tra, phá hoại. Ở những địa bàn Bộ Chỉ huy chiến dịch đóng quân, lực lượng Công an đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng Bảo vệ quân đội thiết lập trạm gác và thành lập các đội tuần tra, canh gác bảo vệ trước khi Bộ Chỉ huy chiến dịch chuyển đến và tổ chức nhiều tuyến canh phòng nghiêm ngặt, trong đó Công an bảo vệ tuyến ngoài. Ban Công an tiền phương đã phối hợp với lực lượng bảo vệ của Trung ương và Quân đội bố trí lực lượng bảo vệ trên các tuyến đường, nhất là ở những đầu mối giao thông, những nơi hiểm trở mà kẻ địch dễ lợi dụng mai phục, ám sát. 

Mặc dù tình hình chiến sự diễn ra ác liệt, kẻ địch chống phá bằng nhiều thủ đoạn xảo quyệt, nhưng với sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng Công an với Quân đội và các lực lượng khác có liên quan, hoạt động của các đồng chí lãnh đạo, cơ quan đầu não của Đảng, Chính phủ, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã được bảo đảm bí mật, tuyệt đối an toàn trong suốt quá trình diễn ra chiến dịch.

Trong quá trình diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, thực dân Pháp đã tung nhiều toán gián điệp, cài người vào nội bộ ta, thu thập tin tức nơi đóng quân, việc chuyển quân, hàng hóa và kho tàng của ta để chỉ điểm cho máy bay địch đánh phá. Trước tình hình đó, lực lượng Công an đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, quân đội và các ngành chức năng tiến hành các biện pháp bảo vệ an toàn về người, hàng hóa phục vụ chiến dịch, đập tan âm mưu, hoạt động phá hoại của địch; phát động phong trào quần chúng “phòng gian bảo mật” với khẩu hiệu “ba không” sâu rộng trong nhân dân, nhất là dọc các tuyến đường từ hậu phương ra mặt trận.

Máy bay của Pháp rơi tại mặt trận Điện Biên Phủ năm 1954. Ảnh: TTXVN

Máy bay của Pháp rơi tại mặt trận Điện Biên Phủ năm 1954. Ảnh: TTXVN

Để bảo vệ lực lượng vũ trang tham gia chiến dịch, lực lượng Công an phối hợp với Cục Bảo vệ của Quân đội xây dựng kế hoạch và nội dung công tác bảo vệ, tổ chức công tác bảo vệ, tập trung thực hiện bảo đảm tuyệt đối bí mật kế hoạch chiến dịch, bảo đảm nguyên tắc “vũ khí nằm trong tay những người tin cậy”... Với những biện pháp tích cực đó, trong suốt thời gian diễn ra chiến dịch, bí mật quân sự được bảo đảm, lực lượng vũ trang được bảo vệ an toàn.

Trên các tuyến đường chiến lược quan trọng, lực lượng Công an phối hợp với lực lượng Quân đội, dân quân du kích đặt các đồn, trạm kiểm soát người và phương tiện qua lại; tổ chức các đội tuần tra vũ trang kiểm soát lưu động. Tại các điểm giao thông trọng điểm như bến phà Âu Lâu, Tạ Khoa... Công an phối hợp với lực lượng bảo vệ Quân đội thành lập các ban bảo vệ, sắp xếp điều động theo thứ tự ưu tiên, bảo đảm thông suốt, trật tự và an toàn.

Trong công tác bảo vệ kho tàng, trạm trung chuyển, Công an phối hợp với bộ phận quân nhu hậu cần của Quân đội tổ chức kiểm tra thuần khiết nội bộ, lựa chọn những người có lý lịch tốt, trong sạch, có phẩm chất chính trị và đạo đức liêm khiết để làm công tác quản lý, bảo vệ kho tàng. Các đồn, trạm công an phối hợp với bộ đội, dân quân du kích thiết lập vành đai, thường xuyên tuần tra canh gác xung quanh khu vực kho, kịp thời phát hiện bọn phá hoại, phòng chống cháy nổ.

Đối với công tác chống gián điệp ẩn nấp, lực lượng Công an tập trung vào địa bàn trọng điểm và tuyến đường vận chuyển ra chiến trường; tổ chức bóc gỡ nhiều đầu mối nội gián thâm nhập vào nội bộ cơ quan kháng chiến, đơn vị bộ đội, trong đó có những lần phối hợp với quân đội như: phối hợp cùng lực lượng Bảo vệ Quân đội bóc gỡ nội gián do Hoàng Minh Vượng cầm đầu trong Tỉnh đội Hải Ninh, kịp thời ngăn chặn âm mưu ám sát, xúi giục bộ đội đào ngũ. Để đối phó với phương thức gián điệp biệt kích hỗn hợp nhảy dù (GCMA), lực lượng an ninh đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quân đội và nhân dân, nhất là đối với vùng núi các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh tổ chức truy bắt gián điệp, biệt kích. Vì vậy, trong giai đoạn chuẩn bị chiến dịch, hầu hết các toán GCMA vừa thâm nhập đã bị bắt hoặc bị tiêu diệt.

Nhân dân các thị trấn ở Thanh Hóa tiến đưa các đoàn dân công xe đạp thồ lên đường phục vụ tiền tuyến năm 1954. Ảnh: TTXVN

Nhân dân các thị trấn ở Thanh Hóa tiến đưa các đoàn dân công xe đạp thồ lên đường phục vụ tiền tuyến năm 1954. Ảnh: TTXVN

Một trong những công tác quan trọng phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ là công tác tiễu phỉ ở vùng núi phía Bắc và Tây Bắc, nhằm bảo đảm an ninh cho các vùng phụ cận cũng như tạo điều kiện huy động sức người, sức của cho trận chiến đấu. Tháng 11/1953, Khu ủy Tây Bắc đã thành lập “Ban thống nhất chống phỉ” do đồng chí Trần Quyết, Phó Bí thư Khu ủy, Giám đốc Công an Khu Tây Bắc làm Trưởng Ban với lực lượng tham gia chủ yếu là Quân đội và Công an nhằm mục đích trừ phỉ, bảo vệ địa bàn xuất phát lực lượng, cung cấp hậu cần cho Chiến dịch.

Theo đó, lực lượng Công an đã chủ động tiến hành các biện pháp nghiệp vụ nắm chắc tình hình về tổ chức, lực lượng, địa điểm, trung tâm phỉ, mạng lưới cơ sở của chúng, đồng thời tăng cường tuyên truyền, giáo dục quần chúng, nâng cao cảnh giác, không mắc mưu địch. Trên cơ sở nắm chắc tình hình, xây dựng phong trào quần chúng, lực lượng Công an đã phối hợp với Quân đội triển khai kế hoạch tấn công các hang ổ phỉ, huy động các lực lượng, các ngành tham gia, sử dụng đồng bộ cả hai hình thức đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang để tiêu diệt và làm tan rã các hoạt động gây phỉ của địch.

Với phương châm “lấy vận động chính trị là chính, kết hợp với tiến công quân sự”, trong các đợt tiễu phỉ, “lực lượng Công an đã góp phần làm tan rã hơn một ngàn phỉ ở Cao Bằng; ba ngàn phỉ ở Lào Cai, Hà Giang; hai ngàn phỉ ở Thuận Châu, Sông Mã (Sơn La)”1. Việc giải quyết căn bản nạn phỉ ở các tỉnh vùng núi phía Bắc và Tây Bắc đã góp phần củng cố hậu phương vững mạnh, an toàn, bảo đảm huy động được nhân lực, vật lực đáp ứng yêu cầu của chiến dịch.

Với sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, lực lượng Quân đội và Công an đã làm thất bại mọi âm mưu phá hoại của thực dân Pháp, bảo vệ an toàn hậu phương, bảo vệ các đoàn quân, các đoàn vận chuyển hậu cần lên mặt trận, góp sức cùng cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ vang dội. Bài học về sự phối hợp giữa Quân đội và Công an trong chiến dịch Điện Biên Phủ đã được hai lực lượng kế thừa, phát triển trong cuộc kháng chiến chống Mỹ thể hiện trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ căn cứ địa cách mạng, an toàn khu, vùng giải phóng, hành lang cơ động chiến lược, các chiến dịch tiến công, phản công, tiễu phỉ, bắt biệt kích, thám báo, loại trừ các tổ chức phản động chống phá cách mạng.

Bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự thống nhất quản lý, điều hành của Nhà nước, mối quan hệ phối hợp giữa Công an và Quân đội được nâng lên tầm cao mới. Điều đó được thể hiện rõ trong sự phối hợp của hai lực lượng về xây dựng nền an ninh nhân dân và nền quốc phòng toàn dân, tăng cường tiềm lực và thế trận quốc phòng-an ninh trên từng khu vực và địa bàn cả nước, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm an ninh quốc gia, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đó còn là sự gắn kết của hai lực lượng trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng và an ninh; phối hợp chặt chẽ các hoạt động quốc phòng với an ninh và đối ngoại; kết hợp quốc phòng-an ninh với kinh tế-xã hội theo quy hoạch, kế hoạch và các chương trình, dự án trên từng vùng, miền, nhất là địa bàn chiến lược. 

Ngày 7/5/1954, toàn bộ tập đoàn cứ điểm của địch ở Điện Biên Phủ đã bị quân ta tiêu diệt, lá cờ "Quyết chiến quyết thắng" đang phấp phới bay trên nóc hầm tên bại tướng thực dân pháp Đờ-cát. Ảnh: TTXVN

Ngày 7/5/1954, toàn bộ tập đoàn cứ điểm của địch ở Điện Biên Phủ đã bị quân ta tiêu diệt, lá cờ "Quyết chiến quyết thắng" đang phấp phới bay trên nóc hầm tên bại tướng thực dân pháp Đờ-cát. Ảnh: TTXVN

Hồ Chủ Tịch gắn huy hiệu: "Chiến sĩ Điện Biên Phủ" cho những cán bộ, chiến sĩ có công xuất sắc trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: TTXVN

Hồ Chủ Tịch gắn huy hiệu: "Chiến sĩ Điện Biên Phủ" cho những cán bộ, chiến sĩ có công xuất sắc trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: TTXVN

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Quốc phòng tham mưu với Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 107/2003/QĐ-TTg ngày 2/6/2003 về “Quy chế phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới”; tham mưu với Chính phủ ban hành Nghị định số 77/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 về “Phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và nhiệm vụ quốc phòng”.

Quán triệt, thực hiện nghiêm túc Nghị định số 77/2010/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ, lực lượng Công an và Quân đội đã triển khai phối hợp ở tất cả các cấp, trong mọi hoạt động an ninh-quốc phòng và đạt được kết quả toàn diện, quan trọng. Thành tựu nổi bật mang tính bao trùm là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo đảm an ninh quốc gia, bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân, bảo vệ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Những thành tựu đó đã góp phần quan trọng vào việc tăng cường thế và lực, sức mạnh tổng hợp của đất nước, tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước nhanh, bền vững.

Hiện nay, tình hình quốc tế, khu vực, trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp; hội nhập quốc tế tạo điều kiện để đất nước có cơ hội phát triển kinh tế, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, song cũng đang nảy sinh nhiều vấn đề mới, tác động không nhỏ đến công cuộc bảo vệ chủ quyền quốc gia, giữ vững ổn định chính trị của đất nước. Các thế lực thù địch lợi dụng mở cửa, hội nhập luôn tìm cách thực hiện âm mưu “Diễn biến hòa bình”, hòng tiến hành bạo loạn lật đổ, nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, thủ tiêu chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; chia rẽ, phá hoại nội bộ các lực lượng vũ trang, thực hiện mưu đồ “phi chính trị hóa”, vô hiệu quá Quân đội và Công an.

Bên cạnh đó, những nhân tố có thể gây mất ổn định chính trị-xã hội ở trong nước, nhất là các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, các nguy cơ, thách thức lớn, nhất là nguy cơ xung đột Biển Đông vẫn chưa bị đẩy lùi, có nơi, có lúc còn diễn biến phức tạp hơn; tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội, tác động của mặt trái cơ chế thị trường, của toàn cầu hóa, đô thị hóa… đang làm gia tăng những yếu tố phức tạp đối với an ninh, trật tự của đất nước. Tình hình đó đòi hỏi lực lượng Công an và Quân đội phải tăng cường phối hợp trên nhiều lĩnh vực để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới, trong đó yêu cầu xây dựng thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân trở thành yêu cầu, nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài.

Để hoàn thành nhiệm vụ ấy, lực lượng Công an và Quân đội cần quán triệt và phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa trên một số lĩnh vực sau đây:

Một là, tăng cường phối hợp giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh cho cán bộ, đảng viên và toàn dân.

Trong những năm qua, sự phối hợp giữa Quân đội và Công an trong thực hiện công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với nhiệm vụ quốc phòng-an ninh, bảo vệ Tổ quốc. Trong thời gian tới, hai lực lượng cần phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn, tiếp tục phối hợp trong xây dựng thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân. Trong đó, biện pháp phối hợp phải đồng bộ, nội dung, chương trình phối hợp cần có sự đổi mới toàn diện, sát hợp với từng đối tượng và đặc điểm địa bàn. 

Hai là, phối hợp chặt chẽ công tác nắm tình hình về quốc phòng-an ninh, kịp thời đề xuất, tham mưu cho Đảng, Nhà nước có chủ trương đối sách trước những diễn biến phức tạp của tình hình trong nước, thế giới và khu vực.

Trong những năm qua, công tác trao đổi và phối hợp kiểm tra, xác minh thông tin, đánh giá, dự báo tình hình giữa hai lực lượng ngày càng hiệu quả. Để tiếp tục phát huy kết quả đó, lực lượng Công an và Quân đội cần chú trọng nâng cao hơn nữa chất lượng trao đổi thông tin giữa hai lực lượng; đánh giá, dự báo tình hình liên quan đến nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, kịp thời tham mưu đề xuất với Đảng, Nhà nước các biện pháp giải quyết, không để bị động, bất ngờ; tăng cường phối hợp diễn tập, xử lý các tình huống phức tạp xảy ra như: khủng bố, bắt cóc con tin, gây rối, bạo loạn chính trị... để chủ động phối hợp ứng phó, giải quyết khi có tình huống xảy ra.

Ba là, xây dựng và hoàn thiện cơ chế chỉ huy linh hoạt, thống nhất, phối hợp hành động chặt chẽ giữa các lực lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng-an ninh trong mọi tình huống.

Hiện nay, trong điều kiện khoa học, kỹ thuật phát triển và bùng nổ thông tin, các thế lực thù địch, bọn tội phạm có điều kiện nắm bắt thông tin và đối phó nhanh với các hoạt động của ta, do vậy yêu cầu chỉ huy linh hoạt, phối hợp hành động giữa các lực lượng, đặc biệt là Công an và Quân đội càng phải kịp thời, chính xác. Những yêu cầu trên đòi hỏi cán bộ chiến sĩ phải nêu cao tinh thần sẵn sàng chiến đấu, luôn nắm chắc tình hình, các âm mưu, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch nhằm phòng, chống hiệu quả, xử lý nhanh các tình huống với một bộ máy chỉ huy tinh gọn, linh hoạt. 

Bốn là, phải kết hợp chặt chẽ giữa củng cố quốc phòng-an ninh với phát triển kinh tế-xã hội, nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh, bố trí chiến lược lực lượng vũ trang.

Đây là một yêu cầu quan trọng, đặc biệt trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân. Đơn vị các cấp của hai bên phải phối hợp chặt chẽ, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong xây dựng kế hoạch, quy hoạch về tổ chức, bố trí lực lượng, các khu dân cư, cụm dân cư trong từng khu vực, địa bàn chiến lược của tỉnh, huyện, thị xã, thành phố nhằm xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc. Bảo đảm kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng và an ninh, quốc phòng và an ninh với kinh tế trong phát triển kinh tế-xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng: “Kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng-an ninh, quốc phòng-an ninh với kinh tế trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế-xã hội và trên từng địa bàn” . 

Năm là, Công an và Quân đội tăng cường phối hợp, giúp đỡ lẫn nhau xây dựng lực lượng Công an nhân dân và Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đặc biệt là phối hợp xây dựng người cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, Đảng và nhân dân.

Hai bên cần phối hợp chặt chẽ trong công tác giáo dục, đào tạo cán bộ, chú trọng nâng cao phẩm chất cách mạng, trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, chiến sĩ; kịp thời phát hiện, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn mọi âm mưu, hoạt động phá hoại nội bộ, chia rẽ quân đội với công an của các thế lực thù địch. Đặc biệt cần chủ động xây dựng và triển khai thực hiện các kế hoạch phối hợp hành động phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, bảo vệ an toàn nội bộ, tập trung đẩy lùi những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên; đồng thời, tích cực đấu tranh phản bác các luận điệu “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang của các thế lực thù địch. 

Hai bên cần phối hợp đẩy mạnh công nghiệp quốc phòng, an ninh, từng bước tăng cường vũ khí, khí tài bảo đảm trang bị cho hai lực lượng ngày càng hiện đại, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao. Phối hợp tăng cường nghiên cứu lý luận, nghệ thuật quân sự, an ninh, đúc rút kinh nghiệm có giá trị lý luận và thực tiễn, kịp thời ứng dụng cho xây dựng lực lượng cũng như thực thi nhiệm vụ; phối hợp tham mưu cho Đảng, Nhà nước có chế độ, chính sách, không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã lùi xa nhưng dấu ấn và bài học về sự phối hợp giữa Công an và Quân đội vẫn còn vẹn nguyên giá trị. Trải qua các giai đoạn cách mạng của đất nước, lực lượng Công an nhân dân luôn kề vai sát cánh với Quân đội nhân dân, cùng toàn Đảng, toàn dân đánh bại mọi kẻ thù xâm lược, giữ vững ổn định chính trị và an ninh, trật tự, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đến nay, truyền thống đó ngày càng được củng cố, tăng cường, phát triển và được nâng lên tầm cao mới. Điều này thể hiện sự đúng đắn trong lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và điều hành của Chính phủ nhằm tăng cường quan hệ phối hợp giữa lực lượng Công an và Quân đội. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy:

Công an và Quân đội là hai cánh tay của nhân dân, của Đảng, của Chính phủ, của chuyên chính vô sản. Vì vậy, càng phải đoàn kết chặt chẽ với nhau, giúp đỡ lẫn nhau.
Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2010, tr153.

Nguồn: Sách xuất bản từ Hội thảo Khoa học “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và hiện thực (07/5/1954 - 07/5/2019)”

Trình bày: Hà Phương