Công nghiệp điện ảnh và công nghiệp âm nhạc
ở Thành phố Hồ Chí Minh

TIỀM NĂNG,ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN

Trong những năm qua, Đảng và nhà nước đã đề ra các chủ trương, chính sách để thực hiện mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa. Ngành văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh tập trung phác họa chân dung ngành công nghiệp âm nhạc và điện ảnh của thành phố, qua đó nêu lên những định hướng, giải pháp chính trong phát triển ngành công nghiệp âm nhạc và điện ảnh thành 2 ngành công nghiệp trọng điểm của thành phố.

THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA TRÊN LĨNH VỰC ÂM NHẠC VÀ ĐIỆN ẢNH Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Ngành công nghiệp văn hóa Thành phố phát triển mạnh trên lĩnh vực Âm nhạc và Điện ảnh. Âm nhạc với ưu thế là bên cạnh các hình thức phát triển riêng biệt thể hiện qua các hoạt động sản xuất, sáng tác, biểu diễn, các hoạt động ngoại giao văn hóa thì còn giữ vị thế quan trọng trong việc hình thành các mô hình hoạt động biểu diễn đa ngành. Rất nhiều dự án, chương trình âm nhạc đi vào đời sống không chỉ bằng kênh hoạt động nghệ thuật mà còn thông qua các dịch vụ thương mại, hoạt động kinh doanh, sự kiện với nhiều mô hình đa dạng, ở các không gian khác nhau. Sự phát triển hết sức năng động của các loại hình âm nhạc đã góp phần nâng cao thị hiếu, trình độ và nhu cầu thưởng thức của công chúng, đồng thời cũng tạo điều kiện giao lưu, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong hình thành nền công nghiệp Âm nhạc.

Thành phố vừa là không gian, vừa là thị trường thu hút các hoạt động biểu diễn nghệ thuật; giao lưu văn hóa quốc tế. Những năm gần đây, thành phố tập trung xây dựng những mô hình âm nhạc với kỳ vọng trở thành biểu tượng mới của khát vọng Việt. Nhiều nhà sản xuất âm nhạc đã mạnh dạn thể nghiệm các chất liệu âm nhạc mới, là sự kết hợp giữa các chất liệu âm nhạc dân gian từ 3 miền bắc, trung, nam trên nền hòa âm đương đại. Dòng nhạc dân tộc là màu sắc chủ đạo cho nhiều dự án đã góp phần tạo nên bản sắc riêng cho nền âm nhạc mới của Thành phố Hồ Chí Minh, phù hợp với xu hướng âm nhạc hiện đại của thế giới nhưng vẫn khẳng định bản sắc văn hoá dân tộc một cách mạnh mẽ. Cùng với sự phát triển của nền công nghiệp âm nhạc công nghệ, các dự án âm nhạc này có hành trình quảng bá dài để tiếp cận với khán giả, đặc biệt công chúng trẻ…

Ở lĩnh vực Điện ảnh, Thành phố Hồ Chí Minh được xem là trung tâm Điện ảnh của cả nước.

Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh có hai hãng phim cổ phần hóa là Công ty cổ phần Phim Giải Phóng và Công ty TNHH MTV phim Nguyễn Đình Chiểu. Các cơ sở hoạt động trên lĩnh vực điện ảnh phần lớn là doanh nghiệp ngoài nhà nước với 819 doanh nghiệp. Về cơ sở sản xuất phim, Thành phố có trên 100 cơ sở đăng ký và sản xuất phát hành phim, trong đó có khoảng 30 cơ sở hoạt động thường xuyên. Thành phố Hồ Chí Minh có 56 rạp, cụm rạp chiếu phim, trong đó có 05 doanh nghiệp dẫn đầu và nắm giữ 98% thị phần chiếu phim Việt Nam. Đây cũng là địa phương chiếm thị phần phim ảnh lớn nhất nước với khoảng 40%. Hệ thống phim trường, phương tiện kỹ thuật của nhà nước và tư nhân tương đối đáp ứng điều kiện làm phim. Nguồn phim nhập khẩu phong phú, đa dạng, khán giả thành phố có thể nhanh chóng tiếp cận nhiều bộ phim mới, nổi tiếng của điện ảnh thế giới.

Các thế hệ hoạt động trên lĩnh vực Điện ảnh của Thành phố gồm những tên tuổi gạo cội của điện ảnh cách mạng, điện ảnh miền nam và nguồn nhân lực của thành phố được đào tạo, bồi dưỡng, cùng với sự bổ sung của cả nước và hiện nay có cả người Việt Nam ở nước ngoài về nước hoạt động trên lĩnh vực điện ảnh. Những năm gần đây lĩnh vực Điện ảnh đã xuất hiện một số các nhà làm phim trẻ (đạo diễn, biên kịch, quay phim, kỹ thuật viên, diễn viên…) thuộc thế hệ 7x, 8x, thậm chí 9x khẳng định được năng lực sáng tạo, khả năng tiếp nhận chuyển giao thế hệ thông qua những bộ phim được giới chuyên môn đánh giá cao, được công chúng đón nhận.

Doanh thu ngành điện ảnh năm 2010 đạt 3.822 tỷ đồng, năm 2015 là 6.016 tỷ đồng, đến năm 2020 đạt 6.732 tỷ đồng. Đến nay, ngành điện ảnh đóng góp khoảng 0,35% cho GRDP của thành phố. Năm 2020-2021, do tác động của đại dịch Covid-19 nên ngành Điện ảnh bị ảnh hưởng nặng nề, có giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội các rạp chiếu phim phải tạm dừng hoạt động.

Với tiềm năng, thế mạnh và những điều kiện thuận lợi như trên ngành công nghiệp văn hóa đã phát triển đồng hành với quá trình phát triển kinh tế xã hội của Thành phố. Việc hoạch định chính sách, hệ thống các giá trị, định hướng xu thế phát triển đồng bộ xứng tầm với tiềm năng, khai thác hiệu quả các nguồn lực để tăng cường hiệu suất tiếp tục phát triển ngành công nghiệp văn hóa trong thời gian tới là điều rất cần thiết. Bên cạnh đó, lĩnh vực Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh cần xây dựng chiến lược phát triển một cách bền vững, để phát huy tốt nhất nguồn lực trên các mặt và hình thành rõ nét nền công nghiệp trong tương lai.

Tiết mục biểu diễn rock của nhóm Wildrunner tại Lễ hội Âm nhạc quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN)

Tiết mục biểu diễn rock của nhóm Wildrunner tại Lễ hội Âm nhạc quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN)

Hình ảnh trong phim "Hoa vàng trên cỏ xanh". (Ảnh: TTXVN)

Hình ảnh trong phim "Hoa vàng trên cỏ xanh". (Ảnh: TTXVN)

"Lật mặt: 48h" (trên) của đạo diễn Lý Hải và "Gái già lắm chiêu V" của đạo diễn Bảo Nhân-Nam Cito là những bộ phim Tết 2021 gặt hái được nhiều thành công. (Ảnh: Video trailer)

"Lật mặt: 48h" (trên) của đạo diễn Lý Hải và "Gái già lắm chiêu V" của đạo diễn Bảo Nhân-Nam Cito là những bộ phim Tết 2021 gặt hái được nhiều thành công. (Ảnh: Video trailer)

Liveshow đầu tiên của rapper Đen Vâu (2019) đánh dấu cột mốc 10 năm theo đuổi con đường nghệ thuật diễn ra tại nhà thi đấu Quân khu 7, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN)

Liveshow đầu tiên của rapper Đen Vâu (2019) đánh dấu cột mốc 10 năm theo đuổi con đường nghệ thuật diễn ra tại nhà thi đấu Quân khu 7, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN)

Web drama 'Bố già' đã định hình tệp khán giả riêng khi có 'lượng view khủng.' (Ảnh: Internet)

Web drama 'Bố già' đã định hình tệp khán giả riêng khi có 'lượng view khủng.' (Ảnh: Internet)

NHỮNG TỒN TẠI VÀ YÊU CẦU ĐẶT RA ĐỐI VỚI SỰ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP ÂM NHẠC VÀ ĐIỆN ẢNH TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Hiện trạng ngành công nghiệp văn hóa trên lĩnh vực âm nhạc và điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh cần có sự đổi mới căn bản; đang phải đối mặt với các vấn đề hạn chế chính như sau:

- Lực lượng lao động thiếu các kỹ năng quản lý và kinh doanh chuyên nghiệp; chưa được tiếp cận các kỹ năng và chuyên môn phù hợp để thích ứng, vận hành hiệu quả các mô hình tổ chức cũng như kinh doanh mới trong ngành công nghiệp văn hóa.

- Công nghệ số hóa chưa được ứng dụng rộng rãi và mạnh mẽ. Nhiều tiềm năng và thế mạnh nhưng các lĩnh vực văn hoá nói chung và nghệ thuật âm nhạc, Điện ảnh nói riêng chưa được phát huy tối đa. Các chính sách tài trợ cho cho hoạt động điện ảnh, trong đó chú trọng đến đối tượng hưởng thụ chưa cụ thể và thiết thực…

- Sự hợp tác giữa các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong lĩnh vực văn hóa cần phát huy tính tự chủ hơn nữa, cần chiến lược để hình thành nên các chuỗi sản xuất sản phẩm văn hoá đồng bộ, chuyên nghiệp. Cơ chế chính sách, ưu đãi về thuế và các yếu tố khác chưa tạo động lực để thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển vào lĩnh vực văn hóa.

- Nói đến công nghiệp âm nhạc không thể không nhắc tới công nghiệp biểu diễn. Nhưng đến nay rất ít chương trình biểu diễn bán vé thành công. Đây là một điều cần quan tâm, bởi chỉ khi sản phẩm nghệ thuật tự chủ được nguồn thu thì tất yếu chất lượng tác phẩm sẽ nâng lên, buộc nghệ sĩ phải nghiêm túc sáng tạo.

- Một vấn đề tối trọng để kiến tạo nền công nghiệp văn hoá chính là vấn đề bản quyền. Dù công tác bảo vệ bản quyền âm nhạc và điện ảnh đã có những khởi sắc, nhận thức về Luật Sở hữu trí tuệ đã dần chuyển biến tích cực, tuy nhiên tình hình vi phạm bản quyền, sở hữu trí tuệ còn diễn biến phức tạp, cần quản lý và thực hiện tốt hơn.

Và để chạm đến nền công nghiệp giải trí chuyên nghiệp, các chuyên gia quốc tế và trong nước đều chung nhận định rằng: Tuy có nhiều bứt phá mạnh mẽ nhưng âm nhạc và điện ảnh thành phố vẫn chưa được gọi là những nền công nghiệp đúng nghĩa, chúng ta vừa xem các sáng tác là tác phẩm nghệ thuật đơn thuần mà không quan tâm lợi nhuận; vừa xem nó như một sản phẩm thương mại để quảng bá, phân phối và thu lợi. Có lẽ chúng ta cần thật sự xem Âm nhạc và Điện ảnh như một sản phẩm được đầu tư, đóng gói và quảng bá rộng rãi để tiến tới xây dựng nền công nghiệp thực thụ.

ĐỊNH HƯỚNG, GIẢI PHÁP ƯU TIÊN PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP ÂM NHẠC VÀ ĐIỆN ẢNH ĐẾN 2030

Để phát triển công nghiệp văn hóa trở thành động lực nội sinh góp phần phát triển kinh tế-xã hội, làm cầu nối phát triển liên kết vùng, quảng bá và nâng cao vị thế, hình ảnh văn hóa, con người Thành phố Hồ Chí Minh ra khu vực và thế giới, trong giai đoạn 2021-2030, Thành phố Hồ Chí Minh cần tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ cơ bản, đồng thời xây dựng được một hệ sinh thái Âm nhạc và Điện ảnh phát triển để đáp ứng những nội dung cơ bản sau: bảo vệ bản quyền một cách thật sự hiệu quả, xây dựng được chiến lược phát hành sản phẩm phù hợp, nâng cao hiệu quả doanh thu từ hoạt động biểu diễn và điện ảnh...

1. Nghiên cứu đề xuất bổ sung vào quy hoạch phát triển thành phố các khu công nghiệp văn hóa, trong đó có các dịch vụ văn hóa như phim trường, trung tâm biểu biễn, trung tâm trưng bày triển lãm, cơ sở đào tạo chuyên ngành công nghiệp văn hóa…

2. Gắn kết và đẩy mạnh liên kết vùng để tạo động lực cho công nghiệp văn hóa phát triển; xây dựng các tuyến, tour sản phẩm du lịch văn hóa đặt trưng của khu vực; liên kết trong việc tổ chức, thực hiện các sự kiện văn hóa lớn mang tính thường niên như các Lễ hội Âm nhạc quốc tế, Liên hoan phim quốc tế…

3. Hoàn thiện cơ chế, chính sách:

- Xây dựng, bổ sung và hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan đến việc phát triển cơ sở hạ tầng và công nghệ sản xuất hiện đại, Chiến lược hình thành những bộ máy vận hành chuyên nghiệp để hỗ trợ nghệ sĩ trong quá trình xây dựng thương hiệu, các vấn đề đầu tư, tài chính, bản quyền...

- Thực hiện quyền sở hữu trí tuệ và các quyền liên quan một cách chặt chẽ, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trên thị trường;

- Cụ thể hóa các chính sách ưu đãi về vốn, thuế, đất đai, khuyến khích sáng tạo đối với văn nghệ sĩ, các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực văn hóa từ khâu bắt đầu đến hoàn chỉnh của sản phẩm công nghiệp văn hóa.

- Đề xuất các chính sách để các doanh nghiệp trong và ngoài nước tăng cường đầu tư vào các hoạt động sáng tạo văn hóa, sản xuất các sản phẩm và dịch vụ văn hóa; phát triển mạng lưới doanh nghiệp, phát triển một số tập đoàn lớn về công nghiệp văn hóa ở các lĩnh vực truyền thông, điện ảnh, phát thanh và truyền hình trên địa bàn thành phố.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức phát biểu tại Hội thảo Văn hóa 2022. (Ảnh: DUY LINH)

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức phát biểu tại Hội thảo Văn hóa 2022. (Ảnh: DUY LINH)

4. Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực:

- Xây dựng chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy trao đổi kiến thức, nâng cao năng lực chuyên môn, đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp cho các ngành công nghiệp âm nhạc và điện ảnh.

- Ban hành chính sách để thu hút và trọng dụng nhân tài nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên lĩnh vực văn hóa.

5. Tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ. Chuyển đổi số một cách thực chất và quyết liệt thông qua ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại trong các khâu của quá trình sản xuất sản phẩm, dịch vụ của ngành công nghiệp văn hóa thành phố.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vừa là thời cơ vừa là thách thức, các nền tảng video âm nhạc và mạng xã hội đã trở thành những nền tảng cơ bản để người dùng có thể khám phá nhiều loại âm nhạc mới. Các hãng thu âm, nhà tiếp thị âm nhạc, nghệ sĩ và những người sáng tạo đã tận dụng kho ứng dụng của các nền tảng, mạng xã hội để phổ biến bài hát. Xu thế này đã thực sự trở thành một phần quan trọng trong nghệ thuật kể chuyện bằng âm nhạc và trở thành công cụ thu hút các nhãn hàng trong ngành công nghiệp âm nhạc đầu tư khai thác, đây là nguồn thu điển hình và quan trọng đối với một nền công nghiệp Âm nhạc phát triển.

6. Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại, hợp tác và giao lưu về văn hóa. Kêu gọi đầu tư, khuyến khích các mô hình đầu tư và kinh doanh về công nghiệp văn hóa, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Tăng cường sản xuất và xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ văn hóa, mở rộng giao lưu, trao đổi văn hóa với các nước trong khu vực và trên thế giới; xây dựng và phát triển thị trường sản phẩm, dịch vụ văn hóa ở nước ngoài một cách đa dạng và đặc trưng của văn hóa Thành phố.

7. Nghiên cứu phương án Thành lập Trung tâm Phát triển công nghiệp văn hóa để kết nối, xây dựng và tổ chức thực hiện các đề án, dự án, chương trình, thực hiện chức năng hỗ trợ, kết nối, quy tụ nguồn lực, phát huy giá trị sáng tạo, mở rộng thị trường… nhằm phát triển các ngành công nghiệp văn hóa thành ngành kinh tế quan trọng đóng góp tích cực vào phát triển xã hội và tăng trưởng kinh tế trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

8. Hình thành các sự kiện lớn mang tính chất thường niên và thương hiệu đặc trưng, đặc sắc mang tầm quốc gia của thành phố về các ngành công nghiệp Âm nhạc và Điện ảnh. Ưu tiên phát triển các chuyên ngành có thế mạnh, tiếp tục có sự phát triển phong phú, đa dạng thị trường âm nhạc, điện ảnh. Cụ thể:

- Đối với lĩnh vực âm nhạc:

+ Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp lý trên lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, tạo điều kiện thuận lợi và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Tạo ra nhiều hoạt động sáng tạo, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, chú trọng các hoạt động giao lưu quốc tế, góp phần xây dựng và phát triển thương hiệu đặc trưng của Thành phố.

+ Tăng cường các hoạt động sáng tác, biểu diễn, quảng bá gắn với mục tiêu kinh doanh hiệu quả, khuyến khích và thu hút xã hội hóa nhằm phát huy nguồn lực để tập trung các dự án khởi nghiệp trên lĩnh vực âm nhạc, tạo cơ chế thu hút đầu tư đối với hoạt động nghệ thuật biểu diễn nói chung và hoạt động âm nhạc nói riêng.

+ Chú trọng đầu tư cơ sở vật chất phục vụ hoạt động nghệ thuật biểu diễn, đặc biệt quan tâm đến việc đầu tư trọng điểm các công trình nhà hát, trung tâm giải trí đạt chuẩn quốc tế. Đẩy mạnh chuyển đổi số trên lĩnh vực văn hoá nghệ thuật, áp dụng hiệu quả thành tựu của khoa học công nghệ…

- Đối với lĩnh vực điện ảnh:

+ Trên cơ sở triển khai thực hiện Luật Điện ảnh sửa đổi, có hiệu lực từ 1/1/2023, Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới tạo đà tiếp tục phát triển; thay đổi tư duy, hành động để tiếp tục nâng cao trình độ sản xuất cũng như chất lượng sản phẩm điện ảnh, chinh phục thị trường, khẳng định thương hiệu điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh; tạo nguồn lực mạnh mẽ từng bước xây dựng nền điện ảnh hiện đại, nhân văn, mang bản sắc dân tộc và ngày càng có nhiều đóng góp vào phát triển công nghiệp văn hóa thành phố. Đẩy mạnh xã hội hóa điện ảnh; những chính sách ưu đãi về thuế, cơ chế để khuyến khích đầu tư về điện ảnh, có chính sách bảo hộ phù hợp cho phim Việt Nam như ưu tiên cho việc chiếu phim Việt Nam; cơ chế ưu đãi về vốn cho những nhà làm phim trong nước…

+ Có kế hoạch cụ thể nhằm đầu tư thực hiện những bộ phim có tiếng vang lớn trong nước và quốc tế; thực thi hiệu quả các quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ và các giải pháp xử lý việc khai thác phim không có bản quyền; cách thức giải quyết những vấn đề tồn tại và góp phần xây dựng nền công nghiệp điện ảnh phát triển bền vững.

+ Nghiên cứu tổ chức các Liên hoan phim mang dấu ấn riêng của thành phố theo định kỳ. Tổ chức các cuộc thi kịch bản, sản xuất phim thể nghiệm, phim đầu tay, thi tài năng trẻ… Tổ chức Chợ phim đại diện cho điện ảnh nước nhà để mở rộng giao lưu, hợp tác sản xuất và cung cấp dịch vụ làm phim với nước ngoài; phổ biến văn hóa nghệ thuật của thành phố với quốc tế; mở đường cho việc xuất khẩu phim bằng con đường thương mại.

+ Nghiên cứu xây dựng Bảo tàng Điện ảnh lưu giữ tất cả hình ảnh, hiện vật về Điện ảnh Nam Bộ, Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước.

+ Phục hồi hoạt động của ngành phát hành phim thành phố để điều hành, quản lý công tác phát hành trên địa bàn, quản lý nhà nước về hoạt động của hệ thống rạp chiếu phim, quản lý công tác xuất nhập khẩu phim.

Một tiết mục tại Lễ hội Âm nhạc quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh - Hò dô 2019. (Ảnh: TTXVN)

Một tiết mục tại Lễ hội Âm nhạc quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh - Hò dô 2019. (Ảnh: TTXVN)

Phim "Hai Phượng" của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân thu được 200 tỷ đồng tại các phòng vé trong nước và ở Mỹ, Canada. (Ảnh: nld.com.vn)

Phim "Hai Phượng" của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân thu được 200 tỷ đồng tại các phòng vé trong nước và ở Mỹ, Canada. (Ảnh: nld.com.vn)

Item 1 of 2

Một tiết mục tại Lễ hội Âm nhạc quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh - Hò dô 2019. (Ảnh: TTXVN)

Một tiết mục tại Lễ hội Âm nhạc quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh - Hò dô 2019. (Ảnh: TTXVN)

Phim "Hai Phượng" của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân thu được 200 tỷ đồng tại các phòng vé trong nước và ở Mỹ, Canada. (Ảnh: nld.com.vn)

Phim "Hai Phượng" của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân thu được 200 tỷ đồng tại các phòng vé trong nước và ở Mỹ, Canada. (Ảnh: nld.com.vn)

ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ

Để lĩnh vực công nghiệp văn hóa phát triển, Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất, kiến nghị các nội dung sau:

- Một là, đề xuất Quốc hội cho phép Thành phố Hồ Chí Minh được áp dụng cơ chế đặc thù triển khai thực hiện các dự án đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất lĩnh vực văn hóa và thể thao theo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

- Hai là, Quốc hội đánh giá việc thực thi Luật quản lý, sử dụng tài sản công ban hành ngày 21 tháng 6 năm 2017 trong thời gian qua tại các địa phương còn tồn tại và phát sinh những bất cập; nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách để các địa phương có tiềm năng, thế mạnh và những điều kiện thuận lợi riêng để tăng cường phát triển công nghiệp văn hóa một cách hiệu quả nhất.

- Ba là, các cơ quan thẩm quyền của Trung ương hướng dẫn việc triển khai, cụ thể hóa Kết luận số 14-KL/TW ngày 22 tháng 9 năm 2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung nhằm khuyến khích cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách hoặc thực hiện thí điểm, bảo đảm không trái với Hiến pháp và Điều lệ Đảng… làm cơ sở để nghiên cứu, triển khai thực hiện các dự án.

- Bốn là, Chính phủ quan tâm chỉ đạo các cơ quan trung ương rà soát, tiếp tục thực hiện nâng cao hiệu lực, hiệu quả các quyết định quan trọng của Thủ tướng Chính phủ:

+ Quyết định số 1400/QĐ-TTg ngày 18 tháng 8 năm 2015 của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch vùng Đông nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

+ Quyết định số 2156/QĐ-TTg ngày 11 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt “Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.

- Năm là, cho phép Thành phố Hồ Chí Minh thí điểm thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo văn hóa là đơn vị sự nghiệp công lập để kết nối, xây dựng và tổ chức thực hiện các đề án, dự án, chương trình, phát huy giá trị sáng tạo, tính chuyên nghiệp, hiện đại trong phát triển công nghiệp văn hóa tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Nhằm bảo đảm yêu cầu để ngành văn hóa thành phố phát triển tương xứng với vị trí, tiềm năng và tầm vóc của một đô thị đặc biệt. Thành phố Hồ Chí Minh cần có một cơ chế, chính sách đặc thù, tạo hành lang pháp lý để lĩnh vực văn hóa thực hiện những bước đột phá mới, đáp ứng sự kỳ vọng và niềm tin của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố, kiến nghị các cơ quan thẩm quyền của Trung ương quan tâm, có ý kiến chỉ đạo giải quyết đối với các nội dung kiến nghị của Thành phố Hồ Chí Minh nêu trên.

Ngành văn hóa và thể thao Thành phố trân trọng cảm ơn sự quan tâm lãnh đạo của các cơ quan ban ngành Trung ương, của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; sự phối hợp, hỗ trợ của các tỉnh thành bạn. Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố rất mong trong thời gian tới tiếp tục nhận được sự quan tâm sâu sát của các đồng chí để ngành văn hóa và thể thao thành phố có những đóng góp tích cực hơn nữa nhằm góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và phát triển ngành cũng như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI đã đề ra.

SỞ VĂN HÓA VÀ THỂ THAO THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH