
Công tác vận tải chiến dịch là khâu trung tâm của công tác hậu cần Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong suốt cả thời gian chiến dịch, công tác vận tải không lúc nào giảm bớt căng thẳng vì phải đảm nhận những nhiệm vụ với những khó khăn to lớn lúc đầu tưởng chừng như không vượt qua được.
Chỉ nói riêng về gạo cho quân đội đã cần 14.950 tấn, nhưng cái khó là phải tập trung vào nơi xa nhất, khó nhất. Các đồng chí chỉ huy của Tổng cục ở tiền phương, các cán bộ và chiến sĩ của các cục của Tổng cục đi chiến dịch này đã tập trung vào giúp cho công tác vận tải chiến dịch thắng lợi.
Chúng ta đã biết, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ta đã thông qua phương châm "đánh chắc, tiến chắc" và khẩu hiệu "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng", đã được quán triệt trong toàn quân toàn dân. Công tác vận tải từ hậu phương xa xôi và cả từ những vùng địch tạm chiếm ở Khu III lên đến Điện Biên Phủ, đã trở thành một mặt trận thực sự, với tính chiến đấu quyết liệt.
Công tác vận tải từ hậu phương xa xôi và cả từ những vùng địch tạm chiếm ở Khu III lên đến Điện Biên Phủ, đã trở thành một mặt trận thực sự, với tính chiến đấu quyết liệt.
Để có được chiến thắng Điện Biên Phủ, Đảng và nhân dân ta đã đưa ra mặt trận những người con ưu tú nhất. Ngoài việc bổ sung binh sĩ cho các đơn vị chiến đấu, ta còn huy động trên 26 vạn dân công, đi từng đợt dài ngắn khác nhau, nhưng đã lên tới hàng chục triệu ngày công, và cả một khối lượng tài sản lớn: 30.000 tấn vật chất, 21.000 xe đạp thồ, 628 xe ôtô, 2.600 thuyền các loại và hơn một vạn con ngựa thồ.
Tất cả lực lượng lao động đông đảo và khối lượng vật chất cực lớn này được đưa lên từ khắp các nẻo đường đất nước ở Khu III, Khu IV, vào đường 6, ở Việt Bắc đến, vào đường 13 nhưng cuối cùng cũng đều dồn vào con đường độc đạo, có đoạn mới làm, có đoạn mới sửa lại luôn bị máy bay địch tập trung đánh phá ngày đêm trên đoạn từ Cò Nòi lên Điện Biên Phủ dài 210 km. Nó đòi hỏi một nghệ thuật tổ chức và chỉ huy tài giỏi, sao cho người đông mà không rối, phương tiện nhiều mà không ùn tắc, để hằng ngày một lượng gạo và thực phẩm được chuyển đều đặn tới các chiến sĩ, một lượng vũ khí nhất định đủ để bóp nát "con nhím" khổng lồ với 16.200 tên xâm lược, trang bị vũ khí hiện đại.
Có nhiều phương án tổ chức được đề xuất, nhưng phương án cuối cùng được Trung ương duyệt và phân công tổ chức bảo đảm cung cấp cho chiến trường là:
- Các đảng bộ và Ủy ban kháng chiến hành chính các tỉnh, huyện phụ trách huy động dân công ngắn hạn và phương tiện vận tải của địa phương vận chuyển lượng vật chất đã được phân công cho tỉnh, huyện mình phụ trách, đem giao cho các kho của Hội đồng Cung cấp mặt trận Trung ương ở hai vùng kho lớn: Yên Bái, Âu Lâu, Vạn Mai và Suối Rút.
- Hội đồng Cung cấp mặt trận Trung ương do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch, phụ trách việc tổ chức động viên nhân tài, vật lực của cả nước cho mặt trận, có bộ phận tiền phương đóng ở Sơn La, lo việc tổ chức chỉ huy vận chuyển từ Âu Lâu, Vạn Mai, Suối Rút, lên giao hàng cho tuyến đầu mối tiếp nhận của Tổng cục Cung cấp quân đội ở Sơn La.
- Từ Sơn La vào Điện Biên Phủ đường dài 165km do Tổng cục Cung cấp phụ trách, chia làm ba tuyến hậu cần vận tải:
+ Tuyến đầu mối tiếp nhận từ Sơn La đến Km15 Tuần Giáo, dài 100km.
+ Tuyến từ Km15 đến Km62 đường mới làm, dài 47km.
+ Tuyến thứ ba từ Km62 vào các kho hậu cần của các đại đoàn là hỏa tuyến, tuy đường ngắn nhưng phức tạp vì sát địch và lại phải đi sâu giúp đỡ các đại đoàn, có khi đưa thẳng đến trận địa pháo.
Trong mỗi tuyến đều có đủ các lực lượng vận tải, công binh, pháo cao xạ, thông tin... cùng hiệp đồng chiến đấu. Theo số liệu thống kê của Hội đồng Cung cấp Trung ương thì tổng khối lượng hàng vận chuyển từ hậu phương ra hỏa tuyến là: 4.450.000 tấn/km, trong đó:
* Tuyến các tỉnh, huyện thực hiện 1.582.000 tấn/km, bằng 35,5%.
* Tuyến Hội đồng Cung cấp mặt trận Trung ương phụ trách thực hiện 1.176.000 tấn/km, bằng 26,5%.
* Tuyến Tổng cục Cung cấp tiền phương của quân đội thực hiện 1.629.000 tấn/km, bằng 38%.

Dùng mảng vượt sông đưa hàng lên Điện Biên Phủ. (Ảnh: Bảo tàng lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ)
Dùng mảng vượt sông đưa hàng lên Điện Biên Phủ. (Ảnh: Bảo tàng lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ)
Tuyến vận chuyển của quân đội tuy đường trục từ hậu phương lên ngắn hơn và tiếp chuyển từ phía sau lên khối lượng ít hơn, nhưng lại lớn hơn hai tuyến sau, là vì có khâu vận tải huy động trên 7.600 tấn gạo, thực phẩm tại các địa phương Sơn La, Lai Châu và đưa 1.700 tấn gạo từ biên giới Trung Quốc về Điện Biên Phủ. Hàng ngàn nam, nữ dân công tài giỏi và dũng cảm của các tỉnh Phú Thọ, Thanh Hóa, Lào Cai, Lai Châu đã đóng trên 11.600 bè nứa và dùng thuyền độc mộc đưa gạo về thị xã Lai Châu, để từ đó, hàng ngàn ngựa thồ, xe đạp thồ chuyển về Điện Biên Phủ.
Tuy nhiên, việc vận chuyển từ xa bằng phương tiện thô sơ cũng rất hạn chế. Trong các Chiến dịch Tây Bắc, Thượng Lào trước đây, dân công mang từ Thanh Hóa ra 5.000 tấn gạo, nhưng đến Cò Nòi chỉ còn 400 tấn, tức là 8% tới đích, còn 92% phải rải ăn suốt dọc đường dài 418km. Vì thế, trên 7.600 tấn gạo, thực phẩm của đồng bào các địa phương quanh Điện Biên Phủ trong điều kiện sản xuất phân tán, đường sá gập ghềnh là vô cùng quan trọng.
Đồng bào từ các rẻo cao đầu đội gạo, tay dắt lợn, lại đèo theo bu gà về nuôi bộ đội đánh Tây, đã thể hiện những hình ảnh vô cùng cảm động về lòng giác ngộ, sự hy sinh to lớn của đồng bào các dân tộc Tây Bắc góp vào chiến dịch. Mặt khác, ý nghĩa kinh tế của bài học khai thác tại chỗ cũng rất rõ nét: hậu cần tại chỗ là nhanh nhất, gần nhất, tiết kiệm nhất.
Hậu cần tại chỗ là nhanh nhất, gần nhất, tiết kiệm nhất.
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, từ hậu phương xa xôi lên mặt trận, kể cả tuyến vận chuyển của các tỉnh, huyện và tuyến của Hội đồng Cung cấp mặt trận Trung ương cũng đã sử dụng 16.200 xe thồ, hơn 150 thuyền và 180 xe ôtô trên các trục đường ra phía trước. Nhưng qua con số tổng kết của Hội đồng Cung cấp mặt trận Trung ương, chỉ tính riêng lượng gạo từ các kho hậu phương xuất phát là 15.745 tấn, đến giao cho tuyến quân đội được 7.650 tấn, tức là 48% tới đích, còn 52% rải ăn dọc đường. Dẫu sao đó cũng là một sự tiến bộ mới so với các đợt vận chuyển của các chiến dịch trước.
Trên tuyến vận tải của quân đội, trong giai đoạn chuẩn bị chiến dịch, có sự tranh luận sôi nổi về phương châm: "lấy phương tiện thô sơ là chính" hay "cơ giới là chính". Qua thảo luận, càng làm sáng tỏ phương châm: "lấy cơ giới là chính" trên trục đường chủ yếu Sơn La đi Điện Biên Phủ. Tất nhiên có kết hợp thô sơ, nhưng là phụ, vì tuyến vận tải đã vào sâu chiến trường, xa hậu phương, tiết kiệm được người và dành được số gạo đã vận chuyển vào cho bộ đội chiến đấu. Trên thực tế chúng ta đã kết hợp vận tải thô sơ trên các cung, rút gạo từ các địa phương quanh Sơn La, Lai Châu về Điện Biên Phủ, trên tuyến Mường Luân, Bản Sang, trên tuyến sông Ba Nậm Cúm, Lai Châu và ngựa thồ Lai Châu-Điện Biên Phủ.
Nhưng trong khi xác định phương châm "lấy cơ giới làm chính" trên trục chủ yếu từ hậu phương lên hỏa tuyến, kinh nghiệm Điện Biên Phủ vẫn luôn nhắc nhở chúng ta rằng, đối với chiến trường rừng núi, không bao giờ được quên phương tiện thô sơ, vì rằng đường ôtô không phải địa hình nào cũng làm được, lại còn điều kiện thời gian và yếu tố bí mật đối với ý định chiến dịch, v.v...
Ở Điện Biên, ngay tại hỏa tuyến và trên suốt tuyến hậu cần tiền phương và ở các khâu vận tải chiến thuật và trực tiếp phục vụ chiến đấu: tiếp đạn, tải thương, hộ lý, nuôi quân, xếp dỡ, thồ xe, chèo thuyền, v.v... đều sử dụng lực lượng dân công và phương tiện thô sơ lớn: ngót 3.000 xe đạp thồ, 924 ngựa thồ và 25.155 dân công. Đó là kinh nghiệm về việc vận dụng kết hợp các phương tiện vận tải chiến dịch.
Để ra phương châm đúng đã khó, nhưng việc tổ chức chỉ huy thực hiện còn khó hơn. Từ nhiều chiến dịch trước Điện Biên, các cán bộ vận tải chỉ quen làm kế hoạch sử dụng dân công và phương tiện thô sơ, đến chiến dịch này, lần đầu tiên sử dụng phương tiện cơ giới lớn nên có nhiều lúng túng. Và lại phải tổ chức, chỉ huy và điều độ một lượng xe lớn trên tuyến đường độc đạo, lại còn bị bom, mìn và mưa lũ phá hoại, trong khi yêu cầu gạo cho tiền tuyến bức bách hằng ngày, thì quả thật không phải chuyện đơn giản.
Trong chỉ huy vận tải cơ giới, cái khó nhất là không nắm được tình hình vận chuyển, xe ra khỏi kho như chim thả ngoài trời, chỉ có khi xe trở về nơi xuất phát, mới biết rằng xe đã đi tới đích. Thực chất người chỉ huy chỉ mới làm được kế hoạch vận tải. Thành công hoặc thất bại còn là nhờ thời tiết và trông vào sự dũng cảm, tháo vát của từng người lái xe.
Ở chiến dịch này, mặc dù khách quan có nhiều khó khăn, nhưng đòi hỏi sự nỗ lực chủ quan lớn của cả một tập thể làm nhiệm vụ vận tải: xe, kho, trạm, công binh, thông tin, pháo cao xạ, các đơn vị hậu cần, kỹ thuật, v.v. phải xoay quanh bảo đảm cho một nhiệm vụ trung tâm là công tác vận tải, với chỉ tiêu gạo, đạn đến đích hằng ngày không thể tùy tiện được.
Vấn đề vận chuyển một khối lượng quy định đã trở thành mệnh lệnh chiến đấu, đòi hỏi người lái xe chỉ được đạt và vượt cung độ quy định và đòi hỏi các lực lượng phục vụ, các lực lượng bảo đảm dành thời gian dài nhất, cho xe chạy có ích trong đêm được nhiều nhất.
Trong những ngày đầu của chiến dịch, trên toàn tuyến vận chuyển cơ giới có hai khâu chậm chuyển nhất và cũng làm giảm bớt thời gian lăn bánh có ích của xe trong đêm nhiều nhất, đó là khâu xếp dỡ hàng, việc chỉ huy xe chờ tránh nhau ở các đèo hoặc ở các đoạn đường độc đạo. Kẻ địch cũng lại nhằm đúng vào những nơi đèo dốc cao và đường hẹp này mà tập trung đánh phá. Vì vậy, công tác tổ chức, chỉ huy của vận tải cơ giới phải tập trung vào gỡ hai khâu khó khăn này.
Nơi xếp hàng cho xe chạy cũng là nơi tập trung kho tàng, xe cộ, là nơi làm công tác chuẩn bị về kỹ thuật, tra nạp xăng dầu, bổ sung hậu cần, lại có hầm cho lái xe nghỉ ngơi, có địa điểm tương đối thuận tiện làm công tác động viên chính trị, giáo dục nhiệm vụ, giải quyết những vướng mắc về tư tưởng trước khi lên đường, nên chúng tôi thường gọi nơi đây là "bàn đạp xuất phát tiến công" của bộ đội vận tải. Vì vậy, giải quyết khâu xếp dỡ hàng, chính là phải giải quyết đồng bộ, hoàn chỉnh, tại khu vực bàn đạp xuất phát tiến công.

Xe quệt vận chuyển hàng hóa phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh: Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ)
Xe quệt vận chuyển hàng hóa phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh: Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ)
Để trực tiếp kiểm tra từng giờ, hằng ngày và xây dựng các mặt cho khu vực bàn đạp tiến công của lực lượng xe, thủ trưởng tuyến vận tải đã quy định sở chỉ huy của các binh trạm vận tải (tương đương cấp trung đoàn) phải ở ngay đầu cung đường của mình và đặt sở chỉ huy (trung đoàn bộ) ngay tại khu vực bàn đạp xuất phát của xe, tức là ngay cạnh kho tàng, gần chỗ xe đậu, chỗ sửa chữa xe và nơi nghỉ ngơi, học tập của lái xe.
Mọi khó khăn cần xin chỉ thị, những vấn đề phải hiệp đồng, giải quyết được nhanh và người chỉ huy cũng nắm được trực tiếp các chiến sĩ của mình, hiểu được khó khăn của lái xe để động viên hoặc giải quyết kịp thời những vấn đề còn vướng mắc. Một số khu vực đã tổ chức được quán giải khát nhẹ nhàng, có ấm trà Suối Cát, Thái Nguyên, vài điếu thuốc lá cuộn, đôi khi còn được xem vài tiết mục văn nghệ của tổ văn công không chuyên, tặng người chiến sĩ trước khi lên nắm vành tay lái.
Sự có mặt của sở chỉ huy binh trạm tại khu vực kho tàng, ngoài tác dụng chỉ huy còn có tác động tâm lý, thúc đẩy lực lượng xếp dỡ giải phóng xe nhanh. Các đồng chí chỉ huy hằng ngày ra vào kho, thấy được những trở ngại trên đường ra vào, đã có những chỉ thị cụ thể khắc phục, làm cho cả lái xe và lực lượng xếp dỡ đều có thành tích, đều phấn khởi.
Về việc chỉ huy xe ở trọng điểm và trên đường, qua kinh nghiệm các năm chỉ huy vận tải cơ giới, đến Điện Biên Phủ đã định hình được một tổ chức, đó là các trạm barie. Các trạm barie thường đặt ở ngã ba, ngã tư đường, hoặc đặt ở hai đầu trọng điểm vượt đèo, theo đường một chiều hoặc qua ngầm, phà khó khăn.
Lúc đầu các trạm này chỉ làm nhiệm vụ điều chỉnh giao thông, nhưng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, do hệ thống thông tin hữu tuyến thông suốt từ chỉ huy sở tuyến đến từng trạm, cho nên sau này các trạm barie thực chất là các trạm chỉ huy vận tải trên đường. Có trạm được nâng lên với nhiệm vụ là phân chi sở chỉ huy của tuyến tại mặt đường, vì nó là nơi nhận báo cáo của xe, nắm tình trạng từng xe đậu tập trung hoặc rải rác suốt trong cung độ của trạm phụ trách, trực tiếp truyền đạt mệnh lệnh của sở chỉ huy cho các xe như: thay đổi thứ tự ưu tiên cho mặt hàng đêm ấy, xe nào được đi trước, xe nào phải nhường đường, có khi cần thiết còn thay đổi mặt hàng; chuyển gạo xuống, lấy vũ khí cấp thiết hoặc chở thương binh nặng.
Vị trí của các trạm chỉ huy giao thông ngày càng trở nên quan trọng, đặc biệt là ở khâu chỉ huy xe vượt trọng điểm. Trạm đã từng bước phối hợp với công binh, mở nhiều đoạn tránh nhau trên đèo, nhất là ở những đèo dài, như Pha Đin dài 30km lại độc đạo, lúc đầu chỉ có hai trạm chỉ huy giao thông ở hai đầu đèo. Công binh và vận tải đã khảo sát mở thêm sáu đoạn tránh nhau nữa ở đèo, nên các đoàn xe liên tục ra vào ít phải chờ đợi.
Để nâng cao hiệu suất vận tải, một tổ chức nổi bật trong công tác chỉ huy là tổ chức thông tin liên lạc, từ sở chỉ huy của tuyến nối liền với các trạm chỉ huy vận tải trên mặt đường nối với "bàn đạp xuất phát tiến công" và các đơn vị xe, các đơn vị pháo, công binh.
Việc chỉ huy vận tải cơ giới ở mỗi tuyến đòi hỏi nắm tình hình tức thời ở từng điểm, khi sự việc đang xảy ra để xử lý.
Việc chỉ huy vận tải cơ giới ở mỗi tuyến đòi hỏi nắm tình hình tức thời ở từng điểm, khi sự việc đang xảy ra để xử lý. Mặc dầu những việc này đều có trong phương án từ trước nhưng mỗi lúc xử lý thường khác nhau, tùy theo hoàn cảnh cụ thể lúc đó, người chỉ huy phải dùng điện thoại hoặc vô tuyến điện sóng ngắn nói trực tiếp với người phải chấp hành để ra mệnh lệnh, hoặc là động viên, hướng dẫn cụ thể cho cấp dưới.
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, lần đầu tiên ở Sơn La, một tuyến vận tải cơ giới gần 100km được bảo vệ bằng một tiểu đoàn pháo cao xạ 37 ly cơ động. Tiểu đoàn có nhiệm vụ phục kích đón lõng máy bay địch, cũng đã bắn rơi được một số chiếc, trong đó có một chiếc B57 rơi tại chỗ. Sự kiện này làm cho toàn tuyến, nhất là các đồng chí lái xe rất phấn khởi, yên tâm, nhất là những buổi cần tranh thủ đi sớm, lúc trời còn nắng và về muộn, khi sương đã tan dần. Mọi hoạt động của các binh chủng đều được chỉ đạo phục vụ xoay quanh công tác vận tải, sao cho các đơn vị ôtô có thời gian lăn bánh có ích, được tận dụng dài nhất trong một ngày đêm.
Trong những ngày Đông Xuân của Điện Biên Phủ, nhiều ngày có sương mù trên các đèo cao, các đồng chí chỉ huy vận tải đã nghiên cứu quy luật của thời tiết, quy luật hoạt động của máy bay địch để cho xe tranh thủ vượt các trọng điểm về nơi cất giấu hoặc lấy hàng.
Trên tuyến vận tải, còn truyền tụng lại một câu, vừa là khẩu hiệu vừa là phương châm cho cơ giới trên chiến trường rừng núi: "Chiều đi sớm, sáng về trưa, mưa lâm râm đi cả ban ngày". Đó là việc tranh thủ thời tiết để chạy xe. Nhưng thời tiết ở Điện Biên Phủ có khi phản lại chúng ta. Có hôm mới tinh mơ sáng, xe tranh thủ vượt Pha Đin, thì trời đã hửng nắng, nhiều lần đoàn xe và pháo cao xạ đã đụng độ với máy bay địch giữa lưng đèo hiểm trở.
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, lần đầu tiên ở Sơn La, một tuyến vận tải cơ giới gần 100km được bảo vệ bằng một tiểu đoàn pháo cao xạ 37 ly cơ động.
Cơ quan tham mưu vận tải của tuyến đã phấn đấu theo sát bánh xe lăn để chỉ huy các lực lượng, bảo đảm cho từng người lái và từng chiếc xe đưa càng nhanh, càng nhiều hàng ra phía trước. Công tác tổ chức chỉ huy vận tải thực chất là tổ chức chỉ huy chiến đấu hiệp đồng các binh chủng, bảo đảm cho vận tải cơ giới hoàn thành nhiệm vụ vận chuyển là nhiệm vụ trung tâm của tuyến vận tải.
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, các cơ quan tham mưu, các binh trạm và bàn đạp xuất phát tiến công được nối bằng mạng thông tin điện thoại vững chắc là những tổ chức cơ bản được củng cố, đi đôi với việc xây dựng các đại đội xe mạnh, gọn, nhẹ. Đó là những kinh nghiệm về tổ chức vận tải của Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Công tác vận tải trong Chiến dịch Điện Biên Phủ có một thành công lớn và cũng là thắng lợi đầu tiên so với các chiến dịch trước. Đó là việc vận chuyển thương binh trên tuyến đường dài bằng cơ giới. Trong hoàn cảnh tác chiến ở vùng rừng núi, xa hậu phương, lại không có những cơ sở dân y tại chỗ, Tổng cục Cung cấp tiền phương đã đề ra phương châm: "Vừa đánh vừa chuyển thương binh, chuyển liên tục, chuyển thường xuyên, kết hợp chuyển thương binh và điều trị dọc đường".
Muốn chuyển được thường xuyên phải tranh thủ kết hợp vận chuyển bằng ô-tô theo phương châm "khi lên tải gạo, khi về chuyển thương", vì không có đủ xe hồng thập tự chuyên dụng và cũng vì thế khẩu hiệu an toàn phải đặt lên hàng đầu.

Ảnh: TTXVN
Ảnh: TTXVN
Cho đến những ngày mưa xối xả vào cuối tháng 6/1954, những đồng chí thương binh của Điện Biên lịch sử, đã về nghỉ ngơi trong các đoàn an dưỡng và bệnh viện ở vùng đồi cọ rừng chè thân thuộc. Đó là thành tích chuyển thương lớn nhất, chủ yếu bằng cơ giới, trong thời gian ngắn nhất so với mọi chiến dịch từ trước đó.
Nội dung: NGUYỄN AN
Trình bày: NGỌC DIỆP
Ảnh: Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, TTXVN
(Bài viết đăng trong cuốn "50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Điện Biên Phủ - hợp tuyển công trình khoa học, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, 2005)