CỐT CÁCH NGƯỜI THĂNG LONG-HÀ NỘI
Người Thăng Long-Hà Nội có đặc tính chung của người Việt là: chăm chỉ, tính chịu đựng cao, lòng tự tôn lớn, dũng cảm, khoan dung và hòa hiếu nhưng trong lối sống, cung cách ứng xử lại có những lại có nét riêng.
LỐI SỐNG THANH LỊCH, TẾ NHỊ, TAO NHÃ
Khi bàn về lối sống của người Hà Nội, nhiều người thường dẫn câu: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Một số nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, câu này là câu “mưỡu” trong bài ca trù “Thành Thăng Long” của Nguyễn Công Trứ (1778-1858). Nhưng lại có ý kiến khác, câu này là ca dao đất Thăng Long và Nguyễn Công Trứ đã đưa vào “Thành Thăng Long”.
Cũng nhiều người dẫn câu: “Người thanh tiếng nói cũng thanh/Chuông kêu khẽ đánh bên thành cũng kêu” hoặc lấy ca dao của làng Láng “Nhờ người thanh lịch gánh lên kinh kỳ”. Láng là một làng bên bờ sông Tô Lịch, phía tây kinh đô Thăng Long nổi tiếng về trồng rau. Vì dân kinh kỳ thanh lịch nên người Láng gánh rau vào bán cũng phải thanh lịch.
Nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy (1900-1994) quê ở làng Lủ bên con sông Tô Lịch nhưng sinh ra ở phố Hàng Đào. Ông là tác giả của nhiều cuốn sách về lịch sử, văn hóa, đời sống xã hội Hà Nội trước năm 1954, trong đó có cuốn “Hà Nội thanh lịch” xuất bản năm 1991. Phải tìm hiểu sâu, nghiên cứu kỹ ông mới đặt tên cuốn sách như vậy. Thanh lịch, tế nhị, tao nhã là lối sống văn hóa. Lối sống này đã vượt qua bản năng, đạt tầm lý tính, tức là có ý thức, ý thức với bản thân và cộng đồng.
Trong cuốn “Description of the Kingdom of Tonqueen” (Miêu tả vương quốc xứ Đàng Ngoài-Xuất bản năm 1683) của Samuel Baron có đoạn kể về đàn ông Thăng Long: “Rất ít khi thấy họ uống rượu mặt đỏ gay ở ngoài đường hay quá say nằm vạ vật”. Khi đi thăm hỏi người ốm, họ không hỏi thẳng: “Bệnh tình của anh thế nào rồi” mà rất tế nhị: “Dạo này anh ăn được mấy bát cơm”. Baron có cha là người Hà Lan, mẹ là người Thăng Long. Ông sống ở Thăng Long mấy chục năm, có thời gian dài làm việc cho Công ty Đông Ấn - Anh.
Thăng Long là kinh đô khoảng 800 năm, từ triều Lý đến Lê với một diện tích không lớn, dân không đông. Ở kinh đô có vua, quan, lính và trong kinh đô chỉ một bộ phận nhỏ làm nông nghiệp, đa phần là buôn bán, làm dịch vụ, sản xuất thủ công. Hằng ngày ra đường là gặp quan, lính vì thế họ cẩn trọng, kín kẽ trong lời ăn tiếng nói để tránh vạ miệng rước họa vào thân. Lối sống kín đáo còn ảnh hưởng đến ăn mặc của phụ nữ.
Cuốn “Ở Bắc Kỳ” (Au Tonkin) là tập hợp các bài báo mà Paul Bonnetain, phóng viên của tờ “Le Figaro” đã viết về Bắc Kỳ và Hà Nội cuối thế kỷ 19. Trong bài “Dạo qua Hà Nội” ông ta tả cách ăn mặc của phụ nữ: “Chúng tôi nhìn thấy những phụ nữ bên ngoài khoác một chiếc áo choàng mầu tẻ nhạt, nhưng bên trong rất nhiều chiếc áo dài khoe rất kín đáo, chúng tôi đếm có đến mười sắc mầu rực rỡ”.
Jerome Richard là thầy tu người Anh sống ở Thăng Long 18 năm, ông viết cuốn “Lịch sử tự nhiên, dân sự và chính trị xứ Đàng Ngoài”, xuất năm 1778 (Histoire naturelle civile et politique du Tonkin).
Về lối sống của kinh đô Thăng Long, ông ta viết: “theo những nghi thức chặt chẽ và nề nếp” còn bên ngoài kinh đô thì “thoải mái hơn”. Khác với các làng xa trung tâm quyền lực nên “phép vua thua lệ làng”, người Thăng Long “gần lửa rát mặt”.
Từ thời Lý đã có cửa hàng vàng bạc, các hiệu sản xuất nông cụ bằng kim loại, triều đình có xưởng Bách tác làm ra các loại hàng hóa tiêu dùng phục vụ cho bộ máy hành chính của triều đình.
Thăng Long còn gọi là Kẻ Chợ. Công việc buôn bán hoàn toàn do phụ nữ đảm nhận. Để bán được hàng họ ăn nói khéo léo nhưng không giả dối, nhẹ nhàng mà thuyết phục tạo ra sự tin tưởng cho khách. Lối sống không tự nhiên mà có, theo sự tiến triển của xã hội, nó chịu sự điều chỉnh của luật pháp, lệnh dụ của vua, tôn giáo, tín ngưỡng… Những điều chỉnh có tính bắt buộc lâu dần thành phong tục, tạo ra quy chuẩn đạo đức cho cộng đồng, xã hội. Tuy nhiên, người Thăng Long ý thức được mình sống ở đất thượng kinh là niềm tự hào nên chính họ cũng tự thay đổi.
Có ý kiến cho rằng lối sống thanh lịch chỉ có ở tầng lớp trí thức phong kiến, điều này không đúng, đa phần người thi đỗ ở các tỉnh về Thăng Long làm quan, và chính nhưng ông quan này bị “lối sống Thăng Long hóa”.
Jerome Richard kể về bữa ăn mà ông ta được một người khá giả ở kinh thành mời như sau: “Chủ nhà rất lịch lãm, hiếu khách, nở nụ cười lịch sự đón tôi ở cửa. Ông ta đãi tôi món giò lụa, nó được xắt rất đều chứng tỏ sự kỹ càng và công bằng. Ăn xong chủ nhà lấy chiếc khăn trắng cho tôi lau miệng và cả chậu nước ấm để rửa tay”.
Thăng Long là Kinh đô. Bắt đầu từ 1976 đến nay là thủ đô của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Kinh đô, Thủ đô là đầu não chính trị, trung tâm kinh tế, văn hóa nên lối sống khác với người dân các vùng miền chuyên làm nông nghiệp.
BẢN LĨNH TRƯỢNG NGHĨA, KHOÁNG ĐẠT, SÀNH SỎI
Trong “Đại Nam thực lục”, bộ chính sử của triều Nguyễn, phần “Đệ tứ kỷ” đã chép lời vua Tự Đức nói về phong cách sống của người Hà Nội. Có thể tóm tắt trong 6 chữ: “Kiêu bạc, xa xỉ, khoáng đạt”. Tự Đức là vị vua thông minh, kiến văn sâu rộng, ngồi ngai vàng lâu nhất trong các vua triều Nguyễn (1848-1883) nên nhận định của ông là đáng tin cậy.
Kiêu bạc là trọng chính, ghét tà, không bon chen, trong kiêu bạc có trượng nghĩa. Thời Nguyễn, có người Hà Nội thi đỗ ra làm quan song cũng không ít ông cử mang tư tưởng “vọng Lê” quyết không ngồi “chung mâm” với nhà Nguyễn.
Theo gương Chu Văn An, họ về phố mở trường dạy học, đó là các ông cử: Lê Đình Diên, Vũ Thạch, Nguyễn Huy Đức… Còn Nguyễn Siêu đỗ phó bảng làm quan một thời gian nhưng nản chốn quan trường cúi luồn, tìm kiếm danh lợi, ông xin nghỉ hưu về mở trường Phương Đình. Các ông cử truyền dạy học trò kiến thức, đặc biệt nhân cách của người trí thức trong buổi giao thời. Lần giở lịch sử, ít người phố cổ làm quan, quan to lại càng hiếm.
Không chỉ đàn ông khoáng đạt, thương người mà đàn bà con gái Thăng Long-Hà Nội cũng vậy. Ca dao cổ Hà Nội có câu “Đông Thành là mẹ là cha/Đói cơm thiếu áo thì ra Đông Thành”. Chợ Đông Thành có từ thời Lý, những năm thiên tai mất mùa, người dân những nơi đói kém đổ về Thăng Long, họ ra chợ được người buôn bán, kẻ đi chợ cho ăn cho tiền.
Triều vua Tự Đức, bà Lê Thị Mai đã làm nhà cho học sinh các tỉnh trọ không lấy tiền, trò nghèo bà còn cấp gạo, giấy bút; được vua ban chữ “Thiện tục khả phong”. Năm 1927, một số chị em đã thành lập ban kịch “Nữ tài tử” trình diễn vở “Trang tử cổ bồn” ở Nhà hát Lớn lấy tiền ủng hộ bà con các tỉnh miền Bắc bị lũ lụt. Bà Cả Mọc (tức Hoàng Thị Uyển) mở trường mẫu giáo nuôi dạy miễn phí, khi vỡ đê, bà kêu gọi chị em buôn bán ở các phố đóng góp rồi nhờ thanh niên mang đi cứu trợ. Bà còn lập nhà dưỡng lão nuôi người già không nơi nương tựa. Cảm kích trước tấm lòng nhân ái của bà, năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời bà lên Bắc Bộ Phủ dùng trà và mong bà tiếp tục thương người nghèo khổ.
Sành sỏi trong buôn bán, sành sỏi trong ăn chơi cũng là nét riêng của người Hà Nội. Thời Lê, làng Võng Thị trồng các loại hoa nên được gọi là “Võng Thị điền hoa”, lên đây không chỉ thưởng hoa mà còn để uống rượu sen nức tiếng của làng Thụy Khuê, thưởng thức ca trù và thưởng tiền cho các đào có câu hát đốn tim. Cuốn “Vũ trung tùy bút” của nhà Nho Phạm Đình Hổ (1768-1839) là ghi chép về xã hội Thăng Long giai đoạn “vua Lê chúa Trịnh” tranh giành quyền lực cuối thế kỷ 18.
Phạm Đình Hổ vạch ra xấu xa của quan lại trong triều, ngợi ca lối sống biết ăn, biết chơi, biết ứng xử của người Thăng Long. Về thú chơi hoa ông viết: “Chơi hoa với người Thăng Long không chỉ là chuyện bình thường mà mượn hoa, cây cảnh để nói lên đạo làm người, nói cách khác chỉ cần nhìn người chơi hoa cũng có thể biết đạo lý của họ. Trong cách chơi vẫn ngụ cái ý về thế giáo thiên luân. Vậy nên mượn khóm hoa, tảng đá để ký thác hoài bão cao cả”.
Thập niên 30 thế kỷ 20, các cô gái Hà Nội khởi xướng lối sống tân thời, họ không rẽ tóc ngôi giữa để tỏ ra chính chuyên mà chải mái lệch, mặc quần soóc, mặc đồ tắm bơi ở hồ bơi Quảng Bá, các cô học tiếng Pháp và viết nhật ký. Dù là sống kiểu mới song thực chất tân thời là phong trào phản kháng lại sự hà khắc và nghiệt ngã của xã hội cũ với phụ nữ.
Phong trào tân thời của chị em ở Hà Nội là đòi bình đẳng giới đầu tiên ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Còn họ mua nhiều món đồ xa xỉ là lẽ dĩ nhiên vì Thăng Long-Hà Nội có tầng lớp trung lưu, xa xỉ cũng là hình thức phô trương đẳng cấp hoặc ảnh hưởng thành ngữ “Nhiều tiền thiên niên vạn đại/Ít tiền làm lại là đi”.
Thăng Long là nơi bốn phương hội tụ, người về sau theo lối sống người trước. Có người cho rằng văn minh, văn hóa Pháp đã sinh ra thanh lịch. Không phủ nhận văn hóa ngoại sinh có ảnh hưởng đến lối sống song nó chỉ làm cho thanh lịch đậm đà hơn mà thôi. Lối sống, cung cách ứng xử, bản lĩnh không phải là giá trị bất biến, nó thay đổi để phù hợp với kinh tế, xã hội Hà Nội hôm nay nhưng thay đổi trên cốt cách vốn có.
Tổ chức sản xuất: Hữu Việt
Nội dung: Nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Tiến
Trình bày: Diệc Dương
Ảnh: Viện Khoa học xã hội Việt Nam; TTXVN