Covid-19

& nguy cơ rối loạn
sức khỏe tâm thần

Đại dịch Covid-19 tràn qua thế giới gần hai năm qua đã khiến cuộc sống của cư dân trên khắp các châu lục thay đổi rõ rệt. Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Đại dịch nào rồi cũng được khống chế, khủng hoảng nào cũng sẽ qua đi, nhưng những hậu quả nặng nề do Covid-19 gây ra sẽ để lại những di chứng lâu dài trong đó có nguy cơ rối loạn sức khỏe tâm thần. Mất mát không thể tính đếm về sinh mạng con người, về sức khỏe, tài sản; những thiệt hại khó định lượng về kinh tế cả ở tổng thể vĩ mô lẫn cá thể... đã gây chấn động mạnh tới tinh thần của nhiều người. Những bệnh nhân bị virus tấn công, trải qua lằn ranh mong manh sống chết; những gia đình mất người thân; đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế, lực lượng tình nguyện tuyến đầu phải làm việc gấp nhiều lần sức lực bình thường; những đứa trẻ không được tới trường, học tập, giao tiếp bạn bè, thầy cô qua màn hình điện thoại, máy tính để tuân thủ các nguyên tắc giãn cách xã hội; những người lao động mất việc làm, bó hẹp kế sinh nhai...

Việt Nam và cả thế giới đã trải qua thời khắc chưa từng có tiền lệ. Sang chấn tinh thần, rối loạn lo âu, trầm cảm..., giới y học nước ta đã có những nghiên cứu bước đầu và đưa ra cảnh báo về nguy cơ rối loạn sức khỏe tâm thần do Covid-19, đề xuất các giải pháp chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân trong và cả sau đại dịch. Đây cũng là chủ đề tiêu điểm tháng 10 của Nhân Dân hằng tháng...

Những tổn thương
có di chứng kéo dài

Một chuyên gia y tế kỳ cựu, luôn nằm trong top những người có mặt đầu tiên tại các điểm nóng lớn nhất nước kể từ đại dịch Covid-19 xảy ra, đã mắc triệu chứng rối loạn trầm cảm phải trở về Hà Nội điều trị, khi đối diện với thực tế khốc liệt ở tâm dịch TP Hồ Chí Minh. Không riêng nhân viên y tế tuyến đầu, mà trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ, những người không có việc làm, thu nhập thấp, những người học vấn thấp... cũng là nhóm đối tượng dễ gặp các rối loạn tâm thần do tác động của đại dịch. Đó là kết quả nghiên cứu được GS, TS Cao Tiến Đức cùng các cộng sự tại Bệnh viện 103 - Học viện Quân y tiến hành...

Ám ảnh tiếng còi xe cứu thương...

Tiếng còi xe cấp cứu réo liên hồi trong quãng thời gian đỉnh dịch đã trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng với nhiều người dân TP Hồ Chí Minh. Ngay cả lúc dịch đã giảm, thành phố quen dần với cuộc sống “bình thường mới”, tiếng còi hú vẫn như ong ong trong đầu, khiến chị K.T (Thủ Đức) không phân biệt nổi đấy là âm thanh thật hay giả. Trường hợp như chị K.T không phải ngoại lệ hiếm. GS, TS Cao Tiến Đức cho biết: “Với một người bình thường dù khỏe mạnh về thể chất và tinh thần đến đâu, khi nghe có tiếng còi xe ồn ào đã ảnh hưởng tới giấc ngủ. Trong dịch, tiếng còi xe cứu thương cấp tập liên hồi, càng dễ làm người ta ám ảnh, sinh chứng hoảng sợ, mất ngủ. Trước hiện tượng này, mỗi người chỉ còn cách cố gắng rèn luyện, tự thích nghi để tránh tình trạng kéo dài, trở thành bệnh lý trầm trọng hơn”.

Ở làn sóng dịch thứ nhất, tháng 2/2020, Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) trở thành xã đầu tiên của cả nước áp dụng biện pháp cách ly xã hội. Vì “lần đầu tiên” thực hiện phong tỏa một địa bàn dân cư, “lần đầu tiên” có các ca lây nhiễm cộng đồng..., thông tin về dịch bệnh lúc đó chưa nhiều, chưa đầy đủ, nên áp lực tâm lý đã đè nặng lên cuộc sống của bà con.

GS, TS Cao Tiến Đức cảnh báo: “Ngay trong cuộc sống bình thường mỗi người đều rất dễ vướng vào các yếu tố nguy cơ rối loạn trầm cảm, rối loạn lo âu, stress... mà không ý thức được, kể cả đã có biểu hiện rõ ràng: tự dưng thấy mình ăn hoặc ngủ quá nhiều hoặc quá ít; tách mình ra khỏi mọi người và các hoạt động thông thường; mệt mỏi về tinh thần và thể chất; cảm thấy tê liệt hoặc không có vấn đề gì quan trọng; bị đau nhức không rõ nguyên nhân; cảm giác bất lực hoặc vô vọng; hút thuốc, uống rượu hoặc sử dụng ma túy; hay quên, khó chịu, tức giận, buồn bã, lo lắng hoặc sợ hãi; la hét hoặc tấn công người thân, gia đình và bạn bè; nghe tiếng nói trong đầu hoặc có niềm tin những điều không đúng sự thật”…

“Tâm dịch” Sơn Lôi về mức độ không thể so sánh với những “ổ dịch” trong các làn sóng dịch thứ 2, thứ 3, nhất là làn sóng dịch thứ 4 đã và đang để lại hậu quả nặng nề.

Báo cáo Sơn Lôi
Infogram

Thăm khám sớm, tránh trở thành bệnh lý

Rối loạn lo âu, trầm cảm, mất ngủ và rối loạn do lạm dụng chất là những rối loạn sức khỏe tâm thần thường gặp nhất trong đại dịch và chúng không chừa một ai, kể cả y bác sĩ đang căng mình chữa trị cho bệnh nhân. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương từng chia sẻ: “Stress và trầm cảm phổ biến với nhân viên y tế”. Làn sóng dịch thứ 3, tại Bắc Giang, nghiên cứu trên 25 người, PGS, TS Lương Công Thức và cộng sự đã nhận thấy 16,74% có lo âu và stress; 26,6% bị rối loạn giấc ngủ... TS Đỗ Xuân Tĩnh, Phó Chủ nhiệm bộ môn Khoa Tâm thần, Viện Quân y 103 (Học viện Quân y) cho biết: Kết quả nghiên cứu của Kang L và cộng sự năm 2020 trên 994 nhân viên y tế công tác tại Vũ Hán (Trung Quốc) chỉ ra: 36,9% có biểu hiện rối loạn sức khỏe tâm thần trong đó 34,4 rối loạn nhẹ, 22,4 rối loạn trung bình và 6,2% bị rối loạn nghiêm trọng.

GS,TS Cao Tiến Đức thăm khám cho bệnh nhân

GS,TS Cao Tiến Đức thăm khám cho bệnh nhân

Gần hai tháng Hà Nội thực hiện Chỉ thị 16, các chợ tạm, chợ cóc phải ngưng hoạt động, quầy rau, củ, trứng của chị M.H im ắng theo. Chồng làm xe ôm cũng khóa xe nằm nhà. Thêm một sự cố đáng tiếc khiến cậu con trai là sinh viên đại học gặp tai nạn phải chữa trị, chị M.H như khuỵu hẳn. Tiền dành dụm bấy nay dốc vào chữa trị cho con, khó khăn tức thời khiến M.H trở nên “lẩn thẩn”. Triền miên mất ngủ, luôn bị cảm giác lo sợ chế ngự, hay vã mồ hôi, M.H đã gặp phải hội chứng rối loạn lo âu thường xuất hiện trong các chu kỳ dịch Covid-19. Khả năng thích ứng kém, thiếu kỹ năng sống, thiếu tích lũy về kinh tế..., M.H nằm trong nhóm người dễ bị rối loạn sức khỏe tâm thần tấn công, những người mà sự tác động của đại dịch dễ trở nên sâu sắc hơn, họ dễ bị tổn thương tâm lý và vì thế, dễ vướng phải trầm cảm nhiều hơn.

Điều mà các y bác sĩ chuyên ngành tâm thần liên tục nhắn gửi, mỗi cá nhân khi gặp tình trạng u ám, căng thẳng liên tục kéo dài, nếu mỗi người thường xuyên đối diện với các triệu chứng đã được cảnh báo, thì lựa chọn đơn giản nhất là tìm sự trợ giúp y tế, để bệnh tình không trở thành mãn tính...

Triệu chứng nhận biết rối loạn trầm cảm

Mỗi cá nhân thấy xuất hiện 5 trong 9 triệu chứng, trong đó có ít nhất triệu chứng 1 hoặc 2 nên sớm có sự tư vấn thăm khám y tế.
1. Khí sắc giảm: (khí sắc trầm cảm) là nét mặt của bệnh nhân rất đơn điệu, luôn buồn bã, các nếp nhăn giảm nhiều thậm chí mất hết nếp nhăn; 2. Mất hứng thú hoặc sở thích, mất hết các sở thích vốn có, kể cả ham muốn tình dục; 3. Mất cảm giác ngon miệng, ăn ít hoặc sút cân (sút trên 1kg/tháng); 4. Mất ngủ: mất ngủ giữa giấc, mất ngủ cuối giấc hoặc mất ngủ đầu giấc, ngủ ít hơn bình thường trên 2 giờ mỗi ngày; 5. Rối loạn hoạt động tâm thần vận động: Kích động; Vận động chậm chạp; 6. Giảm sút năng lượng: Kiệt sức và mệt mỏi; 7. Cảm giác vô dụng hoặc tội lỗi, cho rằng mình là gánh nặng cho gia đình và cho xã hội; 8. Khó suy nghĩ, tập trung hoặc ra quyết định, giảm trí nhớ gần, còn trí nhớ xa thì vẫn tương đối tốt; 9. Ý nghĩ muốn chết hoặc có hành vi tự sát.
(PGS, TS Bùi Quang Huy và TS Đinh Việt Hùng)


Một số nguyên nhân gây rối loạn sức khỏe tâm thần trong đại dịch:

Tâm lý lo lắng dịch bệnh, khủng hoảng tinh thần vì mất người thân, tỷ lệ tử vong cao và cái chết đến rất nhanh với bệnh nhân, mất việc làm và thu nhập, mất và giảm giao tiếp, cô lập do cách ly, giãn cách xã hội, bị kỳ thị và phân biệt đối xử, áp lực công việc quá căng thẳng... Trẻ em và thanh thiếu niên không được đến trường, phải học online... Người già cô đơn và việc sử dụng internet nhiều, gia tăng sử dụng chất kích thích khiến các hành vi bạo lực, lạm dụng cũng tăng theo.
(Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên)

Tổ chức thực hiện :
Ban Nhân Dân hằng tháng
Nội dung :
Khánh Lam - Hà Văn Đạo - Thanh Huyền - Hà Linh - Thái Hoàng
Trình bày mỹ thuật :
Duy Thanh
Ảnh :
Hà Văn Đạo, Đăng Khoa, Trần Hải, internet