Đột phá, sáng tạo trong cuộc chiến Covid-19

Đại dịch Covid-19 là thách thức, phép thử cho những đổi mới, sáng tạo trên mặt trận khoa học công nghệ, y tế, chiến lược chống dịch. Nhiều quyết sách, sáng kiến, dám làm, dám chịu trách nhiệm từ cơ sở đã góp phần chặn đà lây lan của dịch bệnh, điều trị tốt cho người dân, duy trì hoạt động kinh tế.

Bắc Giang là địa phương đầu tiên của cả nước được Chủ tịch nước tặng thưởng về thành tích trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Từ mô hình chống dịch của Bắc Giang đã đem lại những bài học kinh nghiệm quý trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Tỉnh đã lựa chọn con đường chống dịch kiên quyết, liên tục, bảo đảm đa mục tiêu.Bắc Giang là đã đưa các ca F0, F1 vào điều trị kịp thời, phong tỏa nhanh. Tỉnh đã có nhiều mô hình sáng tạo như: Lập vành đai, bảo vệ vùng vải, đưa vải thiều lên các sàn thương mại điện tử… là những kinh nghiệm có thể chuẩn hóa để áp dụng cho nhiều địa phương trong cả nước.

Là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của đợt dịch lần thứ tư, nhiều quận, huyện tại TP Hồ Chí Minh đã có những sáng kiến đi trước một bước so với chỉ đạo của cấp trên. Đó là mô hình thu dung chăm sóc F0 không triệu chứng hiệu quả của huyện Củ Chi để giảm tỷ lệ F0 không triệu chứng chuyển thành có triệu chứng. Quận 6, quận Phú Nhuận đã đưa thuốc vào điều trị ngay từ sớm cho các F0 trước khi các cơ quan chức năng của Thành phố hướng dẫn và sau đó đã được công nhận chính thức. Quận 7 đã triển khai xét nghiệm nhanh từ sớm, đồng thời đưa cả bồn oxy lỏng công nghiệp vào lắp đặt hệ thống oxy tập trung vào bệnh viện trong lúc thiếu bồn oxy y tế.

TP Hồ Chí Minh phát huy được lợi thế, tinh thần sáng tạo của nguồn nhân lực có trình độ rất cao so với mặt bằng chung của cả nước. Một trong những thế mạnh của TP Hồ Chí Minh là tinh thần dám nghĩ, dám làm, sáng tạo.

Sáng tạo trong triển khai xét nghiệm, tiêm chủng

Tháng 7/2021, TP Hồ Chí Minh bắt đầu bước vào giai đoạn số ca nhiễm tăng nhanh trong cộng đồng. Để triển khai kế hoạch xét nghiệm trên diện rộng, Bí thư Quận ủy quận 7 Võ Khắc Thái và Ban Thường vụ Quận ủy đã chủ trương không phân biệt xét nghiệm rRT-PCR với xét nghiệm nhanh kháng nguyên (test nhanh) do nếu chờ rRT-PCR sẽ rất lâu, mà virus thì lây lan quá nhanh. Bí thư Thái quyết định test nhanh nếu phát hiện ca dương tính sẽ bóc tách ra khỏi cộng đồng. Bộ test nhanh thì làm mọi cách xin, vận động tài trợ, vay mượn… được 240.000 bộ. Từ đó, việc bóc tách F0 (xác định qua test nhanh) trở nên nhanh chóng, không cần đến xét nghiệm bằng rRT-PCR mới đưa F0 đi cách ly.

Khi thực hiện chủ trương F0 không triệu chứng điều trị tại nhà, quận 7 lập các Tổ Y tế tự quản với khoảng 50 hộ/tổ và có đến 803 tổ, kịp thời xử lý ngay các vấn đề F0 phản ánh. Kế đến, mỗi khu phố thành lập trạm y tế trên cơ sở y tế lưu động được chi viện, nhân viên y tế nghỉ hưu, sinh viên y khoa và tình nguyện viên (được tập huấn y tế). Chính lực lượng này đã kịp thời đưa các gói thuốc A, B đến F0; xử trí và đưa ngay lên tuyến trên các ca nặng.

Khi việc chuyển bệnh nhân nặng lên tuyến trên ngày càng khó khăn, quận đã thiết kế mô hình: Bệnh viện Tân Hưng, Bệnh viện Dã chiến quận 7, Khu cách ly. Trong đó Bệnh viện Tân Hưng đón tất cả ca cấp cứu từ phường chuyển lên, sau đó đánh giá tình trạng bệnh để đưa vào bệnh viện dã chiến hoặc vào khu cách ly. Nhờ đó, F0 được phân loại đúng hướng. Số ca tử vong từ 10-12 ca/ngày giai đoạn cao điểm, giảm xuống chỉ còn 2-3 ca/ngày vào cuối tháng 8/2021. Trong nửa đầu tháng 9/2021, có những ngày không còn ca tử vong.

Bí thư Thái đã liên hệ một đơn vị cung cấp oxy công nghiệp có bồn oxy dành cho… nhà máy đóng tàu. Loại bồn này chỉ cần làm thêm hệ thống để chuyển từ oxy lỏng qua oxy khí là có thể dùng cho F0 nặng. Tăng cường xin từ chiếc đầu cắm để nối hệ thống oxy, đến đồng hồ… hoàn thiện chiếc bồn oxy 32 tấn cùng hệ thống oxy trung tâm (được lắp đặt gấp rút trong 2 ngày) đủ dùng cho hàng chục F0 một lúc cần máy thở oxy dòng cao. Điều này thể hiện ý chí quyết đoán của cá nhân bí thư và hệ thống chính trị của quận.

Trong khi đó, quận 6 đã có những bước đi trước so với phương án triển khai của thành phố trong việc đưa y tế tới sát gần dân bằng phát thuốc điều trị tại nhà. Chỉ sau 4 ngày Bí thư Quận ủy quận 6 Lê Thị Hờ Rin chỉ đạo Bí thư Đảng ủy 14 phường, nội dung: “Đưa thuốc kháng viêm, kháng đông vào toa thuốc cho các F0 tại nhà dùng, phải theo chỉ định của trạm y tế”, đến ngày 8/8, tất cả các phường đều đã có trong tay và phát hai loại thuốc trên cho các F0 có triệu chứng sớm của suy hô hấp, cùng với các loại thuốc hạ sốt, vitamin... Đây cũng là quận đầu tiên ở TP Hồ Chí Minh phải đưa ra quyết định không thể chần chừ, dù việc này chưa được ngành y tế hướng dẫn.

Tư vấn y tế, chia sẻ các gói thuốc dùng cho F0 điều trị tại nhà (có thuốc kháng viêm, kháng đông) ở phường 5, quận 6.

Tư vấn y tế, chia sẻ các gói thuốc dùng cho F0 điều trị tại nhà (có thuốc kháng viêm, kháng đông) ở phường 5, quận 6.

Hồi hộp theo dõi quyết định của mình, Bí thư Hờ Rin và tập thể Quận ủy quận 6 ngày đêm đôn đốc, kiểm tra việc này tại các trạm y tế. Thiếu thuốc, họ đã không ngại “xin xỏ, vận động” từ nhiều nguồn hợp lệ, miễn sao có cho F0 dùng. Để thêm tác dụng, Quận ủy chỉ đạo các đoàn thể nấu nước chanh, sả, gừng phát cho toàn bộ điểm phong tỏa và F1; chỉ đạo toàn bộ phòng ban, phường bổ sung vitamin C và D3 cho cán bộ công chức uống tăng đề kháng. Chỉ sau đó một tuần, con số tử vong giảm hẳn, số người âm tính tăng liên tục.

Từ 17/8 đến 27/8, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh bắt đầu ban hành các văn bản “hướng dẫn gói chăm sóc sức khỏe tại nhà cho F0” (phiên bản 1.3 đến 1.5). Như được “công nhận”, Ban Chỉ đạo Phòng Chống dịch Covid-19 quận 6 đồng loạt làm rất quyết liệt phát hơn 15 nghìn gói thuốc A (Paracetamol, vitamin tổng hợp), gói thuốc B (bổ sung kháng viêm, kháng đông), gói thuốc C (thuốc kháng virus Molnupiravir). Kết quả là trong 3 ngày 15, 16, 17/9, số F0 hết bệnh (tại nhà cũng như xuất viện) lũy kế tăng từ 7.712 người lên 9.797 người rồi 11.111 người.

Ở một mặt trận khác, khi phải triển khai chiến dịch tiêm chủng thần tốc, nhanh chóng bao phủ mũi 1, nhiều quận, huyện tại TP Hồ Chí Minh đã có những bước đi sáng tạo, đột phá, giảm thời gian chờ đợi cho người dân, tăng hiệu quả cho nhiều mũi tiêm trong ngày.

Tiêm ngừa lưu động cho người dân tại vùng đỏ ở quận 11, TP Hồ Chí Minh.

Tiêm ngừa lưu động cho người dân tại vùng đỏ ở quận 11, TP Hồ Chí Minh.

Trong đợt tiêm ngừa thần tốc tại TP Hồ Chí Minh, để rút ngắn thời gian, quận 11 đã lược bỏ bớt khâu khai báo y tế tại điểm tiêm. Người dân sẽ tự khai báo y tế ở nhà, khi đến điểm tiêm các nhân viên chỉ kiểm tra. Việc này giảm bớt 10-15 phút/một người. Sau khi tiêm, người dân được theo dõi 30 phút theo quy định, tuy nhiên nếu ai ổn định sẽ cho về sớm hơn để giảm tải cho điểm tiêm. Vì thế, số người được tiêm tăng rất cao so trung bình.

Bí thư Quận ủy quận 11 Trương Quốc Lâm kêu gọi hệ thống y tế công lập, y tế tư nhân và các lực lượng bác sĩ, điều dưỡng đã nghỉ hưu cùng vào cuộc: “Chúng ta không phân biệt đối tượng ưu tiên tiêm ngừa, vì ai cũng cần được quan tâm và bảo vệ”. Toàn quận đã “tiêm an toàn” (mũi 1) cho 100%, tiêm mũi 2 cho hơn 94% dân số quận.

Nhờ đó, ngày càng có nhiều F0 cách ly điều trị tại nhà khỏi bệnh; nhiều người bệnh được xử trí kịp thời không trở nặng; nhiều F0 trong các bệnh viện tuyến dưới tránh được nguy cơ tử vong. Đó là cách “an dân” rất kịp thời của nhiều địa bàn, làm cho người dân tin tưởng và làm theo lời kêu gọi của chính quyền địa phương.

Quyết đoán, thần tốc chặn đà lây lan của dịch bệnh

Tỉnh Bắc Giang từng là tâm dịch lớn nhất của cả nước nhưng bằng sự đồng lòng, quyết tâm tỉnh đã khống chế dịch bệnh thành công, sớm khôi phục sản xuất. Trong công cuộc chống dịch ở Bắc Giang ngoài sự hỗ trợ lớn lao về vật chất và con người của các tỉnh, thành phố trong cả nước tỉnh đã triển khai quyết liệt hàng loạt các biện pháp đồng bộ, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vào cuộc. Đây là những bài học quý không chỉ giúp tỉnh bảo vệ thành công thành quả chống dịch, phát triển kinh tế mà còn là kinh nghiệm để các tỉnh, thành phố học hỏi trong quá trình đấu tranh với dịch bệnh.

Thần tốc truy vết, đẩy mạnh xét nghiệm là hai vũ khí sắc bén giúp Bắc Giang sớm phát hiện các ca mắc bệnh và kịp thời bóc tách F0 khỏi cộng đồng, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Đợt dịch Covid-19 lần thứ tư ập xuống Bắc Giang bởi 2 ổ dịch. Trong đó ổ dịch tại xã Phương Sơn, huyện Lục Nam lây lan trong cộng đồng nhà người dân đã sớm được dập tắt.

Xét nghiệm cho công nhân tại khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang. (Ảnh: DUY LINH)

Xét nghiệm cho công nhân tại khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang. (Ảnh: DUY LINH)

Sau khi phong tỏa y tế trên địa bàn công tác truy vết được các lực lượng chức năng thực hiện ngày đêm trong đó lực lượng công an là nòng cốt. Ngay từ những ngày đầu hàng trăm F1 đã được đưa đi cách ly tập trung, người dân được tổ chức làm xét nghiệm trên diện rộng và thường xuyên nhờ đó chỉ sau một chu kỳ lây lan ổ dịch này đã hoàn toàn được không chế không phát sinh thêm các ca mắc mới.

Đối với ổ dịch bùng phát trong khu công nghiệp, qua một ngày đêm xét nghiệm Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh đã đưa ra nhận định đây là ổ dịch đã lan rộng, nguy cơ hàng nghìn người đã mắc bệnh là hiện hữu bởi do đặc thù công nhân làm việc trong môi trường yếm khí, tập trung đông, công nhân lại ăn ở và di chuyển đông đúc từ nhà máy đến nhà trọ là điều kiện lý tưởng để dịch bệnh lây lan. Sau một cuộc họp đến đêm khuya tỉnh Bắc Giang quyết định tạm dừng hoạt động bốn khu công nghiệp và phong tỏa toàn bộ huyện Việt Yên nơi có hơn 160.000 công nhân đang làm việc và sinh sống để tổ chức dập dịch trên diện rộng.

Hướng dẫn các biện pháp an toàn chống dịch cho công nhân ở Bắc Giang.

Hướng dân các biên pháp an toàn chống dịch cho công nhân ở Bắc Giang.

Chia sẻ về quyết định này ông Lê Ánh Dương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “Đây là quyết định khó khăn nhất của tôi kể từ khi tôi lên làm Chủ tịch tỉnh. Tạm dừng hoạt động bốn khu công nghiệp có khả năng làm đứt gẫy chuỗi cung ứng trong sản xuất, nhưng chúng tôi đã thuyết phục được những chủ doanh nghiệp lớn với lời hứa tạm dừng để tái cơ cấu lại sản xuất cho phù hợp với tình hình dịch bệnh. Thứ đến là vì sao phải phong tỏa ngay lập tức vào lúc 12 giờ đêm; bởi nếu thông báo phong tỏa trước thì nguy cơ hàng nghìn công nhân đã nhiễm bệnh sẽ di chuyển về quê và mang mầm bệnh ra các tỉnh ngoài. Bắc Giang phải vì cả nước, chúng tôi quyết định giữ chân công nhân để dập dịch mặc dù phải đối diện với việc phải bảo đảm an sinh cho hàng trăm nghìn công nhân trong khu vực phong tỏa.

“Đến nay kết quả cho thấy đây là quyết định mang tính quyết đoán, sáng suốt và kịp thời của Ban chỉ đạo phòng phong chống dịch của tỉnh. Nhờ đó chúng tôi đã thành lập được các tiểu ban chỉ đạo phân công công việc rõ ràng cho các ngành chức năng triển khai chống dịch bài bản, khoa học”, ông Dương chia sẻ.

Mặc dù lúc đầu dịch bệnh ở Bắc Giang có hiện tượng lan rộng trên địa bàn toàn tỉnh. Nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hỗ trợ của hàng nghìn cán bộ y tế từ các tỉnh ngoài, công tác tầm soát xét nghiệm được thực hiện ngày đêm. Người dân đồng lòng chấp hành tốt các biện pháp chống dịch, các ca bệnh nhanh chóng được bóc tách ra khỏi cộng đồng và dần dần chỉ còn F0 trong các khu vực cách ly phong tỏa.


Đây là quyết định khó khăn nhất của tôi kể từ khi tôi lên làm Chủ tịch tỉnh. Tạm dừng hoạt động bốn khu công nghiệp có khả năng làm đứt gẫy chuỗi cung ứng trong sản xuất, nhưng chúng tôi đã thuyết phục được những chủ doanh nghiệp lớn với lời hứa tạm dừng để tái cơ cấu lại sản xuất cho phù hợp với tình hình dịch bệnh

Lê Ánh Dương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang

Trong công tác chống dịch, cán bộ chủ chốt được xác định phải chịu trách nhiệm cao nhất. Không ít cán bộ chủ chốt cấp huyện, cấp xã lơ là để địa bàn xảy ra tình hình phức tạp đã bị lãnh đạo tỉnh nhắc nhở, phê bình bằng văn bản thậm chí điều động công tác khác, từ đó đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở nêu cao tinh thần gương mẫu không quản ngại khó khăn gian khổ đồng lòng tổ chức chống dịch.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho tỉnh Bắc Giang. Ảnh: baobacgiang.com.vn

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho tỉnh Bắc Giang. Ảnh: baobacgiang.com.vn

Ban Dân vận tỉnh ủy, Liên đoàn lao động tỉnh và Mặt trận tổ quốc các cấp là lực lượng trụ cột bảo đảm chăm lo đời sống cho nhân dân, vận động nhân dân chống dịch. Hàng nghìn tổ Covid cộng đồng đã được hình thành trong các khu dân cư, tổ dân phố thể hiện được vai trò là cánh tay nối dài của ban chỉ đạo phòng, chống dịch tại các địa phương. Kịp thời thông báo, hướng dẫn những người mắc bệnh thực hiện các biện pháp cần thiết để không làm lây lan dịch bệnh.

Song song với việc triển khai phòng, chống dịch Covid 19 tỉnh Bắc Giang nỗ lực tổ chức lại sản xuất cho các khu công nghiệp. Tỉnh hình thành tổ hỗ trợ khôi phục sản xuất hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện ba cùng là công nhân cùng làm việc cùng sinh hoạt ăn, ở và cùng di chuyển. Tổ chức cho công nhân tạm thời ăn ở và làm việc tại nhà máy.

Công nhân trở lại làm việc sau dịch tại Bắc Giang.

Công nhân trở lại làm việc sau dịch tại Bắc Giang.

Sau khi dịch bệnh được kiểm soát tỉnh Bắc Giang hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức khu nhà trọ an toàn cho công nhân trong đó hướng đến mỗi doanh nghiệp có một khu nhà trọ riêng và di chuyển tập trung. Hạn chế tình trạng tiếp xúc giữa các công nhân ở các nhà máy, doanh nghiệp khác nhau, tăng cường công tác phòng, chống dịch tại nơi làm việc và nơi ở.

Mô hình sản xuất phải chống dịch, chống dịch để sản xuất đã giúp Bắc Giang sớm khôi phục phát triển triển kinh tế toàn diện. Các dự án đầu tư được tích cực triển khai. Các khu công nghiệp hoạt động sôi động đến nay đã tạo ra hơn 4 nghìn việc làm mới so với thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát.

Sáng tạo phân lập thành công chủng virus SARS-CoV-2

Sự sáng tạo mang tính đột phá, nâng tầm của Việt Nam là việc phân lập thành công chủng virus SARS-CoV-2 mới vào năm 2020, đưa Việt Nam trở thành 1 trong 4 nước đầu tiên trên thế giới phân lập thành công virus này.

Năm 2020, PGS, TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cùng các đồng nghiệp tại phòng Thí nghiệm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương bắt tay vào nghiên cứu một loại virus mới đang có nguy cơ gây ra đại dịch cho toàn thế giới. Đứng trước virus corona chủng mới mà thế giới vẫn còn đang loay hoay, cỡ mẫu tại Việt Nam còn ít, các cán bộ nghiên cứu phải lựa chọn dòng tế bào nào phù hợp để nhân lên con virus corona. Để có định dạng về virus, PGS, TS Quỳnh Mai phải dùng kỹ thuật giải trình tự gene thế hệ mới, mất rất nhiều thời gian và công sức.

Các nhà khoa học nghiên cứu, phân lập virus SARS-CoV-2.

Các nhà khoa học nghiên cứu, phân lập virus SARS-CoV-2.

PGS Quỳnh Mai cho biết, thời điểm đó, những kiến thức về chủng virus còn rất mơ hồ, các tài liệu nghiên cứu còn hạn chế, nhóm nghiên cứu đã phải sử dụng rất nhiều loại tế bào khác nhau, cuối cùng đã lựa chọn dòng tế bào thụ cảm phù hợp để phân lập. Cuối cùng, trong các mẫu bệnh phẩm phân lập có mẫu dương tính, đồng nghĩa là con virus đã xâm nhập vào trong tế bào, sống và nhân lên trong tế bào.

Chỉ sau một tuần nuôi cấy, phân lập, nhóm nghiên cứu đã tự tin đã tìm được loại virus lạ đang gây ra dịch bệnh lan rộng toàn cầu này. Thành tựu y tế này giúp cho Việt Nam sớm triển khai được các biện pháp phòng, chống dịch một cách chủ động, trong đó, ý nghĩa lớn nhất là giúp cho chúng ta có thể sản xuất test xét nghiệm nhanh cho các trường hợp nhiễm, nâng khả năng xét nghiệm hàng nghìn mẫu bệnh phẩm mỗi ngày trong trường hợp cần thiết. Thành công đó còn giúp cho nghiên cứu về độc lực của virus này trên người Việt Nam, đặc điểm lây nhiễm, giúp công tác điều trị và chống dịch hiệu quả.

“Đây là thành công rất quan trọng vì kết quả phân lập được virus sẽ giúp Việt Nam giải mã nguồn gốc của virus mới, độc lực, cơ chế gây bệnh, khả năng xâm nhập, tính sinh miễn dịch… Kết quả này là dữ liệu tiên quyết để nghiên cứu các liệu pháp điều trị, phát triển các sinh phẩm chẩn đoán đặc hiệu và sản xuất vaccine sau này”, PGS,TS Lê Thị Quỳnh Mai nói.

Với PGS Quỳnh Mai và các đồng nghiệp, 72 giờ phân lập virus xuyên ngày đêm là khoảng thời gian nhiều thách thức, cân não nhất bởi tốc độ lây lan của virus đang lan nhanh, số ca liên tục tăng. Vì thế, chạy đua với thời gian, PGS Quỳnh Mai tâm sự, bất kỳ nhà khoa học chân chính nào cũng không đầu hàng trước ẩn số mới trong lĩnh vực mình nghiên cứu.

Nghiên cứu không ngừng, PGS, TS Lê Thị Quỳnh Mai đã liên tục có nhiều các công trình, bài báo khoa học đăng trên các tạp chí quốc tế. Ngày 12/2/2020, Bộ Y tế đã trao Bằng khen của Bộ Y tế cho một tập thể và sáu cá nhân của Viện Vệ sinh dịch tế Trung ương vì đã có thành tích xuất sắc trong việc nghiên cứu nuôi cấy và phân lập thành công Covid-19. PGS,TS Lê Thị Quỳnh Mai đã được trao Giải thưởng Kovalevskaia vào năm 2019, là 1 trong 5 nhà khoa học Việt Nam trong danh sách 100 nhà nghiên cứu xuất sắc nhất châu Á năm 2021 do Tạp chí Asian Scientist - tạp chí khoa học uy tín hàng đầu châu Á công bố.

Đây là thành công rất quan trọng vì kết quả phân lập được virus sẽ giúp Việt Nam giải mã nguồn gốc của virus mới, độc lực, cơ chế gây bệnh, khả năng xâm nhập, tính sinh miễn dịch… kết quả này là dữ liệu tiên quyết để nghiên cứu các liệu pháp điều trị, phát triển các sinh phẩm chẩn đoán đặc hiệu và sản xuất vaccine sau này

PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai

Trong cuộc chiến chống Covid-19, ngày ngày chị vẫn lăn mình ở các chiến tuyến nóng bỏng, tư vấn các chiến lược xét nghiệm để làm sao chạy đua kịp với tốc độ lây lan của virus. Trong làn sóng thứ tư, tại Bắc Giang, chị đã phân tích biến chủng Delta có khả năng nhân lên và phát tán mầm bệnh rất nhanh, vì thế nếu với biến chủng này nếu có biện pháp xét nghiệm chậm là muộn. Chị cũng là người trực tiếp triển khai kế hoạch test nhanh tại khu cách ly, giúp cho Bắc Giang nhanh chóng khoanh vùng được ổ dịch.

Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên trao tặng Bằng khen của Bộ Y tế cho PGS, TS Lê Thị Quỳnh Mai vì thành tích phân lập virus corona chủng mới.

Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên trao tặng Bằng khen của Bộ Y tế cho PGS, TS Lê Thị Quỳnh Mai vì thành tích phân lập virus corona chủng mới.

Từ kết quả phân lập thành công chủng virus SARS-CoV-2, rất nhanh chóng, Việt Nam cũng trở thành nước nghiên cứu, chế tạo và phát triển bộ kit xét nghiệm.

Chỉ sau đó thời gian ngắn, Việt Nam đã trở thành nước thứ 5 trên thế giới sản xuất thành công sinh phẩm xét nghiệm kháng thể. Sự chủ động bằng cả hai phương pháp xét nghiệm giúp cho chúng ta triển khai được các chiến dịch xét nghiệm phù hợp với từng giai đoạn và từng vùng dịch.

Item 1 of 3

Ngày xuất bản: 30/10/2021
Tổ chức thực hiện: NGỌC THANH - VIỆT ANH
Nội dung: MINH ANH - ĐẶNG GIANG - HỒNG VÂN - THIÊN LAM
Trình bày: PHAN ANH - ĐỨC DUY
Ảnh: MINH ANH - ĐẶNG GIANG - DUY LINH - HẢI AN