Nhận lời mời của Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) Tulia Ackson, Tổng Thư ký IPU Martin Chungong, Chủ tịch Hạ viện Vương quốc Morocco Rachid Talbi Alami và Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Senegal El Malick Ndiaye, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam, cùng Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 6 tại Thụy Sĩ; tiến hành các hoạt động song phương tại Thụy Sĩ; thăm chính thức Morocco và Senegal từ ngày 22 đến ngày 30/7/2025.

Diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới biến động nhanh và khó lường, tác động sâu rộng đến môi trường an ninh và phát triển, chuyến công tác của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tiếp tục khẳng định những đóng góp tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam với hoạt động chung của IPU, thúc đẩy hợp tác IPU-Liên hợp quốc. Đây cũng là chuyến thăm chính thức đầu tiên của lãnh đạo chủ chốt ta tới Morocco sau 6 năm; đồng thời là chuyến thăm chính thức đầu tiên của lãnh đạo chủ chốt ta tới Senegal từ năm 1973.

Chương mới trong quan hệ Việt Nam-Morocco

Quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Morocco được thiết lập năm 1961, sau 30 năm gián đoạn, hai nước đã nối lại quan hệ năm 1991 và đạt được nhiều thành tựu hợp tác trên các lĩnh vực, nhất là từ năm 2004 đến nay. Năm 2026 là một năm quan trọng trong quan hệ Việt Nam-Morocco khi đánh dấu chặng đường 65 năm hai nước đồng hành cùng phát triển, mở ra giai đoạn mới rực rỡ hơn nữa của quan hệ song phương. Chuyến thăm chính thức Morocco lần này của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn là chuyến thăm chính thức đầu tiên của lãnh đạo chủ chốt ta tới Morocco sau 6 năm, khẳng định sự tin cậy chính trị và quyết tâm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hai nước trong bối cảnh mới.

Về chính trị-ngoại giao, Việt Nam mở Đại sứ quán tại Rabat năm 2005 và bổ nhiệm Lãnh sự danh dự tại Casablanca (tháng 1/2025). Morocco mở Đại sứ quán tại Hà Nội năm 2006 và bổ nhiệm Lãnh sự danh dự tại Thành phố Hồ Chí Minh từ tháng 12/2021. Về trao đổi đoàn cấp cao, gần nhất, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm chính thức Morocco (tháng 3/2019) và Chủ tịch Hạ viện Morocco thăm chính thức Việt Nam (tháng 12/2017). Hai bên tích cực ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, nhất là tại Liên hợp quốc, IPU.

Về kinh tế, hợp tác tập trung vào lĩnh vực thương mại với kim ngạch song phương tăng đều hằng năm (từ 13% đến 14%/năm), từ 169,2 triệu USD năm 2017 lên trên 300 triệu USD năm 2024, trong đó ta xuất khẩu trên 290 triệu USD, chủ yếu là các mặt hàng điện tử, cà phê, hạt tiêu, dệt may, vải, sợi các loại…; và nhập khẩu thức ăn gia súc, phân bón…

Về các lĩnh vực hợp tác khác, hai nước đã thành lập Hội hữu nghị tại mỗi nước. Thành phố Đà Nẵng và thành phố Tangier đã ký Thỏa thuận hợp tác tháng 3/2019. Từ năm 2011, mỗi năm Morocco cấp cho Việt Nam khoảng 10 học bổng đào tạo ngôn ngữ tiếng Arab ở các bậc đại học, thạc sĩ, nghiên cứu sinh.

Hợp tác giữa Quốc hội hai nước phát triển tốt đẹp. Về song phương, hai nước ký thỏa thuận hợp tác nhân chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Hạ viện Morocco Habib El Malki (tháng 12/2017); thường xuyên trao đổi, duy trì tiếp xúc cấp cao và các cấp Ủy ban, cơ quan tham mưu, giúp việc nghị viện. Về đa phương, hai bên duy trì tiếp xúc, tham vấn tại các diễn đàn như IPU, Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF). Với sự ủng hộ tích cực của Quốc hội Việt Nam - Chủ tịch Liên minh nghị viện các nước Đông Nam Á (AIPA) 2020, Quốc hội Morocco đã chính thức được kết nạp là Quan sát viên AIPA (tháng 9/2020).

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tiếp Chủ tịch Hạ viện Morocco Rachid Talbi El Alami, tại thành phố Cần Thơ, chiều 21/1/2025. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tiếp Chủ tịch Hạ viện Morocco Rachid Talbi El Alami, tại thành phố Cần Thơ, chiều 21/1/2025. (Ảnh: TTXVN)

Cộng đồng người Việt tại Morocco được hình thành từ những năm 1940, đến nay có khoảng 300-400 người với thành phần chủ yếu là gia đình của các cựu binh Morocco đã tham gia ủng hộ cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam trước năm 1954, bên cạnh đó là một số người lao động, sinh viên du học…

Trong chuyến thăm và làm việc tại Morocco từ ngày 29/5 đến ngày 3/6/2024 của Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương dẫn đầu, hai bên đã cùng nhìn lại những thành tựu tích cực trong quan hệ hai nước; đề xuất các biện pháp thúc đẩy hợp tác song phương trên các lĩnh vực khác nhau. 

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề xuất Quốc hội hai nước tăng cường trao đổi đoàn các cấp; tiếp tục phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các cơ chế liên nghị viện khu vực và thế giới; thúc đẩy đàm phán, ký kết các thỏa thuận hợp tác nghị viện. Việt Nam cũng đề nghị Quốc hội Morocco tạo điều kiện, hỗ trợ Đảng Cộng sản Việt Nam mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác với các chính đảng lớn, có vai trò ở Morocco, góp phần định hướng quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa

Chúng tôi không bao giờ quên và luôn trân trọng sự ủng hộ, giúp đỡ chí tình, chí nghĩa mà nhân dân Morocco đã dành cho dân tộc Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt để giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Phó Chủ tịch Hạ viện Morocco Nadia Touhami

Phó Chủ tịch Hạ viện Morocco Nadia Touhami

Morocco đánh giá rất cao những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong xây dựng và phát triển đất nước, đặc biệt là những kết quả trong thời kỳ dịch Covid-19, trong đó thể hiện rất rõ nét vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự điều hành của Chính phủ Việt Nam.

Mở rộng cánh cửa hợp tác giữa Việt Nam và Senegal

Chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Việt Nam tới Senegal mang ý nghĩa lịch sử, bởi đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của lãnh đạo chủ chốt ta tới Senegal trong hơn 50 năm.

Đại sứ Việt Nam tại Algeria kiêm nhiệm Senegal Trần Quốc Khánh

Đại sứ Việt Nam tại Algeria kiêm nhiệm Senegal Trần Quốc Khánh

Với chuyến thăm lần này do Chủ tịch Quốc hội dẫn đầu, hợp tác nghị viện chắc chắn sẽ được củng cố và có những bước phát triển thực chất hơn. Bên cạnh đó, nhiều lĩnh vực khác như kinh tế, thể thao, nông nghiệp và hợp tác giữa các địa phương cũng đang được quan tâm thúc đẩy. Chúng tôi kỳ vọng các nội dung hợp tác cụ thể sẽ được thể hiện thông qua các thỏa thuận ký kết trong khuôn khổ chuyến thăm.

Kể từ khi được thiết lập từ năm 1969, quan hệ hữu nghị Việt Nam-Senegal được duy trì tốt đẹp. Nhân dịp tham dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 16 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Thiên Tân, Trung Quốc, ngày 25/6/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp Thủ tướng Senegal Ousmane Sonko. Khẳng định Việt Nam và Senegal có quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác tốt đẹp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh phương châm “cùng làm, cùng hưởng, cùng phát triển”, Việt Nam sẵn sàng tiếp tục cử chuyên gia nông nghiệp sang chia sẻ kinh nghiệm phát triển và hỗ trợ Senegal bảo đảm an ninh lương thực với cách làm mới, ngày càng hiệu quả.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn với các đại biểu dự Hội nghị Ban Chấp hành Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF) tại thành phố Cần Thơ, ngày 22/1/2025. Phó Chủ tịch Quốc hội thứ nhất Senegal Ismaela Diallo cũng tham dự hội nghị. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn với các đại biểu dự Hội nghị Ban Chấp hành Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF) tại thành phố Cần Thơ, ngày 22/1/2025. Phó Chủ tịch Quốc hội thứ nhất Senegal Ismaela Diallo cũng tham dự hội nghị. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Senegal Ousmane Sonko nêu rõ, Senegal luôn coi trọng quan hệ hợp tác hữu nghị với Việt Nam; mong muốn hai nước thúc đẩy hơn nữa trao đổi đoàn, giao lưu nhân dân và mong Việt Nam tăng cường đầu tư vào thị trường 400 triệu người tiêu dùng ở khu vực Tây Phi. Thủ tướng Sonko cảm ơn sự hỗ trợ của Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp và mong muốn Việt Nam tiếp tục hỗ trợ Senegal sản xuất lúa gạo và hạt điều.

Trao đổi thương mại giữa hai nước tiến triển tích cực thời gian gần đây. Trong bốn tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Senegal đạt 43,3 triệu USD, tương đương cả năm 2024.

Về nông nghiệp, giai đoạn 1997-2005, Việt Nam đã cử hơn 100 lượt chuyên gia, kỹ thuật viên nông nghiệp sang làm việc tại Senegal theo Chương trình hợp tác nông nghiệp ba bên do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tài trợ, được FAO và phía Senegal đánh giá cao.

Senegal đang là thị trường tiềm năng cho xuất khẩu gạo của Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)

Senegal đang là thị trường tiềm năng cho xuất khẩu gạo của Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)

Trong cuộc trao đổi với TTXVN, nhấn mạnh rằng Senegal là quốc gia có vị thế quan trọng tại Tây Phi, với nền kinh tế phát triển nhanh chóng, sở hữu chính sách thương mại cởi mở và đây là thành viên sáng lập của Liên minh Kinh tế và Tiền tệ Tây Phi, Đại sứ Việt Nam tại Algeria kiêm nhiệm Senegal Trần Quốc Khánh khẳng định, Senegal hoàn toàn có thể đóng vai trò là cửa ngõ để hàng hóa, dịch vụ và doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường Tây Phi nói riêng và châu Phi nói chung. Ngược lại, Việt Nam cũng có thể là điểm trung chuyển và bàn đạp quan trọng giúp Senegal tiếp cận thị trường ASEAN, từ đó mở rộng hiện diện tại khu vực Đông Nam Á.

Hợp tác giữa Quốc hội hai nước chủ yếu được thực hiện thông qua các cơ chế đa phương như IPU, APF và tại các hội nghị đa phương do Quốc hội Việt Nam tổ chức (Hội nghị Ủy ban Giáo dục, Truyền thông, Văn hóa và Mạng lưới nữ nghị sĩ của APF năm 2019, Đại hội đồng IPU-132 năm 2015…). Phó Chủ tịch thứ nhất Quốc hội Senegal đã tham dự Hội nghị Ban Chấp hành APF tháng 1/2025 tại Cần Thơ.

Về giao lưu nhân dân, có khoảng 3.000 người Việt Nam và gốc Việt tại Senegal; tổ chức của những người Senegal gốc Việt Nam được thành lập từ năm 2017. Senegal đã thành lập Hiệp hội Vovinam trực thuộc Liên đoàn Vovinam Thế giới với hàng nghìn võ sinh tham gia tập luyện, thi đấu thường xuyên.

Thành viên tích cực và có trách nhiệm của IPU

Được thành lập năm 1889 tại Paris và có trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ, IPU là một tổ chức quốc tế tập hợp nghị viện các quốc gia có chủ quyền. Với 181 thành viên và 15 thành viên liên kết, IPU là trung tâm của hoạt động ngoại giao Nghị viện khắp thế giới, hoạt động nhằm mục đích vì hòa bình, dân chủ hợp tác giữa các dân tộc và nghị viện các nước.

IPU hoạt động với mục tiêu thúc đẩy giao lưu, hợp tác và trao đổi kinh nghiệm giữa các nghị viện và nghị sĩ từ tất cả các nước; tham vấn các vấn đề về lợi ích quốc tế và bày tỏ quan điểm về từng vấn đề với mục tiêu đề xuất hành động đối với các nghị viện và các thành viên; đóng góp vào việc bảo vệ và nâng cao nhân quyền trên toàn thế giới, một yếu tố thiết yếu cho nền dân chủ nghị viện và sự phát triển; đóng góp cho việc nâng cao nhận thức và tăng cường hiệu quả hoạt động của các thể chế đại nghị.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự Phiên thảo luận chung Đại hội đồng lần thứ 150 của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU-150), ngày 7/4/2025. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự Phiên thảo luận chung Đại hội đồng lần thứ 150 của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU-150), ngày 7/4/2025. (Ảnh: TTXVN)

Kể từ khi được kết nạp làm thành viên của IPU (tháng 4/1979), Quốc hội Việt Nam là một thành viên tích cực và có trách nhiệm tại diễn đàn này. Việc tham dự các hoạt động của IPU là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong các hoạt động ngoại giao nghị viện đa phương của Quốc hội, nhằm thúc đẩy và bảo vệ các lợi ích của Việt Nam, tham khảo quan điểm của các nước về các vấn đề quốc tế, thể hiện quan điểm quốc gia về các mối quan tâm chung trên toàn cầu, tiến hành các hoạt động song phương bên lề với các đối tác mà Việt Nam ít có điều kiện triển khai hoạt động song phương chính thức, góp phần nâng cao vị thế của Quốc hội nói riêng và Việt Nam nói chung trên trường quốc tế. Đây cũng là nơi để các đại biểu, cán bộ có thể tiếp cận với nhiều nội dung, kinh nghiệm hoạt động và thực tiễn tốt của các nghị viện trên thế giới để đóng góp cho việc hoàn thiện và nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội.

Quốc hội Việt Nam đã đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Nhóm địa chính trị châu Á-Thái Bình Dương trong khuôn khổ Đại hội đồng IPU (các năm 2006, 2016); Chủ tịch Nhóm ASEAN+3. Đại diện Quốc hội Việt Nam được Đại hội đồng IPU tín nhiệm hai lần bầu vào Ban Chấp hành IPU nhiệm kỳ 4 năm. Cùng với việc tham gia Ban Chấp hành IPU, và được bầu là Phó Chủ tịch IPU năm 2009 và 2019, Việt Nam đã có điều kiện đóng góp trực tiếp và thiết thực hơn vào hoạt động của IPU, thúc đẩy chương trình nghị sự của IPU vì hòa bình, hợp tác, phát triển bền vững. Quốc hội Việt Nam đã chủ trì, đăng cai nhiều hoạt động trong IPU, trong đó nổi bật là Đại hội đồng IPU-132 với dấu ấn đặc biệt về Tuyên bố Hà Nội thúc đẩy hành động của nghị viện trong việc triển khai các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG); Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 và các hội nghị chuyên đề khu vực khác. Quốc hội Việt Nam cũng góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác nghị viện, ngoại giao nghị viện đa phương khi mời Chủ tịch IPU, Tổng Thư ký IPU tham dự và phát biểu tại các Hội nghị nghị viện khác do Quốc hội Việt Nam tổ chức.

Chiều 6/4/2025 (giờ địa phương), trong khuôn khổ tham dự IPU-150, tại Uzbekistan, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gặp Chủ tịch IPU Tulia Ackson. (Ảnh: TTXVN)

Chiều 6/4/2025 (giờ địa phương), trong khuôn khổ tham dự IPU-150, tại Uzbekistan, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gặp Chủ tịch IPU Tulia Ackson. (Ảnh: TTXVN)

Hằng năm, Quốc hội Việt Nam đều cử đoàn Đại biểu Quốc hội tham dự các kỳ Đại hội đồng IPU, các hội nghị liên quan, các cơ chế họp quan trọng của IPU như Phiên Điều trần IPU-Liên hợp quốc, Hội nghị chuyên đề khu vực và Hội nghị chuyên môn; các hoạt động tập huấn cho Ban Thư ký Quốc hội các nước do Ban Thư ký IPU tổ chức.

Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới là cơ chế đặc biệt và cấp cao nhất do IPU thiết lập với sự phối hợp chặt chẽ của Liên hợp quốc, nhằm tạo ra một diễn đàn toàn cầu để những người đứng đầu cơ quan lập pháp của các nước cùng nhau trao đổi quan điểm, thúc đẩy hợp tác nghị viện, đóng góp tiếng nói lập pháp vào việc giải quyết các vấn đề toàn cầu, đồng thời phối hợp hành động, hỗ trợ cho Liên hợp quốc.

Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới luôn nhận được sự quan tâm và tham dự tích cực của Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam, do Chủ tịch Quốc hội hoặc Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội làm Trưởng đoàn. Tại các lần tham dự Hội nghị, Trưởng đoàn Quốc hội Việt Nam luôn có các phát biểu quan trọng tại phiên toàn thể và các phiên chuyên đề, chia sẻ quan điểm, kinh nghiệm xây dựng chính sách của Việt Nam, khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với chủ nghĩa đa phương, vai trò trung tâm của Liên hợp quốc và hợp tác nghị viện toàn cầu vì hòa bình, phát triển bền vững và thịnh vượng chung, đồng thời có nhiều hoạt động tiếp xúc, gặp gỡ, làm việc với lãnh đạo IPU, Liên hợp quốc và nghị viện các nước.

Trong khuôn khổ tham dự IPU-150, tại Uzbekistan, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gặp Tổng Thư ký IPU Martin Chungong, ngày 6/4/2025 (giờ địa phương). (Ảnh: TTXVN)

Trong khuôn khổ tham dự IPU-150, tại Uzbekistan, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gặp Tổng Thư ký IPU Martin Chungong, ngày 6/4/2025 (giờ địa phương). (Ảnh: TTXVN)

Hội nghị năm nay có chủ đề “Một thế giới đang hỗn loạn: Hợp tác nghị viện và chủ nghĩa đa phương vì hòa bình, công bằng và thịnh vượng cho mọi người dân”, phản ánh mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế về bối cảnh tình hình thế giới đang diễn biến hết sức phức tạp như hiện nay; đồng thời mong muốn phát huy vai trò quan trọng của ngoại giao nghị viện đa phương trong thúc đẩy hòa bình, hợp tác và phát triển vì lợi ích của người dân trên toàn thế giới, đặc biệt trong hoạch định và giám sát thực thi chính sách, pháp luật.

Việc Quốc hội Việt Nam tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới ở cấp cao nhất thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với chủ nghĩa đa phương, giúp nâng cao hình ảnh và vị thế của Việt Nam và Quốc hội Việt Nam trên trường quốc tế; khẳng định vai trò chủ động, tích cực và có trách nhiệm của Việt Nam trong các diễn đàn nghị viện đa phương; thể hiện trách nhiệm và vai trò của cơ quan lập pháp Việt Nam trong tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Hoàng Giang

Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Hoàng Giang

Bên cạnh việc tham gia trực tiếp vào giải quyết các vấn đề quốc tế lớn, chúng ta còn mang đến Hội nghị những kinh nghiệm, những câu chuyện thành công của Việt Nam để lan tỏa, chia sẻ với các nước, các tổ chức quốc tế về củng cố, giữ vững hòa bình, ổn định, phát triển đất nước, tăng cường quan hệ đối ngoại, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, thượng tôn luật pháp quốc tế, thúc đẩy đoàn kết, hợp tác quốc tế, vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng cho mọi người dân, mọi quốc gia, khu vực và trên toàn thế giới.

Thụy Sĩ – đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam tại châu Âu

Thời gian qua, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Thụy Sĩ phát triển tích cực. Về chính trị-ngoại giao, hai bên duy trì trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và các cấp; phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương và tổ chức quốc tế như Liên hiệp quốc, Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ... Tháng 1/2025, trong chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Davos và thăm Thụy Sĩ, hai bên đã nhất trí về nguyên tắc nâng quan hệ song phương lên khuôn khổ Đối tác toàn diện.

Về kinh tế, Thụy Sĩ là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam ở châu Âu, với kim ngạch thương mại song phương năm 2024 đạt 811 triệu USD. Về hợp tác phát triển, Việt Nam là một trong số ít quốc gia nằm trong danh sách đối tác ưu tiên hợp tác và viện trợ không hoàn lại của Thụy Sĩ. Chương trình hợp tác phát triển Thụy Sĩ-Việt Nam giai đoạn 2021-2024 có số vốn khoảng 76 triệu USD. Tháng 5/2025, Thụy Sĩ cam kết sẽ dành 50 triệu USD cho Chương trình hợp tác phát triển giai đoạn 2025-2028.

Thụy Sĩ nổi tiếng là trung tâm đào tạo uy tín trong lĩnh vực ngân hàng, du lịch, bảo hiểm và công nghệ cao. Hiện nay có khoảng 150 thực tập sinh, sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam đang theo học tại các trường đại học tại Thụy Sĩ. Thụy Sĩ tích cực giúp đỡ Việt Nam thông qua các dự án hỗ trợ giáo dục về môi trường, quản lý và các dự án đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ các chuyên ngành tài chính, ngân hàng, quản trị kinh doanh.

Toàn cảnh một cuộc họp giữa Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai và Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Việt Nam. (Ảnh: VGP)

Toàn cảnh một cuộc họp giữa Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai và Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Việt Nam. (Ảnh: VGP)

Trong lĩnh vực nhân đạo, Thụy Sĩ hỗ trợ Việt Nam trang thiết bị phòng, chống dịch Covid-19, khắc phục hậu quả của siêu bão Yagi. Hợp tác trong các lĩnh vực khác như giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững, văn hóa, du lịch giữa hai nước có nhiều tiềm năng và dư địa để thúc đẩy.

Hợp tác giữa Quốc hội hai nước phát triển tốt đẹp, với dấu mốc nổi bật gần nhất là chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Hội đồng quốc gia (Hạ viện) Thụy Sĩ Martin Candinas vào tháng 6/2023, theo đó, hai bên khẳng định nỗ lực hết sức đưa quan hệ song phương lên một tầm cao mới, đem lại lợi ích cho nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới. Hai bên cũng thường xuyên tham vấn, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn nghị viện đa phương. Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Quốc hội hai nước triển khai nhiều hoạt động góp phần thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực.

Cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Sĩ hiện có khoảng 10.000 người, sinh sống tại 26 bang. Nhìn chung, bà con có đời sống ổn định, chấp hành nghiêm túc pháp luật sở tại, đoàn kết, có tinh thần hướng về quê hương, đất nước và đóng góp cho sự phát triển của quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Thụy Sĩ.

Chuyến công tác của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tới Thụy Sĩ khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Thụy Sĩ; tăng cường hợp tác với Thụy Sĩ trong các lĩnh vực mà Thụy Sĩ có lợi thế và Việt Nam có nhu cầu phát triển như tài chính-ngân hàng, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, cơ khí chính xác, mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh...; thúc đẩy đàm phán và ký kết Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Hiệp hội Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA).

Chuyến công tác của Chủ tịch Quốc hội nhằm thúc đẩy quan hệ, xây dựng mạng lưới hợp tác nghị viện giữa Việt Nam với các nước và các tổ chức quốc tế, vận động sự ủng hộ, hỗ trợ của quốc tế cho các ưu tiên của Việt Nam; phát huy vai trò, vị thế của Việt Nam và Quốc hội Việt Nam tại các cơ chế hợp tác nghị viện khu vực và thế giới; chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi từ các quốc gia khác trong xây dựng và giám sát chính sách quốc gia và giải quyết các vấn đề cấp bách được cộng đồng quốc tế quan tâm hiện nay.

Đây cũng là dịp để Việt Nam khẳng định chủ trương nhất quán là luôn coi trọng và mong muốn thúc đẩy hợp tác với Thụy Sĩ và các nước bạn bè châu Phi, trong đó có Morocco và Senegal. Chuyến thăm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong củng cố tin cậy chính trị, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hữu nghị, tạo động lực tăng cường hợp tác nhiều mặt với Morocco và Senegal nói riêng và châu Phi nói chung, trong đó có hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam với Quốc hội Morocco và Quốc hội Senegal, tạo khuôn khổ pháp lý để Chính phủ, doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh hợp tác với hai nước.

Ngày xuất bản: 21/7/2025
Chỉ đạo thực hiện: Bích Hạnh - Trường Sơn
Nội dung: Nguyễn Hà - Minh Hằng
Trình bày: Nhã Nam
Nguồn tư liệu: Theo Bộ Ngoại giao, TTXVN