ĐIỆN BIÊN PHỦ - TRẬN THẮNG THẾ KỶ

CỨ ĐIỂM THỨ BA

Phân khu bắc Điện Biên Phủ gồm có ba cứ điểm: Him Lam, Độc Lập và Bản Kéo.

Tên tướng mới nhận lon Đờ Cát thường huênh hoang khoe rằng: đó là bức lũy sắt bất khả xâm phạm, che chở phía bắc khu trung tâm Mường Thanh.

Nhưng, liền hai đêm 13 và 14/3/1954, mở màn trận tấn công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, lần lượt Him Lam rồi Độc Lập bị quân ta tiêu diệt. Bức lũy sắt vỡ nát gần hết. Chỉ còn lại cứ điểm Bản Kéo như một cái chân què đứng chênh vênh ở góc phía tây, số phận của nó thực đã được quyết định. Quân ta đang đào chiến hào, đánh một cái thòng lọng, chờ giờ phút thắt vào cổ nó.

... Vào sau ngày quân ta làm chủ vị trí Độc Lập, tôi nhận được lệnh lên đồn giúp đồng chí Lê Đôi, cán bộ địch vận, giải quyết vấn đề thương binh tử sĩ địch.

Dưới làn sương mờ buổi sớm, tôi đi men trên mặt con hào xuất kích. Con hào bị đại bác, súng cối địch bắn vỡ nát. Từng quãng, từng quãng, đất lở lấp gần kín lòng hào. Cái cửa mở còn in lại dấu vết của những đợt xung phong ác liệt. Hàng rào dây thép gai đứt tung, đất nhão nhoét, đen sạm thuốc súng và loang lổ từng vũng máu. Một chiếc giày vải, còn giữ lại trong lòng nó bàn chân người chiến sĩ anh dũng, bắn vào sâu trong mớ dây thép gai bùng nhùng. Gần đấy, một chiếc mũ nan rách bươm úp vào đuôi một ống bộc phá không nổ. Chính ở chỗ này, trong những phút quyết định đã có hàng chục đồng chí của tôi ngã xuống, hiến dâng đời mình cho thắng lợi.

Tướng De Castries (đi đầu) cùng toàn bộ Bộ tham mưu Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ ra hàng, chiều 7/5/1954. (Ảnh: Triệu Đại/TTXVN)

Tướng De Castries (đi đầu) cùng toàn bộ Bộ tham mưu Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ ra hàng, chiều 7/5/1954. (Ảnh: Triệu Đại/TTXVN)

Đồng chí cán bộ địch vận ra đón, cho tôi biết: trung đoàn yêu cầu nội trong đêm nay phải thu nhặt hết thương binh của địch - băng bó cho ăn uống... và chuyển dân chúng về tuyến sau. Ngoài ra còn phải tranh thủ chôn cất những xác chết.

- Chúng ta còn bao nhiêu người?

- Có ai đâu, ngoài tôi, đồng chí và một cậu y tá.

- Sao không xin thêm người giúp?

Người ở đâu ra? Sau cuộc chiến đấu lớn, trung đoàn có biết bao nhiêu việc phải làm? Còn xin người ở đại đội phòng ngự thì mình đã xin rồi đấy. Kế hoạch bố trí của họ sít sao lắm. Một đại đội phải phân ra chiếm lĩnh cứ điểm một tiểu đoàn. Cố gắng lắm mới bớt cho mình được một y tá. Họ dặn: hễ nổ súng là phải trả ngay. Riêng chúng mình cũng cần phải kiếm một công sự tốt, một ít vũ khí, chuẩn bị đánh phòng ngự đi. Kẻ địch chưa phải đã từ bỏ ý định chiếm lại vị trí này đâu.

Khối lượng công việc nhiều quá, tôi bàn với đồng chí Đôi cố “moi” ở đâu ra lấy vài tay giúp sức. Đồng chí Đôi nảy ra một sáng kiến:

- Hay là ta lấy thương binh nhẹ của địch đi làm việc này?

Đúng! Nhưng, hầu hết thương binh nhẹ của địch, loại có thể làm được việc đều đã được đưa về trạm tù binh. Chúng tôi chỉ còn kiếm được hai người lính da đen, một là hàng binh, một bị thương nhẹ ở trán.

Trước khi bắt tay vào việc, chúng tôi cần củng cố chỗ đứng đã. Đồng chí Đôi và tôi khuân một trung liên, nửa hòm lựu đạn chiến lợi phẩm vào một vị trí chiến đấu thuận lợi. Chỗ vũ khí đó đủ cho chúng tôi đối phó với địch nếu chúng tấn công.

Xong, đồng chí Đôi, tôi và đồng chí y tá đưa hai người da đen đi làm việc.

Khu đồn rộng mênh mông. Nhiều chỗ bị đại bác ta bắn sập. Chúng tôi phải len lỏi vượt qua những ngách hào hẹp, những đống xác địch chưa kịp chôn cất, để sục vào từng căn hầm tối om tìm kiếm những tên địch bị thương nằm sâu trong ấy. Tất cả còn lại ngót hai chục đứa, đều bị thương nặng. Có đến năm sáu tên bị thương từ mươi hôm trước, trong các cuộc đụng chạm với đội trinh sát của ta. Vì không được bọn chỉ huy của chúng cho cứu chữa tử tế nên vết thương của chúng đã có lúc nhúc dòi bọ, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc cả gian hầm.

Máy bay B26 của Pháp tại mặt trận Điện Biên Phủ bị lực lượng pháo phòng không 37mm của quân ta bắn rơi. Ảnh: TTXVN

Máy bay B26 của Pháp tại mặt trận Điện Biên Phủ bị lực lượng pháo phòng không 37mm của quân ta bắn rơi. Ảnh: TTXVN

Đồng chí y tá đang băng cho một tên thì có tiếng máy bay địch rú lên như bò bị chọc tiết, tiếp đó là tiếng hai quả bom nổ rất gần. Căn hầm bị lắc mạnh, xà ngang kêu răng rắc. Tên thương binh địch hoảng hốt ôm chầm lấy người cứu chữa mình, làm máu mủ, ròi bọ sang đầy mặt. Đồng chí y tá quay đi, lấy khăn chùi, lẩm bẩm:

- Hừ, lại bom! Chúng mày trả ơn người cứu chữa thương binh cho chúng mày thế à?

Băng bó cho thương binh địch và cho chúng ăn uống xong, chúng tôi khiêng chúng tập trung vào một chỗ, nói chuyện với chúng về chính sách khoan hồng và lòng nhân đạo của quân đội ta, khuyên chúng yên tâm, cho đến tối sẽ được chuyển về trạm quân y cứu chữa chu đáo. Có tên tỏ lòng biết ơn, có tên chắp tay làm dấu cầu nguyện chúa.

Gần hai giờ chiều, chúng tôi mới làm xong công việc. Đồng chí Đôi ra máy điện thoại báo cáo về ban chính trị trung đoàn. Tôi ngồi làm danh sách thương binh địch, chuẩn bị nộp lên ban địch vận cấp trên. Hai người lính da đen nhóm bếp rán khoai tây, dọn bữa ăn trưa.

Lúc vừa ăn, tôi chú ý tìm hiểu họ. Xem sổ lính, tôi được biết người hàng binh tên là Môhamét, cai nhì, còn tên lính bị thương là Mêđien, binh nhì. Cả hai đều quê ở Angiêri, trước khi vào lính làm công nhân khuân vác. Môhamét có vẻ hiểu biết chính trị. Trong trận chiến đấu vừa qua, anh toàn bắn lên giời. Khi bộ đội ta vào đồn, Môhamét xin hàng ngay và xung phong làm nhiệm vụ chỉ đường cho bộ đội ta chiến đấu. Còn Mêđien thì có vẻ ngốc nghếch. Hắn mới bị bắt ra lính. Hắn không hiểu gì về cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Hắn đã chống cự lại bộ đội ta theo đúng lệnh của tên thiếu úy Pháp cho đến lúc tên này bị giết. Vì thế, lúc đầu, hắn chắc mẩm là sẽ bị giết, như bọn sĩ quan vẫn tuyên truyền xuyên tạc. Nhưng sau khi bị bắt, trước thái độ đối xử của bộ đội ta, hắn đã dần dần hiểu ra được ít nhiều...

Quân sống sót thại điểm cao giơ tay xin hàng khi cứ điểm này bị ta tiêu diệt, ngày 22/4/1954.

Quân sống sót thại điểm cao giơ tay xin hàng khi cứ điểm này bị ta tiêu diệt, ngày 22/4/1954.

Một tràng bom nổ ở đầu đồn phía bắc. Máy bay địch bị cao xạ ta bắn đuổi, vội vã rút lên cao rồi cút mất. Một người nhảy bổ từ ngoài cửa hầm vào. Tôi nhận ra đồng chí Lê Đôi.

- Bom bỏ có thiệt hại gì không? Địch tấn công à?

- Không. Có việc khác quan trọng đây.

Đồng chí chính ủy trung đoàn vừa gọi điện thoại lệnh cho chúng tôi phải thu xếp về đêm nay trao trả một đợt thương binh cho địch ở đồn Bản Kéo. Một mặt, cấp trên sẽ dùng điện đài báo cho bọn chỉ huy địch ở Mường Thanh biết, đòi chúng cử đại diện ở đồn Bản Kéo sáng mai ra tiếp nhận. Một mặt, chúng tôi ở đây phải viết một bức thư báo tin cho bọn chỉ huy đồn Bản Kéo. Kèm theo thư này là bức tối hậu thư hạ lệnh cho đồn Bản Kéo phải đầu hàng trước 17 giờ ngày mai - ngày 17/3. Chúng tôi phải chọn trong số thương binh nhẹ của địch lấy một binh nhì để làm việc mang thư đi ngay chiều nay.

Đồng chí Đôi giải thích thêm cho tôi rõ: theo tin quân báo, sau khi bị tiêu diệt hai cứ điểm Him Lam và Độc Lập, bọn địch ở đồn Bản Kéo hết sức hoang mang. Biểu hiện rõ nhất là trước việc quân ta đào hào bao vây, chúng không dám chống cự. Không một đứa nào dám thò ra khỏi công sự để lấy nước ăn tại con suối ngay dưới chân đồi. Trước tình hình đó ta trao trả tù binh bị thương cho chúng nhằm mấy mục đích như sau:

Một là, để chúng thấy cụ thể chính sách nhân đạo của ta đối với tù binh. Khi tù binh bị thương vào tay ta, ta tận tình chăm sóc cứu chữa, không hành hạ, sát hại và sẵn sàng trao trả cho chúng như ta thường làm ở Thất Khê, Thái Nguyên.

Hai là, qua miệng bọn tù binh được thả về, bọn địch ở Bản Kéo đông nhất là số ngụy binh người Thái có thể thấy rõ nếu cứ theo bọn chỉ huy, ngoan cố chống lại ta thì sẽ phải chịu những đòn sấm sét như thế nào; nhưng nếu biết hạ súng hàng ta sớm thì sẽ được khoan hồng như thế nào; do đó họ sẽ rất có thể nổi dậy làm một cuộc phản chiến để chạy về ta.

17 giờ 5 phút chiều 13/3/1954, hàng chục khẩu pháo của ta đồng loạt nhả đạn lên các vị trí của Pháp trên đồi Him Lam, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. Đến 23 giờ 30 phút cùng ngày, toàn bộ trung tâm đề kháng Him Lam bị ta tiêu diệt hoàn toàn. Ảnh: Tư liệu TTXVN

17 giờ 5 phút chiều 13/3/1954, hàng chục khẩu pháo của ta đồng loạt nhả đạn lên các vị trí của Pháp trên đồi Him Lam, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. Đến 23 giờ 30 phút cùng ngày, toàn bộ trung tâm đề kháng Him Lam bị ta tiêu diệt hoàn toàn. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Nội dung của bức tối hậu thư cũng bao hàm mấy điểm trên thôi. Còn việc đào hào, tích cực tổ chức bao vây của chúng ta cũng chỉ là một việc sẵn sàng thực hiện biện pháp cuối cùng nếu chúng cố tình không chịu nhận ra lẽ phải, không chịu nghe những lời ta đã răn bảo trong bức tối hậu thư kia.

Lúc này, tôi mới hiểu vì sao đồn Bản Kéo chỉ ở cách cứ điểm Độc Lập chưa đầy nghìn thước, trong tầm trọng liên 12 ly 7, ĐKZ mà không thấy chúng bắn sang một phát đạn nào.

Chúng tôi bàn nhau cách chấp hành mệnh lệnh. Hai người nhất trí sẽ chọn Mêđien làm việc đưa thư.

Chúng tôi không sử dụng Môhamét vì anh là hàng binh. Trong số thương binh được trả, có tên đã trông thấy Môhamét dẫn đường cho bộ đội ta chiến đấu. Đó là một mặt. Mặt thứ hai là vấn đề cảnh giác. Trung đoàn đã chỉ thị phải chọn một tên lính. Dù sao, Môhamét cũng đã làm cai. Anh ta đã đi lại trong đồn, có thể biết qua được sự bố trí của đại đội phòng ngự. Nếu anh ta bị chúng tra khảo mà không giữ được tinh thần? Còn Mêđien, chỉ là lính trơn, là tù binh.

Quyết định của chúng tôi được ban chính trị trung đoàn chuẩn y. Tôi tưởng giao nhiệm vụ cho Mêđien sẽ dễ dàng. Nhưng không ngờ, Mêđien từ chối. Anh ta khẩn khoản nói:

- Trước đây, tôi chưa hiểu gì về Quân đội nhân dân Việt Nam. Tôi sợ bị ngược đãi nên tôi đã chống cự. Nhưng nay tôi đã rõ: con đường sống của tôi là đi về trại tù binh. Vác đạn, tải thương, lao công, gì tôi làm cũng được. Tôi không muốn về với bọn Pháp một giờ nào nữa.

Tôi giải thích đi, giải thích lại rằng đây là một việc cần thiết, là một việc cùng chống kẻ thù chung là đế quốc Pháp. Còn Mêđien vào tất nhiên là gặp bọn Bản Kéo, Mêđien cứ khai là tù binh bị bắt buộc làm việc này, bọn sĩ quan sẽ không xử tội. Khi bộ đội ta đánh vào, anh hãy tránh vào một hầm trú ẩn nào đó rồi chờ lúc ra hàng. Tôi nói thêm: nếu Mêđien tích cực làm công việc này có kết quả, đồn Bản Kéo ra hàng, thì khi trở lại với quân đội Việt Nam, anh ta sẽ được khen thưởng...

Bộ đội ta kéo pháo vào chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Bộ đội ta kéo pháo vào chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Giữa lúc chúng tôi đang trao nhiệm vụ cho Mêđien thì Môhamét tới. Biết chuyện, Môhamét suy nghĩ một lúc rồi ngập ngừng đề nghị:

- Nếu các ông tin tôi thì để tôi đi thay cho Mêđien. Tất nhiên bản thân tôi cũng không mong trở lại với cái quân đội bẩn thỉu ấy.

Vì những lý do đã nói ở trên, chúng tôi không thể để Môhamét đi được. Tôi bảo Môhamét động viên bạn. Cuối cùng Mêđien nghiêm trang đáp:

- Vâng. Tôi xin phục tùng mệnh lệnh. Cho phép tôi được hứa: tôi sẽ không bao giờ nhằm súng bắn vào các ông nữa.

Tôi nhìn Mêđien, tỏ ý tin lời anh ta nói. Tôi bảo Môhamét chuẩn bị bữa ăn chiều thật sang cho Mêđien.

5 giờ chiều, ngớt máy bay, tôi cho Mêđien ra đi. Đồng chí Đôi giao cho anh ta hai tập truyền đơn địch vận. Tập nhỏ Mêđien sẽ giao cùng với hai bức thư cho tên chỉ huy đồn Bản Kéo. Tập thứ hai, nhiều hơn, Mêđien giấu ở trong người, tìm lúc thuận tiện sẽ phát riêng cho binh lính trong đồn.

Cửa chắn mở ra. Mêđien xin được phép bắt tay tôi tỏ cảm tình lưu luyến. Môhamét ôm hôn, từ biệt bạn. Mêđien thong thả xuống đồn, đầu quấn khăn trắng, tay cầm một lá cờ trắng làm hiệu. Tôi chăm chú dõi theo cái dấu trắng ấy bập bềnh trong lần sương chiều cho đến khi nó lấp sau quả đồi con, cạnh đồn Bản Kéo. Sau lưng tôi, Môhamét buông một tiếng thở dài.

*
* *

Màn đêm trùm xuống. Cứ điểm Độc Lập vụt náo nhiệt hẳn lên. Các chiến sĩ một tiểu đoàn chủ lực ập vào đầy đồn, làm nốt công việc thu dọn chiến trường.

Chúng tôi nhận được một trung đội bộ đội tải thương đến cáng thương binh địch đi trả. Vì một cán bộ tham mưu nào đó đã sơ suất không phổ biến cho anh em mang theo vũ khí, nên họ chỉ đến tay không. Đồng chí trung đội trưởng hỏi tôi:

- Nếu gặp địch phục kích thì sao?

Câu hỏi rất có lý. Nếu việc đó xảy ra thì ai chịu trách nhiệm trước tính mạng của mấy chục chiến sĩ? Nhưng, mệnh lệnh cần chấp hành ngay. Chúng tôi liền hội ý chớp nhoáng tìm cách giải quyết. Không thể quay về lấy, cũng không thể mượn đơn vị trên đồn được, chúng tôi đành nhặt tạm một số vũ khí chiến lợi phẩm còn dùng được, trang bị cho anh em. Mấy đảng viên phân công nhau: tôi đi đầu, dẫn đường, cùng với đồng chí trung đội trưởng và một tổ chiến đấu. Nếu gặp địch thì sẽ đánh chặn đường, bảo vệ cho đại bộ phận đằng sau rút lui. Đồng chí Đôi đi sau cùng với anh em. Giải thích cho thương binh địch xong, chúng tôi cho cáng họ đi.

Trong đêm tối mờ mịt, tôi cứ chiếu hướng đồn Bản Kéo đưa anh em qua những mặt ruộng phẳng, những quả đồi lởm chởm, mắt mở căng nhìn những địa hình che khuất, tay nắm chặt khẩu các bin, sẵn sàng nhả đạn.

Vượt qua đường chiến hào của đơn vị bao vây, không gặp một ai, chúng tôi tiến thẳng đến gần chân đồn. Để đảm bảo an toàn cho bộ phận phía sau, tôi cùng đồng chí trung đội trưởng tiến lên trước, bí mật sục sạo vảo những chỗ khả nghi. Một tiếng động nhỏ phát ra từ con suối trước mặt. Hai chúng tôi trườn xuống, ném thử một hòn đất. Một con chim bay vụt ra. Im lặng, không có gì hết. Phải chăng bọn địch ở Bản Kéo đã mất hết tinh thần chống cự?

Cảnh giới xong, chúng tôi đưa đại bộ phận lên. Anh em chọn một khoảng đất phẳng, khuất gió, đặt những cáng thương binh địch vào đấy, đắp chăn ấm cho chúng. Tôi đi đến từng cáng thương, thì thào giải thích một lần nữa ý định trả chúng về đồn Bản Kéo, khuyên chúng im lặng, chờ đợi sẽ có người của chúng ra nhận.

Quay về đồn, tôi thấy Môhamét đang ngồi với cậu y tá, chuẩn bị sẵn bữa ăn tối, chờ tôi. Tạm xong công việc, tôi cho cậu y tá trở lại đơn vị cũ, rồi lăn ra đánh một giấc.

Sớm hôm sau, thức dậy, tôi ra cửa hầm xem tình hình. Tôi thấy bọn thương binh địch nằm trên cáng đang ngồi nhỏm dậy, ồm ồm trò chuyện, trao đổi với nhau.

Trời sáng dần, vẫn không thấy trong đồn Bản Kéo có động tĩnh gì. Bọn thương binh địch nằm giữa hai trận tuyến chúng đang hoang mang lo sợ. Có kẻ tụt ra khỏi cáng, cố lê từng bước về phía đồn Bản Kéo. Ngược lại, có người bò về phía đồn của ta.

Trong đầu óc tôi vụt bừng lên những ý nghĩ về trách nhiệm và lòng nhân đạo. Bọn địch có thể bỏ mặc thương binh của chúng nằm trơ ở đây, số phận của họ sẽ ra sao nếu xảy ra một cuộc chiến đấu? Trách nhiệm chấp hành chính sách tù binh của Đảng giao cho, tôi thực chưa làm tròn.

Không kịp nghĩ gì hơn, tôi hội ý với đồng chí Đôi rồi đi ngay ra chỗ thương binh địch. Một chiến sĩ điện thoại trẻ tuổi xung phong đi cùng. Tôi giao cho đồng chí ấy khẩu các bin để tự vệ còn mình thì thủ hai quả lựu đạn vào túi quần. Đến phút cuối cùng, tôi quyết định kéo cả Môhamét đi theo. Anh ta xách một xô nước và một bịch bánh.

Trông thấy tôi đến, bọn thương binh địch mừng rỡ reo lên. Những kẻ đang lê về phía đồn Bản Kéo cũng quay trở lại. Tôi giải thích cho họ:

- Quân đội Việt Nam không bỏ mặc các anh đâu. Nếu bọn chỉ huy các anh trốn tránh trách nhiệm, chúng tôi sẽ đưa các anh về trạm quân y cứu chữa đến khi lành mạnh.

Tôi cùng Môhamét cho từng thương binh uống nước ăn bánh. Họ đều tỏ lời cảm ơn.

Giữa lúc đó, tôi nhìn thấy một toán địch lố nhố hành quân ra khỏi đồn Bản Kéo.

Chúng đi đâu? Đến lấy thương binh hay mở cuộc tấn công? Sao không thấy cờ trắng như quy định?

Dù thế nào tôi cũng không thể rút khỏi chỗ này! Để đề phòng bất trắc, tôi bảo đồng chí liên lạc đưa Môhamét lui về nấp trong lòng con suối đằng sau. Tôi dặn trước:

- Nếu chúng nổ súng, cứ mặc tôi đối phó, đồng chí dân Môhamét rút nhanh về đồn Độc Lập, yêu cầu đơn vị trên ấy bắn xuống tiêu diệt địch.

Hai người đi khỏi. Tôi rút sẵn chốt một quả lựu đạn, thủ trong túi, đứng giữa những cáng thương, chờ đợi. Nếu chúng trở mặt thì hai quả lựu đạn và một khẩu súng ngắn nữa tôi cũng có thể mở một đợt tấn công đầu tiên...

Bọn địch tiến đến gần. Một số mang băng ca. Tên sĩ quan đi đầu mang băng tay hồng thập tự. Tôi hô:

- Đứng lại!

Chúng làm theo. Riêng tên sĩ quan bước lên thêm mấy bước, giơ tay chào, nói:

- Chúng tôi tới nhận những người bị thương.

Tôi hô to mấy khẩu lệnh nghi binh rồi bảo hắn:

- Đã lệnh cho đại đội bố trí quanh đây không bắn vào các anh. Các anh có thể tiến lên làm nhiệm vụ.

Tên sĩ quan bước tới trước mặt tôi, giơ tay ra. Nhưng phần vì hai tay tôi mắc giữ lựu đạn trong túi quần, phần vì không muốn nhận cái bắt tay của kẻ chiến bại, nên tôi khẽ lắc đầu:

- Vào việc đi. Các anh đã nhận được thư của chúng tôi rồi chứ?

- Vâng. Chúng tôi đã nhận được.

-  Các anh nghĩ như thế nào về bức thư thứ hai, bức tối hậu thư?

Tôi nói chưa dứt lời thì có tiếng đạn cối nổ ở phía đồn Bản Kéo. Quân lính địch cuống cả lên. Tên sĩ quan hấp tấp đề nghị:

- Xin các ông ngừng bắn!               

- Được!

Tôi sung sướng gọi đồng chí liên lạc báo cho trên đồn Độc Lập biết, đề nghị tiểu đoàn trên đó tạm ngừng bắn trong lúc trả thương binh. Trên đồn trả lời: trung đoàn đã cho lệnh thôi bắn. Tôi báo cho tên sĩ quan biết lệnh ấy và nhân thể tôi nói thêm:

- Đó, Điện Biên Phủ đã bị bao vây chặt. Hai trường bay Gia Lâm và Cát Bi đều bị tấn công phá hủy hàng sáu, bảy chục chiếc máy bay. Nếu không sớm ra hàng, các anh sẽ bị tiêu diệt.

Tên sĩ quan ủ rũ đáp:

- Chúng tôi hiểu. Nhưng viên đại úy đồn trưởng chưa dám quyết định. Chắc các ông cũng biết: Không đánh mà hàng, gia đình chúng tôi ở bên Pháp sẽ bị trừng phạt như thế nào. Ông xem...

Hắn đưa cho tôi xem thẻ sĩ quan. Tôi rút một tay trong túi ra cầm lấy, liếc mắt xem: Tên: Vécgađe; cấp bậc trung úy... trong thẻ có gài một tấm ảnh 6x9 in hình một thiếu phụ Pháp bế đứa bé hai tuổi. Vécgađe thở dài:

- Tôi người Pari. Tôi cũng muốn sống để trở về với những người trong ảnh. Ôi! Chiến tranh.

Suýt nữa thì tôi tỏ lòng thương hại mà nói thêm với hắn mấy câu vô ích. Bọn sĩ quan này đâu phải dễ lôi kéo được chúng ra hàng. Tôi quay sang nói chuyện với số binh lính Thái đang chuyển thương binh lên cáng về tình hình Điện Biên Phủ bị bao vây, về chính sách khoan hồng của Chính phủ đối với ngụy binh, về quê hương Tây Bắc của họ đang đổi mới. Tên quan hai Vécgađe nhún vai, không can thiệp. Chỉ có đội trưởng trừng mắt hạ lệnh cho lính: “Làm đi”. Tôi trừng mắt nhìn hắn:

- Cả anh nữa, cũng nghe đây. Đồn Bản Kéo sắp sửa bị tiêu diệt. Muốn khỏi chết, các anh hãy sớm rủ nhau bỏ đồn, chạy về phía Quân đội nhân dân Việt Nam. Các anh sẽ được tự do, trở về quê hương, làm ăn với gia đình.

Tù binh Pháp ở Điện Biên Phủ kéo cờ trắng ra hàng. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Tù binh Pháp ở Điện Biên Phủ kéo cờ trắng ra hàng. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Thời gian ngắn ngủi, tôi chỉ nói được với họ những điều thiết thực nhất. Cuối cùng tôi dặn:

- Cứ hướng đồn Độc Lập mà chạy. Sẽ có đại bác bắn yểm hộ cho các anh.

Những người lính Thái tỏ ý hết sức chú ý lắng nghe. Họ không dám bắt chuyện nhưng mắt họ như muốn nói: “Chúng tôi đã hiểu”...

Khi binh lính đã chuẩn bị cáng xong, tên trung uý Vécgađe kiểm lại danh sách và làm giấy biên nhận. Hắn chào tôi, ra về. Tôi nói to:

- Chúc tất cả các anh chóng bình phục và sớm tìm được con đường sống.

Một số thương binh địch đáp lời:

- Xin cảm ơn quân đội Việt Nam.

Chúng đi khỏi, tôi quay về chỗ con suối. Đồng chí liên lạc trẻ tuổi vẫn cầm ngang khẩu các bin đứng đợi. Bên cạnh là Môhamét, nét mặt tươi cười, chạy lại chúc mừng tôi.

Chúng tôi phấn khởi về đồn Độc Lập như những người chiến thắng. Tại đây, tôi chia tay Môhamét. Anh ta khẩn khoản:

- Nếu có thể được, xin ông đề nghị với cấp trên cho tôi được đi theo quân đội Việt Nam để đánh lại thực dân Pháp như nhiều bạn Angiêri của tôi đã và đang làm.

Ba giờ sau. Trong đồn Bản Kéo nổ ra một cuộc binh biến. Lính Thái rủ nhau kéo lên hầm tên quan ba đồn trưởng, đòi thoả mãn yêu sách:

Một: phát hết khẩu phần lương thực.

Hai: giải tán về quê hương làm ăn.

Lũ sĩ quan chẹn cửa hầm, quát:

- Về vị trí, chờ lệnh!

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ta đã bắn rơi và phá hủy 177 máy bay các loại của địch, trong đó có 62 chiếc bị lực lượng phòng không bắn rơi. Ảnh: TTXVN

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ta đã bắn rơi và phá hủy 177 máy bay các loại của địch, trong đó có 62 chiếc bị lực lượng phòng không bắn rơi. Ảnh: TTXVN

Lính Thái hô ầm lên:

- Không đánh thuế nữa! Giải tán đi thôi anh em ơi! Đả đảo thực dân Pháp!

264 binh lính, trong đó có một viên trung úy người Thái phá huỷ mấy khẩu 12 ly 7, ĐKZ, rồi mang toàn bộ vũ khí nhẹ chạy sang hàng ngũ Quân đội nhân dân Việt Nam, y như điều hẹn trong bức tối hậu thư.

Tên quan ba đồn trưởng ra lệnh bắn đuổi theo. Nhưng đạn đại bác 105 và súng cối 82 của ta đã giọt vào đồn, làm cho những tên còn lại hoảng lên, bỏ chạy tán loạn về Mường Thanh, còn trơ khấc mấy tên sĩ quan. Cuối cùng bọn này cũng vội cắp đít chuồn nốt. Đại bác của Đờ Cát vội vã bắn ra, song không kịp động đến lông chân những người lính phản chiến.

Buổi tối hôm ấy, tôi đến trạm đón tiếp hàng binh. Một vài người lính Thái trông thấy tôi, reo lên:

- Chào anh ạ. Chúng em đã làm theo đúng lời các anh dặn.

Tôi hỏi về Mêđien. Một người cai cho biết:

Mêđien đã bị giải về Mường Thanh từ sáng hôm sau. Vì có một tên Pháp đã tố cáo anh ta có phân phát truyền đơn cho binh lính.

Tôi hình dung lại khuôn mặt chất phác của Mêđien và thầm lo cho số phận của người lính bước đầu giác ngộ.

Đồn Bản Kéo ra hàng, quân ta lấy được một vị trí lớn mà không tốn một giọt máu. Tôi nhớ lại cái cửa mở ác liệt của đồn Độc Lập, nhớ lại hôm qua, khi nhận nhiệm vụ lên đồn làm công tác thương binh tử sĩ địch, tôi đã không hào hứng, cũng như khi nghe đồng chí Đôi truyền mệnh lệnh của chính ủy, tôi đã kém tin tưởng vào kết quả của việc gọi hàng. Càng nghĩ, tôi càng thấy rõ nhận thức nông cạn của mình, càng thêm tin tưởng vào đường lối công tác địch vận, sự chỉ đạo sáng suốt kịp thời của cấp trên.

Đồn Bản Kéo ra hàng. Thế là quân khu Bắc Điện Biên Phủ hoàn toàn bị tiêu diệt. Đợt thứ hai chiến dịch, cuộc tấn công chiếm lĩnh khu cao điểm phía đông và bao vây hai khu trung tâm Mường Thanh, Hồng Cúm bắt đầu...

Sau ngày quân ta hoàn toàn chiến thắng ở Điện Biên Phủ, đơn vị tôi nhận lệnh cấp tốc trẩy xuôi, mở chiên trường mới. Trên đường hành quân, chúng tôi gặp một trạm tù binh. Bọn chúng đang xách cà mèn tập họp, chờ nhận khẩu phần xúp thịt bò, nét mặt hoan hỉ, miệng bô bô chuyện trò rầm rĩ. Một người lính da đen cao lớn, tay đeo băng đỏ đứng ngoài hàng làm nhiệm vụ chỉ huy từng tù binh vào lĩnh. Động tác, khẩu lệnh dứt khoát, thái độ đường hoàng. Một tên sĩ quan Pháp, da trắng bệch đã lĩnh xong khẩu phần của mình lại lộn xuống xếp hàng, toan lĩnh chuyến nữa. Người lính da đen chỉ huy nọ kiên quyết đuổi ra. Xong việc, anh ta quay về phía bộ đội chúng tôi đang hành quân. Chợt nhận ra khuôn mặt quen quen, tôi vui vẻ gọi to:

- Mêđien!

Anh lính da đen ngơ ngác tìm kiếm giây lát rồi reo lên một tiếng đồng thời chạy băng băng từ bãi cỏ lên mặt đường. Anh ta quơ cả hai bần tay sù sì mập mạp nắm lấy tay tôi:

- Môngsiơ... Camarát...[1]

Không biết tiếng của nhau, chúng tôi chỉ nói chuyện bằng mấy tứ: Độc Lập - Bản Kéo — Việt Nam — Angiêri và Điện Biên Phủ.

Đơn vị hành quân qua hết, tôi chia tay Mêđien. Mêđien đứng tại chỗ, rướn người lên, giơ cao tay vẫy cho đến khi tôi đi khuất sau một khuỷu đường.

Chắc chắn người lính Angiêri ấy từ nay không khom lưng nữa.

[1] Thưa ông.. Thưa đồng chí.

ĐẠI VŨ
Nguồn: Sách: Điện Biên Phủ - Trận thắng thế kỷ (NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, năm 2004)
Trình bày: Phi Nguyễn
Ảnh: TTXVN, Nhân Dân
Trở về nhandan.vn
Trở về Chuyên trang 70 năm Điện Biên Phủ