Vì sao gọi Cuba là “cường quốc của lòng nhân ái”?

Báo The Nation (Mỹ) ước tính, không nước nào gửi số lượng bác sĩ ra nước ngoài trong thời gian đại dịch Covid-19 nhiều như Cuba, thể hiện rõ nét tinh thần chủ nghĩa quốc tế chân chính. Không giàu có về tiền của, không phải nước lớn về tiềm lực vũ khí răn đe, Cuba vẫn là một cường quốc - “Cường quốc của lòng nhân ái”.

Ngay khi dịch Covid-19 bùng phát, cùng việc chia sẻ kinh nghiệm về phòng, chống và điều trị bệnh nhân Covid-19, Cuba đã cử hàng trăm nhân viên y tế tới hỗ trợ tại các nước trong khu vực.

Vào thời điểm đỉnh của đại dịch tại Italia, nhóm hơn 50 bác sĩ Cuba đầu tiên đã tới “tâm chấn Lombady”, bổ sung cho “đội quân nhân ái” gồm khoảng 28.000 chuyên gia, nhân viên y tế Cuba có mặt tại 59 quốc gia trên khắp thế giới trước dịch Covid-19. Khoảng 4.000 y, bác sĩ Cuba được triển khai tới các nước; gần 40 quốc gia ở 5 châu lục nhận sự hỗ trợ và hợp tác y tế với Cuba trong bối cảnh đại dịch hoành hành.

Những bác sĩ Cuba chụp ảnh bên chân dung cố lãnh tụ Fidel, ngày 21/3/2020, trước khi vào tâm dịch Covid-19 tại Italia. (Ảnh: Reuters)

Những bác sĩ Cuba chụp ảnh bên chân dung cố lãnh tụ Fidel, ngày 21/3/2020, trước khi vào tâm dịch Covid-19 tại Italia. (Ảnh: Reuters)

Phái đoàn bác sĩ Cuba tham gia chống Covid-19 tại các nước là biểu hiện sinh động của tinh thần nhân ái của người Cuba. Nhưng, sự hỗ trợ quốc tế của Cuba trong lĩnh vực y tế không phải điều mới, mà là một phần quan trọng trong truyền thống đoàn kết của Cách mạng Cuba. Sứ mệnh nhân văn khởi đầu từ những năm Cuba mới giành tự do. Năm 1960, Cuba đã cử một “lữ đoàn y tế” tới Chile giúp cứu chữa nạn nhân sau vụ động đất. Năm 1963, một nhóm bác sĩ Cuba được điều tới hỗ trợ chăm sóc sức khoẻ tại Algeria ngay sau nước này thoát khỏi ách thống trị của thực dân.

Năm 2005, phát biểu tại buổi lễ ra mắt đội quân áo blouse trắng có tên Lữ đoàn Henry Reeve (lấy theo tên của tình nguyện viên người Mỹ chiến đấu cùng người Cuba chống thực dân), cố lãnh tụ Fidel nói với các chiến sĩ tình nguyện Cuba rằng, trở thành bác sĩ như mở ra cánh cửa đưa tới những hành động cao cả. Suốt chiều dài lịch sử vị tha của dân tộc, người Cuba luôn sẵn sàng hỗ trợ y tế cho mọi quốc gia, không ngại ngần về khác biệt ý thức hệ. Và người Cuba không bao giờ phản bội lý tưởng cao đẹp này.

Là các bác sĩ xuất sắc do Cuba đào tạo và được lựa chọn thực hiện nghĩa vụ nhân văn, luôn thấm nhuần tinh thần quốc tế cao cả của người cộng sản và của chiến sĩ cách mạng Cuba Che Guevara (cũng từng là một bác sĩ), những chiến sĩ áo blouse trắng thuộc Lữ đoàn Henry Reeve sẵn sàng đến bất cứ nơi nào trên thế giới phải hứng chịu thiên tai, dịch bệnh. Họ trở thành cầu nối Cuba với quốc tế, từ các nước nghèo ở châu Phi đến các nước phương Tây giàu có, cả những nước không có liên kết chính trị với quốc đảo vùng Caribe.

Những y bác sĩ Cuba chuẩn bị lên đường tới Kuwait hỗ trợ ứng phó dịch bệnh Covid-19, ngày 4/6/2020. (Ảnh: Reuters)

Những y bác sĩ Cuba chuẩn bị lên đường tới Kuwait hỗ trợ ứng phó dịch bệnh Covid-19, ngày 4/6/2020. (Ảnh: Reuters)

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính, Lữ đoàn Henry Reeve đã cứu hơn 80 nghìn mạng sống, điều trị cho gần 3 triệu người trong suốt 15 năm hoạt động. Họ đã có mặt ở Guatemala, Pakistan và Nepal sau những trận động đất kinh hoàng. Họ giúp người Haiti vượt qua dịch tả, tới khu vực Tây Phi cùng chống chọi đại dịch Ebola...

Năm 2014, cùng hơn 200 đồng nghiệp thuộc Lữ đoàn Henry Reeve thực hiện sứ mệnh hỗ trợ y tế ở “mặt trận Tây Phi”, bác sĩ Felix Baez tình nguyện tới Sierra Leon và không may đã nhiễm Ebola sau chỉ một tháng vật lộn với khó khăn, khám và chữa trị cho hàng nghìn lượt bệnh nhân địa phương. Ngay khi khỏi bệnh sau quãng thời gian điều trị khắc nghiệt ở Thụy Sĩ, bác sĩ Felix Baez lập tức xin trở lại “chiến trường Sierra Leon” tiếp tục sứ mệnh còn dang dở.

Câu chuyện của người bác sĩ tình nguyện Cuba đã truyền cảm hứng lan tỏa về sự cống hiến và tinh thần quốc tế vô tư, trong sáng. Năm 2020, ghi nhận đóng góp của Cuba, Hội đồng Hòa bình thế giới (WPC) đã đề cử Lữ đoàn Henry Reeve cho giải Nobel Hòa bình, với nhận định phái đoàn bác sĩ Cuba thực hiện sứ mệnh ứng phó thảm họa và dịch bệnh nguy cấp là “thí dụ chân thật nhất về tình hữu nghị quốc tế”.