Câu nói “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình!” ra đời trong hoàn cảnh nào?
Trong trái tim nhân dân Việt Nam luôn in sâu câu nói bất hủ của cố lãnh tụ Fidel “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình!” và hình ảnh Fidel là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên và duy nhất thăm vùng giải phóng Quảng Trị ngày 16/9/1973.
Câu nói “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình!” lần đầu tiên được cố lãnh tụ Fidel nói trong cuộc mít-tinh tại quảng trường cách mạng Jose Marti ở La Habana ngày 2/1/1966, nhân kỷ niệm ngày Cách mạng Cuba thành công (1/1/1959-1/1/1966) và chào mừng Hội nghị Đoàn kết Á-Phi-Mỹ Latin. Câu nói bất hủ ấy thể hiện tình cảm ruột thịt, sự sẵn sàng hy sinh, sẻ chia của Cuba đối với người đồng chí, anh em Việt Nam.
Trong những thời khắc vô cùng cam go trong cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, cố lãnh tụ Fidel đã biến những chuyến công du nước ngoài thành cơ hội vận động chính phủ và nhân dân các nước đoàn kết, ủng hộ Việt Nam. Những cuộc tuần hành quần chúng ở Cuba thể hiện đoàn kết với Việt Nam luôn có sự xuất hiện, đồng hành của nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước Cuba.
Vượt qua khoảng cách xa xôi về địa lý, hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, Cuba luôn sát cánh, hỗ trợ Việt Nam với tinh thần một người bạn chân thành, một người đồng chí tin cậy. Cuba luôn là biểu tượng và đi đầu trong phong trào nhân dân thế giới đoàn kết, ủng hộ sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam chống đế quốc Mỹ, giành thắng lợi hoàn toàn, thống nhất đất nước.
Ngày 15/9/1973, đồng chí Fidel Castro, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Thủ tướng Chính phủ Cách mạng Cuba thăm Ủy ban Nhân dân Cách mạng tỉnh Quảng Trị (Vùng giải phóng miền Nam Việt Nam). (Ảnh: TTXVN)
Ngày 15/9/1973, đồng chí Fidel Castro, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Thủ tướng Chính phủ Cách mạng Cuba thăm Ủy ban Nhân dân Cách mạng tỉnh Quảng Trị (Vùng giải phóng miền Nam Việt Nam). (Ảnh: TTXVN)
Thủ tướng Phạm Văn Đồng và đồng chí Fidel Castro, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Thủ tướng Chính phủ Cách mạng Cuba chụp ảnh với các Anh hùng Quân giải phóng miền nam Việt Nam (tháng 9/1973). (Ảnh: TTXVN)
Thủ tướng Phạm Văn Đồng và đồng chí Fidel Castro, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Thủ tướng Chính phủ Cách mạng Cuba chụp ảnh với các Anh hùng Quân giải phóng miền nam Việt Nam (tháng 9/1973). (Ảnh: TTXVN)
Các chiến sĩ Đoàn Khe Sanh, Quân giải phóng Trị Thiên-Huế nồng nhiệt đón mừng Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Thủ tướng Chính phủ Cách mạng Cuba Fidel Castro đến thăm Vùng giải phóng miền Nam Việt Nam, ngày 15/9/1973. (Ảnh: TTXVN)
Các chiến sĩ Đoàn Khe Sanh, Quân giải phóng Trị Thiên-Huế nồng nhiệt đón mừng Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Thủ tướng Chính phủ Cách mạng Cuba Fidel Castro đến thăm Vùng giải phóng miền Nam Việt Nam, ngày 15/9/1973. (Ảnh: TTXVN)
Đầu những năm 1960, khi đất nước cũng gặp nhiều khó khăn do bị bao vây, cấm vận, Chính phủ và nhân dân Cuba vẫn dành cho Việt Nam sự ủng hộ chân tình, không toan tính.
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của cố lãnh tụ Fidel, Ủy ban Đoàn kết với Việt Nam ra đời, lan tỏa tình đoàn kết, ủng hộ Việt Nam tới khắp trường học, bệnh viện, nhà máy, công trường, lực lượng vũ trang và toàn thể nhân dân Cuba.
Với khẩu hiệu “Tất cả vì Việt Nam”, phong trào đoàn kết với Việt Nam đã lan tỏa rộng khắp đất nước Cuba. Không nơi nào trên thế giới có hàng nghìn nhà máy, trường học, khu phố mang tên các anh hùng, các địa danh của Việt Nam, như ở Cuba.
Tình đoàn kết, sẻ chia thể hiện bằng những hành động “chia lửa” với Việt Nam. Nhân dân Việt Nam không quên hình ảnh bạn bè Cuba trong những năm tháng gian khó, vừa chống giặc, vừa xây dựng đất nước.
Những chuyên gia, thủy thủ, công nhân Cuba sát cánh bên bộ đội và nhân dân Việt Nam trong bom đạn trên đất cảng Hải Phòng, xây dựng Đường Trường Sơn, Bệnh viện Hữu nghị Đồng Hới (Quảng Bình), hay Khách sạn Thắng Lợi (Hà Nội)...
Nhiều con đường, nhà máy, công trình thiết yếu quan trọng trên mọi miền đất nước Việt Nam còn lưu dấu bàn tay lao động và sức sáng tạo của bạn bè Cuba, những người đã làm hết những gì có thể để giúp Việt Nam vực dậy sau chiến tranh.
Cuba là nước đã có vai trò rất quan trọng trong việc vận động các nước Mỹ Latin ủng hộ Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc tại khóa 32 Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 1977.
Cũng chính Cuba, mà trực tiếp là lãnh tụ Fidel, đã hô vang khẩu hiệu “Không được đụng đến Việt Nam” giữa cuộc mít-tinh của hàng triệu quần chúng tại thủ đô La Habana đoàn kết với Việt Nam trước cuộc tấn công xâm lược ở Biên giới phía bắc tháng 2/1979.
Đó chính là chất Cuba, là chất Fidel trong tình cảm, đoàn kết, ủng hộ nồng hậu, vô điều kiện đối với Việt Nam, làm nên mối quan hệ đặc biệt, không có tiền lệ, là mẫu mực của quan hệ quốc tế.
Đáp lại chân tình của người đồng chí, anh em, Việt Nam luôn dành tình cảm hữu nghị đặc biệt, đoàn kết và hợp tác chân thành, coi việc hỗ trợ Cuba là nghĩa vụ tự nhiên, xuất phát từ lương tâm và tình cảm quốc tế trong sáng, truyền thống hữu nghị và nhân văn của dân tộc.
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các thế hệ lãnh đạo và nhân dân Việt Nam luôn khẳng định, đoàn kết và ủng hộ Cuba là lương tâm và trách nhiệm của những người cộng sản và toàn thể nhân dân Việt Nam; là đạo lý, truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam thủy chung với đồng chí, bạn bè.
Sau giải phóng và bước vào công cuộc tái thiết đất nước, Việt Nam hợp tác cùng Cuba đúc rút kinh nghiệm thắng lợi, góp phần vào học thuyết “chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc chống xâm lược”.
Nhân dân Việt Nam đồng lòng chịu đựng thiếu thốn, hy sinh lợi ích để hỗ trợ, phần nào giúp Cuba vượt qua thời điểm khó khăn của “thời kỳ đặc biệt”. Nhiều dự án viện trợ, hợp tác được triển khai, như giúp Cuba sản xuất lúa gạo, từng bước bảo đảm an ninh lương thực.
Việt Nam hết lòng chia sẻ với Cuba kinh nghiệm phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế. Tình cảm đoàn kết và ủng hộ Cuba cũng luôn được Việt Nam thể hiện nhất quán và mạnh mẽ trong lập trường tại các diễn đàn quốc tế.