
50 năm trước, trong Phi đội Quyết Thắng ném những quả bom xuống Sân bay Tân Sơn Nhất vào ngày 28/4/1975, người ta ghi nhận sự có mặt của một phi công từng đứng trong hàng ngũ của Việt Nam Cộng hòa (VNCH), một người từng “ở phía bên kia cầm súng khác”.
Ngã rẻ
Giai đoạn những ngày tháng 4/1975 cho tới những năm đầu hậu chiến, khi đất nước đứng trước ngã rẽ lớn lao, Trần Văn On lặng lẽ xuất hiện rồi cũng lặng lẽ biến mất. Lịch sử ghi nhận ông là phi công thứ 5 của Phi đội Quyết thắng, những người lái những chiếc máy bay A37 thu giữ được của VNCH ném bom vào Sân bay Tân Sơn Nhất ngày 28/4/1975 - một đòn đánh táo bạo góp phần đẩy nhanh chiến thắng giải phóng Sài Gòn.
Ông On vốn không phải là người từ đầu đứng trong hàng ngũ cách mạng, mà là một phi công từng khoác áo quân lực VNCH, được đào tạo bài bản ở Mỹ, rồi sau đó, bằng một quyết định đầy bất ngờ, chọn đứng dưới ngọn cờ của quân giải phóng. Cuộc đời ông, từ những ngày bay lượn trên bầu trời chiến trận đến khi trở về với ruộng đồng quê nhà, là một câu chuyện dài đầy thăng trầm, và cả những khoảng lặng kéo dài hàng thập niên.
Ông Trần Văn On nhập ngũ năm 1968, thời điểm chiến sự căng thẳng. “Năm 1968, tôi nhập ngũ. Tôi học lái máy bay, rồi khám sức khỏe ở Tân Sơn Nhất. Sau đó, tôi học tiếng Anh và sang Mỹ học lái máy bay một năm rưỡi”, ông kể. “Tôi chọn làm phi công để đỡ chết, không ngờ đậu”, ông nói thêm. Trong khi đó, gia đình ông có truyền thống ủng hộ cách mạng, như ông từng chia sẻ: “Gia đình tôi muốn tôi theo cách mạng. Phía nhà mẹ tôi cũng đi theo cách mạng”. Bị buộc phải ở phía bên kia cầm súng, ông mắc kẹt giữa hai luồng tư tưởng.
Ông Trần Văn On gặp lại đồng đội hỗ trợ trong ngày ném bom sân bay Tân Sơn Nhất cùng phi đội Quyết thắng 28/4/1975.
Ông Trần Văn On gặp lại đồng đội hỗ trợ trong ngày ném bom sân bay Tân Sơn Nhất cùng phi đội Quyết thắng 28/4/1975.
Tháng 4/1975, khi Quân Giải phóng tiến vào Đà Nẵng, ông On rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Đại tá Từ Đễ (Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Phó Cục trưởng Quân huấn, thành viên Phi đội Quyết thắng), nhớ lại: “Tháng 4, tôi được đồng chí Trần Mạnh (Thiếu tướng Trần Mạnh, khi đó là Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không - Không quân) điều ra Ban Quân quản Đà Nẵng, chúng ta chọn một số phi công quân hàm trung úy trở xuống trong VNCH để hỗ trợ ta hướng dẫn bay A-37. Nhìn 5-6 người đứng xếp hàng, tôi mời anh Trần Văn On và anh Trần Ngọc Xanh. Tôi mời họ đàng hoàng, mời giúp chúng tôi chinh phục A-37. Chúng tôi ở cùng phòng, ăn cơm cùng mấy ngày đó”. Ông On được mời hỗ trợ Quân Giải phóng vì kỹ năng lái máy bay A-37 - loại máy bay chiến lợi phẩm thu được từ sân bay Đà Nẵng và Phan Rang. Với ông On, đây là một nhiệm vụ bất ngờ. “Các anh ấy thuyết phục tôi. Họ nói chuyện với tôi, và tôi quyết định theo cách mạng”, ông nói. Với ông, đó không phải là “đổi phe”, đó là điều tự nhiên của số phận.
Từ đó, ông gia nhập Phi đội Quyết thắng, cùng các phi công như Nguyễn Thành Trung, Từ Đễ, Nguyễn Văn Lục, Hán Văn Quảng và Hoàng Mai Vượng, chuẩn bị cho trận đánh lịch sử. “Tôi bay thử máy bay, rồi hướng dẫn các anh ấy bay. Sau hai ngày tập bay, các anh ấy đã tự bay được”, ông On kể. Ngày 28/4/1975, từ sân bay Thành Sơn (Phan Rang), năm chiếc A-37 cất cánh hướng về Sài Gòn, tấn công Sân bay Tân Sơn Nhất - trung tâm không quân lớn nhất của chính quyền Sài Gòn. Trận đánh diễn ra thần tốc, phá hủy hàng chục máy bay địch và làm tê liệt căn cứ Tân Sơn Nhất, mở đường cho Quân Giải phóng tiến vào Sài Gòn hai ngày sau đó.
Đại tá Từ Đễ nhận xét: “Ông On và ông Xanh thực hành rất tốt, họ không trả lời được tại sao nhưng họ làm được ngay. Ngay khi gặp họ, tôi có niềm tin rằng họ là những chuyên gia thật sự”. Dù từng đứng ở hai chiến tuyến, nhưng khi đã cùng làm việc, những phi công có độ tin tưởng lẫn nhau. “Chúng tôi là lính, đều phóng khoáng, không phân biệt đối xử. Suy cho cùng, nửa chữ cũng là thầy, họ dạy chúng tôi cơ mà”, ông Đễ nói, “Chúng tôi được giao nhiệm vụ thực hiện chiến dịch thần tốc, không có mấy ông ấy chúng tôi không thần tốc được. Họ giúp chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ”. Với ông On, việc tham gia phi đội không hẳn xuất phát từ tình cảm cá nhân. Nhưng ông vẫn cảm nhận được sự tin cậy từ đồng đội mới: “Tôi thấy mình được tin tưởng khi được chọn vào Phi đội Quyết thắng”.
Ngày 28/4/1975, lần đầu tiên ông On mặc bộ đồ bay của Quân đội nhân dân Việt Nam. Khi cất cánh, ông On không sợ hãi. “Lúc bay, tôi không sợ. Tôi chỉ muốn hết chiến tranh. Tôi biết xu thế giải phóng là tất yếu”, ông nói. Ông thích cảm giác bay: “Tôi thích bay hơn đi bộ. Dù bay nguy hiểm hơn, nhưng tôi quen rồi”. Trận đánh kết thúc, Phi đội Quyết thắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đó là lúc ông nhận thấy mình và những người lính lái máy bay trên cùng bầu trời kia, là đồng đội. “Tôi biết hết chiến tranh rồi, mình không phải chết rồi”, ông nói đơn giản vậy về ngày 30/4.
Sau giải phóng, ông tiếp tục nhiệm vụ bay trinh sát, tham gia bảo vệ và giải phóng các đảo ở vùng biển Tây Nam: “Nhiệm vụ của tôi là bay trinh sát và tấn công mục tiêu”, ông nói. Nhưng rồi, mọi thứ dần khép lại, và ông chọn trở về quê nhà.
“Tháng 4, tôi được đồng chí Trần Mạnh (Thiếu tướng Trần Mạnh, khi đó là Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không - Không quân) điều ra Ban Quân quản Đà Nẵng, chúng ta chọn một số phi công quân hàm trung úy trở xuống trong VNCH để hỗ trợ ta hướng dẫn bay A-37. Nhìn 5-6 người đứng xếp hàng, tôi mời anh Trần Văn On và anh Trần Ngọc Xanh. Tôi mời họ đàng hoàng, mời giúp chúng tôi chinh phục A-37. Chúng tôi ở cùng phòng, ăn cơm cùng mấy ngày đó”.
Thượng tướng Võ Văn Tuấn, nguyên Phó Tư lệnh Quân chủng PKKQ trao quà kỷ niệm cho ông Trần Văn On.
Thượng tướng Võ Văn Tuấn, nguyên Phó Tư lệnh Quân chủng PKKQ trao quà kỷ niệm cho ông Trần Văn On.
Lưu giữ niềm tự hào
Năm 1977, ông On lặng lẽ xin ra quân, cầm một tờ giấy xác nhận tạm và trở về quê nhà ở Tiền Giang, làm một người nông dân bình lặng.
Ông làm ruộng, bà dạy học, nuôi 7 người con, vất vả nhọc nhằn như rất nhiều người dân thời hậu chiến. Rất ít người biết ông đã từng tham gia Quân Giải phóng, người ta vẫn nghĩ ông là lính của chế độ ngụy quyền. “Cũng có lúc buồn, vì người ta nói ra nói vào, mà tôi lại là cô giáo”, vợ ông - bà Nguyễn Thị Chín kể.
Mãi đầu năm 2000, ông mới tìm lại đồng đội Phi đội Quyết thắng. Ông lên tàu ra Đà Nẵng gặp phi công Hán Văn Quảng (Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, thành viên Phi đội Quyết thắng) khi đó là Sư đoàn trưởng Không quân 372. Sau một ngày “lai rai” cùng người bạn cũ, Đại tá Quảng lại mua vé tàu cho ông On ra Hà Nội gặp Đại tá Nguyễn Văn Lục (Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Chỉ huy Phi đội Quyết thắng). Người cựu phi công đi qua hai chế độ, lần đầu tiên bước lên con tàu Thống Nhất, đi một mạch từ nam ra bắc, để tìm lại giấy tờ cũ chứng minh cống hiến của mình. Mãi tới lúc đó, ông mới biết, thành tích ngày 28/4/1975 của ông đã được trao tặng Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhất - nhưng bởi khúc quanh lịch sử, nó vẫn nằm ở Bộ Tư lệnh Phòng không-Không quân chưa tới tay ông.
Đại tá Từ Đễ đã đề nghị xã làm một lễ trao tặng huân chương long trọng, để “rửa tiếng oan” cho người cựu phi công. Tháng 8/2008, ngày nhận huân chương, ông On ôm bằng khen, ngồi trên một chiếc xe máy, được chở về làng đầy cảm động. Vợ ông bảo, thế là người ta không nghi ngờ gì nữa. “Sau hơn 20 năm, tôi mới biết mình được khen thưởng. Tôi mừng vì điều đó”. Bằng khen và huân chương, ông treo trên tường nhà, cùng với tấm bằng phi công tại Mỹ và hình ảnh những bạn học cùng khóa năm đó: “Có đứa sang Mỹ, có đứa vẫn ở gần đây”. Đó là một phần của cuộc đời ông.

Quân giải phóng chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, ngày 30/4/1975.
Quân giải phóng chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, ngày 30/4/1975.
“Chúng tôi là lính, đều phóng khoáng, không phân biệt đối xử. Suy cho cùng, nửa chữ cũng là thầy, họ dạy chúng tôi cơ mà”
Người phi công từng bay qua hai chiến tuyến nói, giờ không còn mong gì nữa cả. Chỉ phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam một thời gian ngắn, nhưng đó là ký ức, là niềm tự hào, là lựa chọn không bao giờ hối hận. Hiện ông vẫn đang sinh hoạt trong Hội Cựu chiến binh địa phương. Năm 2023, Sư đoàn 370 (Quân chủng Phòng không-Không quân) đã tặng ông một sổ tiết kiệm. Ông On hóm hỉnh: “Chế độ cho không quân cao hơn bộ binh”. Giờ đây, ở tuổi gần 80, ông sống trong căn nhà tình nghĩa Nhà nước xây năm 2023.
Nửa thế kỷ, những cánh bay đã khép lại, khói lửa đã qua rồi. Được sống vui vẻ yên bình trên đồng ruộng quê nhà, trên bầu trời thống nhất này, vậy là đã đủ vui mừng. Dù bước trên những chặng đường nào, là người Việt, đều muốn chọn đứng cùng nhau mà thôi!
Nội dung: Hồng Việt
Ảnh: Nhân Dân, TTXVN
Trình bày: Phi Nguyên