Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 21 năm gian khổ của dân tộc ta, năm 1972 có vị trí đặc biệt quan trọng, tạo ra bước ngoặt lớn của chiến tranh với những thắng lợi có tính quyết định trên cả hai miền Nam-Bắc, cả đấu tranh quân sự, chính trị và ngoại giao.

Trên chiến trường Đông Dương, một mặt, đế quốc Mỹ tiếp tục thực hiện Học thuyết quân sự Níchxơn, đẩy mạnh Việt Nam hóa, Lào hóa, Khmer hóa chiến tranh, rút dần quân chiến đấu Mỹ và quân các nước đồng minh Mỹ về nước, đồng thời ồ ạt tăng cường cho quân đội và chính quyền Sài Gòn cả vũ khí, trang bị, huấn luyện và viện trợ mọi mặt để chế độ Thiệu đứng vững. Nội bộ giới cầm quyền cũng như giữa chính quyền và nhân dân Mỹ chia rẽ nghiêm trọng trước thềm cuộc bầu cử tổng thống vào năm 1972. Song chính quyền Mỹ vẫn cố gắng tìm kiếm thắng lợi quân sự nhằm giành ưu thế về ngoại giao để kết thúc chiến tranh theo điều kiện của Mỹ.

Phía cách mạng, những thắng lợi của cách mạng ba nước Đông Dương những năm 1970-1971 đã tạo cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta một tình thế thuận lợi mới. Chúng ta có điều kiện kết hợp chặt chẽ đấu tranh quân sự, chính trị, ngoại giao, tiếp tục phát huy quyền chủ động tiến công giành thắng lợi mới có ý nghĩa chiến lược lớn hơn trong năm 1972.

Nhạy bén trước tình hình mới trong thời điểm mới, từ tháng 8 năm 1971, Bộ Chính trị ra Nghị quyết mở cuộc tiến công chiến lược năm 1972, trên các hướng miền Đông Nam Bộ, Trị - Thiên, Tây Nguyên nhằm tiêu diệt lớn quân địch, mở rộng vùng giải phóng, buộc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh bằng thương lượng trên thế thua; đồng thời chuẩn bị sẵn sàng, kiên trì và đẩy mạnh cuộc chiến đấu trong trường hợp cuộc chiến tranh còn kéo dài. Lúc đầu, miền Đông Nam Bộ được xác định là hướng tiến công chủ yếu.

Tuy nhiên, theo dõi sát sự biến chuyển của tình hình, vai trò của từng hướng chiến trường, thế bố trí chiến lược giữa ta và địch, Quân ủy Trung ương đã đề xuất điều chỉnh hướng tiến công chủ yếu là Trị - Thiên, các hướng phối hợp quan trọng là Đông Nam Bộ, Tây Nguyên. Điều chỉnh này được Bộ Chính trị đồng ý ngày 23 tháng 3 năm 1972. Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh giao cho Quân ủy Miền, Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam sử dụng các đơn vị chủ lực tại chỗ và lực lượng được tăng cường mở các chiến dịch tiến công trên hướng Trị - Thiên, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng những địa bàn có ý nghĩa chiến lược, hỗ trợ cho nhân dân sống ở nông thôn nổi dậy, chống phá bình định, giành quyền làm chủ ở cơ sở.

 Chiến trường Trị - Thiên - Huế năm 1972 ác liệt. Ảnh: TTXVN

 Chiến trường Trị - Thiên - Huế năm 1972 ác liệt. Ảnh: TTXVN

Ngày 30 tháng 3 năm 1972, cuộc tiến công chiến lược của ta trên toàn miền Nam bắt đầu. Các đơn vị ta đã đồng loạt mở cuộc tiến công vào tuyến phòng thủ Đường 9 - Quảng Trị, Kon Tum (Tây Nguyên) và miền Đông Nam Bộ kết hợp với các chiến dịch tiến công tổng hợp ở Đồng bằng sông Cửu Long và Khu 5. Bắt đầu với ba chiến dịch tiến công tương đương cấp quân đoàn cùng một lúc đột phá mãnh liệt vào tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch trên ba hướng chiến lược, Cuộc tiến công chiến lược của ta khiến địch hoàn toàn bất ngờ về thời gian, hướng chủ yếu, quy mô, cường độ và bị động, lúng túng đối phó.

Sơ đồ chiến dịch tiến công Quảng Trị - Thừa Thiên (30/3-27/6/1972).

Sơ đồ chiến dịch tiến công Quảng Trị - Thừa Thiên (30/3-27/6/1972).

Trên hướng Trị -Thiên, hướng chủ yếu của cuộc tiến công chiến lược, với Chiến dịch tiến công Trị Thiên, quân ta mở cuộc tiến công và lần lượt tiêu diệt các căn cứ, vị trí Động Toàn, Ba Hồ, Cồn Tiên, Dốc Miếu, Quán Ngang, Đầu Mầu, Điểm cao 241… phá vỡ tuyến phòng thủ Đường 9 - bắc Quảng Trị.

Sau 6 ngày chiến đấu mãnh liệt, ta kết thúc đợt 1 chiến dịch. Đợt 2 tiếp tục từ ngày 14 đến ngày 26 tháng 4, quân ta dồn dập pháo kích, tiến công và làm chủ các vị trí, địa bàn Đông Hà, Ái Tử, Lai Phước, La Vang, vây ép địch ở thị xã Quảng Trị, buộc chúng phải rút chạy. Ngày 2 tháng 5 năm 1972, ta giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị - tỉnh đầu tiên ở miền Nam được giải phóng. Sau thắng lợi quan trọng này, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương chủ trương nhân lúc địch đang hoang mang, rối loạn, tập trung lực lượng phát triển tiến công kết hợp với nổi dậy của quần chúng, tiêu diệt địch, giải phóng tỉnh Thừa Thiên, kể cả thành phố Huế.

Trang nhất của báo Quân đội Nhân dân số ra ngày 2/4/1972 với những hình ảnh rõ nét và mới nhất về cuộc chiến đang diễn ra ác liệt tại Quảng Trị. 

Trang nhất của báo Quân đội Nhân dân số ra ngày 2/4/1972 với những hình ảnh rõ nét và mới nhất về cuộc chiến đang diễn ra ác liệt tại Quảng Trị. 

Sau những thất bại liên tiếp trên chiến trường Trị Thiên, đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn vội điều động lực lượng lớn cùng vũ khí, trang bị tăng cường bảo vệ Huế, Đà Nẵng và tái chiếm Quảng Trị. Về phía ta, sau hai đợt chiến đấu liên tục hết sức ác liệt, tuy giành được thắng lợi lớn nhưng lực lượng chiến đấu cũng bị tiêu hao, mỏi mệt; vũ khí, đạn dược chưa kịp bổ sung. Do đó, đợt tiến công thứ 3 vào phòng tuyến sông Mỹ Chánh từ ngày 20 đến ngày 26 tháng 6 không đạt kết quả, lực lượng bị tổn thất thêm. Đêm 27 tháng 6 năm 1972, Bộ Tư lệnh Chiến dịch Trị - Thiên quyết định ngừng tiến công, chuyển phương thức tác chiến mới nhằm giữ vững vùng giải phóng. Với chiến dịch Trị Thiên, đây là lần đầu tiên trên chiến trường miền Nam, ta tiến hành thắng lợi một chiến dịch tiến công binh chủng hợp thành quy mô lớn, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch; giải phóng hoàn toàn một tỉnh. Từ ngày 28 tháng 6, dưới sự yểm trợ tối đa của máy bay ném bom và pháo các loại trong đất liền và từ tàu chiến ngoài biển, quân đội Sài Gòn tập trung lực lượng phản kích tái chiếm Quảng Trị. Chiến dịch phòng ngự Quảng Trị của các lực lượng ta diễn ra từ ngày 28 tháng 6 năm 1972 đến ngày 31 tháng 1 năm 1973. Trong đó, cuộc chiến đấu ác liệt của các đơn vị bảo vệ Thành cổ Quảng Trị đã diễn ra trong 81 ngày đêm (từ ngày 28 tháng 6 đến ngày 16 tháng 9 năm 1972) dưới mưa bom, bão đạn của địch, trở thành bản hùng ca của ý chí quyết tâm và lòng quả cảm của quân và dân ta.

“Nụ cười chiến thắng” dưới chân Thành cổ Quảng Trị - một trong những bức ảnh nổi tiếng của Phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính.

“Nụ cười chiến thắng” dưới chân Thành cổ Quảng Trị - một trong những bức ảnh nổi tiếng của Phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính.

Item 1 of 8

Thành cổ Quảng Trị năm 1972.

Thành cổ Quảng Trị năm 1972.

Bộ đội ta đánh chiếm cứ điểm Đầu Mầu (Quảng Trị) năm 1972. Ảnh tư liệu

Bộ đội ta đánh chiếm cứ điểm Đầu Mầu (Quảng Trị) năm 1972. Ảnh tư liệu

Phút nghỉ ngơi sau trận đánh của phóng viên Đoàn Công Tính cùng các chiến sĩ Trung đoàn 48 và K8 tại Thành cổ Quảng Trị, năm 1972. Ảnh tư liệu: Đoàn Công Tính

Phút nghỉ ngơi sau trận đánh của phóng viên Đoàn Công Tính cùng các chiến sĩ Trung đoàn 48 và K8 tại Thành cổ Quảng Trị, năm 1972. Ảnh tư liệu: Đoàn Công Tính

Cầu Quảng Trị bị phi pháo của Mỹ đánh sập nhằm ngăn chặn bước tiến của Quân Giải phóng. Ảnh: Chu Chí Thành/TTXVN

Cầu Quảng Trị bị phi pháo của Mỹ đánh sập nhằm ngăn chặn bước tiến của Quân Giải phóng. Ảnh: Chu Chí Thành/TTXVN

Bộ đội ta tấn công vào Quảng Trị năm 1972. Ảnh tư liệu Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Bộ đội ta tấn công vào Quảng Trị năm 1972. Ảnh tư liệu Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Các chiến sĩ giải phóng sau một trận đánh tại Thành cổ Quảng Trị. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Các chiến sĩ giải phóng sau một trận đánh tại Thành cổ Quảng Trị. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Tù binh tại căn cứ Đầu Mấu. 

Tù binh tại căn cứ Đầu Mấu. 

Xe tăng 980 của Trung đoàn Tăng - Thiết giáp 273, Mặt trận Tây Nguyên bắn sập và húc đổ cổng sắt Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 ngụy, tạo điều kiện cho đồng đội tiến vào tiêu diệt các ổ đề kháng cuối cùng của địch trong trận giải phóng Buôn Ma Thuột, ngày 11/3/1975. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Xe tăng 980 của Trung đoàn Tăng - Thiết giáp 273, Mặt trận Tây Nguyên bắn sập và húc đổ cổng sắt Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 ngụy, tạo điều kiện cho đồng đội tiến vào tiêu diệt các ổ đề kháng cuối cùng của địch trong trận giải phóng Buôn Ma Thuột, ngày 11/3/1975. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Trong kế hoạch tiến công chiến lược năm 1972, Chiến dịch Bắc Tây Nguyên (30/3 - 5/6/1972) trên địa bàn các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực quân đội Sài Gòn, mở rộng hành lang chiến lược nối Tây Nguyên với miền Đông Nam Bộ, phối hợp với hướng chủ yếu Trị - Thiên trong cuộc tiến công chiến lược 1972. Lực lượng ta tham gia chiến dịch có hai sư đoàn (320, 2),  4 trung đoàn bộ binh (24, 28, 95, 66), các đơn vị binh chủng, 2 trung đoàn công binh và lực lượng vũ trang các tỉnh Kon Tum, Gia Lai.

Lực lượng xe tăng của Mặt trận Tây Nguyên tham gia chiến dịch năm 1972. Ảnh tư liệu

Lực lượng xe tăng của Mặt trận Tây Nguyên tham gia chiến dịch năm 1972. Ảnh tư liệu

Chiến dịch diễn ra 2 đợt. Đợt 1, từ ngày 30 tháng 3 đến ngày 24 tháng 4, Sư đoàn 320 đánh địch ở dãy điểm cao Tây sông Pô Cô (Tây Bắc thị xã Kon Tum), bao vây tiến công điểm cao 1049, diệt địch ở điểm cao 1015, chọc thủng tuyến phòng thủ Tây sông Pô Cô. Sư đoàn bộ binh 2 (thiếu), cùng đặc công, xe tăng tiến công làm chủ Đắc Tô - Tân Cảnh ngày 24 tháng 4.

Đợt 2, từ ngày 25 tháng 4 đến ngày 5 tháng 6, ta tiếp tục tiến công địch ở Nam Võ Định để mở đường tiến về thị xã Kon Tum. Từ ngày 14 đến 24 tháng 5, ta đánh địch ở vùng ven. Ngày 25 tháng 5, ta tập trung lực lượng tiến công vào thị xã, chiếm khu Ngọc Hồi, bệnh viện dã chiến, khu kho 40 và 41, khu cơ giới và khu vực Đông Nam thị xã. Từ ngày 26 đến 28 tháng 5, ta tiếp tục đột phá, địch sử dụng hỏa lực mạnh kết hợp tập trung lực lượng ngăn chặn quyết liệt, Bộ Tư lệnh chiến dịch quyết định rút quân, kết thúc chiến dịch.

Sau hơn 2 tháng tiến công, ta đã phá hủy nhiều phương tiện, vũ khí, trang bị của địch. Thắng lợi của Chiến dịch đã phá vỡ tuyến phòng thủ kiên cố của địch ở Đắc Tô - Tân Cảnh, đánh quỵ Sư đoàn bộ binh 23 và Lữ đoàn dù 2 của quân đội Sài Gòn, làm thay đổi cục diện chiến trường, góp phần phát triển thế và lực của cách mạng miền Nam trong 1972.

Xe tăng của Tiểu đoàn xe tăng 297 (Mặt trận Tây Nguyên) xuất kích trong trận Đắk Tô - Tân Cảnh (năm 1972). Ảnh: Tư liệu

Xe tăng của Tiểu đoàn xe tăng 297 (Mặt trận Tây Nguyên) xuất kích trong trận Đắk Tô - Tân Cảnh (năm 1972). Ảnh: Tư liệu

Trung đoàn 66, Mặt trận Tây Nguyên làm chủ căn cứ 42 - Tân Cảnh (Kon Tum), tháng 4/1972. Ảnh tư liệu

Trung đoàn 66, Mặt trận Tây Nguyên làm chủ căn cứ 42 - Tân Cảnh (Kon Tum), tháng 4/1972. Ảnh tư liệu

Bộ đội hành quân diệt địch trong chiến dịch Tây Nguyên. Ảnh tư liệu.

Bộ đội hành quân diệt địch trong chiến dịch Tây Nguyên. Ảnh tư liệu.

Xe tăng quân giải phóng tiến công thị xã Buôn Ma Thuột, ngày 10/3/1975 trong chiến dịch Tây Nguyên. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Xe tăng quân giải phóng tiến công thị xã Buôn Ma Thuột, ngày 10/3/1975 trong chiến dịch Tây Nguyên. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam khắc phục địa hình, đưa xe tăng tham gia Chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972. Ảnh tư liệu.

Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam khắc phục địa hình, đưa xe tăng tham gia Chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972. Ảnh tư liệu.

Cùng với các hướng Trị Thiên, Tây Nguyên, ở miền Đông Nam Bộ, ta mở Chiến dịch Nguyễn Huệ (1/4/1972 - 19/1/1973) trên hướng Bắc Sài Gòn thuộc địa bàn các tỉnh Bình Long, Phước Long, Tây Ninh, Bình Dương.

Mục tiêu của chiến dịch nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng chủ lực quân đội Sài Gòn, giải phóng và giữ cho được các tỉnh Bình Long, Phước Long, vùng Bắc Tây Ninh - khu vực có ý nghĩa chiến lược ở miền Đông Nam Bộ, tạo thế đứng chân cho bộ đội chủ lực Miền, đồng thời phối hợp với hướng Trị Thiên, thu hút, ghìm chân chủ lực quân đội Sài Gòn, tạo thuận lợi cho quân và dân ta ở đồng bằng sông Cửu Long đánh phá “bình định”.

Đồng chí Trần Văn Trà triển khai kế hoạch tác chiến trong chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972 ở Bình Long. Nguồn: Bảo tàng Bình Phước                                                    

Đồng chí Trần Văn Trà triển khai kế hoạch tác chiến trong chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972 ở Bình Long. Nguồn: Bảo tàng Bình Phước                                                    

Lực lượng ta tham gia chiến dịch gồm: 3 sư đoàn bộ binh (5, 7, 9), 3 trung đoàn độc lập (24, 71, 205), 3 trung đoàn bộ đội địa phương (14, 16, 33), các đơn vị binh chủng pháo binh, đặc công…, 20 tiểu đoàn và 63 đại đội bộ đội địa phương các tỉnh, huyện trên địa bàn chiến dịch. Chiến dịch diễn ra trong 3 đợt.

Đợt 1, từ ngày 1 tháng 4 đến ngày 15 tháng 5, ta tiến công nghi binh trên hướng Tây Ninh, làm chủ Thiện Ngôn - Xa Mát, đánh trận then chốt mở đầu chiến dịch, tiêu diệt cụm cứ điểm Lộc Ninh và tiến đánh địch ở thị xã Bình Long (Nam Lộc Ninh 25km). Sau nhiều ngày chiến đấu, không làm chủ được thị xã Bình Long, ngày 15 tháng 5, ta tạm dừng tiến công đợt 1.

Đợt 2, từ ngày 16 tháng 5 đến ngày 10 tháng 9, ta bao vây Bình Long, chốt chặn trên đường 13 (đoạn Chơn Thành - Bình Long), tạo điều kiện cho phong trào đấu tranh ở vùng nông thôn đồng bằng đánh phá “bình định”. Nhiều trận đánh diễn ra quyết liệt: đánh Sư đoàn 21 quân đội Sài Gòn hành quân lên thị xã Bình Long (từ ngày 19 tháng 5 đến ngày 9 tháng 6); đánh địch ở khu chốt cống Ông Tề (Nam Tàu Ô 500m); đánh bại hai cuộc tiến công quy mô lớn của địch ở khu vực Tàu Ô (từ ngày 21 tháng 6 đến ngày 10 tháng 9).

Đợt 3, từ ngày 1 tháng 10 năm 1972 đến ngày 19 tháng 1 năm 1973, ta chuyển trọng tâm sang đánh phá “bình định” ở Bắc Bình Dương và chủ động kết thúc chiến dịch. Kết quả, ta loại khỏi vòng chiến đấu hàng chục nghìn tên địch, thu và phá hủy nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh của địch, giải phóng một vùng rộng lớn trên hướng chiến lược xung yếu Bắc Sài Gòn, nối thông với Tây Nguyên.

Thắng lợi của chiến dịch tạo bàn đạp cho các hoạt động tiến công quân sự, chọc thủng tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch, đồng thời làm thất bại chiến thuật phòng ngự cấp chiến đoàn của chúng trên khu vực rộng lớn áp sát đô thành Sài Gòn; tạo thế và lực mới của ta trên chiến trường Nam Bộ; tạo thế uy hiếp trực tiếp đối với tuyến phòng thủ ven Sài Gòn, tạo điều kiện cho các địa phương Nam Bộ tiếp tục tiến công đánh phá bình định của địch, góp phần vào thắng lợi chung của cuộc tiến công chiến lược 1972.

Sơ đồ chiến dịch Bắc Tây Nguyên.

Sơ đồ chiến dịch Bắc Tây Nguyên.

Xe tăng quân giải phóng tiến vào Lộc Ninh ngày 7/4/1972.

Xe tăng quân giải phóng tiến vào Lộc Ninh ngày 7/4/1972.

Tham mưu trưởng Lê Đức Anh (thứ ba, từ trái sang) trong cuộc họp Bộ chỉ huy miền tại căn cứ Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, năm 1972. Ảnh tư liệu.

Tham mưu trưởng Lê Đức Anh (thứ ba, từ trái sang) trong cuộc họp Bộ chỉ huy miền tại căn cứ Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, năm 1972. Ảnh tư liệu.

Quân giải phóng trước giờ xuất quân tiến công cứ điểm Lộc Ninh trong Chiến dịch Nguyễn Huệ, năm 1972. Ảnh tư liệu 

Quân giải phóng trước giờ xuất quân tiến công cứ điểm Lộc Ninh trong Chiến dịch Nguyễn Huệ, năm 1972. Ảnh tư liệu 

Sẵn sàng đánh giáp chiến. Ảnh: Đoàn Công Tính

Sẵn sàng đánh giáp chiến. Ảnh: Đoàn Công Tính

Phối hợp với ba chiến dịch lớn ở 3 hướng chiến lược trên, quân và dân ta còn tiến hành các chiến dịch ở Khu 5 và đồng bằng sông Cửu Long.

Ở khu 5, ta tiến hành Chiến dịch tiến công tổng hợp Bắc Bình Định (9/4-3/5/1972) đánh vào quân Mỹ, quân Nam Triều Tiên và quân đội Sài Gòn trên địa bàn phía Bắc tỉnh Bình Định. Qua 3 đợt chiến đấu, quân và dân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu nhiều sinh lực địch, phá hủy nhiều phương tiện, vũ khí, phá 20 khu dồn dân, 40 ấp chiến lược, giải phóng 2 huyện Hoài Ân, Hoài Nhơn và một phần huyện Phù Mĩ cùng 1 xã và 59 thôn ven thị xã Quy Nhơn. Chiến dịch này có sự kết hợp chặt chẽ giữa tiến công quân sự với nổi dậy của quần chúng, đạt hiệu suất chiến đấu cao, đánh dấu sự hình thành loại hình chiến dịch đặc thù của chiến tranh nhân dân Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của cuộc tiến công chiến lược năm 1972.

Ở đồng bằng sông Cửu Long, Quân giải phóng tiến hành Chiến dịch tiến công tổng hợp Khu 8 (10/6 - 10/9/1972) đánh vào quân Mỹ và quân đội Sài Gòn trên địa bàn 5 tỉnh Mỹ Tho, Kiến Tường, Kiến Phong, Gò Công và Bến Tre, nhằm tiêu diệt sinh lực, phá vỡ bộ máy kìm kẹp, bình định của địch, mở vùng, mở mảng, giải phóng một số quận lỵ, chi khu, cắt đứt đường 4 nối Sài Gòn với các tỉnh miền Tây, góp phần tạo chuyển biến có lợi trên chiến trường toàn Miền. Sau 3 tháng tiến hành chiến dịch, ta loại khỏi chiến đấu nhiều sinh lực địch, phá hủy và thu nhiều vũ khí, trang bị, bức hàng 356 đồn bốt, giải phóng 27 xã, 240 ấp với 240.000 dân. Thắng lợi của chiến dịch tạo thế và lực mới có lợi cho ta trên chiến trường Tây Nam Bộ, góp phần quan trọng thực hiện nhiệm vụ chiến lược của toàn Miền trong năm 1972.

Phối hợp với các chiến trường trong nước, thực hiện liên minh chiến đấu ba nước Đông Dương, các đơn vị Quân giải phóng, Quân tình nguyện Việt Nam còn phối hợp với lực lượng cách mạng Campuchia và Lào mở một số chiến dịch đánh vào quân Mỹ và quân đội tay sai ở các nước này, góp phần mở rộng vùng giải phóng, củng cố và phát triển thế và lực của cách mạng hai nước như chiến dịch Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng (21/5-15/11/1972), chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng (21/5-15/11/1972) ở Lào; Chiến dịch đánh bại cuộc hành quân Ăngco Chay (8-28/8/1972), Chiến dịch đánh bại cuộc hành quân Sorya II (6/8-11/9/1972) ở Campuchia…

Cuộc tiến công chiến lược năm 1972 đã giành thắng lợi to lớn, làm chuyển biến căn bản cục diện chiến tranh. Ta đã diệt và làm tan rã khoảng 30 vạn quân địch, giải phóng những vùng đất rộng gồm trên 1 triệu dân, đưa tổng số dân được giải phóng lên tới 4 triệu (trong tổng số 11 triệu dân). Ta phá vỡ nhiều tuyến phòng ngự cơ bản của địch, chiếm giữ những địa bàn xung yếu có sức uy hiếp các căn cứ, chi khu, đô thị địch; giải phóng nhiều vùng rộng lớn, gồm hầu hết các tỉnh Quảng Trị, Kon Tum, Bắc Bình Ðịnh; hoàn chỉnh vùng giải phóng Ðông Nam Bộ (Tây Ninh, Bình Long, Phước Long), mở ra vùng giải phóng mới ở đồng bằng Khu 5, đồng bằng sông Cửu Long.

Trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972, ta chủ trương kết hợp ba đòn chiến lược: đòn tiêu diệt của chủ lực trên chiến trường lựa chọn, đòn tiến công và nổi dậy ở vùng nông thôn đông dân để đánh phá bình định, đòn đấu tranh chính trị ở các thành thị; kết hợp ba mặt đấu tranh quân sự - chính trị với ngoại giao, giành thắng lợi quyết định ở miền Nam.

Thắng lợi to lớn của cuộc tiến công chiến lược năm 1972 “Làm thay đổi cục diện chiến trường ở miền Nam cùng với việc đập tan cuộc tập kích đường không chiến lược bằng B-52 của Mỹ ở miền Bắc, ta đã đạt được mục tiêu giành thắng lợi quyết định. Mỹ phải ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam…, tạo nên so sánh lực lượng mới có lợi cho ta kể từ 18 năm chống Mỹ, cứu nước”, tạo cơ sở thuận lợi để quân và dân miền Nam tiến tới mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 giành toàn thắng cho sự nghiệp, chống Mỹ, cứu nước.

Ngày xuất bản: 12/2024
Nội dung: Đại tá Phan Sỹ Phúc - Viện Lịch sử quân sự
Trình bày: Hạnh Vũ
Ảnh: baotanglichsu.vn, TTXVN, quandoinhandan