Sau khi rời quân ngũ trở về với cuộc sống đời thường, cựu chiến binh Hoàng Hồng Sơn, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Kim Thạch, Vĩnh Linh, Quảng Trị không chỉ làm giàu từ cây hồ tiêu mà còn cùng bà con phát triển thương hiệu tiêu Vĩnh Linh sạch, xuất khẩu ra thế giới. Kiên trì đi qua những mùa tiêu rớt giá, đảng viên Hoàng Hồng Sơn đã bôn ba đi nhiều vùng đất, có những sáng kiến thiết thực để làm giảm giá thành nguyên liệu đầu vào cho cây tiêu, xây dựng quy trình trồng tiêu hữu cơ…, góp phần quảng bá thương hiệu tiêu Vĩnh Linh.
Trồng tiêu phải "lì đòn" như trên võ đài mới thắng
Vĩnh Linh, Quảng Trị những ngày tháng 7 đang vào mùa thu hoạch tiêu. Hồ tiêu được xác định là một trong 3 cây công nghiệp dài ngày chủ lực của vùng núi tỉnh Quảng Trị, được trồng tại nhiều huyện với diện tích trên 2.000ha. Hồ tiêu Vĩnh Linh chính gốc có lá nhỏ, hạt vừa, tầng sinh trưởng rất cao. Vùng đất này không chỉ nổi tiếng với 68 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng mà ngay cả hạt hồ tiêu bé nhỏ cũng là món đặc sản đầy tự hào của người dân nơi đây.
Nếu ai đã từng thưởng thức hồ tiêu ở nhiều vùng ở Tây Nguyên, sẽ cảm nhận được hồ tiêu Vĩnh Linh, được trồng ở vùng đất đỏ bazan màu mỡ, khí hậu khô cằn, gió lào khắc nghiệt nhưng mang vị đặc trưng cay nồng và thơm rất đặc biệt. Ngoài khả năng chống chịu thời thiết khắc nghiệt tốt, sinh trưởng và phát triển khỏe, tiêu Vĩnh Linh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hạt tiêu Quảng Trị luôn được các doanh nghiệp xuất khẩu đánh giá rất cao, được nhiều người trong nước và trên thế giới gọi là “vàng đen”. Ở mảnh đất khô cằn này, nhiều người dân đã đổi đời nhờ thương hiệu hồ tiêu Vĩnh Linh, trong đó, có không ít cựu chiến binh đã lập nghiệp thành công với cây hồ tiêu, mang lại kinh tế cho gia đình và góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Vượt qua những cánh đồng bạt ngàn cao su và tiêu xông cao ngút ngàn tầm mắt ở thôn An Cổ, xã Kim Thạch, đại tá Trần Thông Chương, Ủy viên Ban thường vụ Cựu chiến binh (CCB) tỉnh Quảng Trị, Chủ tịch CCB huyện Vĩnh Linh dẫn chúng tôi tới nhà ông Hoàng Hồng Sơn – một cựu chiến binh làm kinh tế giỏi của huyện Vĩnh Linh.
Khác với tưởng tượng của chúng tôi về một cựu chiến binh cao tuổi, khắc khổ bên vườn tiêu, ông Sơn lái Santa Fe, đưa chúng tôi tới vườn tiêu rộng cả héc-ta của gia đình. Không chỉ là một cán bộ xã, ông Sơn còn sở hữu vài héc-ta trồng cao su, trồng tiêu và còn là Chủ tịch Câu lạc bộ phát triển kinh tế của cựu chiến binh.
Bên vườn tiêu, ông Sơn chậm rãi kể về hành trình xây dựng cơ ngơi bạc tỷ của gia đình ông. Năm 1988, ông là bộ đội pháo binh đóng quân ở Lục Nam, Hà Bắc. Năm 1991 xuất ngũ, ông về quê, làm bí thư chi bộ của xã và tham gia vào công tác hợp tác xã.
6 năm qua, khi nhiều vườn tiêu bị bỏ hoang, tiêu khan hiếm, giá tiêu vọt tăng trở lại, giúp ông phần nào thoát được tình thế khó khăn.
Vốn có truyền thống trồng tiêu, nhưng chưa có quy mô, ông tích cóp, dành dụm tiền mua đổi đất để dồn điền. Trong 6 năm, từ 1992-1998, ông nâng được diện tích trồng trọt của gia đình từ 1ha lên 4ha, trong đó, ông dành 1ha để trồng hồ tiêu; 2ha trồng cao su, còn lại trồng khoai, sắn.
Kiên trì suốt 6 năm, khi giá tiêu chỉ cầm chừng ở mức 50-60 nghìn đồng/cân, ông gần như không có lãi. Nhưng bù lại, khi nhiều vườn tiêu bị bỏ hoang, tiêu khan hiếm, giá tiêu vọt tăng trở lại, giúp ông phần nào thoát được tình thế khó khăn.
Trong hành trình đi tìm chỗ đứng cho cây tiêu Vĩnh Linh, Quảng Trị, có những năm, ông và người dân nơi đây rớt nước mắt vì giá tiêu rớt thảm. Ấy là khoảng những năm 2016. Không chỉ người dân Quảng Trị mà ngay cả thủ phủ trồng tiêu là Tây Nguyên cũng điêu đứng vì tiêu rớt giá.
Trồng tiêu trên quê Vĩnh Linh có nhiều người đam mê, nhưng để thành công sau những ngày gặp bão rớt giá thì chỉ có ít người.
Người dân nao núng, “thả vườn”. Cây tiêu chết rạp trên đồi, nhìn trơ trọi cả cánh rừng vốn từng xanh rì sung sức. Nhìn giá tiêu, ông cũng muốn buông xuôi vì tiền bán tiêu chả đủ bù vốn bỏ ra.
Nhưng người cựu chiến binh này lại có suy nghĩ khác: “Bình quân một năm “ném” vào vườn tiêu 100 triệu tiền đầu tư, chăm sóc, nhưng bán ra chẳng thu được lời. Nhưng tôi bảo vợ, rẻ cũng phải đầu tư, không được thả, phải kiên trì lì đòn như trên võ đài mới thắng, làm ăn cũng vậy”.
Năm 2017, trận mưa kỷ lục khiến toàn bộ 1ha tiêu của ông Sơn đổ rạp. Chỉ sau một đêm tỉnh giấc, hai vợ chồng ông xót xa nhìn một rừng nước được phủ kín màu lá cây tiêu, chỉ còn trơ gốc choái. “Tiêu vừa trổ bông, chuẩn bị có quả. Năm ấy, nhà tôi mất trắng 700 cây tiêu. 10 năm chăm bón, đi tong trong một đêm 500 triệu đồng. Xót xa lắm chứ”, ông Sơn ngậm ngùi.
Cây tiêu đã lớn lên bằng tâm huyết của ông trong 20 năm qua, vẫn đang không ngừng phát triển.
Không chùn bước, ông bàn với vợ tiếp tục trồng lại tiêu trên đất này. Nhưng trận mưa 2019 lại một lần nữa làm ông trắng tay. Hai mùa thất bát, người cựu chiến binh này hiểu ra, vùng đất trũng An Cổ này không hợp để trồng tiêu nữa, chỉ hợp trồng cao su. “Trồng hồ tiêu phải có đam mê mới được, thích thôi không được. Phải ngồi suy nghĩ, vận đầu vào mảnh đất, tính toán kỹ mới có ăn”, ông Sơn nói.
Một héc-ta tiêu ngay gần nhà, ông chặt bỏ, trồng lại bằng cao su. Ông đưa cây tiêu lên vùng đất cao hơn, cách nhà chừng vài trăm mét.
Cây tiêu đã lớn lên bằng tâm huyết của ông trong 20 năm qua, vẫn đang không ngừng phát triển.
Mang lại lợi ích kinh tế bền vững cho người trồng tiêu
Nhắc tới trồng hồ tiêu, người dân Kim Thạch lại nhớ tới cựu chiến binh Hoàng Hồng Sơn bởi sáng kiến tìm cây ngúc ngác rừng thay thế cây choái làm trụ tiêu, giúp họ tiết kiệm được nguồn đầu tư nguyên liệu đầu vào rất lớn.
Ông Sơn cho hay, việc canh tác cây hồ tiêu đòi hỏi phải trồng trụ tiêu, đa số người dân trồng hồ tiêu tại huyện Vĩnh Linh đã sử dụng cây mớc để làm trụ tiêu (hay gọi là choái). Bên cạnh đó diện tích trồng hồ tiêu ngày càng phát triển nhiều hơn nhờ giá tiêu trong những năm gần đây khá cao (2012-2017). Toàn huyện Vĩnh Linh có 1.300ha hồ tiêu, tương đương ước khoảng 182.000 trụ choái mớc, trong đó, xã Vĩnh Thạch (sau sát nhập với Vĩnh Kim thành xã Kim Thạch) bấy giờ có hơn 137 ha trồng tiêu với diện tích trồng mới hàng năm là 10ha tương đương 14.000 trụ (choái) tiệu, nên nguồn cung cấp cây mớc ngày càng khan hiếm. Vì vậy, giá thành cây mớc rất cao.
Đồng thời, việc mua mớc, thuê nhân công đào hố, trồng, tưới nước để cây sống ... tốn công và chi phí vô kể. Chưa kể đến tỷ lệ cây chết sau khi trồng khá lớn (Khoảng 30–40%). Nhiều người tiếc tiền, trồng cột trụ xi măng, nhưng đến mùa nóng, cây tiêu không bám được quanh trụ này, năng suất thấp.
Ông Sơn khăn gói vào Tây Nguyên để học hỏi mô hình trồng tiêu sao cho khoa học và rẻ nhất có thể.
Mắt ông như rực sáng khi nhìn thấy loại cây ngúc ngắc được người dân Đắk Nông chọn để làm trụ cho cây tiêu. Ông làm một phép tính cho chúng tôi thấy, để trồng 1ha tiêu phải cần 1.500 cây choái. Với mỗi cây choái có giá 300 nghìn đồng, tương ứng đó người dân cần khoảng 500-600 triệu đồng đầu tư cho 1ha trồng tiêu. Mỗi lần trồng choái, có khoảng 30% cây bị hỏng bỏ. Năm sau trồng lại 30% ấy, thì xác định cũng sẽ chết tiếp 1/3 số cây. Tiền đầu tư không hề nhỏ.
Trong khi đó, người dân Đắk Nông chỉ mất số vốn rất ít, chừng 10 nghìn đồng/cây ngúc ngác rừng để làm trụ cho cây tiêu.
“Làm phép tính đơn giản, nếu trồng 1.500 cây ngúc ngác cho 1ha tiêu, chỉ mất vốn 15 triệu đồng. Loại cây này phát triển hình thắng đứng, vỏ cây dày, lớn nhanh, được đánh giá là cây có nhiều triển vọng, phù hợp với nhiều vùng khí hậu, sinh thái và khả năng chịu gió bão, hạn hán tại khu vực miền trung. Tôi sung sướng mang cây ngúc ngác về, ươm cây bán cho bà con. Đến nay cả 100ha trồng tiêu của huyện Vĩnh Linh đều sử dụng trụ tiêu là cây ngúc ngác rừng”, ông Sơn tự hào tiếp lời: “giảm giá thành trụ cây tiêu, thì người dân nơi đây “làm mới có ăn”.
Ông tiết lộ thêm, sau khi trồng được một năm, nếu được chăm sóc tốt, cây phát triển có chiều cao khoảng 3m, thân cây có đường kính khoảng 6 cm là có thể trồng cây hồ tiêu. Đặc biệt, lá của cây có thể trộn vào thức ăn để phục vụ cho việc chăn nuôi trâu, bò, dê...
Tôi sung sướng mang cây ngúc ngác về, ươm cây bán cho bà con. Đến nay cả 100ha trồng tiêu của huyện Vĩnh Linh đều sử dụng trụ tiêu là cây ngúc ngác rừng.
Năm 2018, sáng kiến kinh nghiệm “Cây ngúc ngác rừng là giải pháp trồng choái cho cây hồ tiêu, giá rẻ đem lại lợi ích kinh tế bền vững cho người trồng tiêu tại xã Vĩnh Thạch; huyện Vĩnh Linh; tỉnh Quảng Trị” của cựu chiến binh Hoàng Hồng Sơn được huyện Vĩnh Linh đánh giá cao. Với sáng kiến này, khi giá hồ tiêu có xuống thấp (dưới 100.000đ/kg) người nông dân vẫn không bị thua lỗ, góp phần ổn định phát triển kinh tế, hướng đến một nền sản xuất nông nghiệp bền vững.
Không dừng ở đó, người cựu chiến binh tâm huyết với cây tiêu còn suy nghĩ tới cách ủ phân hữu cơ để có được tiêu sạch. Ông bảo, trước đây bà con toàn phun thuốc cho cây tiêu, nhưng cây dễ chết, ô nhiễm môi trường.
Ông học cách làm của người Tây Nguyên, ủ phân chuồng hoai mục với nấm vi sinh, ủ bằng các chế phẩm sinh học để bón cho cây sinh trưởng không bị sâu bệnh. Sau khi áp dụng thành công và kiên trì làm theo phương pháp của mình cho mùa vụ tốt so với các vụ trước, ông mang kinh nghiệm của mình chia sẻ với bà con.
Từ ngày trồng tiêu hữu cơ, chủ vườn và người làm công không chịu ảnh hưởng bởi các loại hóa chất độc hại, đất đai giữ được độ màu mỡ, không bị thoái hóa. Lợi ích kinh tế nhờ trồng tiêu hữu cơ cao hơn so với cách trồng truyền thống.
Tuy nhiên, trồng tiêu hữu cơ vất vả hơn nhiều so với sản xuất truyền thống. “Khi chuyển sang trồng hữu cơ, công sức bỏ ra nhiều hơn, năng suất thấp hơn nhưng giá lại ổn định hơn. Thời gian lưu gốc của hồ tiêu hữu cơ thường dài gấp 2 so với cây hồ tiêu được trồng theo phương thức truyền thống. Nhờ chất lượng như vậy, tiêu Kim Thạch được nhiều doanh nghiệp đặt hàng thu mua để xuất khẩu”, ông Sơn cho hay.
Đến nay, tiêu hữu cơ tại Quảng Trị đã được xuất khẩu sang một số thị trường khó tính tại châu Âu, Mỹ….
Toàn bộ sản phẩm tiêu hữu cơ của gia đình ông Sơn được Hợp tác xã sản xuất và kinh doanh hồ tiêu Vĩnh Linh thu mua với giá cao hơn ngoài thị trường 10-15%.
Trồng tiêu hữu cơ đem lại nhiều lợi ích thiết thực nên vài năm lại đây, các hộ dân tại huyện Vĩnh Linh, Gio Linh đang đi theo hướng sản xuất này. Toàn bộ sản phẩm tiêu ở Vĩnh Linh đều được các hợp tác xã, doanh nghiệp bao tiêu. Đến nay, tiêu hữu cơ tại Quảng Trị đã được xuất khẩu sang một số thị trường khó tính tại châu Âu, Mỹ…. Để phát triển cây hồ tiêu bền vững, huyện Vĩnh Linh đã thực hiện xây dựng chỉ dẫn địa lý cho cây hồ tiêu Vĩnh Linh.
Chủ nhiệm câu lạc bộ phát triển kinh tế năng động
Ngày ông Sơn xuất ngũ, ông về làm trưởng thôn An Cổ. Dần thấy có nhiều cách làm hay, nhiệt huyết, ông được lãnh đạo xã tín nhiệm bầu làm Bí thư đoàn xã Vĩnh Thạch suốt 9 năm.
Sau thời gian làm văn phòng, làm cán bộ văn hóa, khi xã Vĩnh Thạch với Kim Thạch sáp nhập thành xã Kim Thạch, ông Sơn nhận nhiệm vụ làm Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã.
Xã Kim Thạch có 22 chi hội cơ sở, là địa phương có số lượng chi hội cơ sở đông nhất. Khi đó, huyện Vĩnh Linh có ý tưởng thành lập Câu lạc bộ cựu chiến binh phát triển kinh tế, trong đó các hội viên là cựu chiến binh không chỉ xây dựng, bảo vệ chính quyền cơ sở mà còn phát triển kinh tế. Cuối 2022, câu lạc ra mắt, ông Sơn lại được tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ.
Ngay khi thành lập, 139 thành viên của hội cũng đã tham gia hoạt động rất nhiệt tình ở 4 nhóm sản xuất gồm nhóm hồ tiêu, cao su; nhóm đánh bắt chế biến hải sản; nhóm kinh doanh dịch vụ và dịch vụ du lịch; nhóm phát triển kinh tế trang trại và gia trại như chăn nuôi bò, gà.
Ông chia sẻ với các bậc cha, chú, anh em cùng tham gia quân ngũ rằng, với những người cựu chiến binh đã từng cầm súng bảo vệ tổ quốc, dù tuổi cao nhưng không thể chấp nhận đầu hàng với khí hậu khắc nghiệt ở quê hương.
Là đảng viên thấm nhuần tinh thần chỉ đạo của Huyện ủy Vĩnh Linh về phong trào thi đua “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, đảng viên Hoàng Hồng Sơn lan tỏa một cảm hứng tính cực tới những người cựu chiến binh quê hương mình tinh thần không chịu đói nghèo, lạc hậu mà phải đoàn kết, yêu thương nhau, chia sẻ kinh nghiệm để vượt lên hoàn cảnh, xây dựng quê hương Kim Thạch, Vĩnh Linh, Quảng Trị ngày càng giàu đẹp văn minh xứng tầm với người đã từng sống, cống hiến, chiến đấu vì quê hương Quảng Trị thân yêu.
Trong câu lạc bộ, đại bộ phận cựu chiến binh từng trải qua chống Pháp, Mỹ, chiến tranh bảo vệ biên giới phía bắc, biên giới Campuchia, sang nước bạn Lào… Tuổi cao, sức yếu dần rồi nên trồng cây cao niên như cây tiêu, cao su - cây mang tính chủ lực của quê hương Quảng Trị là phương án khả thi nhất. Ông Sơn phân tích, trồng tiêu 3 năm cho thu hoạch, mà tuổi thọ của cây tiêu được hơn 30 năm, mang lại doanh thu bền vững.
Những năm qua, với sự trao đổi chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau, giá nông sản tăng cao nên đời sống của anh em trong câu lạc bộ được nâng cao chất lượng. Câu lạc bộ cũng đã được Ngân hàng Chính xách xã hội cho 6 mô hình vay với số vốn 560 triệu đồng để đầu tư.
“Giá cây tiêu năm ngoái chừng 70 nghìn đồng/kg, năm nay lên khoảng 165 nghìn đồng/kg, có ngày lên tới 200 nghìn đồng/kg, gần gấp 3 lần. Cây cao su cũng tăng gấp đôi giá so với năm trước, anh em đều rất phấn khởi”, ông Sơn hồ hởi nói.
Những ngày tháng 7, ông Sơn đang bận rộn để tiến tới triển khai thực hiện đề án hỗ trợ nông nghiệp (Đề án 162 của UBND tỉnh) theo phương án hỗ trợ 50% kinh phí cho bà con để thâm canh trồng tiêu. Điều này phù hợp với địa phương khi nhiều năm qua giá hồ tiêu xuống dốc, nhiều người dân thả vườn thì nay được hỗ trợ để tái tạo khôi phục lại.
Bên cạnh đó, các cựu chiến binh cũng cùng phục hồi cây hồ tiêu sau thu hoạch vào tháng 8 này và tập trung chăm bón cho cây tiêu trước mùa mưa vào khoảng tháng 9. “Tôi tự hào đến giờ phút này tất cả những người có đam mê trồng cây hồ tiêu đều có thu hoạch cao. Đây là cách làm kinh tế đầu tư rẻ nhất, tốt nhất mà lời cao nhất”, ông Sơn tự hào khoe.
Nhìn mảnh đất vốn cằn cỗi trước đây, giờ xanh rì mướt mắt rừng cao su, rừng tiêu, ông Sơn bảo, con người Quảng Trị không chỉ anh hùng trong chiến đấu mà trong thời bình, luôn chịu đựng gian khổ, phải dạn dày kinh nghiệm, nối tiếp truyền thống cha ông đi trước; biết vượt qua gian khó, vượt qua nắng nóng gió lào.
Năm nay, 1ha tiêu của gia đình ông Sơn cho thu hoạch 4 tấn, trừ hết chi phí đầu vào khoảng 100 triệu đồng, ông có thể bỏ túi 500-600 triệu đồng. Gia đình ông Sơn vừa đầu tư máy móc để sấy tiêu, đầu tư máy đóng gói bao bì hơn 5 tỷ đồng. Ông tự tin nói, dự kiến trong 3-4 năm nữa giá tiêu còn tăng.
Ở tuổi còn trẻ so với nhiều cựu chiến binh khác, ông Sơn vẫn còn nhiều ấp ủ để các anh em cựu chiến binh Kim Thạch, Vĩnh Linh tiếp tục đoàn kết, nhân rộng mô hình điển hình tiên tiến, đặc biệt mô hình phát triển kinh tế trên quê hương, thông qua đó xây dựng cho hội cựu chiến binh xã vững mạch, giữ vững là ngọn cờ đầu về phát triển kinh tế địa phương.
Tâm huyết, nhiệt tình, tự tin và ý chí của người đầu tầu như ông Hoàng Hồng Sơn đã, đang và sẽ giúp cho những cựu chiến binh của mảnh đất khói lửa, chịu nhiều đau thương một thời vươn lên trong sản xuất, xây dựng kinh tế gia đình, kinh tế quê hương để khẳng định rằng, người lính Cụ Hồ trong bất kỳ hoàn cảnh gian khó nào cũng không nao núng.
Ngày xuất bản: 3/8/2024
Tổ chức thực hiện: HỒNG MINH
Nội dung: LÂM QUANG HUY - THẢO LÊ - THIÊN LAM
Trình bày: NGỌC DIỆP
Ảnh: HÀ NAM, THIÊN LAM, NHÂN VẬT CUNG CẤP