Cứu trợ sau bão:

Cần nhất là tái định cư và tái sinh kế

Sau sạt lở một tuần, gần 90 người dân di tản khỏi thôn Khe Bín vẫn ở chen chúc trong ba căn nhà. Mỗi căn chỉ có một nhà tắm và một nhà vệ sinh. Nhiều người trong số họ đã không còn nhà để về, không còn ruộng nương để làm.

*Bài viết xin được giữ lại lối nói và cách dùng từ của đồng bào người Dao.

 “Mình làm được bao nhiêu thì thiên tai lấy hết rồi

Bây giờ mình mất hết rồi thì mình làm từng bước, nhưng bước đầu tiên thì mình làm từ đâu đi cơ?

- Anh Triệu Tiên Yên-

7 giờ sáng, Yên rời nhà tập trung về lại thôn Khe Bín. Ngày 9/10, một trận sạt lở khiến hai người chết đã phá nát quá nửa căn nhà, sản nghiệp của anh. Riêng mái chuồng lợn 7 con nằm phía xa thì còn sót lại. Nhà không còn, Yên lên đồi chặt tre, dựng một cái lán nhỏ để nấu cám cho lợn hằng ngày.

Anh tên đầy đủ là Triệu Tiên Yên (sinh năm 1987). Gia đình anh thuộc diện 56 hộ phải di dời vĩnh viễn khỏi khu sạt lở tại thôn Khe Bín, xã Tân Phượng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái.

Anh Triệu Tiên Yên, người dân mất nhà trong vụ sạt lở tại thôn Khe Bín.

Anh Triệu Tiên Yên, người dân mất nhà trong vụ sạt lở tại thôn Khe Bín.

Trưa ngày 9/10, sau vụ sạt lở lớn khiến hai người thiệt mạng, toàn bộ người dân thôn Khe Bín đã được di tản tới hai điểm tránh tạm. Điểm nhà anh Yên nằm gần với Ủy ban xã.

Hiện tại gia đình 5 người nhà anh đang ở nhà tạm cư với gần 90 người di tản khác. Thực chất, khu nhà tạm cư này là ba gia đình ở thôn Khe Páo đã tự nguyện cho người dân mất nhà đến ở.

Ban ngày, người dân sẽ trở lại nhà cũ trong Khe Bín để dọn dẹp, thu nhặt vật dụng còn dùng được. Ban đêm, họ lại trở về nhà tạm cư để ngủ.

Anh Yên thường về Khe Bín rất sớm, có ngày đi từ 6 giờ sáng “vì cứ nhắm mắt là lại thấy đất đổ”.

Nó ám ảnh ấy chứ. Ăn không ngon, ngủ không được ấy, có ngủ được đâu hả em, còn gì đâu nữa mà mơ.

Chính Yên là người quay lại đoạn clip lở lan truyền rộng rãi trên Internet về một cảnh sạt lở ở Yên Bái.

Trong clip là những tiếng thét và tiếng khóc thất thanh của đồng bào người Dao: “Giáo lô! Giáo lô!” có nghĩa là “Chạy đi! Chạy đi” trước trận lở đất đang rầm rầm đổ xuống.

Khi trận sạt lở xảy ra, bà anh là Bàn Thị Lai, 87 tuổi bị mắc kẹt trong nhà. Bà may mắn sống sót trong đống đổ nát nhưng bị thương nặng, hiện đang nằm điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Lục Yên.

Bà Lai bị gãy xương bả vai, nhiễm trùng bắp và bàn chân.

Bà Lai bị gãy xương bả vai, nhiễm trùng bắp và bàn chân.

“Bây giờ chỉ mong làm sao để bà cụ khỏi, để sống với mình thêm vài tháng nữa cũng được” - Yên nói.

Trước lũ, gia đình anh Yên có ba xưởng chế biến lá giang, một đồi quế, một ít ruộng trồng lúa. Về cơ bản, gia đình anh “không phải lo cái ăn, cái mặc”.

Nhưng sạt lở đã cuốn băng gần hết.

“Bây giờ mình 37 – 38 tuổi rồi mới làm được cái nhà nên ở, có chỗ chui ra, chui vào, tính ra mất hết rồi. Giờ mình sắm từng cái đũa, cái bát trở lên thì em nghĩ, đến hết đời làm sao mà làm nổi cái nhà. Chân tay nó mềm nhũn ra hết. Mình làm được bao nhiêu thì thiên tai nó lấy của mình đi hết rồi” – Yên nói.

Không ai còn nhìn ra hình dáng 4 căn nhà đã từng nằm trên đống đổ nát này.

 “Về đến quê mình, nhìn thế không sống nổi

Gia đình ông Triệu Văn Phú (SN 1964) đã sinh sống trên mảnh đất này được 5 đời. Trận sạt lở ngày 9/9 đã vùi lấp toàn bộ căn nhà, chuồng trại của gia đình ông và con trai. Quay trở lại mảnh đất cũ, không ai có thể hình dung ở đây từng có một ngôi nhà.

“Về đến quê mình, nhìn thế không sống nổi” – ông Triệu Văn Phú nói.

Đi ngược dòng người đổ về Ủy ban nhận đồ cứu trợ, ông Phú cầm một cái balo lấm lem bùn đất, đi ra từ Ủy ban. Đây là một trong số ít những vật dụng thu nhặt được sau trận sạt lở. Trong balo có một cái máy vi tính, một bộ sạc, một con chuột. Đây là bộ đồ nghề dạy học của ông tại trường Tiểu học và THCS Tân Phương. Chỉ còn một năm nữa là ông về hưu. Người trong làng thường gọi ông là “Thầy Phú”.

Trận lở đất chỉ kéo dài chưa tới một phút đã vùi sạch căn nhà và nhiều tài sản trong hàng chục năm dành dụm.

Sau 45 giây đồng hồ, quay lại thành một con người ăn mày không thành, ăn xin không phải"

“Sau 45 giây đồng hồ, quay lại trở thành một con người ăn mày không thành, ăn xin không phải. Bây giờ còn một quãng đời, không biết dài hay ngắn, kiếm bữa qua ngày, đoạn tháng, không nghĩ được đến cái gì nữa. Thấy mệt” – ông Phú nói.

Sau trận sạt lở sạt lở trưa ngày 22/9, gia đình ông men theo đồi, chạy nạn ra Ủy ban xã. Chân vừa đi, đất vừa lở. Quãng đường chỉ có hơn 2km, nhưng đoàn người phải đi gần đến chập choạng tối. Trời mưa tầm tã.

“Lúc đấy cứ đi thôi, không tính cái gì nữa, chỉ một mất, một còn thôi” – ông Phú nói.

Khi đến được nhà con trai cả, cả nhà bê bết bùn đất. Nhiều đêm liền ông không ngủ được. Khi vừa chợp được mắt, ông Phú lại giật mình tỉnh dậy, kêu mọi người tìm đường thoát chạy: “Cứ nhắm mắt vào là mình thấy cảnh lở đất”

Cháu trai ông Phú do dầm mưa quá lâu, bị viêm phổi nặng. Khi đường vừa thông, gia đình đi nhờ xe của đoàn thiện nguyện xuống Trung tâm Y tế huyện Lục Yên để điều trị. Hai mẹ con nhập viện trong tình trạng “trắng sổ”, vì mọi giấy tờ trong nhà đã bị vùi lấp hết cả.

Sau sạt lở, cả nhà leo đồi chạy nạn sang UBND xã. Do dầm mưa lâu nên cháu trai ông Phú, bé Triệu Triều Tuấn bị sốt cao, viêm phổi, phải chuyển tuyến lên Trung tâm Y tế huyện.

Sau sạt lở, cả nhà leo đồi chạy nạn sang UBND xã. Do dầm mưa lâu nên cháu trai ông Phú, bé Triệu Triều Tuấn bị sốt cao, viêm phổi, phải chuyển tuyến lên Trung tâm Y tế huyện.

“Mong ước làm sao, bên chính quyền địa phương bố trí mỗi hộ có chỗ ăn, ngủ. Mấy hôm nữa, thằng bé ra viện, về cũng không biết cho ở đâu” – ông nói.

Hiện tại gia đình ông đang ở nhà con trai cả. Căn nhà ống hẹp 1 tầng  đã trở thành nơi trú ngụ hơn chục người.

"Năm sau dễ bị đói. Đói ở đây là nghĩa đen"

Đường vào thôn Khe Bín vẫn chưa thông nhưng sáng nào anh Triệu Tiến Long (sinh năm 1981) cũng lội bùn vào lại trại cá tầm. Sạt lở đã làm chết gần hết hai trại cá anh mới nuôi được 3 năm. Thiệt hại ước tính khoảng 1 tỷ đồng, trong đó có 300 triệu tiền vay ngân hàng, còn lại là vốn liếng của ba gia đình góp lại.

“Lúc lên ở, mình mong muốn làm để phát triển kinh tế, để một vài năm nữa gia đình có thể thoát khỏi sự đói nghèo. Nhưng mà ngờ đâu, cơn bão này đi qua là tan tành hết” – Long nói – “Mình còn mắc nợ, bằng âm rồi”.

“Ruộng vườn cũng trôi hết rồi. Năm sau dễ bị đói. Đói ở đây là nghĩa đen”.

Đường vào trại cá đã bị lấp nên Long đi men theo đồi để vào dọn dẹp và vớt những con cá còn sống.

Ngày nào anh Triệu Tiến Long cũng lội bùn vào lại trại cá tầm.

Ngày nào anh Triệu Tiến Long cũng lội bùn vào lại trại cá tầm.

Buổi trưa Long cầm cá “ngất” về ăn trưa. Vì giá thành đắt đỏ nên bình thường người trong nhà chỉ ăn cá tầm vào những dịp đặc biệt. Sau sạt lở, cá tầm “ngất” trở thành một món ăn triền miên.

Ban ngày người dân thôn Khe Bín vẫn quay trở lại nhà để dọn dẹp. Có bữa, nhiều hộ sẽ quây quần lại để ăn trưa.

Cá tầm "ngất" là một trong hai món chính trong bữa ăn.

Cá tầm "ngất" là một trong hai món chính trong bữa ăn.

Không giống như gia đình Yên hay ông Phú, anh Long còn nhà.  Tuy nhiên do nằm trong khu sạt lở đặc biệt, có nhà nhưng Long cũng không thể về được. Giống như 56 hộ gia đình khác tại thôn Khe Bín, gia đình anh thuộc diện di dời vĩnh viễn.

“Khác với người bị đất lấp nhà, mình còn nhà để ngắm. Nhưng cũng giống nhau, đều không về được” – anh nói.

Căn nhà này anh vừa xây 3 năm trước. Hai tháng anh vừa xây lại sân, cổng. Trận sạt lở ngày 9/9 đã cuốn trôi miếng đất sau nhà anh. Cọc hàng rào còn lơ lửng giữa không trung.

Trong lúc chờ tái định cư, gia đình anh vẫn ở trong căn nhà tạm cư cùng với gần 30 người khác. Sáng sớm, anh lại lặn lội trèo đồi về trại cá.

“Mất hết rồi nhưng bây giờ mình không làm thì không thể lấy được cái gì nữa. Ngày xưa làm vài tháng, bây giờ khôi phục lại thì sẽ nhanh hơn. Nếu được, chỉ cần xin hỗ trợ vài chục triệu để làm lại nguồn nước và mua cá giống” – Long nói.

Bão Yagi đổ bộ, Tân Phượng là một trong những xã chịu ảnh hưởng nặng nề nhất tại huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. Sơ bộ, thiệt hại về người gồm: 2 người chết, 10 nhà vùi lấp và 56 hộ phải di dời. Cơn bão đã định vị toàn bộ lại vị trí của thôn Khe Bín trên bản đồ xã Tân Phượng với phần lớn hộ phải di dời vĩnh viễn. Tới thời điểm hiện tại thiệt hại về hoa màu vẫn chưa thể thống kê chính xác.

Tính riêng địa bàn thôn Khe Bín, rất nhiều hộ gia đình đã mất trắng ruộng nương, đe dọa trực tiếp tới nguồn cung lương thực trong năm tới. Đồng chí Nguyễn Quang Thuần, Bí thư Đảng ủy xã Tân Phượng cam kết, dựa vào nguồn ngân sách và xã hội hóa “Đảng và chính quyền sẽ không để ai bị đói”. Tuy nhiên chính sách dài hơi về tái định cư và tái sinh kế sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, đặc biệt là quỹ đất và ngân sách giải phóng mặt bằng, xây dựng nhà ở.

Thời gian chờ đợi tái định cư càng dài, bất tiện và thiệt hại cho người dân sẽ càng lớn. Nếu tình trạng này kéo dài, nhiều người dân sẽ quay về khu vực sạt lở. “Gần 90 người ở trong 3 căn nhà, làm sao mà mình ở mãi thế được. Mình muốn đi vệ sinh cũng phải xếp hàng” – anh Long nói.

Ngày xuất bản: 23/9/2024
Thực hiện: Thi Uyên