Nữ cựu tù chính trị Côn Đảo nặng lòng với đồng đội

Nữ cựu tù chính trị Côn Đảo nặng lòng với đồng đội

Hòa hợp vì non sông gấm vóc
50 năm sau ngày thống nhất đất nước, những cảm xúc tự hào và xúc động của Ngày Chiến thắng luôn dâng trào trong trái tim của hàng triệu con người Việt Nam, nhưng vẫn còn đó bao nỗi day dứt sau chiến tranh. Hòa hợp dân tộc là chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta nhằm xóa bỏ định kiến, phân biệt đối xử do quá khứ hay thành phần giai cấp để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên tinh thần cởi mở, tôn trọng, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai. Bằng cách này hay cách khác, những nhân vật mà chúng tôi chọn đã góp phần minh chứng cho sức mạnh đoàn kết và tinh thần yêu nước hào hùng của dân tộc Việt Nam. Đó cũng chính là giá trị nhân văn lớn nhất trong dịp kỷ niệm tròn nửa thế kỷ non sông liền một dải, cùng nối vòng tay lớn vì một nước Việt Nam hòa bình, độc lập và hòa hợp dân tộc, vững bước vào kỷ nguyên mới.



Chưa tới 7 giờ sáng, trong căn phòng làm việc nhỏ ở quận 1, bà Hoàng Thị Khánh, Trưởng ban liên lạc cựu tù chính trị và tù binh TP Hồ Chí Minh đang hối hả xử lý bộn bề công việc. Nội lực, tâm huyết của người phụ nữ chớm 80 tuổi này dường như chưa bao giờ bị dập tắt, kể cả trong giai đoạn khốc liệt nhất của chiến tranh, bị giam cầm, tù đày ở “địa ngục trần gian” Côn Đảo.
Đón chúng tôi ở phòng làm việc, bà nói chuyện say sưa về những năm tháng hoạt động tuyên truyền những năm 1968 và một dãy dài dằng dặc những việc bà và đồng đội chung tay giúp đỡ các cựu tù sau này. Với tay chỉ sang người bạn cùng ở ban liên lạc, bà Khánh cười hiền hậu: “Những người cựu tù chúng tôi hay nói với nhau, đây là giai đoạn chúng tôi đã “lời rồi”, toàn người đã 70-80 tuổi, có người trên 100 nhưng sống nhẹ nhàng, được chăm lo chế độ chính sách rất tốt”.
“Nếu chết thì chết cho đàng hoàng, trong tư thế ngẩng cao đầu”
Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân đợt 1 năm 1968, các lực lượng cách mạng trong nội thành bị trấn áp, một số cơ sở cách mạng trong nội thành bị lộ nên mọi cửa ngõ ra vào thành phố được kiểm soát gắt gao. Tất cả nam giới đều bị quân đội Việt Nam Cộng hòa săn đuổi, lùng bắt bổ sung cho quân của chúng đã bị tiêu diệt.
Mặc dù đợt tấn công Mậu Thân tổn thất lớn, nhiều chiến sĩ biệt động hy sinh, nhưng nhận thấy lực lượng giải phóng vẫn đang nằm trong nội thành thành phố, nên chủ trương của Đảng ta, ngoài đánh các điểm lớn của biệt động thành, thì các đơn vị hành chính, sự nghiệp, đoàn thể… đều thành lập đội võ trang tuyên truyền để xốc lại phong trào. Các đội này, hầu hết là nữ.
Khi đó, bà Hoàng Thị Khánh đang làm cán bộ tuyên huấn Khu Sài Gòn-Gia Định, được điều sang làm Đội trưởng Đội Võ trang tuyên truyền thuộc Ban Tuyên huấn, Khu ủy Sài Gòn-Gia Định. Đội có 2 nhiệm vụ quan trọng, vừa võ trang, vừa tuyên truyền.
Với nhiệm vụ “diệt ác, phá kìm” để tạo ra “lõm” giải phóng trong nội thành Sài Gòn, nêu cao khí thế cách mạng, đội 7 thành viên toàn là nữ của bà đã diệt được 2 tên ác ôn, cảnh cáo 5 tên. Chính những hành động cảnh cáo này đã khiến lực lượng an ninh mật của chế độ cũ bị rối loạn; dưới cơ sở, các lực lượng cũng rệu rão và cũng biết sợ rằng: “lời cảnh cáo của quân giải phóng không có nói chơi”.
Bên cạnh nhiệm vụ võ trang, bà Khánh và đồng đội còn có trọng trách quan trọng không kém, là tuyên truyền cho dân nội thành biết quân giải phóng ngày càng lớn mạnh, vùng giải phóng ngày càng mở rộng. Là đội trưởng phụ trách vùng tuyên truyền rất rộng, ở quận 10, 11, Gò Vấp, bà Khánh phải tính toán để làm sao có được 3 phút chớp nhoáng, vận động, giác ngộ quần chúng, bóc trần sự thật của ngụy quân, ngụy quyền; phổ biến thông tin, tuyên truyền về tình hình địch bị thua cuộc, thiệt hại nặng nề trước Quân giải phóng; những chiến công của ta trên chiến trường Nam Bộ…
Để những cuộc nói chuyện suôn sẻ, rút lui an toàn, bí quyết của Đội Võ trang tuyên truyền chính là phải hóa trang với “3 lớp áo”, để khi lẩn vào đám đông, họ cởi từng lớp áo ngoài không bị địch phát hiện, bảo toàn lực lượng.
Trong một buổi đi tuyên truyền như thế tại chợ Bến Thành, bà bị chúng bắt sống. Ngày 15/11/1969 trở thành thời khắc không quên trong cuộc đời bà.
“Hôm đó, chúng tôi đã cẩn thận phân chia nhiệm vụ cảnh giới cho nhau, rải truyền đơn phản đối thuế kiệm ước đang bóp cổ người dân, tuyên truyền cho bà con biết vùng giải phóng của ta ngày càng mở rộng trên các mặt trận. Để người dân tin, đội của tôi phải treo được cờ Mặt trận giải phóng, treo biểu ngữ trên cầu Quách Thị Trang. Không may, một đội viên của tôi bị theo dõi, nên sau đó 3 người trong đội đã bị bắt tại chỗ”.
Bị bắt, tra tấn dã man ở nha cảnh sát Đô Thành, nhưng các bà kiên quyết không khai bản thân và tổ chức. Cảnh sát Đô Thành hỏi: “Có biết Việt cộng không?”, mấy chị em lắc đầu bảo: “Chúng tôi quê ở miền trung, bố mẹ bị bom Mỹ đánh chết nên dạt vào đây sinh sống. Cứ ai thuê làm gì có tiền là làm”.
Tra tấn không ai khai, chúng bắt mọi người nói “Giờ tụi bay nói đả đảo Hồ Chí Minh thì tụi tao thả”, nhưng không chị em nào chịu khuất phục. “Tôi đại diện chị em, kiên quyết phản đối. Tôi bảo, cha mẹ lúc còn sống dạy chúng tôi phải nói thật, không được nói láo. Ai đổ oan cho người khác là phạm tội, lớn lên không thành người đàng hoàng được. Phật cũng dạy nên không nói láo. Tôi biết ông Hồ Chí Minh biết là ai mà nói đả đảo”, bà Khanh đối đáp.
Chúng bất lực, đày bà Khánh lên Nhà giam Thủ Đức rồi sau đó lần lượt trải qua những năm tháng cực khổ tại trại giam Chí Hòa, Tân Hiệp và điểm đến cuối cùng là “địa ngục trần gian” Côn Đảo.
Thời gian ở Côn Đảo vô cùng khốc liệt. Vừa đưa ra tới đảo, chúng tống bà Khánh và các đồng chí xuống chuồng cọp nằm sâu trong lòng đất tối tăm. Nhiều hình thức tra tấn man rợ được chúng liên tục sử dụng như rút móng tay, móng chân, dùng dùi cui đánh vào đầu, mặt; dùng cây đâm vào bộ phận sinh dục... để đánh đòn phủ đầu và dụ dỗ.
Nói đến đây, bà Khánh lại rùng mình. Sờ lên làn da đã có nhiều đồi mồi vì năm tháng, bà tiếp lời: “Mỗi ngày chúng tôi chỉ có một lượng nước ít ỏi để sinh hoạt. Chúng còn dã man tới mức, ai phản đối mạnh mẽ, chúng rải vôi bột vào người rồi hắt nước gây bỏng, khiến cho da chị em nhiễm trùng”.
Bất chấp những gian khổ, đau đớn về mặt thể xác, các chị em trong tù đều kiên định, không khuất phục, giữ vững khí tiết của người cộng sản. Nhiều trận đấu tranh quyết liệt được lan rộng trong nhà tù Côn Đảo như chống lăn tay, chụp hình. Trong suốt 5 năm bị giam tại Côn Đảo, bà cùng nhiều chị em đã kiên định vượt qua được những chiêu trò dụ dỗ của kẻ địch, truyền lửa cách mạng ngay trong nhà tù, đấu tranh đòi quyền lợi cho tù nhân.
Đầu tháng 4/1975, niềm hy vọng giải phóng đến gần, chị em bảo nhau khôn khéo, mềm mỏng để bảo toàn lực lượng còn sống trở về. Đây cũng là thời điểm mọi người dự cảm không tốt khi thấy địch gài mìn, có chủ trương hủy diệt toàn bộ tù Côn Đảo.
“Chúng tôi bảo nhau, nếu chết thì chết cho đàng hoàng, trong tư thế ngẩng cao đầu của người cộng sản. Gần như không ai ngủ yên giấc, thấp thỏm không biết bị hành xử lúc nào. Tối 28/4, nghe tiếng máy bay quần đảo, chúng tôi đều nghĩ phen này chắc là tiêu rồi. Ai có ngờ đâu, đó là máy bay chở sĩ quan, công chức chính quyền Việt Nam cộng hòa di tản tới Côn Đảo để chờ tàu Mỹ đón ở phao số 0”
4 sáng ngày 1/5, trại trưởng trại 6B mở cửa công bố “bên các bà thắng rồi, ra đi”. Mọi người bán tin, bán nghi, sợ bị tách lẻ ra đưa đi tiêu diệt. Cho tới lúc 5 giờ sáng, khi được nghe giọng Thiếu trướng Phạm Văn Trà đọc thiết quân luật quản lý Sài Gòn trên đài, anh chị em đều hét vang “mình thắng rồi, mình sống rồi”. Mọi người khuỵu xuống vì niềm hạnh phúc quá lớn.
Trong niềm vui đó, anh chị em phân công nhau nhiệm vụ để sẵn sàng tinh thần chiến đấu sợ bị tái chiếm lại Côn Đảo.
Tối 3/5/1975, trong khí thế văn nghệ tưng bừng, lực lượng canh gác bờ biển bắt người nhái, tưởng ngụy tàu Mỹ thăm dò chuẩn bị tái chiếm Côn Đảo. Sau khi khai thác, biết là sĩ quan tình báo của mình cũng đang nắm tình hình xem Côn Đảo đã được giải phóng chưa.
Sáng 4/7/1975, 4 tàu hải quân tiến gần về Côn Đảo, lực lượng cựu tù đứng hô khẩu hiệu: “Bác Hồ muôn năm, Đại tướng Võ Nguyên Giáp muôn năm”. Ngay chiều đó, một buổi mít-tinh trọng thể được diễn ra ngay trên đảo.



Không màng thương tích, lao vào tái thiết Sài Gòn
Trở về Sài Gòn, cơ thể mang đầy thương tích, có những chị em bị bệnh tâm thần. Có người đang ngủ choàng dậy la đả đảo đàn áp, có người bỗng tự dưng ngã quỵ, tay chân giật liên hồi, sùi bọt mép… Những cơn đau khi trở trời không cản được khí thế tâm huyết tái thiết lại Sài Gòn sau giải phóng. Chị em lại tham gia vận động binh lính sĩ quan ngụy ra trình diện, đặc biệt lực lượng có vũ khí, sắp xếp cho đi cải tạo…
Bà Khánh về làm Bí thư Đoàn quận 11, cùng chị em trong quận thực hiện nhiều nhiệm vụ cấp thiết bấy giờ là cứu đói, đưa dân trở về quê hương; đưa dân đi khai hoang, làm kinh tế mới… Đối với lực lượng con em sĩ quan, vốn quen sống sung sướng, không nghề nghiệp… nhiệm vụ của đội bà Khánh phải quản chặt, tổ chức vận động những đối tượng này đi thanh niên xung phong, cải tạo lao động tại nông trường… Không ít người sau này đã theo người thân ra nước ngoài định cư.
Chừng năm 1980-1981, bà Khánh đón tiếp một vị khách đặc biệt. “Chị không nhận ra em sao?”, vị khách hỏi bà Khánh. Sau một hồi ngỡ ngàng, bà mới nhớ ra, đây là con gái của một Trung tướng ngụy đã được bà cho vào danh sách đi thanh niên xung phong. Vị khách tiếp lời: “Hồi ấy em hận chị dữ lắm, sẵn sàng giết chị. Nhưng sau thời gian đi thanh niên xung phong, em trưởng thành hơn nhiều. Khi sang Mỹ, người em nhớ tới nhất lại là chị, nên lần này trở về, nhất định phải tới thăm chị”.
Hai chị em mừng tủi hàn huyên, mừng vì đất nước ngày càng đổi thay. Bà nhíu mày tâm sự: “Giai đoạn đầu, nhiều người không chấp nhận được gian khổ, phản ứng dữ dội. Chúng tôi biết không ít người hận chúng tôi vì sự quản thúc chặt chẽ đó”.
Sau này, bà Khánh nhận nhiệm vụ là Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố, Chủ nhiệm kiểm tra Ủy ban thành ủy. Bà cùng các đồng chí trong cơ quan giải quyết rất nhiều việc để ổn định cuộc sống cho cán bộ công nhân viên. Ngoài công việc ở cơ quan, bà cũng luôn đau đáu về các vấn đề chính sách cho những anh chị em cựu tù chính trị.
Những năm 1990, nhiều anh em cựu tù chưa được nhận những chính sách đãi ngộ thỏa đáng. Ban Liên lạc cựu tù chính trị và tù binh TP Hồ Chí Minh ra đời để đại diện cho các cựu tù, góp tiếng nói tới thành phố. Ban liên lạc đã gây dựng mạng lưới, kết nối các cựu tù chính trị, tù binh rộng khắp các địa phương, thực hiện nhiều việc nghĩa tình. Bà cùng đồng đội thường tổ chức các chương trình “Về nguồn”, đưa anh chị em về thăm lại chiến trường xưa, trở lại những nơi từng giam giữ các cựu tù chính trị, tù binh.
Từ khi thành lập vào năm 1991, ban đầu chỉ với 15 thành viên, đến nay Ban liên lạc đã quy tụ, tập hợp được trên 98% cựu tù chính trị, tù binh vào tổ chức, xây dựng được 189 tổ chức cựu tù chính trị, tù binh hoạt động ở cơ sở tại 21 quận, huyện và TP Thủ Đức.
Bà Khánh chia sẻ, đến nay, Quỹ Nghĩa tình đồng đội do Ban liên lạc phát động, kết nối đã vận động được hơn 100 tỷ đồng để hỗ trợ các hội viên bị bệnh nan y, vận động, hỗ trợ xây dựng nhà ở, trao tặng học bổng cho các cháu cựu tù nhà nghèo học giỏi và các cháu học sinh khác. Bản thân bà Hoàng Thị Khánh và hai đồng chí Phó trưởng ban Ban liên lạc đã trích lương hưu đỡ đầu 11 học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở TP Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, Ban liên lạc cũng đã phối hợp giải quyết hơn 1.000 hồ sơ tồn đọng của cựu tù. Để lưu giữ những ký ức về một thời đặc biệt của anh em hoạt động trong nội thành, Ban liên lạc đã cùng các đồng đội in được 6 đầu sách về tù chính trị, tù binh, nhà tù. Hơn 11.000 cựu tù chính trị và tù binh đã được in kỷ yếu ảnh.
Ban liên lạc cựu tù chính trị và tù binh TP Hồ Chí Minh đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động (hạng Nhì, Ba) và được Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh tặng nhiều bằng khen...
Theo bà Khánh, cựu tù đã có chính sách tốt hơn trước với chế độ hỗ trợ 2 triệu đồng/tháng. Việc chăm lo cho đối tượng chính sách ngày càng chỉn chu, trọn vẹn 1 năm/lần đi nghỉ dưỡng.
Thời gian này, Ban Liên lạc đang bận rộn cho các hoạt động hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước; thăm hỏi các anh chị em cựu tù và nhiều hoạt động về nguồn, tham gia nhiều cuộc nói chuyện về lịch sử cho thế hệ trẻ nhiều trường đại học… 25 năm làm trưởng ban liên lạc, ở tuổi 79, bà Khánh vẫn còn rất minh mẫn và xử lý mọi việc đâu ra đó, trở thành điểm tựa về tinh thần cho các cựu tù chính trị và tù binh.
Bà cười hiền hậu bảo, có mặt trong những ngày đầu tiên của đất nước hoàn toàn giải phóng, chính quyền cách mạng chính thức đi vào hoạt động, bà và các đồng đội đã hoàn thành nhiệm vụ của cấp trên giao, lo cho người dân từng bữa ăn, từng cái mặc, đối phó với các cuộc trả thù, đàn áp của thế lực phản động.
Đến hôm nay, thành phố đã đặc biệt đổi mới, Việt Nam từ một đất nước chiến tranh, nghèo đói thì nay vị thế ngày càng được nâng cao. Với những cựu tù chính trị, được khỏe mạnh sống đến hôm nay là hạnh phúc. Bởi vậy, còn sức khỏe, những cựu tù như bà sẽ còn tiếp tục cống hiến, để xứng đáng với những hy sinh của đồng đội mình đã mãi mãi nằm xuống, để tiếp lửa truyền thống cho thế hệ trẻ.
Xuất bản: Tháng 4/2025
Tổ chức thực hiện: HỒNG MINH
Nội dung: HỒNG VÂN - THIÊN LAM
Ảnh: THÀNH ĐẠT
Trình bày: DIỆP LINH