ĐẠI ĐOÀN 312 TRONG CUỘC TIẾN CÔNG CHIẾN LƯỢC ĐÔNG XUÂN 1953-1954 VÀ CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ

Là lực lượng tiến công trên hướng chủ yếu từ trận đánh mở màn cho đến khi kết thúc chiến dịch, Đại đoàn 312 đã tham gia 20 trận đánh lớn, tiêu diệt 17 đại đội địch, bắt sống hơn 4.000 tù binh, góp phần cùng với các đơn vị bạn tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, giáng đòn quyết định đánh bại ý chí xâm lược của thực dân Pháp.

Với chiến công xuất sắc đó, ngày 13/5/1954, trong lễ duyệt binh các đơn vị chiến thắng Điện Biên Phủ được tổ chức trọng thể ngay trên cánh đồng Mường Thanh, Đại đoàn 312 vinh dự được nhận vĩnh viễn cờ thưởng luân lưu "Quyết chiến, Quyết thắng" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tham gia Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ là một niềm vinh dự lớn lao nhưng đồng thời cũng là một trách nhiệm nặng nề của Đại đoàn 312. Ý thức sâu sắc điều đó, trước khi bước vào chiến dịch, đại đoàn tập trung thực hiện tốt đợt chỉnh huấn chính trị, củng cố tổ chức, huấn luyện theo yêu cầu đánh cứ điểm và tập đoàn cứ điểm.

Sau đợt chỉnh huấn chính trị, củng cố tổ chức, huấn luyện theo yêu cầu mới, ngày 10/12/1953, Đại đoàn 312 chính thức nhận lệnh hành quân lên Tây Bắc tham gia chiến đấu. Đại đoàn đã họp bàn biện pháp lãnh đạo nhằm bảo đảm tốc độ hành quân với yêu cầu: "Ăn tốt, ngủ tốt, tổ chức lực lượng mang vác hợp lý, hành quân tốt"; bảo đảm thời gian, bảo đảm chặng đường, bảo đảm sức khỏe không để tổn thất dọc đường. Đây là đợt hành quân lớn nhất kể từ ngày đại đoàn được thành lập.

Gần một tháng ròng rã hành quân trong mưa phùn gió bấc lạnh buốt, lại bị địch đánh phá liên tục trên đường, cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 312 đã vượt qua chặng đường dài hơn 500km đến vị trí tập kết an toàn. Khi hành quân đến vị trí tập kết, đại đoàn nhận nhiệm vụ mở đường; kéo pháo qua những khu vực địa hình phức tạp, nhiều núi cao dốc đứng.

Hò dô ta nào! Kéo pháo ta vượt qua đèo

Hò dô ta nào! Kéo pháo ta vượt qua đèo

Mở đường, kéo pháo lên dốc đã là vất vả nhưng xuống dốc càng vất vả hơn. Đường quành theo vách núi cheo leo, nguy hiểm. Một bên vách đá dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm. Khi đưa pháo xuống dốc, hàng trăm người giữ đằng sau thả dây, đằng trước chèn giữ cho pháo đi đúng hướng. Có những đoạn đường quang, bộ đội phải làm giàn cây ngụy trang để giữ bí mật cho con đường.

Sau hơn một tuần, tranh thủ cả ngày lẫn đêm, các trung đoàn đã hoàn thành việc kéo pháo vào trận địa. Ngay sau đó, đại đoàn khẩn trương bắt tay chuẩn bị mọi mặt cho cuộc tiến công đánh vào hướng đông-nam sân bay, đồi Độc Lập và Bản Kéo.

Mở đường, kéo pháo lên dốc đã là vất vả nhưng xuống dốc càng vất vả hơn. Đường quành theo vách núi cheo leo, nguy hiểm. Một bên vách đá dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm. Khi đưa pháo xuống dốc, hàng trăm người giữ đằng sau thả dây, đằng trước chèn giữ cho pháo đi đúng hướng. Có những đoạn đường quang, bộ đội phải làm giàn cây ngụy trang để giữ bí mật cho con đường.

Khi Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định chuyển từ phương châm "đánh nhanh, giải quyết nhanh", sang phương châm "đánh chắc, tiến chắc", đại đoàn được lệnh kéo pháo ra.

Kéo pháo ra là nhiệm vụ rất gian nan, nguy hiểm. Ngày này qua ngày khác, chiến sĩ thức trắng, ăn uống thiếu thốn, vẫn không rời nhiệm vụ dù phải đi đào củ mài, lấy bắp chuối, nõn chuối, rau rừng ăn thêm. Trong khi ta kéo pháo ra, địch liên tiếp nống ra nhằm thăm dò, mở rộng phạm vi kiểm soát, ngăn chặn ta triển khai lực lượng. Nhiều trận chiến đấu đã diễn ra ác liệt.

Ngày 17/1/1954, trung đội của đồng chí Trần Độ gồm 32 chiến sĩ đánh lui bảy đợt xung phong của hai tiểu đoàn địch có xe tăng và đại bác yểm trợ, loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên địch.

Ngày 12/2/1954, trên điểm cao 674, tiểu đội của đồng chí Mai và năm chiến sĩ quân báo của Trung đoàn 141 đã đánh bại bốn đợt tiến công của một đại đội địch, diệt 39 tên.

Ngày 15/2/1954, địch huy động ba tiểu đoàn tiến công lên cao điểm 674. Bên ta có trung đội của đồng chí Trần Oanh gồm 45 cán bộ, chiến sĩ. Địch xung phong 12 lần nhưng đợt nào cũng bị ta đánh, không tiến lên được, bị loại khỏi vòng chiến đấu 100 tên, trong đó có 1 tên quan ba, 2 tên quan hai.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ kéo pháo, đại đoàn khẩn trương hoàn tất mọi công tác chuẩn bị chiến đấu. Các trung đoàn đều làm thêm đường và trận địa pháo để pháo binh có thể cơ động chiến đấu trong mọi tình huống. Ngoài trận địa chính kiên cố, ta còn tổ chức trận địa nghi binh để đánh lạc hướng sự theo dõi của địch. Trong hoàn cảnh khó khăn, các đơn vị vẫn chú trọng chăm lo đời sống, nâng cao sức khỏe bộ đội, giữ vững quân số chiến đấu, tranh thủ luyện tập, nâng cao khả năng tác chiến hiệp đồng.

Lúc này, Đại đoàn 312 vinh dự được nhận nhiệm vụ tiến công cứ điểm Him Lam mở màn cho chiến dịch.

Các chiến sĩ Đại đội 243, Tiểu đoàn 11, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312 chuẩn bị bộc phá cho trận đánh cứ điểm Him Lam (13/3/1954). Ảnh trưng bày tại Bảo tàng lịch sử Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Thành Đạt

Các chiến sĩ Đại đội 243, Tiểu đoàn 11, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312 chuẩn bị bộc phá cho trận đánh cứ điểm Him Lam (13/3/1954). Ảnh trưng bày tại Bảo tàng lịch sử Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Thành Đạt

Nhận nhiệm vụ đánh Him Lam, đại đoàn bắt tay ngay vào việc xây dựng trận địa, đào giao thông hào để chuyển lương thực, vũ khí, đào hầm chỉ huy, đào hầm để ở, hầm cho cấp dưỡng nấu cơm, hầm cấp cứu, hầm pha chế thuốc, hầm cho thương binh nằm, v.v...

Cụm cứ điểm Him Lam gồm ba cứ điểm được xây dựng trên ba quả đồi độc lập, nằm về phía nam sông Nậm Rốm và phía bắc trục đường 41 thuộc phân khu trung tâm, cách trung tâm Sở Chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ khoảng 3,5km về phía đông bắc.

Đây là cửa ngõ của tập đoàn cứ điểm có nhiệm vụ giữ vững trục đường 41 để bảo vệ sân bay Mường Thanh và khu trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Địch bố trí ở đây khoảng một tiểu đoàn, bộ binh tăng cường gồm bốn đại đội bộ binh và Sở Chỉ huy tiểu đoàn được trang bị nhiều vũ khí, phương tiện tối tân như máy nhìn đêm, máy nghe tiếng động từ xa... Đây là một cụm cứ điểm mạnh.

Đại đoàn 312 (lúc này thiếu Trung đoàn 165), được phối thuộc hai đại đội cối 120 ly, hai đại đội cối 82 ly, hai đại đội sơn pháo 75 ly, hai đại đội lựu pháo 105 ly.

Đúng 15 giờ ngày 13/3/1954, trên các hướng, quân ta đã vào chiếm lĩnh trận địa xuất phát tiến công.

Vào lúc 16 giờ, lực lượng pháo của Đại đoàn 312 bắn cấp tập vào cụm cứ điểm Him Lam.

Đúng 18 giờ, các Đại đội 243, 58, 366 thực hành mở cửa bằng bộc phá liên tục. Trong quá trình mở cửa, địch dùng hỏa lực bịt lấp cửa mở.

Mặc cho pháo của địch bắn ra như mưa, các chiến sĩ ta vẫn bình tĩnh, mưu trí, gan dạ xông lên mở cửa.

Khi cửa mở đã thông, được lệnh của Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn, trên cả ba hướng, lực lượng của hai Trung đoàn 141 và 209 đã dũng mãnh xông lên đánh chiếm lô cốt đầu cầu và tiếp tục đốt phá các mục tiêu bên trong cứ điểm, làm cho kẻ địch trong cụm cứ điểm Him Lam cũng như trung tâm Sở Chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ lúng túng đối phó. Chúng dùng hỏa lực ở khu trung tâm tập trung bắn mãnh liệt hòng ngăn chặn các mũi tiến công của ta.

Với sự chỉ huy cương quyết, mưu trí, linh hoạt; với lòng dũng cảm không sợ hy sinh, các chiến sĩ ta đã đập tan sự kháng cự của địch trong căn cứ. Trong cuộc chiến đấu này, xuất hiện những tấm gương tiêu biểu như Trần Can, Phan Đình Giót.

Bằng các đợt tiến công đột phá liên tục và mãnh liệt, đến 23 giờ 30 phút ngày 13/3/1954, đại đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiêu diệt cụm cứ điểm Him Lam, diệt 300 tên, bắt 200 tên, thu toàn bộ vũ khí trang bị. Ta hy sinh 62 cán bộ, chiến sĩ.

Vỏ lựu đạn quả dứa, quả na chiến sĩ Trung đoàn 141, Đại đoàn 312 sử dụng để tiêu diệt địch trong trận đánh cứ điểm Him Lam (13/3/1954). Hiện vật tại Bảo tàng lịch sử Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Thành Đạt

Vỏ lựu đạn quả dứa, quả na chiến sĩ Trung đoàn 141, Đại đoàn 312 sử dụng để tiêu diệt địch trong trận đánh cứ điểm Him Lam (13/3/1954). Hiện vật tại Bảo tàng lịch sử Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Thành Đạt

Trận Him Lam thắng giòn giã làm nức lòng cán bộ, chiến sĩ trên toàn mặt trận Điện Biên Phủ. Đối với Đại đoàn 312, trận đầu ra quân thắng lợi, có ý nghĩa to lớn tạo nên niềm tin tưởng vững chắc vào sức chiến đấu mới cho bộ đội. Trận Him Lam chứng tỏ trình độ hiệp đồng tác chiến đánh cứ điểm kiên cố của đại đoàn đã có những tiến bộ quan trọng.

Thất bại nặng nề và bất ngờ ở Him Lam đã gây nên sự hoang mang, dao động cho cả Bộ Chỉ huy, binh lính và sĩ quan Pháp ở lòng chảo Điện Biên Phủ.

Trận Him Lam thắng giòn giã làm nức lòng cán bộ, chiến sĩ trên toàn mặt trận Điện Biên Phủ. Đối với Đại đoàn 312, trận đầu ra quân thắng lợi, có ý nghĩa to lớn tạo nên niềm tin tưởng vững chắc vào sức chiến đấu mới cho bộ đội. Trận Him Lam chứng tỏ trình độ hiệp đồng tác chiến đánh cứ điểm kiên cố của đại đoàn đã có những tiến bộ quan trọng.

Trận Him Lam thắng giòn giã. Ảnh chụp từ bức tranh panorama tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Thành Đạt

Trận Him Lam thắng giòn giã. Ảnh chụp từ bức tranh panorama tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Thành Đạt

Trong lúc địch đang choáng váng vì cụm cứ điểm Him Lam vừa bị đập tan thì đêm ngày 14 rạng sáng ngày 15/3/1954, ta mở đợt tiến công vào trung tâm đề kháng đồi Độc Lập.

Cứ điểm này có chiều dài 500m, rộng 200m, nằm cách trung tâm Sở Chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ khoảng 4 km về phía bắc. Xung quanh cứ điểm có nhiều lớp hàng rào, vật cản, nhất là phía bắc và phía nam. Trung tâm cứ điểm do Tiểu đoàn 5 Bắc Phi thuộc Trung đoàn Angiêri số 7 và một đại đội ngụy Thái (tất cả gồm 5 đại đội) chiếm giữ. Về hỏa lực, tại đây có bốn khẩu cối 120 ly làm nhiệm vụ bắn chặn trên đường Lai Châu-Điện Biên.

Vỏ đạn cối 82mm Trung đoàn 165, Đại đoàn 312 sử dụng để tiêu diệt địch trong trận đánh cứ điểm Độc Lập (15/3/1954). Hiện vật tại Bảo tàng lịch sử Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Thành Đạt

Vỏ đạn cối 82mm Trung đoàn 165, Đại đoàn 312 sử dụng để tiêu diệt địch trong trận đánh cứ điểm Độc Lập (15/3/1954). Hiện vật tại Bảo tàng lịch sử Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Thành Đạt

Trung đoàn 165 (Đại đoàn 312) và Trung đoàn 88 (Đại đoàn 308) được tăng cường hai đại đội sơn pháo 75 ly, hai đại đội cối 120 ly, có nhiệm vụ tiến công cứ điểm đồi Độc Lập.

Trung đoàn 165 đảm nhiệm việc tiến công đột phá từ hướng đông nam vào. Đây là hướng tiến công chủ yếu của ta. Trung đoàn 88 đảm nhiệm tiến công trên hướng thứ yếu, đột phá từ hướng đông-bắc vào.

Đúng 2 giờ ngày 15/3, pháo và cối 120 ly bắt đầu bắn phá chuẩn bị. 3 giờ 30 phút, đồng chí Chỉ huy trưởng mặt trận ra lệnh nổ súng tiến công đồi Độc Lập.

Trên hướng chủ yếu của Trung đoàn 165, việc đột phá diễn ra thuận lợi.

Trong khi đó ở hướng Trung đoàn 88, do bộc phá đặt chệch, nên khi nổ, không quét hết hàng rào. Đại đội Tô Văn đánh đến 30 quả bộc phá mà vẫn không mở được cửa. Lực lượng xung kích của Trung đoàn 88 phải quay lại hướng cửa mở của Trung đoàn 165, do đó vào chiến đấu bên trong chậm hơn.

Cuộc chiến đấu diễn ra ở bên trong trận địa khá quyết liệt. Song với tinh thần chiến đấu dũng cảm và sức tiến công áp đảo, đến 6 giờ 30 phút sáng ngày 15/3, ta đã hoàn toàn làm chủ cứ điểm Độc Lập, diệt gọn tiểu đoàn Bắc Phi tăng cường.

Như vậy, hệ thống phòng thủ tiền tiêu của địch trên hướng bắc và đông bắc đã bị đập tan, địch vô cùng hoảng sợ, đối phó lúng túng.

Ngày 17/3, tiểu đoàn địch đóng giữ đồi Bản Kéo ở phía tây bắc bỏ chạy vào rừng, đầu hàng quân ta. Sân bay Mường Thanh bị ta uy hiếp. Viên chỉ huy pháo binh Pirốt vì quá lo sợ và thất vọng trước hỏa lực pháo binh mãnh liệt của ta đã dùng lựu đạn tự sát.

Sau năm ngày tiến công, ta chiếm được hai vị trí kiên cố then chốt của địch ở Điện Biên Phủ, diệt và bắt sống 2.000 tên địch, bắn rơi 12 máy bay. Qua những trận chiến đấu này, bộ đội được rèn luyện và trưởng thành về cách đánh công kiên, cán bộ, chiến sĩ đều phấn khởi tin tưởng ở sức chiến đấu của đơn vị mình.

Súng DKZ 57mm chiến sĩ Đỗ Kiểm, Đại đội 238, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 sử dụng để tiêu diệt địch trong trận đánh cứ điểm Him Lam (13/3/1954). Hiện vật tại Bảo tàng lịch sử Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Thành Đạt

Súng DKZ 57mm chiến sĩ Đỗ Kiểm, Đại đội 238, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 sử dụng để tiêu diệt địch trong trận đánh cứ điểm Him Lam (13/3/1954). Hiện vật tại Bảo tàng lịch sử Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Thành Đạt

Chuẩn bị đợt hai chiến dịch, Đại đoàn 312 cùng với các đơn vị bạn khẩn trương xây dựng hệ thống công sự, trận địa, giao thông hào, sẵn sàng bước vào chiến đấu. Trong đợt này, Đại đoàn được phối thuộc hai đại đội sơn pháo 75 ly, hai đại đội súng cối 120 ly, một đại đội cối 82 ly, có nhiệm vụ tiến công tiêu diệt cứ điểm đồi E, đồi D1, đồi D2, điểm cao 210 và quân cơ động thuộc lực lượng dù ngụy số 5 của Tiểu đoàn dù số 6.

Đúng 17 giờ 30 phút ngày 30/3, pháo của chiến dịch bắn chuẩn bị vào các cứ điểm phía đông, là những vị trí quan trọng trong hệ thống phòng ngự còn lại của địch ở khu trung tâm, nhất là các dãy cao điểm. Mất những vị trí này, tập đoàn cứ điểm địch sẽ bị uy hiếp nghiêm trọng.

Sau đợt bắn chuẩn bị, các đơn vị lần lượt nổ súng tiến công.

Trên hướng đông bắc, Trung đoàn 141 sử dụng Tiểu đoàn 16 và Tiểu đoàn 428 tiến công cứ điểm đồi E. Sau 1 giờ 45 phút xung phong với khí thế áp đảo, ta hoàn toàn làm chủ trận địa, tiêu diệt gọn Tiểu đoàn Angiêri số 3, chiếm lĩnh đồi E.

Cùng thời gian trên, Trung đoàn 209 sử dụng Tiểu đoàn 166 và Tiểu đoàn 130 đánh chiếm cứ điểm đồi D1. Sau khi chiếm xong đồi D1, đại đoàn tiếp tục điều Tiểu đoàn 130 tiến công sang đồi D2. Các đơn vị khác đánh chiếm đồi E và phát triển vào các ngọn đồi phía trong. Cuộc chiến đấu diễn ra ở đây vô cùng gay go và ác liệt, ta và địch giằng co nhau cho đến khi trời sáng.

Chiều và đêm ngày 30/3, ngoài lực lượng tiến công vào các điểm cao ở phía đông, đại đoàn còn sử dụng Tiểu đoàn 11 thuộc Trung đoàn 141, Tiểu đoàn 115 thuộc Trung đoàn 165 và Tiểu đoàn 54, làm nhiệm vụ thọc sâu tiêu diệt trận địa pháo binh địch ở cứ điểm 210 và Tiểu đoàn dù ngụy số 5 đóng ở vòng trong.

Các Tiểu đoàn 115, 54, vượt qua khoảng trống giữa các vị trí C1 và D2, E, tiến vào bên trong nhưng không thể tiến sâu hơn được. Riêng Tiểu đoàn 11 đánh chiếm được một vị trí, gây cho địch nhiều thiệt hại. Đội dũng sĩ thuộc Đại đội 243 phát triển tới tận bờ sông Nậm Rốm và trụ bám kiên cường tại đây suốt mấy ngày.

Ngày 31/3, địch tung lực lượng phản kích hòng chiếm lại những vị trí đã mất ở đồi D1, E nhưng bị thất bại. Ở phía bắc sân bay, đêm 3/4, Trung đoàn 165 tiến công cứ điểm 105. Đến sáng ngày 4/4, ta chiếm được 2/3 cứ điểm, nhưng địch lại tổ chức phản kích và chiếm lại. Để giữ chắc các bàn đạp đã chiếm được, Đại đoàn 312 nhận lệnh tiếp tục củng cố vững chắc trận địa phòng ngự ở đồi D, E; xây dựng trận địa tiến công các điểm cao 105, 203, 204 và Tiểu đoàn Thái số 2; phối hợp với Đại đoàn 308 làm giao thông hào cắt ngang sân bay Mường Thanh ở phía nam và củng cố trận địa chiến đấu.

Đêm 18/4, sau nhiều lần vây lấn, Trung đoàn 165 tiến công cứ điểm 105. Cuộc chiến đấu kéo dài đến sáng ngày 19/4 mới kết thúc. Trước nguy cơ bị tiêu diệt, bọn địch ở khu vực phía bắc sân bay bí mật rút lúc 3 giờ sáng. Lúc này, ta đã đào hào cắt ngang sân bay nên lực lượng địch ở khu vực sân bay ở vào tình thế bị bao vây không có nước uống, thiếu ăn. Ngày 19/4, địch cho quân ra phản kích nhưng bị Đại đoàn 308 chặn đánh, phải quay lại. Trong khi đó, ta tiếp tục đào hào vây lấn vào sát lô cốt địch, nhiều nơi chỉ cách 15-30m.

Đợt hai của chiến dịch kéo dài gần một tháng. Các đơn vị của đại đoàn do vây lấn dài ngày nên bị thương vong nhiều. Hơn nữa, thời tiết khắc nghiệt cùng với sự khó khăn thiếu thốn, nên trong một bộ phận cán bộ, chiến sĩ, xuất hiện tư tưởng nôn nóng, muốn tiến công chớp nhoáng, ngại đánh lâu dài. Trước tình hình này, đại đoàn đã mở đợt giáo dục chính trị tư tưởng, quán triệt phương châm "đánh chắc, tiến chắc", nâng cao tinh thần chiến đấu của bộ đội. Đồng thời, việc cải thiện đời sống bộ đội ngay trong chiến hào để bảo đảm sức khỏe chiến đấu dài ngày cũng được chú trọng.

Bộ đội ta đang vượt qua cầu Mường Thanh tiến vào khu trung tâm

Bộ đội ta đang vượt qua cầu Mường Thanh tiến vào khu trung tâm

Đêm 1/5/1954, quân ta mở đợt tiến công thứ ba đánh chiếm các cao điểm còn lại ở phía đông, thu hẹp phạm vi chiếm đóng của địch ở phía tây, chuẩn bị cho tổng công kích tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ.

Mở đầu đợt ba chiến dịch, Tiểu đoàn 166 thuộc Trung đoàn 209 tiến công cứ điểm 505 và 505 A. Đến 4 giờ sáng ngày 2/5, Trung đoàn đã làm chủ hai cứ điểm này. Cũng thời gian trên, Trung đoàn 165 tiến công cứ điểm 506. Đến 9 giờ sáng ngày 7/5, các đơn vị đã hoàn thành nhiệm vụ được giao và sẵn sàng chuyển sang tổng công kích.

15 giờ ngày 7/5, Bộ Chỉ huy chiến dịch ra lệnh tổng công kích. Từ bốn phía quân ta ào ạt đánh vào khu vực trung tâm.

Chấp hành mệnh lệnh của đại đoàn, sau khi vượt qua ba cứ điểm, Đại đội 360 do Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật chỉ huy tiến thẳng tới cầu Mường Thanh. Khẩu đại liên bốn nòng của địch ở bên kia đầu cầu quét xối xả. Các đồng chí chiến sĩ Vinh, Nhỏ và tổ xung kích thu hút địch về một phía, rồi dùng thủ pháo diệt gọn các ổ đại liên, tạo thời cơ cho trung đội của Chu Bá Tuệ vượt qua cầu. Tiểu đội xung kích của Đại đội 360 nhảy vào hào địch bắt sống hai tù binh và buộc chúng dẫn đường tới sở Chỉ huy của tướng Đờ Cátxtơri. Đội bảo vệ Sở Chỉ huy của địch dùng xe tăng phản kích nhưng các chiến sĩ Đại đội 360 lập tức đập tan và áp sát miệng hầm.

Sau một loạt thủ pháo và tiểu liên uy hiếp, tổ chiến sĩ Nhỏ, Vinh dẫn đầu trung đội cùng đồng chí Đại đội trưởng xông vào hầm Sở Chỉ huy tham mưu tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật yêu cầu tướng Đờ Cátxtơri ra lệnh cho toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm đầu hàng. Đúng 17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, tướng Đờ Cátxtơri và Bộ Tham mưu tập đoàn cứ điểm buộc phải đầu hàng.

Ngày 13/5/1954, trong lễ duyệt binh các đơn vị chiến thắng Điện Biên Phủ được tổ chức trọng thể ngay trên cánh đồng Mường Thanh, Đại đoàn 312 vinh dự được nhận vĩnh viễn cờ thưởng luân lưu "Quyết chiến, Quyết thắng" của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hiện vật tại Bảo tàng lịch sử Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Thành Đạt

Ngày 13/5/1954, trong lễ duyệt binh các đơn vị chiến thắng Điện Biên Phủ được tổ chức trọng thể ngay trên cánh đồng Mường Thanh, Đại đoàn 312 vinh dự được nhận vĩnh viễn cờ thưởng luân lưu "Quyết chiến, Quyết thắng" của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hiện vật tại Bảo tàng lịch sử Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Thành Đạt

Chiến dịch Điện Biên Phủ đã đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc về trình độ lãnh đạo chỉ huy, trình độ kỹ thuật, chiến thuật và khả năng tác chiến hiệp đồng của các đơn vị tham gia chiến dịch, trong đó có Đại đoàn 312. Từ đột phá các cứ điểm đơn lẻ với lực lượng ít, thời gian dài cho đến tiến công vào tập đoàn cứ điểm có bố trí phòng thủ kiên cố, phức tạp của địch, bộ đội ta đã vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật, tác chiến như vây lấn kết hợp với đột phá, tiến công chính diện kết hợp với vu hồi sau lưng, bên sườn, thọc sâu, luồn sâu v.v... linh hoạt và có hiệu quả.

Là lực lượng tiến công trên hướng chủ yếu từ trận đánh mở màn cho đến khi kết thúc chiến dịch, đại đoàn đã tham gia 20 trận đánh lớn, tiêu diệt 17 đại đội địch, bắt sống hơn 4.000 tù binh, góp phần cùng với các đơn vị bạn tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, giáng đòn quyết định đánh bại ý chí xâm lược của thực dân Pháp.

Với chiến công xuất sắc đó, ngày 13/5/1954, trong lễ duyệt binh các đơn vị chiến thắng Điện Biên Phủ được tổ chức trọng thể ngay trên cánh đồng Mường Thanh, Đại đoàn 312 vinh dự được nhận vĩnh viễn cờ thưởng luân lưu "Quyết chiến, Quyết thắng" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thượng tá Phan Văn Giang - Sư đoàn trưởng Sư đoàn 312

(Hiện là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng)

-------------

Bài viết trích trong sách “50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Điện Biên Phủ - Hợp tuyển công trình khoa học”, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005. Trước đó, bài đã được đăng trong sách "Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc vàng lịch sử, chân lý thời đại", Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.

Ảnh: TTXVN, THÀNH ĐẠT
Trình bày: MINH ĐỨC