
Tùy bút của Phạm Ngọc Tiến
Cứ gần đến tháng Tư hằng năm, đã thành thông lệ, lính tráng cựu binh cùng trong một đại đội ở nội thành Hà Nội ơi ới gọi nhau, nhắn nhau tít mù. Có nhiều chuyện để nói, để bàn với nhau lắm ở dịp này. Những anh lính dù đã là những ông già ở ngưỡng thất thập vẫn “mày tao” loạn xạ và lẽ đương nhiên họ gọi nhau bằng những cái tên kèm của ngày xửa ngày xưa đã trôi xa hàng nửa thế kỷ.
Tháng Tư là dịp những người lính tổ chức các cuộc gặp gỡ. Có thể chỉ là dăm, bảy cựu binh hẹn nhau đến thắp hương ngôi đền thờ liệt sĩ ở Thủ Lệ để tưởng nhớ đến bạn mình liệt sĩ Nguyễn Thế Lượng đang nằm trong một ngôi mộ không tên ở nghĩa trang Bình Long.
Có thể là hẹn hò để tổ chức cuộc hành quân ngược về đại đội cũ ở miền Tây Nam Bộ xa xôi và thăm lại những vùng chiến trường xưa, nơi họ từng cùng nhau rong ruổi lúc đầu xanh tuổi trẻ trong những năm tháng chiến tranh. Cũng có thể chỉ là cuộc gặp mặt bên bàn nhậu tưng bừng cãi vã vặt vãnh hiện tại và cả nước mắt rưng rưng hồi nhớ ngày xưa.
Thắp hương tưởng nhớ đồng đội.
Thắp hương tưởng nhớ đồng đội.
Tôi đang viết về những người lính của một đại đội có lẽ là rất hiếm hoi trong quân đội còn giữ được nguồn gốc đơn vị, còn có sự tập trung sinh hoạt cùng nhau ở đời sống thường nhật. Họ là những người lính còn lại của một đại đội pháo cao xạ 57 ly được thành lập từ năm 1972 trong chiến tranh phá hoại lần 2 của không quân Mỹ, Đại đội 41.
Có một điểm đặc biệt của những người lính Đại đội 41, cùng ở nội thành Hà Nội, cùng nhập ngũ một ngày (11/1/1972) cùng huấn luyện tân binh ở Sư đoàn 338 và cùng biên chế vào đại đội sau đó chiến đấu cùng nhau từ tháng 6/1972 bảo vệ vùng trời Nam Định, có mặt ở Hà Nội trong chiến dịch 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972 và đi đến chiến dịch cuối cùng ở Sài Gòn, Chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc chiến tranh 30/4/1975.
Chiến thắng "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không" là một trong những chiến công oanh liệt của lực lượng phòng không-không quân Việt Nam.
Chiến thắng "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không" là một trong những chiến công oanh liệt của lực lượng phòng không-không quân Việt Nam.
Đại đội 41 khi thành lập ở Nam Định thuộc phiên chế Tiểu đoàn 144, Trung đoàn 231, Bộ Tư lệnh Phòng không-Không quân. Thuyên chuyển qua vài tiểu đoàn, hết chiến tranh Đại đội 41 dừng chân ở Tiểu đoàn 18 Lữ đoàn 226, Quân khu 9. Không ít lần những cựu binh đã trở về trận địa ở Cần Thơ thăm lại đại đội cũ giờ đã đổi tên không còn phiên hiệu 41 nhưng vẫn còn đó những vết dấu ngày xưa.
Tôi đã bật khóc khi về thăm lại đại đội lần đầu tiên vào năm 2003. Mâm pháo còn đó nơi tôi ngồi ở ghế pháo thủ số 2. Những người lính cũ sờ sẫm từng vị trí pháo thủ của mình để nhớ lại những trận đánh ở các vùng chiến trận: Nam Định, Thái Bình, Hà Nội, đường Trường Sơn, Lộc Ninh, Bù Đốp, Phước Long, Chơn Thành, Bình Long, sông Vàm Cỏ, Đức Huệ, Hậu Nghĩa, Đức Hòa, Long An…
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng những người lính Đại đội 41 vẫn như ngày nào, trẻ trung sôi nổi ở những lần gặp gỡ. Lứa lính đại đội dạo đó đa phần là học sinh phổ thông. Lính Hà Nội có nhiều hoa tay và rất lãng mạn. Nhiều người biết chơi ghi-ta bập bùng để cùng nhau ca hát mỗi khi đêm đến trên trận địa có khi còn vương khét mùi khói đạn bom.
Trong ba-lô những người lính đều có những cuốn tiểu thuyết thịnh hành thời đó. Lính tráng Hà Nội yêu văn học và ai cũng có thể làm thơ. Tôi có chút năng khiếu văn hay được đại đội cử làm báo tường ở vai trò biên tập bài vở cùng anh lính Hiển “đốm” vì tóc bạc sớm, hơn tôi dăm tuổi biết hội họa làm chân trang trí trình bày báo. Tờ báo tường của Đại đội 41 luôn là tờ báo hình thức đẹp nhất, nội dung hay nhất khi dự thi tiểu đoàn, trung đoàn.
Cũng chẳng ngạc nhiên bởi hết chiến tranh hai người lính làm báo tường năm ấy đều trở thành nhà văn. Người bạn lính Lê Tấn Hiển của tôi là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từng công tác nhiều năm và trưởng thành ở báo Hà Nội Mới. Năm 1974, trước chiến dịch Phước Long, Đại đội 41 tham gia Hội diễn văn nghệ Sư đoàn 77 Đông Nam Bộ có tận 3 tiết mục được giải thưởng, trong đó có tiết mục tấu độc đáo nhân cách hóa chiếc máy nổ Trường Giang thành một cô gái của chiến sĩ Nguyễn Thế Lượng. Anh hy sinh ở mặt trận Chơn Thành tháng 3/1975.
41 mặc nhiên không chỉ là một con số, một tên gọi mà còn là tất cả những gì yêu thương nhất của những người lính đại đội. Cho dù làm công việc gì thì những người lính đại đội năm nào vẫn quan tâm đến nhau. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Y khoa Vũ Nguyễn Khải Ca, lính trinh sát đại đội trước khi nghỉ hưu là Chủ nhiệm Khoa Tiết niệu Bệnh viện Việt Đức. Ca tự tay cầm dao mổ cho không ít những người bạn lính đại đội khi lâm bệnh. Tình đồng đội của những người lính thẳm sâu.
Nghiêm Việt Thắng có con trai bị chất độc da cam dị tật, nhà nghèo, lái xe ba bánh, không có nổi một căn nhà. Lại những người lính 41 chủ động đứng ra, người viết báo huy động, người lên Facebook kêu gọi. Cả đại đội rồi tiểu đoàn, lữ đoàn xúm vào, nhiều ít góp công, góp của tặng bạn. Cảm động trước tấm lòng những người lính và hoàn cảnh đặc biệt của bố con cựu binh da cam, độc giả và bạn bè Facebook cùng giúp dựng được một ngôi nhà nho nhỏ. Hôm khánh thành, nhìn đứa con trai tật bệnh cười rạng rỡ trong ngôi nhà mới, những người lính Đại đội 41 đều rơi lệ vì hạnh phúc.
Đại đội dăm chục con người trong đó phân nửa là lính Hà Nội, người nằm lại chiến trường, người ra đi vì bệnh tật, tuổi tác, người tha hương xứ người, giờ còn lại chỉ non một phần ba quân số nhưng vẫn ríu rít quần tụ ở những dịp như tháng Tư này, trêu chọc, vui đùa thậm chí cãi vã gây lộn như trẻ nhỏ để rồi òa vỡ cùng nhau trong tình đồng đội.
Viết đến đây từng khuôn mặt người lính Đại đội 41 hiện lên thân thương trong tôi. Thành “con” y tá cứ biêng biêng vài chén lại chỉ mặt bảo, Tiến “loe” không có tao bồi cho mày cả cơ số B12 của đại đội dạo sốt ác tính thì tiêu thành giun rồi còn đâu mà văn veo, chữ nghĩa. Gọi Thành “con” vì cái đầu to khác người. Nguyễn Tuấn chẳng hiểu sao lại có tên Tuấn “chuột”, một doanh nhân thành đạt, ông chủ của Công ty Thăng Long về bất động sản bề thế cũng là y tá đại đội, đến giờ vẫn chưa ngã ngũ được với Thành “con” ai là y tá trưởng. Nguyễn Xuân Nguyên, anh cả của đám lính, quân khí viên, đội trưởng Thanh tra Giao thông Công chính Tây Hồ mất vì bạo bệnh năm 2000. Lâm “tít” có biệt danh này vì hay chuồn về Hà Nội dạo huấn luyện tân binh. Khẩu đội trưởng Phùng Thanh biệt danh Thanh “lương khô” vì “đả” hết cả 4 phong lương khô 701 dành cho 4 người ăn. Hải “tẩm” theo nghề thương nghiệp sau chuyển làm phóng viên ảnh. Thắng “vịt” lạch bạch từ trẻ như vịt bầu chạy cạn. Lân “đen” làm đến Phó Giám đốc Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC về hưu ở một mình căn hộ bên Ecopark. Cái tên Lân “đen” vì nước da nhưng có lẽ đã đeo vào số phận anh. Sơn “gầy” có biệt danh bọ gậy theo quân ngũ suốt đời với hàm Thượng tá. Quang “kha” vì mắt bị bệnh quáng gà, đang hành nghề dạy nhạc. Hùng “trắng” đại tá công an. Đại “Mỵ” vì kèm theo tên vợ làm nghề Bưu chính…
Đội bóng đá lính Hà.
Đội bóng đá lính Hà.
Sẽ là thiếu sót nếu không kể đến những người lính Đại đội 41 ở ngoại thành Hà Nội và ngoại tỉnh. Họ là nông dân, là viên chức, luôn tề tựu bên nhau mỗi khi có dịp lễ trọng. Lại nhớ dạo vừa hết chiến tranh, riêng Đại đội 41 đủ lập được một đội bóng đá chân giày thi đấu nghiêng ngửa với dân địa phương có cả cầu thủ chuyên nghiệp chế độ cũ. Đá đến mức đối thủ phải khen, kỳ cục mấy ông lính ở rừng miết sao đá hay dữ dằn vậy. Phải bảo chúng tôi là lính Hà Nội đá bóng từ lúc trẻ con.
Hiếm có một đơn vị cấp đại đội nào trải qua hơn nửa thế kỷ lại vẫn giữ được cái gốc cũ bền lâu để thi thoảng cánh lính tụ tập hành quân trở về với tuổi trẻ của mình. Nhưng lớn hơn cả là cái tên 41 như tạc hẳn vào đời mỗi một người lính đại đội. Với riêng tôi, một người cầm bút, luôn hãnh diện đầy hạnh phúc vì còn có một địa chỉ đời người để vĩnh viễn buồn vui cùng bạn bè đồng đội, để còn được viết những dòng tri ân đến năm tháng chiến trận của một thời trai trẻ và để tin rằng mình xứng đáng là một người lính đại đội trong ngôi nhà 41.