“Tấm trần kính” là hình ảnh ẩn dụ mô tả một rào cản vô hình, không chính thức, cản trở sự thăng tiến của phụ nữ lên những vị trí hàng đầu trong một công ty hoặc tổ chức.
Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, Báo Nhân Dân đã có buổi phỏng vấn với Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Hilde Solbakken về vai trò của phụ nữ tham chính.
Đại sứ Hilde Solbakken cho rằng dù là nam giới hay phụ nữ, mọi người ai cũng có tài năng, sở thích và kinh nghiệm riêng. Nhưng trải nghiệm cũng có thể được định hình bởi giới tính, nhất là khi vai trò giới còn mang tính truyền thống và xã hội còn nhiều định kiến. Khi đó, phụ nữ sẽ tham gia vào quá trình ra quyết định với những trải nghiệm khác với nam giới. Sự tham chính của phụ nữ sẽ giúp những vấn đề của họ không bị lãng quên.
Bài phỏng vấn nằm trong loạt bài “Những người phụ nữ mang thế giới về Việt Nam”, đề cập những điều phụ nữ quốc tế mong mỏi mang tới Việt Nam trong hành trình của mình. Với Đại sứ Hilde Solbakken, bà mong muốn xây dựng mối quan hệ Việt Nam - Na Uy vững mạnh, thực chất, trong đó, thúc đẩy bình đẳng giới là một trong những ưu tiên hàng đầu.
PV: Thưa Đại sứ, công việc một nữ đại sứ liệu có khác biệt gì so với một nam đại sứ không?
Đại sứ Hilde Solbakken: Dù là nam hay nữ thì yêu cầu công việc của chúng tôi giống nhau. Tôi là một Đại sứ, tôi cần đại diện cho đất nước chứ không phải bản thân mình.
Na Uy rất may mắn khi có một thế hệ phụ nữ mạnh mẽ đã dũng cảm mở đường để chúng tôi có thể bình đẳng, ngang hàng với nam giới. Hiện nay, Bộ Ngoại giao Na Uy có số lượng đại sứ nam và nữ như nhau. Chúng tôi đã tiến xa đến mức phụ nữ cũng đảm nhiệm những vị trí uy tín nhất của đất nước. Năm 1945, Na Uy có nữ bộ trưởng đầu tiên đó là Bộ trưởng xã hội. Đến năm 2017, Bộ Ngoại giao Na Uy có nữ bộ trưởng đầu tiên, đến nay chúng tôi đã có 2 nữ bộ trưởng.
Việc mọi người nhìn nhận các nữ đại sứ như thế nào có thể sẽ tùy thuộc vào quốc gia mà chúng tôi đi nhiệm kỳ. Sự khác biệt này tùy thuộc vào vai trò giới, vai trò của phụ nữ ở quốc gia đó.
PV: Vậy ở Việt Nam có gì khác biệt? Đại sứ được đón nhận như thế nào?
Đại sứ Hilde Solbakken: Đôi khi, tôi sẽ được kỳ vọng tham gia nhiều buổi trình diễn thời trang hơn là hội thảo về chính sách an ninh.
Mọi người có thể nghĩ tôi quan tâm nhiều hơn đến những vấn đề được coi là nhẹ nhàng hơn trong ngoại giao, như văn hóa chẳng hạn. Tuy nhiên, nhiệm vụ của tôi là phụ trách mọi lĩnh vực trong quan hệ ngoại giao, cho dù đó là an ninh, xúc tiến kinh doanh hay văn hóa.
Trong quá trình làm việc ở đây, tôi đã được gặp rất nhiều cán bộ ngoại giao và lãnh đạo nữ xuất sắc của Việt Nam. Hy vọng trong tương lai gần họ sẽ được bổ nhiệm vào những vị trí cao hơn.
PV: Vậy trong suốt sự nghiệp của mình, có khi nào Đại sứ gặp bất lợi vì giới tính không?
Đại sứ Hilde Solbakken: Lần đầu đi nhiệm kỳ ở nước ngoài, tôi có cảm giác mình chưa được coi trọng vì tôi là nữ và khi đó còn trẻ. Nhưng điều này dần ít đi.
Việc tôi là phụ nữ không thực sự quan trọng. Tôi làm việc bằng kỹ năng, kinh nghiệm của mình. Những gì tôi có thể mang lại cho xã hội mới là điều thực sự quan trọng.
Ngày 23/12/2020, một ngày trước Giáng sinh, tôi nhận được một cuộc gọi thông báo rằng: Tôi sẽ là Đại sứ Na Uy tiếp theo tại Myanmar. Được công nhận về năng lực và công việc của mình là một động lực to lớn đối với tôi. Tôi muốn tiếp tục sử dụng vị trí của mình để hỗ trợ các nỗ lực nâng cao bình đẳng giới.
PV: Theo Đại sứ, phụ nữ tham chính sẽ giúp mang lại những lợi ích gì?
Đại sứ Hilde Solbakken: Như tôi đã nói ban đầu, dù là nam hay nữ, mỗi chúng ta đều có tài năng, sở thích và kinh nghiệm riêng. Nhưng rõ ràng, có những trải nghiệm sẽ được định hình bởi giới tính. Trong một xã hội mà vai trò giới còn mang tính truyền thống và còn nhiều định kiến, phụ nữ tham chính sẽ có những trải nghiệm khác với nam giới và họ sẽ thể hiện điều đó trong quá trình ra quyết định.
Tôi nghĩ điều này sẽ tạo nên sự khác biệt để thu hút sự chú ý của cộng đồng đến những vấn đề của phụ nữ như: sức khỏe sinh sản, quyền giáo dục của trẻ em gái. Chính sự tham chính của phụ nữ sẽ giúp những vấn đề đó không bị lãng quên.
Thêm một khía cạnh nữa, Na Uy có rất nhiều kinh nghiệm hỗ trợ tiến trình hòa bình trên thế giới. Chúng tôi thấy rằng, để đạt được một nền hòa bình bền vững, sự tham gia của phụ nữ ở mọi cấp độ là điều cực kỳ quan trọng.
Trong nhiều cuộc xung đột, chúng ta thấy phụ nữ và trẻ em thường là nạn nhân. Phụ nữ tham chính là tiền đề để đảm bảo rằng tiếng nói của họ được lắng nghe.
PV: Nữ chính khách nào mà Đại sứ yêu thích nhất?
Đại sứ Hilde Solbakken: Vì tôi đến từ Na Uy nên hiển nhiên lựa chọn của tôi sẽ là Gro Harlem Brundtland. Bà trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của Na Uy năm 1981 và làm Thủ tướng trong 3 nhiệm kỳ. Năm 1986 (trong nhiệm kỳ thứ hai), bà đã bổ nhiệm 8/18 bộ trưởng trong nội các đều là nữ. Sự kiện này đã thúc đẩy phong trào lãnh đạo nữ ở Na Uy, giúp họ được công chúng đón nhận như những chính trị gia thực thụ.
Với tư cách là Thủ tướng, bà cũng thúc đẩy một số chính sách quan trọng tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia lực lượng lao động nhiều hơn, tăng thời gian nghỉ thai sản cho cả cha và mẹ. Tôi muốn nhấn mạnh các chính sách của Gro Harlem Brundtland nhằm thúc đẩy chế độ nghỉ thai sản của người cha. Nhờ nỗ lực của bà mà cho tới nay chế độ thai sản dành cho các ông bố ngày càng trở nên phổ biến.
Trên chính trường quốc tế, bà được biết đến nhờ Báo cáo Brundtland – bản báo cáo đầu tiên đưa ra khái niệm phát triển bền vững - một khái niệm mà giờ đây chúng ta sử dụng gần như hàng ngày. Sau khi rời chính trường Na Uy, bà đã trở thành Giám đốc và lãnh đạo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từ năm 1998 đến năm 2003.
PV: Vậy ai là nữ chính trị gia Việt Nam mà bà yêu thích?
Đại sứ Hilde Solbakken: Việt Nam có rất nhiều nữ chính trị gia và nhà ngoại giao khiến tôi ấn tượng nhưng tôi xin được nhắc tới Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân.
Tháng 11 năm ngoái, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã sang thăm chính thức Na Uy. Tôi có cơ hội tiếp xúc và rất ấn tượng về bà.
Phó Chủ tịch nước Ánh Xuân có kiến thức thực sự sâu sắc về tất cả các vấn đề được trao đổi và thảo luận. Bạn biết đấy, có những người có thể làm chủ không gian ngay khi họ xuất hiện và Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân là một trong số đó.
Trong các buổi làm việc với Thái tử, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội và Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Bình đẳng giới cũng như những doanh nghiệp chủ chốt của Na Uy, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đều để lại những ấn tượng rất tốt cho người tham dự.
PV: Bà có đánh giá như thế nào về sự tham gia của phụ nữ trong hệ thống chính trị ở Na Uy và Việt Nam?
Đại sứ Hilde Solbakken: Ở Na Uy, tuy chưa hoàn hảo nhưng cuộc đấu tranh vì bình đẳng giới đã tiến khá xa. Kể từ khi tôi vào Bộ Ngoại giao năm 1997, chỉ tiêu tuyển dụng cho hai giới đã là 50-50. Tuy nhiên, để phụ nữ được bổ nhiệm vào những vị trí cao nhất, Na Uy cũng mất một khoảng thời gian khá dài.
Trước đó, phong trào nữ quyền đã diễn ra mạnh mẽ trong suốt thập niên 60, nhưng phải đến thập niên 70, Na Uy mới thực sự thay đổi và bắt đầu có những chính sách bảo vệ quyền bình đẳng cho phụ nữ. Cụ thể, Luật Bình đẳng giới được thông qua năm 1978.
Dần dần, nhiều đảng phái chính trị bắt đầu nhấn mạnh đến việc cân bằng giới trong ban lãnh đạo và danh sách ứng viên trong các cuộc bầu cử, vì phụ nữ Na Uy ngày càng nắm giữ những vị trí quan trọng hơn. Hơn nữa, Chính phủ cũng rất chủ động với chính sách yêu cầu các ủy ban của chính phủ, các đoàn đại biểu hay các phái đoàn tham dự hội nghị sự kiện phải đảm bảo ít nhất 40% thành viên đại diện cho mỗi giới.
Một bước tiến rất quan trọng đó là Na Uy yêu cầu các thành viên trong Hội đồng Quản trị của các công ty lớn được niêm yết trên sàn chứng khoản phải bao gồm 40% mỗi giới. Điều này không chỉ đảm bảo sự cân bằng hơn về giới mà còn tác động rất tích cực tới doanh thu của các công ty này!
Ở Việt Nam, phụ nữ chiếm một tỷ lệ rất cao trong các cơ quan chính phủ và hệ thống chính trị… Nhưng, như tôi đã nói, có vẻ như vẫn còn đó “tấm trần kính”. Đây là hình ảnh mang tính ẩn dụ mô tả một rào cản vô hình, không chính thức, cản trở sự thăng tiến của phụ nữ lên những vị trí hàng đầu trong một công ty hoặc tổ chức.
Trên quy mô toàn cầu, chúng ta đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc thúc đẩy sự tiếp cận giáo dục cho trẻ em gái và phụ nữ; sự tham gia của phụ nữ vào lực lượng lao động; trả lương bình đẳng giữa nam và nữ cũng đã có những tiến bộ nhất định. Nhưng tình hình quốc tế hiện tại khiến tôi lo lắng. Một số quyền của phụ nữ vốn đã được ghi nhận trong những hiệp định quốc tế nay lại bị xói mòn, nhất là quyền sức khỏe sinh sản và tình dục.
Là một nhà ngoại giao, tôi thấy việc bảo vệ những thành quả đã đạt được trong các chuẩn mực quốc tế và tiếp tục thúc đẩy chúng có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
PV: Na Uy được biết đến là một trong những quốc gia đi đầu về việc thúc đẩy bình đẳng giới, hỗ trợ phụ nữ tham chính. Những chính sách nào đã khiến Na Uy đạt được điều này, thưa Đại sứ?
Đại sứ Hilde Solbakken: Đã có một khoảng thời gian dài, Na Uy có quan điểm rất mạnh mẽ về việc phụ nữ nên ở nhà và chăm sóc gia đình còn đàn ông nên ra ngoài và làm trụ cột kinh tế.
Tôi nghĩ, một phần của sự thay đổi đến từ việc: Xã hội nhận ra nền kinh tế Na Uy đang phát triển. Na Uy cần phải đưa phụ nữ tham gia lực lượng lao động.
Nhờ phong trào nữ quyền mạnh mẽ những năm 1960 và Luật Bình đẳng giới được thông qua năm 1978, các tổ chức chính trị bắt đầu nhận thức rõ hơn về bình đẳng giới.
Không dừng lại ở đó, Na Uy có rất nhiều chính sách hỗ trợ thúc đẩy bình đẳng giới. Ví dụ như cấp các khoản vay cho sinh viên để giúp phụ nữ có cơ hội học cao hơn. Xây dựng mới các cơ sở trông trẻ với giá cả phải chăng, tăng thời gian nghỉ thai sản được trả lương cho cả vợ và chồng để phụ nữ có thể yên tâm làm việc, và để phụ nữ và nam giới đều có thể đảm bảo cân bằng thời gian cho công việc và gia đình…
Theo tôi, chế độ nghỉ thai sản dành cho cha mẹ của Na Uy là một trong những chính sách hào phóng nhất trên thế giới. Bạn có thể chọn hưởng một tỷ lệ lương thấp hơn một chút, đổi lại có thể kéo dài thời gian làm bán thời gian để chăm sóc con cái.
Cá nhân tôi thấy rằng đây thực sự là một chính sách kinh tế nhân văn. Vì khi Chính phủ đưa phụ nữ vào lực lượng lao động, nguồn nhân lực của đất nước được sử dụng tốt hơn so với việc chỉ có nam giới làm việc. Mặt khác, Chính phủ có thể thu thuế nhiều hơn để chi cho chế độ thai sản, nghỉ sinh con và trợ cấp tốt hơn.
Na Uy có một cách tiếp cận rất rõ ràng trong giáo dục: ngay từ mẫu giáo hay tiểu học các em nhỏ đã được dạy rằng con trai và con gái đều có thể làm những việc giống nhau.
Các em có quyền lựa chọn và phát triển theo sở thích và khả năng của mình chứ không phải vì là con trai hay con gái. Chính quan điểm này đã theo tôi suốt cuộc đời, giúp tôi hình thành một bản sắc riêng cho quá trình trưởng thành của mình.
Hiện Việt Nam đang dư khoảng 1,5 triệu bé trai. Vậy trong thời gian tới, số bé trai này sẽ phải làm gì khi muốn tìm bạn đời hay lập gia đình? Kinh tế - xã hội của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?
Vì vậy, tôi mong những chính sách thúc đẩy bình đẳng giới sẽ trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam.
Na Uy cũng phải đi một chặng đường dài để đạt được những thành tựu hiện nay về bình đẳng giới. Hy vọng Việt Nam cũng có thể thực hiện điều này trong tương lai gần.
PV: Đại sứ muốn mang điều gì tới Việt Nam trong hành trình của mình?
Đại sứ Hilde Solbakken: Tôi muốn góp phần xây dựng mối quan hệ giữa Việt Nam và Na Uy vững mạnh hơn. Hai nước có nhiều mối quan tâm chung.
Về cơ bản, cả Na Uy và Việt Nam đều phụ thuộc vào một hệ thống tuân thủ luật pháp quốc tế và hợp tác đa phương. Trước một số thách thức toàn cầu, hai nước thực sự có nhiều cơ hội để hợp tác với nhau như: Chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh sang năng lượng tái tạo, phát triển kinh tế tuần hoàn, và sử dụng bền vững tài nguyên biển.
Thương mại kinh doanh đóng một vai trò quan trọng trong mối quan hệ hợp tác giữa hai nước. Vì thế, tôi sẽ cố gắng hết sức để thúc đẩy hơn nữa hợp tác Na Uy - Việt Nam trong lĩnh vực này nhằm mang lại một số kết quả cụ thể trong việc tăng kim ngạch thương mại giữa hai nước.
Chắc chắn, tôi cũng hy vọng phụ nữ Việt Nam sẽ đảm nhiệm nhiều vị trí lãnh đạo hơn nữa vì họ thực sự xứng đáng.
PV: Xin cảm ơn Đại sứ vì cuộc trò chuyện cởi mở này!